1..Thế giới ‘Những Giọt Mực' của Lê Tất Ðiều(DTL)2.Bão đầu mùa xứ Bắc(RFA)3.TchyA,thơ và ..(NV)

Vào sâu thế giới ‘Những Giọt Mực’ của Lê Tất Ðiều
Nguồn:nguoiviet.com-August 19, 2016


Bìa tác phẩm Những Giọt Mực. (Hình baotreonline.com)

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Vài tháng sau khi công ty cổ phần Phương Nam, Saigon, liên kết với nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ tái bản tập truyện “Những Giọt Mực” của nhà văn Lê Tất Ðiều, vào tháng 6 năm 2013; thì ngày 22 tháng 9 năm 2013, báo Người Lao Ðộng đã có một tin như sau:

“Giải thưởng Sách Hay 2013 (do Viện Nghiên Cứu Phát Triển Giáo Dục IRED tổ chức) đã được công bố vào sáng 22 tháng 9 tại TP HCM. Các tác phẩm được chọn trao giải lần này có đời sống khá lặng lẽ nhưng đủ sức rung động người đọc.

“Ngoài cuốn Chuyện Nghề Của Thủy của đạo diễn Trần Văn Thủy (NXB Hội Nhà Văn) tạo được sự chú ý bằng nhiều buổi tọa đàm, giới thiệu trước đó, “Những Giọt Mực” của nhà văn Lê Tất Ðiều (NXB Văn Hóa-Văn Nghệ, hạng mục sách văn học trong nước), Giã Biệt Hoang Vu (NXB Hội Nhà Văn), Chuyên Ngành Cơ Khí (NXB Trẻ – hạng mục phát hiện mới) đều không được quảng bá đình đám – dù là mới ấn hành hay được tái bản. “Những Giọt Mực” được nhà văn Lê Tất Ðiều viết trước năm 1975, là câu chuyện có ý nghĩa về cuộc đối thoại giữa các tĩnh vật. Ba giọt mực cuối cùng trước giờ phút đông khô lại đã buồn bã vì cho rằng cuộc đời mình chẳng có ý nghĩa. Khi ấy, ông Bàn mới khuyên nhủ: ‘Mỗi thế hệ đều có ít nhất ba giọt nằm dưới đáy, nâng các giọt khác lên cao. Sau đó, những giọt hy sinh khô đi trong lặng lẽ’, để hàng triệu triệu giọt mực khác ghi dấu trên thế gian.

“Chọn những tĩnh vật để gửi gắm nhiều thông điệp cuộc sống, Những Giọt Mực không chỉ là tác phẩm viết cho thiếu nhi mà đến người lớn cũng cần suy ngẫm.

“Từ Mỹ, nhà văn Lê Tất Ðiều đã gửi lời bộc bạch sâu sắc: ‘Hơn 40 năm trước, tôi viết Những Giọt Mực dành cho độc giả thiếu nhi trong thời đại mình, không mơ ước điều gì quá xa xôi hơn. Rồi khi cuốn sách được quan tâm ở thời điểm ấy, tôi đã từng nghĩ giá như tác phẩm được nối dài qua nhiều thế hệ. Ước mơ ấy cũng dần tàn lụi trong những cuộc bể dâu, không thể ngờ hôm nay được Giải thưởng Sách Hay đã làm cho Những Giọt Mực tái sinh.'” (Nđd)

Bộc bạch của họ Lê cho thấy, “Những Giọt Mực” không chỉ là một trong những tác phẩm quan trọng của sự nghiệp sáng tác, mang tính “lịch sử” khi nó là tập truyện đầu tiên của văn học Việt Nam, nhân cách hóa những đồ vật quen thuộc, thông dụng của nếp sống gia đình người Việt mà, nó còn là một thành tựu lớn của trái tim nhà văn dành cho độc giả thiếu nhi, mang tính giáo dục; đồng thời cũng là những nhắc nhở cho tất cả mọi lứa tuổi độc giả về mục đích hay ý nghĩa cuộc sống của một đời (rất ngắn ngủi).

Cụ thể với truyện “Tờ Lịch Ðầu Tháng” có trong “Những Giọt Mực” thì, ngay tự những dòng chữ đầu của truyện, ông đã nhấn mạnh:

“…Ðời sống chúng ta rất ngắn ngủi và rất chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống, đừng bỏ phí một giây nào…”

Nhưng tất cả 11 truyện trong “Những Giọt Mực” không hề là một thứ “Gia Huấn Ca”! Trái lại, chúng rất hấp dẫn, quyến rũ trong tương tác rất nhiều hình ảnh mượt mà, đầy thi tính, như:

“…Nắng đầy cửa sổ, nắng tràn trên sân nhà. Chị Rèm cửa nép mình một bên vẫn hồng lên rực rỡ. Hàng muôn ngàn hạt bụi đuổi nhau tung tăng, sưởi mình trong nắng. Chúng giống hệt những tinh cầu trong vũ trụ của một chú búp bê vô cùng bé nhỏ. Bác Gió, sau một đêm du hành trong không gian mênh mông đem về cho bình minh một chút quà lành lạnh của sương đêm và mùi thơm dịu dàng của cây trái cỏ hoa…”

Hoặc:

“…Chú con Quay chạy ra giữa phòng xoay tít. Cây Ðàn ném ra một trận mưa nốt nhạc. Bông hoa trong bình mở tung tươi hồng như vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng đẹp. Bốn cây nến rực sáng ở các góc phòng. Cụ Sách phanh cái bụng đầy chữ ra, ngâm một bài thơ cổ. Chị Rèm cửa gọi bác Gió tới và thướt tha khiêu vũ trong ánh nến vàng tươi…” (Nđd)

Xen kẽ những đoản văn như thơ là những mạch chảy ấn tượng về sự tương tác, như những mạch máu không thể thiếu vắng của đời sống hợp quần. Bắt đầu từ những bước chân thứ nhất, khởi sự một đời người trong tương quan thiết thân với nhân quần, xã hội. Từ đó, tác giả lưu ý chúng ta về vai trò, sự phân công xã hội cho mỗi cá nhân, hay giá trị nhân sinh của mỗi hiện diện:

“…Buổi trưa tờ lịch biết rõ về ông Bàn, anh Ghế, chú con Quay. Nó cũng biết tại sao cụ Sách được mọi vật kính trọng. Nhất là tờ lịch biết rõ nhiệm vụ của nó: nhắc nhở mọi người, mọi vật biết họ đã bước tới đâu trên con đường thời gian vô tận…” (Nđd)

Và, cách gì thì khi hoàng hôn tới, mỗi cuộc đời rồi cũng phải nói lời chia tay với những cuộc đời còn lại:

“…Mặt trời lặn, bóng tối về. Tờ lịch biết rằng nó chỉ còn đúng có một đêm. Và bắt đầu từ giây phút này, nó cũng không còn là vật cần thiết nữa rồi…”

Ý thức sự ngắn ngủi của kiếp sống hay lòng biết ơn những gì nhân quần, đám đông đã đem cho mình những ngày sống ý nghĩa, Tờ lịch nói:

“…Tôi hiểu rằng, ngoài khung cửa sổ kia, ngày rộng lớn mênh mông, rộng bằng cõi nhân gian muôn màu muôn vẻ mà tôi đã được nghe bác Ô đen, những chú Giầy Dép kể lại một phần. Ngày có những bình minh lạ, những hoàng hôn xa mà tôi chẳng hề biết tới.

“Nhưng ngày của tôi thu nhỏ trong căn phòng này. Tôi thấy ông Bàn, cụ Sách, chú con Quay, tôi sống với chị Bóng bay, anh Ghế…Chính các vị làm thành ngày của tôi… Sinh hoạt, nỗi buồn của quí vị là ngày của tôi…”

“Chỉ còn một đêm nay, tôi mong quí vị tặng cho phần cuối cùng của đời tôi những giây phút rực rỡ.”

Và, chia sẻ hay cảm thông là một trong những biểu tỏ tốt đẹp nhất mà nhân loại có thể dành tặng cho nhau:

“Tất cả các vật trong phòng lặng thinh. Chúng xúc cảm.

“Chú con Quay chạy ra giữa phòng xoay tít. Cây Ðàn ném ra một trận mưa nốt nhạc. Bông hoa trong bình mở tung tươi hồng như vừa tình dậy sau một giấc mộng đẹp. Bốn cây nến rực sáng ở các góc phòng. Cụ Sách phanh cái bụng đầy chữ ra, ngâm một bài thơ cổ. Chị Rèm cửa gọi bác Gió tới và thướt tha khiêu vũ trong ánh nến vàng tươi.

“Tờ lịch hân hoan vừa hát theo tiếng đàn vừa chờ bình minh tới.

“Có những ngày mà mọi vật quanh chúng ta bỗng dưng vui tươi, hớn hở. Hoa đẹp hơn, mặt bàn sạch sẽ hơn, chú con Quay tài tình dễ thương hơn. Tại vì tờ lịch đấy.

“Ðó là tờ lịch biết quí trọng, mến yêu vô cùng một ngày riêng của nó.” (Nđd)

Phải chăng, “một ngày riêng” hay từng giây phút con người sống với đồng loại, bằng tất cả tấm lòng tử tế, nhân ái, khi biết nghĩ tới người khác?

(Kỳ sau tiếp)

…………………………………………………

Bão đầu mùa xứ Bắc
Nguồn: Nhóm phóng viên tường trình từ VN- 2016-08-03


Người dân địa phương với trâu bò chết do lũ lụt tại tỉnh Hà Giang vào ngày 22 tháng 7 năm 2014.
AFP photo

Với người Hà Nội và những thành phố khác, bão bây giờ khác xa với bão ngày trước. Nghĩa là cách đây chừng 10 năm, bão gió giật cấp 12 vào Hà Nội nói riêng và vào miền Bắc nói chung, mối nguy sẽ giáng xuống những người lao động nghèo theo kiểu sụp nhà, tốc mái… Còn trong thời hiện tại, mối nguy của bão gió giật cấp 12 sẽ không chừa một ai, thảm họa treo lơ lửng trên đầu người bởi các công trình xây dựng bị rút ruột, thi công qua loa, cây cối mới trồng cũng là mối hiểm họa. Nhìn chung là có hàng ngàn hiểm họa trong thời đại mới khi có gió bão đi qua thành phố.

Những mối họa rình rập

Một người dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, không muốn nêu tên, chia sẻ:”Mấy cây mỡ vàng tâm bên đường Nguyễn Chí Thanh cũng chết hết rồi, bật gốc, lộ nguyên hình. Do thi công ẩu. Gọi là siêu bão mà đâu là siêu bão gì, cây thì bật gốc, nhà tiền tỷ thì sập, công trình thi công công cộng thì nát tan bươm!”

Theo vị này, trận bão số 1 vừa qua chưa phải là siêu bão khi đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam nhưng đã làm hư hại nhiều thứ và bảy người thiệt mạng. Đáng buồn nhất là hầu như tất cả những thứ mà bão làm thiệt hại đều có tính công cộng, trong đó gồm cây xanh, trụ điện, các trạm chờ xe buýt, những công trình tiền tỉ của nhà nước.

Vị này cho rằng tình trạng cây xanh bị bật gốc, lộ nguyên bọc bằng bao tải và những sợi dây nhựa để giữ bồn đất khiến người ta nghi do công nhân làm ẩu. Nhưng theo kinh nghiệm trồng cây cảnh lâu năm, vị này khẳng định do có sự gian lận từ nhà thầu và cơ quan đại diện nhà nước. Nghĩa là sau khi chặt đi những cây xà cừ, đưa cây mỡ vàng tâm về trồng, bị dân phát giác, lại phải bứng đi để trồng loại cây khác, mức chi phí bị đội lên cao do trước đó người ta đã ăn chia trong cây mỡ vàng tâm. Bài toán về chi phí được đặt ra: Làm sao trồng những cây lớn mà không quá tốn kém, vẫn sống qua được thời hạn bảo hành?

    Do thi công ẩu. Gọi là siêu bão mà đâu là siêu bão gì, cây thì bật gốc, nhà tiền tỷ thì sập, công trình thi công công cộng thì nát tan bươm!
– Một người dân Hà Nội

Với loại cây lớn, nếu trồng đúng qui trình, việc nuôi dưỡng sẽ rất tốn thời gian và tỉ lệ sống sót cũng rất thấp. Chính vì vậy, giải pháp giữ nguyên vỏ bọc bồn cây để cho đất và thuốc nuôi cây ổn định trong bọc, cây sẽ duy trì sự sống trong vòng ba tới năm năm. Sau đó, nếu cây nào mạnh, tự đâm rễ thì tiếp tục sống, cây nào yếu thì chết đi và việc trồng thay thế nằm trong một dự án khác, không còn trong thời gian bảo hành. Chính vì vậy, không phải do công nhân làm dối mà do đã có chỉ định từ các ông chủ và các ông cán bộ, cây vẫn nằm nguyên trong bọc và vỏ bọc cây rất chắc chắn. Điều này chỉ lộ ra khi có một trận bão lớn mà người ta chưa kịp chặt các cành nhánh của cây.

Trận bão số 1 quét qua Hà Nội làm lộ ra rất nhiều gốc cây như vậy là một minh chứng cho sự làm ăn bất minh của cả nhà cầm quyền và chủ các công ty cây xanh. Ngoài ra, tình trạng rút ruột công trình cũng ghê gớm không kém, nhất là các trụ điện.

Một kĩ sư xây dựng tên Khánh, từng nhận thầu các công trình đường ống nước, trụ điện ở Hà Nội và một số thành phố phía Bắc, chia sẻ: “Những công trình bị rút ruột nên yếu. Cái quy hoạch thành phố tạo ra những luồng gió mạnh. 90% là do rút ruột. Cây cối thì trồng còn nguyên gốc, trụ điện thì đỗ ngã do chất lượng kém. Ngoài do rút ruột thì cũng có một phần là do thời gian…90% là do rút ruột và làm ẩu.”

Ông Khánh cho biết thêm là con số có thể lên đến 50% các trụ điện có nguy cơ gãy đổ vì mưa gió. Vì trong quá trình thi công, người ta đã rút ruột không thương tiếc các chân trụ điện. Chuyện rút ruột này diễn ra ở khắp mọi nơi và nguyên nhân duy nhất là do phía nhà nước đã xơi quá nhiều, về đến tay nhà thầu thì còn chừng 60% chi phí, khi đến tay nhà thầu con thì còn chừng 40% chi phí. Và để kiếm lãi, nhà thầu con sẽ cho rút ngắn thời gian thi công song song với giảm thiểu vật liệu xây dựng.

Chuyện này, theo ông Khánh là rất dễ dàng. Qui định chung về thông số kĩ thuật khi chôn trụ điện ở thành phố là hố phải sâu 1,2 mét, mỗi cạnh phải rộng tối thiểu 1,2 mét. Nhưng khi các nhà thầu phụ thi công, họ lén lút cho công nhân gõ bớt bê tông ở chân trụ, sau đó cưa sắt, làm cho trụ ngắn lại. Và hố trụ chỉ cần sâu một nửa độ sâu qui định thì trụ có thể đứng thẳng. Hầu hết các nhà thầu con đều chọn cách này để thi công, kiếm lãi.

Đó là chưa muốn nói đến các trụ điện đã bị rút ruột trong quá trình ký hợp đồng cung cấp trụ. Thay vì phải đúc trụ với mác bê tông 400 hoăc 500, trên giấy mực vẫn ghi mác đó nhưng thực tế chỉ dao đuộng từ 200 đến 250. Chất lượng trụ sẽ kém hẳn. Và thay vì trước đây trụ đứng giữ dây thì nhà thầu lại cho rằng khi dây điện đã văng bên trên, chính dây điện sẽ giữ không cho trụ ngã.

Dân chịu oan

Chị Tín, cư dân quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ:”Nhiều cây đổ, trong số những cây đó thì rõ ràng có cây trồng không đúng quy trình thì mới có chuyện đó. Nhiều khi người đi qua thì sợ bị tai nạn trên đầu. Chắc chắn là do thiên tai, rồi do mạng lưới mình lắp đặt bị lỗi. Ví như khi lắp đặt trang thiết bị thì đã đổi thiết bị khác, thay đổi vật liệu, chất lượng rẻ hơn.”

Chị Tín cho rằng với cái đà càng ngày các công trình công cộng càng bị rút ruột, chất lượng kém dần, trong khi đó thời tiết, khí hậu đang ngày càng xấu đi, chẳng biết bao giờ siêu bão sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Và một khi có thiên tai thì người dân vẫn chịu thiệt thòi nặng nhất. Bởi các công trình như cây xanh, trụ điện, trạm thu phát sóng… đều nằm gần nhà dân, đi qua bên trên nhà dân. Một khi nó gãy đổ thì nhân dân chịu thiệt hại đầu tiên và cũng là người nhận chịu hậu quả cuối cùng.

    Nhiều cây đổ, trong số những cây đó thì rõ ràng có cây trồng không đúng quy trình thì mới có chuyện đó.
– Chị Tín, Hà Nội

Chị Tín cho rằng trong thời đại hiện tại, khi mà nạn tham nhũng, rút ruột đã phát triển đến mức rực rỡ như đang có, bên cạnh đó, các công trình công cộng do Trung Quốc thi công như đường cao tốc, đường cầu vượt, tàu điện… đều kém chất lượng. Đời sống người dân Hà Nội chẳng còn bình yên nữa, khi mà ngoài hàng trăm thứ gánh nặng, người ta phải gánh thêm mối nguy chết người treo lơ lửng trên đầu, chẳng biết giờ nào Thần chết gọi tên.

Và không riêng gì Hà Nội, hầu hết các thành phố trên cả nước đều trong tình trạng này, nghĩa là những công trình nhà nước có hiệu quả rất ít, thậm chí rất kém, nhưng mối nguy hại tiềm ẩn của nó thì miễn bàn. Nó có thể biến thành lưỡi hái Thần chết một khi có thể. Bởi nạn tham nhũng, rút ruột công trình đã quá nặng và tốc độ xây dựng thì nhanh đến mức tàn khốc!

……………………………………………………………….
TchyA, thơ và truyện truyền kỳ
Nguồn:nguoiviet.com- August 10, 2016


Nhà văn-nhà thơ TchyA Ðái Ðức Tuấn (1908-1968). (Hình: Viên Linh cung cấp)

Viên Linh

Nhà văn TchyA Ðái Ðức Tuấn (1908-8.8.1968) người Thanh Hóa, có tác phẩm đầu tay là một tập thơ, nhan đề Ðầy Vơi, xuất bản từ 1940.

Thuộc lớp thanh niên có học thời đầu thế kỷ XX, một lớp bằng hữu với ông có Lãng Nhân, Phùng Tất Ðắc, Ðàm Quang Thiện, Nguyễn Tuân.

Ðỗ tú tài Pháp, làm công chức Nha Học Chánh, ông cũng chỉ làm 10 năm rồi xin nghỉ, trong khi tài hoa, vẽ đẹp, làm thơ hay, càng ngày càng phát triển. Theo hồi ký của nhà văn Lãng Nhân, bạn ông cũng càng ngày càng say mê hương khói phù dung, và thanh sắc nữ giới, nhất là “một ngôi sao trên sông hồ của Hà thành hoa lệ,” tên là Angèle. Bút hiệu xếp chữ mà thành do đó là TchyA: Tuấn chỉ yêu Angèle. Huyền thoại này đã được diễn giải nhiều cách, song cách trên đây của người bạn cùng thời trai trẻ với TchyA là đáng tin nhất.

Tác phẩm của TchyA Ðái Ðức Tuấn ngoài thi phẩm Ðầy Vơi kể trên còn có: Thần Hổ (1937); Kho Vàng Sầm Sơn (1940); Ðồng Tiền Vạn Lịch, Ai Hát Giữa Rừng Khuya (1942). vẫn theo hồi ký của bạn ông, TchyA đi đây đi đó rất nhiều, kề cả Trung Hoa, thời thập niên ’50 ở Sài Gòn cho xuất bản Tình Sơn Nữ (1956), và nhập ngũ làm việc trong ngành Tâm Lý Chiến với cấp bậc đại úy đồng hóa. Trong văn học Việt Nam, những tác phẩm phiêu lưu mạo hiểm truyền kỳ và thần kỳ, có lẽ không ai hơn ông, nhất là với truyện Ai Hát Giữa Rừng Khuya.

Trong văn học sử Việt Nam thời tiền chiến, lãnh vực truyện dã sử truyền kỳ, phiêu lưu mạo hiểm không ai qua mặt được ông. Khi ông khai thác câu chuyện nhà Tây Sơn ra Bắc, chiếm Thăng Long của nhà Lê, chiếm đoạt kho vàng của nhà Lê mang vào Ðàng Trong thì thật là lôi cuốn, và thật là hợp lý, dù đó chỉ là một giả thuyết, đó là chuyện “Kho Vàng Sầm Sơn.” Truyện mở đầu như sau:

“Vào khoảng năm 1934, ở bãi Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa phía Bắc Trung Kỳ, nhà nước có khám phá được một kho vàng chìm đắm dưới đáy bể. Khi tải sản nghiệp lớn ấy lên mặt đất, người ta thấy có mấy trăm thoi vừa vàng vừa bạc, hình chữ nhất dài độ non gang, trên thoi nào cũng có khắc chữ ‘Ðức.’ Lại thấy rất nhiều tiền Cảnh Hưng và các thứ tiền Tầu, từ đời Vạn Lịch (Minh Thần Tôn) cho đến đời Càn Long (Thanh Cao Tôn).

“Thiên hạ nhao nhao bàn tán về gốc tích kho vàng ấy nhưng không ai biết rõ nguồn rễ nó từ đâu. Có kẻ bảo đó là vàng của hai anh em vua Thái Ðức nhà Tây Sơn lấy ở các kho trong thành Thăng Long rồi cho tải đi, [bị chìm] trong khi kéo quân ở Bắc Hà về Nam. Vẫn biết rằng “Nguyễn Nhạc lúc ở Thăng long về, có sai người lấy hết cả kho tàng nhà Lê đem đi; nhưng đoàn quân của Nhạc và Huệ lúc ấy có mấy vạn hùng binh, có voi ngựa xe pháo, tất họ phải chuyển về bằng đường bộ, bên mình họ cho chắc chắn; có lẽ nào lại dùng thuyền đi đường bể để đến nỗi bị đắm ở Sầm Sơn?

“Xét trong lịch sử, khối vàng bạc kia ắt phải thuộc về đời Lê-mạt. Nếu trong thời Lê quí, sản nghiệp đó không phải của hai anh em Tây Sơn thì chỉ còn là của Hữu Quân Ðô Ðốc Nguyễn Hữu Chỉnh… Chỉnh bị Nguyễn Nhạc theo lời gièm pha của rể là Võ Văn Nhậm, bỏ một mình ở lại Bắc Hà, nên ngày hôm sau sợ quá, cho cả của cải lên thuyền, chạy theo về Nghệ. Chỉnh là người có mưu trí, không bao giờ đem vàng bạc ở bên người phần sợ thuyền nặng khó đi nhanh, phần sợ bị cướp hại đến tính mạng. Thế tất Chỉnh phải giao tài sản cho con trông coi hộ, mình thì cưỡi thuyền nhẹ theo Nhạc về cho mau.

“Cứ xem như thế, kho vàng kia tất là của Nguyễn Hữu Chỉnh. Dựa vào lời phỏng đoán có nhiều phần đúng sự thực ấy, tôi viết bộ truyện ly kỳ này, một là để tưởng nhớ lại một thời oanh liệt đã qua, hai là để hiến các bạn một thể truyện lịch sử mới.

“Câu chuyện này hoàn toàn là một truyện dã sử, nhưng nó có liên lạc rất mật thiết với chính sử nước nhà. Có lắm đoạn, tôi phải chép gần đúng văn của ông Trần Trọng Kim, nhà làm sử cương trực và uyên bác đã soạn ra bộ ‘Việt Nam Sử Lược.’

“Những vật liệu tôi góp nhặt để xây đắp câu chuyện ‘kho vàng’ này, nó không đúng hẳn với các việc chép trong chính sử đâu: song le, dù nó đúng hay không đúng tôi cũng không quản ngại: tôi chỉ muốn dựa vào lịch sử để tạo ra một tiểu thuyết, có phải muốn dùng tiểu thuyết ấy để làm sống một thời lịch sử đâu?

“Các bạn đọc truyện này, hãy nên lượng cho tôi chỗ đó. Cái cốt truyện hay, giãi bằng một thể văn không tẻ, đó là sở nguyện của tôi. Nếu bạn cho là tôi đã đạt được mục đích ấy, tôi tự lấy làm sung sướng lắm rồi. Một nhà văn còn đâu dám tự phụ mình cùng là một sử gia uyên bác?

“TchyA Ðái Ðức Tuấn.”

Với biện giải như trên, tác giả đã hoàn tất một tác phẩm dã sử truyền kỳ giá trị, còn tồn tại tới ngày nay.

Về thơ, nhạc điệu trong thơ TchyA là chủ yếu, du dương trầm bổng. Xin đọc hai bài ông làm cách đây khoảng ba phần tư thế kỷ, chúng ta sẽ nghiệm thấy người xưa làm thơ như thế nào.

Thoát tục
(Tặng hương hồn phụ thân)

Thân đã phôi pha đầu gió ngược
Tài còn trôi nổi mặt trào xuôi
Bút toan rạch nát giang sơn cũ
Mò đáy tang thươngtrọn cảm hoài.

Tuổi xanh hăm sáu xuân rồi;
Ðầu xanh chọi mãi với thời đảo điên!
Ðòi phen tỉnh giấc cô miên,
Ðã toan rũ sạch trần duyên lỡ làng!

Thân thế mang oan sầu, tủi nhục;
Tài hoa trơ lại tập văn chương.
Ðã già nông nỗi cùng cơ hội,
Mà vẫn bồng tang với đoạn trường!

Sông liều nghịch với sầu, thương;
Thuyền cô, đẫm bóng tà dương nhẹ chèo…
Sương tàn lả ngọn ba tiêu,
Lòng trần thoảng sạch, bể chiều nhấp nhô.
Hỏi đường, lên cõi Hư Vô…
(1933)

Chuyến tầu

Tôi chị cùng nhau một chuyến tầu
Một trời mù mịt. một ngàn lau.
Ai đưa mắt biếc trông non nước
Tớ ngả đầu xanh ngắm bể dâu.

Cùng góp phong trào đôi chiếc bóng
Mà riêng công cuộc một hồn thâu.
Ðường xa hỡi khách ai chung hội?
Xin hãy vui cười với bóng câu.

1937

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics