1.Thơ Du Tử Lê-2.Mandalay-trang Kinh Phật giáo Miến Điện(TN Thắng/NV)3.Nước sông Seine dâng cao ..(NV)

mai, lắng nghe: – chim vẫn gọi tên người.
Nguồn: dutule.com- Sáng tác mới – 05/15/2016 11:13 AM
Tác giả : Du Tử Lê

Tranh DTL

và, đpp.

mưa thả tôi ngược chiều quay trái đất

về môi người: chiếc lá. thuở lên năm?

cây hỏi đất? tôi hỏi tôi khuyết tật?

khi điều gì như thể sắp chia tan?

hương chờ gió / tôi chờ nương tóc suối /

nắng đi xa cho nụ ngực về gần.

vai vẫn nhớ vết răng thời bé dại

sông ở cùng tôi nhé:

– phút lâm chung?

thân thể vốn bốn phần năm chứa nước

người trong tôi vốn chiếm cả năm phần.

hạnh phúc đó, chỉ như lời nói muộn!.!

sự thật tôi mòn mỏi đã trăm năm.

không ai biết / buổi chiều tôi ướt, sũng /

tiếng chim kêu tìm mẹ trước đêm về.

người cũng thế! đâu biết rằng tôi đã,

gọi hồn tôi tán lạc tận khuya nào?!?

chân hối hả / xấn sâu rừng địa ngục /

ngọn thiên đàng đã lở, sụp sau lưng.

tôi sống lại / từ môi người dĩ vãng /

rạn hồi chuông tân khổ xớt ngang thân.

tôi nằm đợi hết chiều quay trái đất.

mai, lắng nghe:

– chim vẫn gọi tên người.

Du Tử Lê,

(Garden Grove, May 2016)

…………………………………………………………

DU TỬ LÊ – Một bài thơ cũ .-1983

Di Chúc Của Một Chia Tan

Du Tử Lê
05/30/2016 05:43 PM (Xem: 18086)

này, yêu dấu, em nhớ gì không nhỉ
những mùi cây cỏ mục rã bên đường
đêm thơm ngát với chùm hoa dạ lý
nụ hôn nào đã ướp lá hương sen?

này, yêu dấu, những mùa trăng quê cũ
những đêm nồng, chăn gối có hơi nhau
những mơ mòng nói nhỏ với… mai sau
những không thể… nói riêng cùng cây cỏ

ta thất chí đứng bên này bờ biển
ngóng chút tình còn sót lại bên kia
hồn tan vỡ từng miểng chai phụ rẫy
cắm lên tường kỷ niệm đã bong khô

đời trôi dạt còn chút tình cố quốc
chết đem theo cho bớt tủi linh hồn
em cũng thế, có vì cơm với áo
mai chia tay cố giữ lại cho mình

mai chia tay cố giữ lại chút tình
chút rực rỡ của dòng sông quê cũ
chút kiêu hãnh của một người thiếu nữ
chút êm đềm của những sáng trong…thơ
chút mơ màng của những tối mưa, xưa
chút đau khổ…vu vơ thời mới lớn
chút ngây dại của tình yêu mới chớm
những con đường xanh mát lá me non
những bâng khuâng sánh bước với…u buồn
đến lớp học và ngồi chung một…góc
những e ấp ngủ chung cùng mộng đẹp
những gọi thầm xấu hổ với…môi thơm
những rộn ràng giấu nhẹm dưới…chăn đơn
những tha thiết hiện thân thành cuống quýt

em cố giữ chút hồn con gái Việt
mai chia tay, ta gửi nốt cho người
mai chia tay, ta bước xuống cuộc đời
với tan nát từ đây: ngày… tháng… ấy.

Du Tử Lê

1983

…………………………………………………………………………………..

Mandalay – trang Kinh Phật Giáo Miến Điện
Nguồn:nguoiviet.com- Friday, May 20, 2016 6:10:06 PM

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Không hiểu sao cứ mỗi lần đến với thành phố Mandalay của Myanmar (Miến Điện), trong tôi như có một điều gì nhè nhẹ luẩn quẩn chạy quanh đâu đó trong tâm tư mình mà không sao cảm nhận rõ ràng được về điểm ưu tư này.

Uin

Umin Thonse Pagoda Sagaing Hill tại Mandalay. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Cho đến một ngày, chợt nghe vi vu trong tiềm thức lời bài nhạc “Pháp Thân” trong tuyển tập “Đạo Ca” do Phạm Duy phổ nhạc thơ Phạm Thiên Thư, lời thơ như một dòng suối mát giúp tôi bừng tỉnh, cuốn trôi hết đi những câu hỏi, những ưu tư về thành phố Mandalay.

“Xưa em là chữ biếc
Nằm giữa lòng cuốn kinh…”

Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Miến Điện ra đời vào thế kỷ 19 (năm 1857) với Mandalay Hill là ngọn đồi cao nhất thành phố. Theo truyền thuyết Miến Điện, người ta tin rằng Đức Phật đã có lần đặt chân đến ngọn đồi thiêng này.

Có thể vì vậy, một vị vua Miến Điện vào giữa thế kỷ 19 muốn xây dựng một kinh thành mới ngay dưới chân ngọn đồi Mandalay Hill để kỷ niệm 2,400 năm đạo Phật hiện diện trên thế gian. Đó là vua Mindon Min, người mang tham vọng biến khu vực này thành một “kinh đô Phật Giáo của Burma.”

Vì thế, Mandalay bỗng dưng trở thành vừa là kinh đô vương triều Burma, vừa là một trung tâm văn hóa Phật Giáo lớn nhất của Miến Điện trong thế kỷ 19-20.

Những ai đã có dịp viếng thăm Miến Điện đều nhận thấy rằng đây là xứ sở của Phật Giáo Tiểu Thừa hết sức phong phú và được xem như là quốc giáo. Đâu đâu người ta cũng thấy các bảo tháp Phật Giáo được xây cất khắp mọi nơi, trên những ngọn đồi nhỏ, trên các đỉnh núi cao, ở các vùng sông hồ và biển. Có lẽ người dân Miến Điện tin vào công đức cúng dường tam bảo mỗi khi họ hoàn thành được một ngôi bảo tháp trong kiếp sống hiện tại.

Mindon Min lên ngôi vua lúc ông đã 45 tuổi, ông trị vì Miến Điện trong suốt 25 năm từ năm 1858 đến 1883. Ông là một nhà vua có đời sống hoàng gia rất sung túc, ông có đến bốn hoàng hậu và bốn mươi chín thứ-phi (?). Về con cái, ông có bốn mươi hoàng tử và hơn sáu mươi công chúa. Nhưng đặc biệt, vua Mindon rất tôn sùng đạo Phật.

Ông là người có công rất lớn khi biến thành phố Mandalay thành “một trang kinh” khổng lồ trong cuốn kinh điển Phật Giáo Miến Điện vĩ đại. Nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Phạm Thiên Thư đã ví mỗi một ngôn từ trong trang kinh Phật như là một “chữ biếc” hiện hữu giữa trang kinh. “Xưa em là chữ biếc. Nằm giữa lòng cuốn kinh,” chỉ có mười ngôn từ mà câu thơ trên tạo thành một thiền ngôn hết sức linh hoạt trong đời sống Phật Giáo thế gian.

Trang kinh khắc trên bia đá trong Kuthodaw Pagoda. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Cũng giống như tất cả những thành phố khác trong xứ Miến, trong mọi ngõ ngách thành phố Mandalay đâu đâu cũng là chùa, là pagoda, là bảo tháp. Nhưng nổi bật nhất là ở Madalay Hill và Sagaing Hill, đây là hai ngọn đồi rất đẹp với vô số những bảo tháp tường trắng, đỉnh tháp vàng nhọn in trên nền rừng xanh lá với ánh nắng chói chan của mùa hè hoặc màu mây trắng xám của mùa mưa.

Chung quanh thành phố, các di tích lịch sử như các bảo tháp Kuthodaw và Mahamuni Pagoda, tu viện Golden Palace Monastery, hay cung điện Mandalay Palace cộng thêm những con phố điêu khắc tượng Phật đã biến Mandalay thành “một trang kinh khổng lồ” trong cuốn sách kinh điển của Phật Giáo Miến Điện. Các di tích này như là những “chữ biếc” tuyệt vời nằm giữa “trang kinh thơm Mandalay.”

Mỗi một di tích vừa là một nghệ thuật kiến trúc, vừa là một di tích văn hóa lịch sử Phật Giáo được vua Mindon đích thân sáng tác chăm lo. Có đến Mandalay dừng chân thưởng ngoạn di tích Kuthodaw Pagoda, người lữ khách mới thấy được nét đẹp “chữ biếc giữa trang kinh Mandalay” thấm đậm dần vào tâm tư sâu lắng của mình. Thi sĩ Phạm Thiên Thư xưa kia có bao giờ giảng nghĩa về “chữ biếc” trong thơ khi ông viết:

“Xưa em là chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh.
Anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng”

Tôi chỉ cảm nhận được nét đẹp ý thơ ý nhạc, nhưng chịu thua không biết làm sao diễn đạt được sự cảm nhận về ý nghĩa “chữ biếc” cho người lữ khách đang mở tâm thưởng ngoạn.

Xin nói chuyện đôi chút với bạn về Kuthodaw Pagoda ở chân đồi Mandalay Hill! Đây là một ngôi chùa bảo tháp Phật Giáo được vua Mindon Min cho xây dựng cùng một lúc với thành phố Mandalay năm 1857.

Bảo tháp Kuthodaw cao 57m và dưới chân bảo tháp có 729 bia đá vây quanh, mỗi bia đá được đục khắc các trang kinh của bộ kinh Phật Giáo Tiểu Thừa. Một mặt bia được khắc bằng ngôn ngữ Miến Điện, một mặt khác của bia được khắc bằng chữ Phạn. Đây là những “thạch bia kinh/ kinh điển khắc trên bia đá” lớn nhất thế giới.

Bộ kinh này có tất cả 729 trang kinh, nghĩa là có 729 bia kinh được dựng lên và mỗi bia kinh đều được đặt trong một “đình nhỏ” che chở nhằm bảo tồn với khí hậu mưa nắng của thế gian. Đình nhỏ này có bốn cửa ra vào bốn bên để bất cứ ai cũng có thể ra vào đọc những dòng kinh khắc viết trên bia đá. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã cho làm các song cửa sắt, giảm bớt sự ra vào của tín đồ.

Thâm ý của vua Mindon Min muốn kéo dài thời gian hiện hữu của kinh điển Phật Giáo Miến Điện cho hậu thế. Cũng có thể nhà vua không muốn tạo lòng tham cho những người phương Bắc (Trung Hoa) thường hay đến đánh chiếm hay phá hủy đi kinh điển Phật giáo của xứ sở ông như đã từng xảy ra trong lịch sử.

Sự mộ đạo của nhà vua đã khiến ông tạo ra một số công trình cho Phật giáo Miến Điện vào giữa thế kỷ 19. Công trình “Thạch Bia Kinh” to lớn này phải mất đến tám năm mới hoàn thành và đã làm kinh ngạc mọi người. Năm 1993, UNESCO đã chọn Kuthodaw Pagoda là một di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ.

Kuthodaw Pagoda với 729 đình, chứa 729 bia đá khắc kinh tại Mandalay. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Năm 1871, vua Mindon Min là người đã tổ chức triệu tập hội nghị Phật Giáo Tiểu Thừa Miến Điện lần thứ năm tại Mandalay. Cũng trong năm này, nhà vua còn “cúng dường Phật pháp” bằng cách cho trùng tu lại Đại Kim Tháp (Shwedagon Pagoda) tại Yangon thành một bảo tháp mới, có mạ vàng và nạm thêm đá quý kim cương trên đỉnh và Đại Kim Tháp này cao gần 105m.

Nhà vua mất năm 1878, thọ 70 tuổi. Ông là một nhà vua vào cuối thế kỷ 19 và được người dân Miến Điện kính trọng. Người con lên kế vị là vua Thibaw. Tuy nhiên, vua Thibaw là một vị vua tầm thường đã để đế quốc Anh thôn tính Miến Điện vào năm 1885. Chế độ vương triều Miến Điện cáo chung từ đó.

Trong tác phẩm “Con Đường Mây Trắng” do nhà văn Nguyễn Tường Bách biên dịch của tác giả Anagarika Govinda có một chương nói về sự tái sinh
 “U Khanti: Nhà tiên tri trên núi Mandalay,” câu chuyện nói về một nhân vật ẩn tu tạm gọi là (Mr.) U Khanti. Sau khi đế quốc Anh chiếm đóng Miến Điện, khu vực Mandalay Hill bị bỏ hoang phế, không còn con người lui tới vì giặc giã cướp bóc đầy dẫy nơi đây.

Nhưng, bỗng một ngày người ta thấy có một người lạ mặt không ngại sự hiểm nguy cướp bóc, ông đã đến ẩn tu tại đây và bỏ hết công lao tâm sức trùng tu lại công trình Kuthodaw Pagoda của vua Mindon Min lúc đó đã bị hư hại xuống cấp trầm trọng. Người ẩn tu U Khanti đã thành công trong việc bảo tồn kho tàng “729 trang bia đá kinh” của Kuthodaw Pagoda.

Người ta cho rằng ông chính là “người tái sinh” của vua Mindon Min, nhà vua trở lại thế gian để hoàn tất công trình mà kiếp trước ông vẫn chưa hoàn tất. Câu chuyện quả thực hết sức linh động trong đời sống tâm thức dành cho những ai tin vào kiếp sống luân hồi.

Những người như nhà ẩn tu U Khanti, không biết còn được bao nhiêu người ở thế kỷ 21 này. Viếng thăm các ngôi đền chùa ở Miến Điện nói chung, nhìn các Phật tử thành tâm tụng kinh lễ Phật trong sự trang nghiêm làm tôi chợt nhớ đến một thánh địa Phật Giáo bên xứ Ấn.

Con phố chuyên đục khắc các tượng Phật tại Mandalay. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Tôi đến Bodgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) nhiều lần, những tưởng được chiêm bái một địa linh trang nghiêm nơi Đức Phật thành đạo. Nhưng không hẳn như vậy, những lần đến chiêm bái vùng đất xưa kia Thánh Địa, tôi có dịp chứng kiến nhiều cảnh “biến đổi sao dời” và thêu dệt thêm các câu chuyện quanh cây Bồ đề nơi Đức Phật giác ngộ.

Một lý do chính để “biến đổi sao dời” mọi sự vật là vì người ta chỉ nhắm vào mục đích thương mại hóa nơi chốn tôn nghiêm để lôi cuốn du khách chiêm bái lẫn du khách hành hương. Chưa kể đến “sự thành tâm tụng kinh” của các phái đoàn tín đồ hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới làm biến đổi không gian nơi đây, mất đi vẻ trang nghiêm tôn kính cần có ở nơi thánh địa.

Có lẽ người ta tụng kinh âm thanh nhỏ quá sợ Đức Phật không nghe được nên nhiều đoàn hành hương phải dùng thêm sự trợ giúp của microphone và loa cho tiếng tụng kinh thật to, thật vang vọng biến không gian Bodgaya thành một “không gian vô cùng sầm uất” nơi phố thị. Nếu có ai muốn học ngoại ngữ thế giới thì có lẽ Bodgaya là “một trường ngoại ngữ tổng hợp” rất giỏi vì người ta có thể học nhiều ngôn ngữ trong cùng một thời gian.

Đọc những lời kinh Phật dạy về “tướng” và “vô tướng,” “ngã” và “vô ngã,” “pháp” và “vô pháp,” “thường” và “vô thường,” “chấp” và “vô chấp,” “trụ” và “vô trụ,” nhưng hình như Đức Phật quên hay ít nói về chữ “biến” nên thế gian càng ngày càng phát triển mạnh về con đường biến tướng, biến ngã, biến pháp, biến chấp, biến trụ.

Đến chân núi Phú Sĩ tôi học được ba mươi ba “biến tướng” của Quan Thế Âm Bồ Tát, nhưng biến tướng của ngài nhằm dựa vào những hoàn cảnh thực tế để cứu vớt cưu mang khổ hạnh giúp cho chúng sinh.

Tôi đến Đại Túc-Phong Đô bên Trung Hoa, đến Phật Quang Tự ở Cao Hùng Đài Loan nhìn tận mắt những “quang cảnh địa ngục” do con người tạo dựng ra nhằm răn dạy cho chúng sinh thấy được “hình phạt địa ngục chín tầng” dành cho những yêu tinh thích “biến tướng” thành những “giả tướng” danh lợi, sói mòn đi ý nghĩa đích thực của tôn giáo. Nhìn hoạt cảnh “địa ngục chín tầng” không biết có làm yêu tinh nao núng bớt đi chút nào hay không?

Thế giới ngày nay có chăng chỉ còn Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà ẩn tu, chân tu mới thực hành được chữ “vô” hết sức nhẹ nhàng hoạt dụng của các bậc giác ngộ! Các ngài “không trụ” vào bất cứ hình tướng vô thường nào ở thế gian này. Thế mới biết làm nhà ẩn tu như U Khanti không phải là dễ.

Ngoài “chữ biếc Kuthodaw Pagoda,” Mandalay còn có “các chữ biếc” khác như Golden Palace Monastery (Shwenandaw Monastery) với những nét kiến trúc Miến Điện chạm trổ các câu chuyện thần thoại Phật Giáo trên gỗ teak tuyệt đẹp. Nguyên thủy, đây là cung điện nơi vua Mindon Min sống những ngày cuối đời của ông. Tuy nhiên, vua Thibaw đã cho xây lại tu viện này để tưởng niệm vua cha.

Mandalay Mahamuni Pagoda, thánh tích Phật Giáo thứ hai Miến Điện tại Mandalay. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Mahamuni Pagoda là một thánh tích thứ hai (trong ba thánh tích) của Phật Giáo Miến Điện, ngôi chùa được xây dựng từ năm 1784 với một tượng Tọa Phật (Phật ngồi) bằng đồng dát vàng cao gần 4m. Những lớp vàng được dát trên khắp tượng Phật (chỉ trừ khuôn mặt Phật) đã khiến tượng Phật biến dạng dày hẳn lên. Mỗi ngày rất nhiều Phật tử đến đây lễ bái đọc kinh khấn nguyện. Tổng Thống Thein Sen cũng như rất nhiều quan chức cao cấp Miến Điện cũng hay đến viếng thăm chùa Mahamuni lễ Phật. Đức tin hiện hữu trong tâm thức tất cả các chúng sinh, không phân biệt một ai.

Tôi hình dung thành phố Mandalay như là một trang kinh thơm của Phật Giáo Myanmar. Giữa lòng thành phố đó, các di tích Phật Giáo Miến như là những “chữ biếc” nằm giữa lòng trang kinh. Thành phố này đang dần dần “thay đổi lớp da cũ,” thành phố sạch sẽ hơn, đường sá tốt hơn.

Chưa kể đến, cách Mandalay Hill cũng không xa lắm, ngọn đồi Sagaing Hill với những đỉnh tháp vàng rực rỡ bên triền đồi xanh tươi cũng là một trang kinh khác của cuốn sách Phật Giáo Myanmar. Đẹp thay “chữ biếc” trong cuốn “Kinh thơm!”

“Xưa ta hẹn với nhau, tìm nhau giữa vô thường
Anh hóa thân làm mực, thấm vào cuốn kinh thơm”

—————————————————————————————————————-

ATNT Tours luôn có hướng dẫn viên Việt Nam kinh nghiệm, nói tiếng Việt hướng dẫn đoàn

Escorted Tour 2016: Xin vào trang nhà www.ATNTtravel.com để biết thêm chi tiết
Các Tours Châu Á như Miến Điện – Thái Lan – Lào – Indonesia…
Các Tours USA & Canada
Các Tours Việt Nam

Các tours: Nam Mỹ, Úc – Tân Tây Lan – Fiji, Cuba, Turkey – Greece, Nam Phi

Website: www.atnttravel.com

……………………………………………………………………………………………………………….

Nước sông Seine dâng cao, bảo tàng Louvre hối hả đối phó
Nguồn:nguoiviet.com- Friday, June 3, 2016 4:53:16 PM

PARIS, Pháp (AP) – Mực nước sông Seine tiếp tục dâng cao hôm Thứ Sáu, tràn bờ và lấn vào các con đường chung quanh, trong khi các giới chức tại bảo tàng viện Louvre hối hả có biện pháp bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật vô giá nơi này để khỏi bị nước ngập làm hư hại.

Nước dâng tại một bến sông Seine, Paris, 3 Tháng Sáu. (Hình: Thierry Chesnot/Getty Images)

Sông Seine, hiện đang có mực nước cao nhất từ gần 35 năm nay, theo giới hữu trách, dự trù sẽ lên đến đỉnh trong ngày Thứ Sáu.

Sau gần một tuần lễ mưa xối xả dẫn đến tình trạng lụt lội trầm trọng trong nhiều khu vực lớn ở Âu Châu, có ít nhất 14 người thiệt mạng và nhiều người khác mất tích. Tuy mưa có tạnh bớt ở một số vùng, nước lụt vẫn tràn lên ở nhiều con sông. Giao thông ở thủ đô Paris cũng bị ảnh hưởng vì lụt khiến nhiều con đường bị đóng và một số trạm xe điện cũng phải tạm ngưng hoạt động.

Trong khi bức tranh nổi tiếng nhất ở Louvre là “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci được coi là an toàn vì được treo ở tầng cao, giới hữu trách cho biết khoảng 250,000 tác phẩm nghệ thuật đang ở trong các nơi bị nước lụt đe dọa, phần lớn ở khu tầng hầm.

Bảo tàng viện Orsay, ở bờ bên trái của sông Seine, cũng phải đóng cửa hôm Thứ Sáu để chuẩn bị đối phó với lụt.

Ở các nơi khác tại Âu Châu, giới hữu trách đang kiểm kê thiệt hại do lũ lụt gây ra trong các khu phố đầy bùn đất và các căn nhà ngập nước.

Giới chức Đức nói rằng đã tìm thấy thi thể một người đàn ông 65 tuổi ở thị trấn Simbach am Inn, nâng tổng số người thiệt mạng ở quốc gia này trong trận lụt là 10 người. Bộ Nội Vụ Pháp cho biết có một người đàn ông 74 tuổi té ngựa và chết chìm trên con sông ở Seine-et- Marne, nằm về phía Đông Paris, cái chết thứ nhì ở Pháp. (V.Giang)

……………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics