1.Thơ Kiêm Thêm,con đường ..(DTL/NV)2.Văn Cao,một phiến tài tình giữa cô đơn(QG/NV)-3.Bán hàng trăm cuốn sách cũ ủng hộ TPB(NV)

Thơ Kiêm Thêm, con đường dẫn qua thiên đàng/địa ngục?
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, December 05, 2014

Du Tử Lê

Kiem Them

Nhà thơ Trần Kiêm Thêm

Tôi không biết thi-ca có phải là điểm dừng như chọn lựa sau cùng của nhà thơ Trần Kiêm Thêm – Người một đời trôi, lăn theo sinh hoạt nhiều mặt của xã hội và văn chương? Chỉ biết trong tay tôi, hiện có ba thi phẩm được Trần cho ấn hành chỉ trong vòng 2 năm (từ 2010 tới 2011). Ðó là các thi phẩm có tựa đề “Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills,” “Thơ gửi lại” và,”Bái biệt Huế.”

Nhà thơ Kiêm Thêm

Tự những ngày rất sớm ở miền Nam, những người quen biết Trần, hẳn chưa quên ông là người luôn có mặt trong nhiều lãnh vực: Từ thi ca tới báo chí, biên khảo, tiểu luận, chuyên ngành…Ở địa hạt nào, ông cũng cho mọi người thấy, ông rất nhanh nhậy với những biến chuyển có tính cách thời cuộc. Có người đã gọi ông là kẻ có khả năng “bắt mạch thời cuộc” nhặm lẹ hơn bất cứ một người nào khác.

Nằm trong số những người Việt di tản đầu tiên, tới Hoa Kỳ, chọn định cư tại quận hạt Los Angeles County, từ giữa thập niên 1975s tới hôm nay, Trần cũng là người đầu tiên viết những tập sách mỏng, như những “cẩm nang” cần thiết cho người tỵ nạn nắm vững mọi vấn đề xã hội, quyền lợi, bổn phận, v.v…

Khi ngân sách liên bang cũng như tiểu bang dành những ngân khoản lớn cho việc huấn nghệ người tỵ nạn, Trần cũng là người có ngay, cung cấp rất sớm những “cẩm nang” hướng dẫn người tỵ nạn trong việc chọn lựa một nghề chuyên môn, hầu thích ứng với cuộc đổi đời. Hơn thế, ông còn “đứng lớp” giảng dạy một số nghề chuyên môn cho các học viên tỵ nạn Việt nữa.

Những năm tháng này, thi ca là tảng băng trôi lần vào góc khuất. Thảng hoặc, Trần có đôi bài thơ mới thì, chúng cũng chỉ như một thứ điểm trang thoảng, nhẹ cho căn gốc nhà thơ của ông mà thôi.

Nhưng, dù ở giai đoạn thi ca có thể tạm thời “biến mất” trong sinh hoạt đời thường của Trần, thì tình yêu dành cho Huế nơi ông, vẫn là ngọn lửa chưa một lần ngúm tắt.

Với tôi, Huế là tình yêu đầu đời và, cũng là tận kiếp của Trần Kiêm Thêm. Huế cho Trần một tình yêu bất hoại. Và, Huế đã cho Trần những rung động thuần kiết, bền chặt nhất, trước mọi biến động gập ghềnh, gió bão nhân gian. Ngay cả những khoảng lặng dài lâu là thời gian Trần không đoái hoài tới thi ca thì, Huế vẫn là ngọn lửa tinh ròng, cháy trong huyết quản ông. Tựa Huế không chỉ là một tình yêu mà, Huế còn chính là hơi thở, nhịp đập của trái tim đứa con xứ Thần Kinh này.

Trong một bài viết đã lâu của cố thi sĩ Nguyên Sa, được Trần Kiêm Thêm chọn đăng lại ở phần “Bạt” thi phẩm “Bái biệt Huế,” tác giả “Paris có gì lạ không em” viết:

“…Người đọc sẽ tự hỏi cái phong thái nghiễm nhiên, thái độ rộng lượng bao la, cái nhìn soi thấu đời như có như không, như hữu thể mà cũng vẫn hư vô, không mà có ở trước mặt, là nhân sinh quan của thi sĩ, là triết học Phật giáo, là triết lý của Huế hay của thơ? Cái tâm hồn đầy ắp nỗi niềm dân tộc, cơn đam mê nồng nàn đầy thể xác mà rất đỗi tinh thần đó là thơ, là Huế, là Kiêm Thêm hay là Việt Nam? Kiêm Thêm là ‘gã lưu dân’ hay là ‘Tôi phượng hoàng bay’ là ‘hạt bụi của trời’ hay là ‘những nhánh sông chia biệt’ là ‘vô thường,’ là ‘ấn kiếm xin trả lại cho đời’ hay chính là những cơn mơ của ‘thời hạnh phúc,’ là đôi mắt buồn đứng ‘dưới mái tam quan.’

“Thơ Kiêm Thêm là tất cả những thứ đó. Bởi vì chính Kiêm Thêm là tất cả những thứ đó. Là trí tưởng phượng hoàng bay. Là Huế trong những tế bào ký ức thẳm sâu đó. Thơ Kiêm Thêm có triết lý Huế, rung động Huế, tình yêu Huế. Ðam mê Huế. Thơ đó có cả cuộc đời lẫn vô thường, tình yêu và tuyệt vọng, hân hoan và thống khổ. Có Việt Nam. Có kiếp người? Huế nào không Việt Nam? Người nào không tình tự? Ðam mê nào không đớn đau? Hữu thể nào không vô thường? Và hư vô nào không là khởi nguồn của một sinh động mới?…” (“Bái biệt Huế,” trang 128)

Câu hỏi tự nhiều chục năm trước của cố thi sĩ Nguyên Sa: “…hư vô nào không là khởi nguồn của một sinh động mới?” – Hôm nay lại dội, đập trong tôi những cảm thức ngậm ngùi, mới mẻ – Xuyên qua ba thi phẩm của Trần, như đã nói.

Tôi không nghĩ, đó là ba thi phẩm cuối cùng của một đời thơ Trần Kiêm Thêm! Nhưng, với tôi, cả ba thi phẩm này tuồng có chung một tâm cảnh! Cái tâm cảnh của con chim cuối đời hót, tiếng thảm!

Với tôi, cả ba thi phẩm đã kể, tựa nhật ký đời thường (hay di-chúc-buồn?). Trần muốn để lại cho Ðoàn Thị Thanh Vân, người bạn đời tấm cám, chia sẻ với ông những hân hoan và bất hạnh. Người cùng ông leo tới đỉnh ngọn thương yêu hoặc bước xuống lầm tham vực thẳm.

Cả ba thi phẩm đã kể, vẫn với tôi, tựa nhật ký đời thường (hay di-chúc-buồn?) gửi lại cho Trần Kiêm Uyên Thanh, cho con trai Kiên, Thuận Kiêm Trần. Và, luôn cả hai cháu Tyler và Dylan…

Tôi không biết có phải “con chim cuối đời (thường) hót, tiếng thảm”? Nhưng xin được nói ngay rằng, tôi đã xúc động khi đọc:

Khi trở lại nhớ hái giùm anh cành sen ở Echo Park
Nỗi ám ảnh của thời ấy
Và những ngày đầu ở Los Angeles

Thương nhớ biết bao mùa hạ cũ
Anh đến bao miền trên những tầng mây
Chứng tỏ hiệu năng của chàng trai Huế
Còn em thì dựa vào vai anh và ngủ ngon cùng với giấc mơ
Anh dắt em về Huế của anh
(…)
Sao em chưa về một lần thăm Huế
Bây giờ thì muộn màng rồi

Vậy mà tôi đã bỏ Huế gần năm mươi năm
Hương sen vẫn ngọt trong cổ họng
Em hái trộm giùm tôi chút lá sen
Che nắng cùng mưa mỗi khi đi trên trái đất
(Trích tập “Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills,” trang 7 & 8)

Hoặc:
Anh dành một phần đời
Truy niệm tuổi mình, nghĩ tới nghĩa tào khang
Em và con đã cho anh hạnh phúc
Với những đứa cháu

Anh hỏi em có ai hạnh phúc như anh không
Mong được sống một đời bình thường
Anh đã được em vun trồng

Mong được sống một ngày bình yên
Mãi mãi
(Trích tập “Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills,” trang 11)

Hoặc:
mùa lụt này tôi không về nữa
đã cuốn trôi với dòng nước xanh
và cơn lũ của đời
tôi ở bên này biển
đợi ai
cánh đồng, nay vẫn còn trong trí nhớ
(Trích tập “Thơ gửi lại,” trang 38)

Hoặc:
mặt đất bao la
sao tôi buồn quá thế
trên ngọn đồi đất đá cằn khô
tôi già hơn địa cầu
buồn như mặt trăng
lòng thổn thức
khi tôi đi qua đó
mùa này em ở đâu
có nhớ tôi không
lết bò về phía mặt trời
kịp thấy một tia sáng
(dẫu muộn màng)
tôi mang về tặng em
quà chia biệt
(Trích tập “Thơ gửi lại,” trang 42 & 43)

Tôi vẫn nghĩ, dù có hơn nửa thế kỷ chinh-chiến-dạn-dầy-với-thi-ca, nhưng thơ Trần Kiêm Thêm trước, sau vẫn chỉ như những lời nói thường ngày. Ông không chủ trương làm văn chương. Dường ông cũng không mấy quan tâm tới niêm luật, vần điệu, ngay cả những bài thơ năm, bảy, tám chữ hay, lục bát. Vậy mà chúng vẫn thừa lực làm nao lòng người đọc.

Tôi cho chính tính chân thiết, mộc, tới chao chát của người làm thơ, như viết nhật ký đời thường (hay di-chúc-buồn?) của Trần Kiêm Thêm là điểm son đáng kể nhất của cuộc trường chinh chữ, nghĩa Trần Kiêm Thêm.

Trong thơ của Trần, hợp/tan, mất/còn, tử/sinh… vốn chỉ là một. Duy nhất. Nó như giải lụa hay, con đường xuyên suốt, băng qua cùng lúc, thiên đàng và địa ngục?

Vì thế, tôi hy vọng, thơ Trần Kiêm Thêm không chỉ gửi lại cho Huế, cho Ðoàn Thị Thanh Vân, cho con, cháu mà, thơ của Trần có thể có khả năng thẩm thấu những đời sau, những người sẽ nối tiếp Trần, đi trên lộ trình nhân gian ngắn ngủi này.

Du Tử Lê

(25 tháng 11, 2014)

………………………………………………………………………………….

Văn Cao, một phiến tài tình giữa cô đơn
Nguồn:nguoiviet.com-Wednesday, December 03, 2014

Quỳnh Giao

Chúng ta đã dành 15 chương trình để nghe dòng thơ nhạc réo rắt của suối nguồn tân nhạc đã liên tục chảy trong tâm hồn người Việt từ 60 năm qua. Hôm nay, Quỳnh Giao xin được giới thiệu năm nhạc sĩ đã để lại cho chúng ta nhiều tuyệt tác và những tình khúc hay nhất của quê hương.

Trong số rất đông đảo các nghệ sĩ đã cống hiến cuộc đời và tác phẩm cho tân nhạc, việc chọn lựa này dĩ nhiên là không dễ dàng và khó tránh khỏi chủ quan. Quỳnh Giao tuyển chọn căn cứ trên cảm quan của một người yêu nhạc và đã trình bày các ca khúc tân nhạc từ mấy thập niên.

Cả năm nghệ sĩ được lần lượt giới thiệu sau đây đều có số lượng sáng tác lớn lao, thuộc nhiều thể loại, nhưng đều giống nhau ở hai điểm. Thứ nhất là họ có những tình khúc trác tuyệt; và thứ hai, các tác phẩm này đã chinh phục giới thưởng ngoạn và ảnh hưởng tới cách thẩm âm của chúng ta, trong ý nghĩa là sau họ, chúng ta không viết và nghe như trước nữa.

Quỳnh Giao xin giới thiệu Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Phạm Ðình Chương, Trịnh Công Sơn và Phạm Duy.

***

Nếu sinh vào thời khác, hoặc ở một xứ khác, có lẽ Văn Cao đã là một nghệ sĩ lớn của nhân loại. Nhưng, ông đã không là Văn Cao của Việt Nam.

Nỗi thiệt thòi của ông cũng là một may mắn lớn cho chúng ta, và hôm nay, ta nhớ tới ông với lòng tri ân và nỗi ái ngại cho một phiến tài tình đã sống một đời cô đơn, với nghệ thuật chưa được đi tới tuyệt đỉnh đáng lẽ phải tới của ông…

Văn Cao sinh năm 1923, tại bến Bính bên dòng sông Cấm và từ thiếu thời đi học tại Hải Phòng đã là người có nhiều năng khiếu nghệ thuật. Sau này, Văn Cao vẽ tranh, làm thơ, viết văn, vẽ phông, dựng kịch, và soạn nhạc, bộ môn nào ông cũng có nét tài hoa. Sinh sau Phạm Duy nhưng đi trước vào tân nhạc, Văn Cao đã sớm thổi vào nhạc thanh niên hướng đạo đầu thập niên 40 cả chất thơ lẫn hào khí lịch sử, cho nên đã mở ra một kích thước mới cho loại này, và báo trước các tác phẩm lớn về thể tài yêu nước như Thăng Long Hành Khúc, Gò Ðống Ða, Chiến Sĩ Việt Nam, Bắc Sơn, và bản Trường Ca Sông Lô bất hủ.

Nhưng, cùng với nhạc hùng, Văn Cao đã viết Trào Lòng, Thu Cô Liêu, Buồn Tàn Thu và Cung Ðàn Xưa, các tình khúc lãng mạn sẽ báo hiệu Suối Mơ, Bến Xuân và Thiên Thai cùng Trương Chi, là bốn tác phẩm trác tuyệt của tình ca Việt Nam…

***

Văn Cao là người đa tài, ăn nói có duyên và cư xử mã thượng, nhưng lại không ồn ào bộc lộ. Ông sống nhiều vì nội tâm và có lẽ gửi gấm bao nhiêu gió bão của cuộc đời vào nhạc, cho nên ngay trong truyện ca xuất phát từ điển cố Trung Hoa như Thiên Thai, hay Việt Nam như Trương Chi, ta cũng ngờ là ông tâm sự về tự truyện của mình. Tự truyện đó có thể là nỗi cô đơn của người nghệ sĩ tài hoa.

“Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta” là như thế chăng?…

Dù chưa là tác phẩm lớn của Văn Cao về nhạc thuật, bài Buồn Tàn Thu đã được yêu thích từ khi xuất hiện nhờ lời ca đã thần diệu kết hợp hai cảm xúc lay động hồn người khi đó, là tâm tư lãng mạn với điều mới mẻ và lòng hoài niệm nét cổ phong của một thời đang mất. Trong tiềm thức dân ta thì hình ảnh ủ ê của “chinh phụ đan áo nhớ người đi ngoài sương gió” đã được tác giả khơi dậy với lời ca đầy ước lệ trên cung thứ, trải dài từ đầu đến cuối tác phẩm. Xin quý thính giả nghe lại Buồn Tàn Thu, qua tiếng hát Ánh Tuyết.

Cung Ðàn Xưa là tác phẩm chuyển tiếp đưa Văn Cao từ không khí cổ phong đến các tác phẩm lớn về sau, với bốn phân đoạn công phu trong một bài ngắn viết theo nhịp 3/4 rộn ràng về một mùa Xuân ảm đạm như lúc tàn Thu. Có lẽ nhịp điệu lôi cuốn với lời từ ai oán mà diễm lệ Ðường thi đã minh họa từ trước cái nỗi hận thiên thu của Trương Chi. Chúng ta hãy nghe Cung Ðàn Xưa qua tiếng hát Thái Hiền, ái nữ của Phạm Duy…

Với một tên khác là Bài Thơ Bên Suối, ca khúc Suối Mơ là bài thơ hay nhất mà Văn Cao đã viết bằng nhạc cho một con suối vào Thu.

Ban đầu, ca khúc này được Quỳnh Giao chọn làm nhạc hiệu cho chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc của chúng ta vì ý thơ thanh thoát, lời ca man mác không u uất, và vì nét nhạc mở đầu với cung thứ lãng đãng buồn, để dạt dào với cung trưởng trong sáng hơn. Xin quý thính giả hãy cùng lắng nghe Suối Mơ qua tiếng hát Mai Hương…

Bến Xuân là bản tình ca đẹp nhất và ấm áp chứ không lạnh buốt nỗi đau như các tình khúc khác của Văn Cao. Lời tiếc nuối e ấp bay lượn trên nét nhạc u hoài trang nhã và tứ thơ lung linh màu sắc như một bức họa ấn tượng đã khiến Bến Xuân là nơi hội ngộ kỳ diệu của thơ, họa và nhạc trong một khúc tình ca. Tác phẩm là đỉnh cao của tân nhạc thời lãng mạn duy nhiên, và cả trăm năm nữa vẫn làm ngất ngây lòng người. Lời hai của tác phẩm có lẽ đã do Phạm Duy viết, trước khi Bến Xuân thành nơi chắp cánh cho Ðàn Chim Việt bay vào thời chinh chiến. Quỳnh Giao xin trang trọng trình bày Bến Xuân với hòa âm công phu của Duy Cường, con trai Phạm Duy.

Ðã tự ngàn xưa, con người ta mơ ước đi vào cõi tiên. Nhờ Văn Cao giấc mơ đó đã thành một tác phẩm lớn của tân nhạc…

Thiên Thai là một bản trường ca nhỏ, được viết như nhạc cảnh với các đoạn chuyển cung lẫn chuyển ý thần tình, để vẽ lên tám bức tranh hư ảo của câu truyện cổ. Nhưng, trong tranh Văn Cao có nhạc và trong nhạc có vũ, trong khúc Nghê Thường đã có phím tơ lưu luyến lúc biệt ly, và trong điệu sáo Thiên Thai mơ hồ đã có lời ca ngư phủ của Trương Chi.

“Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian, ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần…”

Trong tột đỉnh cuồng mê của tự truyện, người nghệ sĩ tài hoa đã thổ lộ cho ta cái cõi huyền diệu đó của giao cảm tiên tục, cho nên Thiên Thai quả là tác phẩm lãng mạn nhất trong khí hậu cổ phong mà ông dựng lại thật tài tình. Chúng ta sẽ thưởng thức lại Thiên Thai qua tiếng hát Lê Dung…

Trương Chi có thể là tâm sự của mọi người, khi gặp bẽ bàng sau phút hoài mong vì mối chân tình lại không được đền đáp. Ở Văn Cao, tâm sự đó có hay không thì là suy đoán về sau, và với ngàn sau hoặc với chính ông, thì điều đó thực không quan trọng.

Với ngàn sau, điều quan trọng là ông đã để lại cho đời và cho cả nhân vật Trương Chi trong truyện tích nước ta một chân dung tuyệt đẹp được viết bằng nhạc, được thêu bằng lời thơ gấm vóc. Y như Thiên Thai, đây là nhạc cảnh với hai đoạn chuyển cung phân biệt tâm sự Trương Chi với nỗi niềm Văn Cao, và với nhiều đoạn chuyển ý nhờ ca từ diễm tuyệt.

Nếu giờ đây ta không còn biết Kiều gảy đàn với tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa là thế nào, thì tại đoạn chuyển cung thứ hai của Trương Chi, Văn Cao đã dùng thang âm ngũ cung cho mưa rơi trên cung đàn bên song cửa Mỵ Nương trầm vút với tiếng gió, nghe như tiếng lòng nức nở… làm bao tiếng cầm ca rung ánh sao mờ.

Bản tình ca bất hủ này khiến từ đó người ta sẽ không thể viết về Trương Chi như đã viết, và từ đó giấc mộng chàng Trương sẽ sống mãi trong tâm khảm của dân ta. Chúng ta hãy nhớ tới ông khi nghe lại Trương Chi, qua tiếng hát Sĩ Phú…

Kính thưa quý vị,

Khi đã nhìn lại những tác phẩm của Văn Cao đã viết cho tân nhạc, trong một thời gian vỏn vẹn có một thập niên, là những tác phẩm trác tuyệt trong từng thể loại, làm sao chúng ta không tiếc cho một bậc tài hoa đã sớm ngừng bay lượn với âm nhạc?

Hình ảnh cô đơn của Văn Cao “vẫn ngồi riêng ta” như trong lời ca có lẽ đã là một định mệnh. Trong nỗi cô đơn nhuốm vẻ cao ngạo đó, ông làm sao khác hơn là giữ im lặng? Văn Cao đã có cuộc sống cơ cực Ðỗ Phủ… mà để lại những khúc thơ phiêu hốt Lý Bạch, rồi như vầng trăng kia, ông sáng trong tịch mịch cuối đời.

Người ta còn có thể buồn mãi về hoàn cảnh đất nước và tâm cảnh riêng ông, khiến sau các ca khúc đã gây xúc động cho cả chiến trường lẫn tình trường, ông lặng lẽ ra khỏi thế giới âm nhạc, dù sống giữa chúng ta cho tới năm ông 72. Người ta có thể tiếc mãi những ca khúc không bao giờ có vì chưa bao giờ viết của ông, và càng nuối tiếc lại càng trân quý các tình khúc Văn Cao…

Và lại càng xót xa cho “cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…” như lời ca của ông.

***

Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt quý vị, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam sẽ nói về Dương Thiệu Tước…

……………………………………………….

Bán hàng trăm cuốn sách cũ ủng hộ thương phế binh VNCH
Nguồn:nguoiviet.com-Tuesday, December 02, 2014

ban sach

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, cư dân Little Saigon

Kalynh Ngô/Người Việt

WESTMINSTER, CA (NV) – Người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn dừng chiếc trailer trước cửa cửa tòa soạn nhật báo Người Việt. Chị cẩn trọng khiêng từng thùng giấy ra khỏi xe rồi mang vào tòa soạn. Trong đó, gần 500 cuốn sách, có những cuốn được xuất bản từ thập niên 1980, và mỗi cuốn chỉ một ấn bản duy nhất.

Số sách này được mang đến để tặng cho ngày Hội Chợ Sách 2014 và mong rằng số tiền bán được sẽ dành gửi hết cho Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH.

Ban sach 2

Chị Ngọc Lan, người phụ nữ giữ gần 500 quyển sách cũ. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Chị là Nguyễn Thị Ngọc Lan, người phụ nữ đam mê đọc sách, là nữ sinh của trường Dòng Saint Paul Đà Nẵng trước năm 1974.

Thời gian ở tu viện chị chỉ biết đến những bài học phổ thông và đọc kinh,“Tôi ở trong tu viện, mà tu viện thì cấm đọc sách. Sách Tự lực văn đoàn cũng không cho đọc. Sau ngày mất nước, sách để đọc càng hiếm hoi, nhất là ở Huế.”

Chính vì vậy, khi tỵ nạn đến Mỹ năm 1980, chị vô thư viện để đọc sách từ năm này qua năm khác.

“Tôi như người đi ra ngoài được nhìn thấy một thế giới hoàn toàn mới lạ. Một thế giới tự do đầy sách. Tôi gần như đọc hết sách trong thư viện,” chị bộc bạch về những ngày đầu đến Mỹ.

“Sau đó tôi đi làm. Một tuần lãnh lương thì cứ mỗi Thứ Sáu tôi lại đi mua sách. Trung bình bốn đến năm cuốn sách một tuần.”

Tính đến bây giờ, tài sản chị có cũng gần 500 cuốn sách. Có thể nói là một thư viện thu nhỏ. Nhìn những cuốn sách bạc màu được lấy ra từ thùng giấy, chúng tôi nhận ra có tên của những tác giả nay đã thành người thiên cổ như nhà văn Mai Thảo, nhà văn Hồ Dzếnh, Nguyễn Tường Bách…

Những cuốn sách rất giá trị như Trước Đèn của Lãng Nhân, Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường, tập truyện Một Đêm Thứ Bảy của Mai Thảo… đều hiện diện trong ‘tài sản’ của chị mang đến cho tòa soạn.

ban sach 3

Những cuốn sách cũ dùng để gây quỹ cho Hội H.O Cứu trợ TPB và QP-VNCH. (Hình: Kalynh/Người Việt)

“Mỗi một cuốn sách ở đây tôi đọc ít nhất hai lần. Tôi nghĩ mình thấy nó hay thì có lẽ người ta cũng sẽ thấy hay. Vì nó hay thật mà,” một suy nghĩ chân thật như chính chất giọng Huế của chị.

* Những cuốn sách nghĩa tình

Lý do chị Lan mang gia tài mấy trăm cuốn sách tặng cho Hội Chợ Sách 2014 tổ chức ở nhật báo Người Việt ngày 6 và 7 Tháng Mười Hai cũng rất đậm đà tình và nghĩa.

Chuyện là, sau “mùa hè đỏ lửa,” năm 72, 73, chị mất hai người anh. Hai người còn lại trở thành thương phế binh. Biến cố đó làm “hằn lên trong lòng tôi một vết thương.”

“Sau năm 75, tôi hay đi rong chơi với hai người anh thương phế binh và bạn bè của anh. Họ cũng là thương phế binh. Nhưng họ đều có việc làm. Người không có chân thì người có tay dìu dắt. Đồng tiền kiếm được họ chia sẻ cho nhau. Khi thì đủ tiền mua 5 ly cà phê cho 5 người. Khi thì đủ mua được vài xị rượu để họ nhâm nhi đờn ca, hát hò. Họ là thương phế binh mất đôi chân nhưng đàn rất hay.”

Những người anh, người bạn thương phế binh của chị Lan kiếm sống bằng đủ nghề: bán vé số, bán bánh chưng bánh ú , bơm vá sửa xe đạp.

“Có người sắm được một cái cân thì mang ra chợ. Ai lên cân thì trả tiền,” chị nhớ lại

Bản thân của chị Lan, trước khi vượt biên tìm tự do, chị tự nghĩ ra cách mưu sinh, cũng là cách giúp cho những người anh em thương phế binh này công việc làm.

“Trong căn phòng nhỏ, tôi và mười mấy anh em thương phế binh ngồi chen chút, quây quần lại làm áo mưa. Tôi nghĩ ra cách lấy cây sắt, bẻ cong, nhúng vào lửa rồi cà những tấm ny lông lại để làm thành áo mặc đi mưa. Mùa mưa thì kiếm sống. Mùa hè thì thất nghiệp.”

Khi hỏi chị giờ đây cuộc sống những người ấy ra sao? Chị cho biết từ khi người anh của mình mất thì chị cũng mất dần liên lạc với những người còn lại.

“Bây giờ tôi không biết họ ở phương trời nào, còn hay mất. Nhưng tôi luôn nghĩ về những người thương phế binh còn ở quê nhà. Có bao nhiêu tiền cho họ cũng không đủ với những mất mát của họ. Mà cái cho của con người ta thì có giới hạn. Tôi cũng có cái giới hạn,” chị bộc bạch bằng giọng Huế thật nhẹ.

Đúng vậy. Có những mất mát không bao giờ bù đắp được. Cũng như có những cái xin và cho sẽ là vô giá nếu người xin và người cho có cùng một mục đích.

Đó chính là cái cách mà chị Ngọc Lan đang dành cho những người anh em, bạn bè thương phế binh quen và không quen của mình.

“Nếu mình kêu gọi xin quyên tiền để cho họ thì tôi nghĩ sẽ khó lắm. Nhưng nếu mình xin sách cũ rồi bán lại cho người chưa đọc thì tôi nghĩ sẽ nhiều người ủng hộ lắm.”

“Vết thương, nỗi đau của người Việt mình nhiều quá. Nó dàn trải ở khắp nơi. Cho nên, mỗi một người chúng ta ở trong hoàn cảnh nào thì sẽ thấu hiểu rõ nhất niềm đau trong hoàn cảnh đó,” chị bày tỏ nỗi lòng của mình, cũng như mất mát chung của dân tộc.

Hội Chợ Sách 2014 từ một sân chơi dành cho những người yêu sách vô tình trở thành một cầu nối tình nghĩa. Tình nghĩa đó được dành hết cho những thương phế binh và quả phụ VNCH. Không những thế, người phụ nữ này còn mong rằng đây sẽ là tiền đề cho những chương trình quyên góp và bán sách cũ trong tương lai.

Hơn 300 cuốn sách cũ, mỗi cuốn chỉ có một ấn bản duy nhất sẽ được bán trong ngày Hội Chợ Sách:
Thứ Bảy 6.12.2014
Tòa soạn Nhật báo Người Việt
14771 Moran Street, Westminster, CA 92693
Chủ Nhật 7.12.2014
Tòa soạn Nhật Báo Việt Báo
14841 Moran Street, Westminster, CA 92683

………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics