1.Nhà thơ Nguyễn Đình Nguyên,..-Kỳ 1 & 2 (DTL) 2. Thơ Du Tử Lê(dtl trang nhà)

 

Thơ Nguyễn Đình Nguyên, những sợi thừng siết cổ tác giả(DTL) Du Tử Lê/Người Việt – December 22, 201
Nguồn:nguoiviet.com

nhà thơ Nguyễn Đình Nguyên. (Hình: Facebook Nguyễn Đình Nguyên)

Tôi muốn gọi thơ Nguyễn Đình Nguyên là những vết thương không khép miệng. Hay, những sợi thừng siết cổ tác giả, trước nhất.

Viết nhạc ngay khi mới 13 tuổi và thành công rất sớm với mảng những bài hát dành cho thiếu nhi, như ca khúc “Mẹ Ơi Tại Sao” trên kênh YouTube Việt Nam, với số lượng truy cập hiện nay, đã vượt ngưỡng 100 triệu lượt truy cập, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên còn là một nhà thơ với những bài thơ điếng lòng viết cho đất nước, dân tộc của mình – như một mặt khác của tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng.

Như bài thơ dài 17 đoạn, có tựa đề “Lời Oán Cạn Của Muối,” khi được phổ biến, những người mẫn cảm, đã không cầm được nước mắt, lúc tâm hồn họ chỉ mới chạm vào vài đoạn khởi đầu của bài thơ này – mặc dù đó là những “intro” tựa hạnh phúc của tình cha con, với phần ngữ cảnh đạt được tới mức cao nhất của của một bài thơ dài, như một dòng chảy miên mang, nhiều đời, kiếp người:

“Cha ôi…/ Con biết cha buồn lắm/ Đôi bàn tay cào chai sạn của cha đâu dành lau nước mắt/ Tháng ngày cuồng quay với tấm lưới cây sào mà giờ cha lây bẩy run run/ Tay vốc cá nuôi con khôn lớn nay sao không nhấc nổi chén cơm chiều/ Hơn hai đời dòng họ ta bám biển/ Có khi nào biển lạ lẫm với cha?/ Chiếc tàu của nhà ta cha vẽ lên hai con mắt/ ngày bé hồn nhiên con hỏi có phải mắt để tàu khóc không cha?/ Có phải mắt tàu giúp cha nhìn khi dong trong đêm tối?/ Cha ôm con ôn tồn rồi cười khằng khặc/ Đôi mày nhíu sợi trắng sợi đen/ “Tổ cha mày… Tàu không mắt sao cha về được hả bây!/ Tàu không mắt lạc mất cha bây chẳng thấy sót à…?”

Bài “Lời Oán Cạn Của Muối” của Đình Nguyên cho tôi với nhiều ngạc nhiên về sự hiểu biết biển và, nghề đi biển của tác giả… Cho tới khi tình cờ được đọc bài của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhân danh tổ chức Duyên Dáng Việt Nam, phỏng vấn Nguyễn Đình Nguyên, đăng trên báo Một Thế Giới ngày 7 Tháng Mười, 2016.

Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết Nguyễn Đình Nguyên được sinh ra và lớn lên tại thành phố Vũng Tàu. Mãi tới năm hơn hai mươi tuổi, ông mới rời thành phố biển lên Sài Gòn, theo học và tốt nghiệp cử nhân kinh tế, cùng lúc cử nhân luật. Cũng thời gian này, Nguyễn Đình Nguyên tham gia khóa học sáng tác ca khúc ở nhạc viện. Sau khi trở thành hội viên Hội Âm Nhạc ở Sài Gòn, ông dành nhiều thời gian cho lãnh vực âm nhạc và từng giữ vai trò thư ký tòa soạn tạp chí Sóng Nhạc của Hội Âm Nhạc thời đó.

Tôi nói, tôi bị bất ngờ, nhiều ngạc nhiên vì khi đất nước chìm sâu trong thảm họa bị kẻ thù… truyền kiếp xâm lấn biển đảo, thẳng tay sát hại sinh mạng, tài sản của ngư dân Việt ngay trong lãnh hải Việt Nam thì, ở lãnh vực thi ca, chúng ta cũng có rất nhiều những bài thơ viết về bi kịch nhục nhã này… Nhưng đa phần là những bài thơ chỉ nói lên sự phẫn uất, lên án kẻ thù, mà không chạm đụng thực sự tới biển, tới những người đi biển, như “Lời Oán Cạn Của Muối” của Nguyễn Đình Nguyên.

Thi ca nói riêng, văn chương nói chung nếu chỉ chạm tới lớp bì phu, tức da bộc ngoài thịt, xương, thì chúng vẫn còn khoác tấm áo… ước lệ, gần với phạm trù tuyên truyền, hơn là những rung động chữ, nghĩa thật:

“Nhưng cha ôi con biết…/ Ra khơi là sự sống, còn trở về là từ Đấng linh thiêng/ Nên mặc nhiên cồn cào và chờ đợi…/ Tàu của cha về là hạnh phúc mới nguyên…/ …Con thấy ngời trong mắt mẹ là tình yêu dành cho cha đỏ thắm/ Đỏ thắm cánh buồm dong chạm ráng hoàng hôn/ Chiếc thuyền thúng úp ngược mẹ ngồi ngóng cha về từ biển/ Trọn vẹn tự khởi đầu và kết thúc vòng tròn một tình yêu…/ Con chạy loanh quanh tìm con sò, con ốc/ Tay cầm mảnh lưới rách nhỏ như cái nón của cha/ Chiếc nón đội trên tuổi thơ con ngày ngày quen thuộc/ Con giăng tay cao rồi thả cái nhìn bay bay qua mắt lưới/ Phía xa khơi thuyền cha là một chấm nhỏ màu đen/ Thuyền nhô lên thấp xuống như nốt ruồi trên môi mẹ khi mẹ nói, cười…”

Cũng xuyên qua cuộc nói chuyện thân mật giữa nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh và Nguyễn Đình Nguyên, tôi được biết một trong những kỷ niệm đáng nhớ của Nguyễn Đình Nguyên với nhạc sĩ “đàn anh gạo cội” Trịnh Công Sơn (từng là thư ký tòa soạn tạp chí âm nhạc trước họ Nguyễn), khi thỉnh thoảng họ gặp nhau vào những buổi tối ở hội quán “Những Người Bạn” trên đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1. Đó là chuyện nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh lòng chú ý tới cô gái tên Kim Liên (tên thường gọi là Thu Hồng). Mà, Thu Hồng lại ở cùng một nhà trọ với Nguyễn Đình Nguyên trên đường Trần Huy Liệu, quận 3. Nhân một mùa Tết Trung Thu, Trịnh Công Sơn đã gửi nhiều quà và bánh Trung Thu cho Hồng.

“Nguyễn Đình Nguyên kể:…Nàng lấy quà đó tặng lại cho tôi kèm theo nụ hôn và ‘Quà Trung thu cho anh sinh viên nghèo nè… Em yêu anh!’”

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh không kể chuyện “anh sinh viên nghèo” kia có sáng tác một ca khúc nào cho cô Thu Hồng hay không (?) nhưng tôi tin trong số trên 30 tình khúc mà Nguyễn Đình Nguyên còn lưu giữ được như những bài “Yêu Em Hà Nội” (Hồng Nhung); “Romance Đêm” (Đoan Trang); “Như Giấc Mơ Đầu” (Quang Dũng); “Xe Thời Gian,” “Chiều Thu” (Quách Thành Danh); “Chờ Em Đêm Mùa Đông” (Hứa Vỹ Văn); “Xa Biển” (Ngọc Anh); hay “Bài Blue Cho Em,” “Như Bài Hát Cũ” (do chính họ Nguyễn trình bày)… ít, nhiều có hình bóng của Thu Hồng/ Kim Liên…

Ở lãnh vực tình ca, như nhận định của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh thì Nguyễn Đình Nguyên: “…Không dẫn dụ người nghe bằng các kỹ thuật âm nhạc hiện đại và ca từ sáo rỗng, mà anh đã làm nên các tình khúc rất riêng của mình như tự sự của của những hoài niệm và ước mong…”

Qua ghi nhận của Nguyễn Hữu Hồng Minh, tôi không ngạc nhiên khi Nguyễn Đình Nguyên phát biểu về đặc tính của dòng tân nhạc Việt Nam hiện đại, rằng, giới trẻ Việt Nam hôm nay ưa thích những ca khúc được viết theo theo xu hướng hiện đại, đa phần ảnh hưởng từ các dòng nhạc đậm đặc tính “kỹ thuật” và nhất là chạy theo “thời trang” của các quốc gia Bắc Á như Nam Hàn.

Để bắt kịp nhịp chảy của “thị trường,” nhạc trẻ được đầu tư nhiều vào phần “nhìn” chứ không vào phần “nghe.” Nhưng, theo tác giả “Yêu Em Hà Nội” chúng ta không nên vì thế mà kết án cả một thế hệ sáng tác âm nhạc hiện nay là hời hợt hoặc đánh mất “căn cước” nhạc Việt.

Vì theo Nguyễn Đình Nguyên: “…Đâu đó vẫn có những ca khúc viết về thân phận, con người mà khi nghe, chúng ta cảm được những ‘va chạm’ tới từng góc nhỏ của cuộc sống hàng ngày, như ca khúc ‘Khi Người Lớn Cô Đơn’ của Phạm Hồng Phước chẳng hạn… Tuy vậy, thưởng thức âm nhạc như thế nào là tùy sở thích và trình độ thẩm âm riêng của mỗi người. Ở góc độ ca nhân, tôi cố gắng thổi càng nhiều cảm xúc và đưa vào ca khúc của mình những ‘kỹ thuật’ hiện đại hòa lẫn với cảm âm của giới trẻ hôm nay, hầu mong góp phần nhỏ bé của mình vào đời sống âm nhạc thêm phần lành mạnh và phong phú…”

Với riêng tôi, người viết bài này thì, Nguyễn Đình Nguyên đã không cần đến một cố gắng nào, cho những bài thơ viết về dân tộc, đất nước của ông. Nó đi thẳng từ trái tim ông, tới người đọc. Một thành tựu hiếm hoi, không phải thi sĩ nào cũng có thể có được! Càng hiếm hoi hơn, khi đó lại là những bài thơ gắn liền với những biến động thời thế. Mà nỗi buồn tựa những sợi dây thừng siết cổ tác giả, trước nhất. (Du Tử Lê)
Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Sức khoe tâm lý của cha mẹ có ảnh hưởng gì trong việc nuôi dạy con? (2/2==

o0o-o0o-o0o-

Nguyễn Đình Nguyên,kẻ tự băng bó vết thương mình(Kỳ cuối 02)

28 Tháng Mười Hai 201710:32 SA(Xem: 20)

(Tiếp theo và hết)

 

Nguồn:dutule.com

Nếu để ý, ta sẽ thấy: Viết về tuổi “teen”, tuổi mới lớn hay tuổi dậy thì, thường dễ hơn viết cho tuổi thiếu nhi. Lý do, các tác giả rất khó vào sâu thế giới buồn / vui của những độc giả, khán, thính giả tuổi nhi đồng.

NguyenDinhNguyen 02

Nhà thơ Nguyễn Đình Nguyên

Tâm lý của các em ở tuổi này còn rất mơ hồ, chưa hình thành rõ ràng… Tôi muốn nói, chính các em cũng không biết rõ mình thích? muốn gì? Chưa kể xu hướng thích hay không thích luôn bị thay đổi một cách nhanh chóng!

Do đấy, khi một số ca  khúc viết cho thiếu nhi của  Nguyễn Đình Nguyên, vượt qua ngưỡng một triệu lần truy cập, với tôi là một thành tựu đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, khi đề cập tới thành tựu vừa kể của họ Nguyễn, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, nếu nhạc sĩ không có khả năng “nhập vai”, nhờ nhạy cảm với tâm lý nhi đồng, ông sẽ không thể có được cho mình, những thành tựu như đã nói.

Từ đó, tôi tin rằng, nếu Nguyễn Đình Nguyên bước vào lãnh vực thi ca, nhiều phần ông sẽ mang đến cho người đọc ông, những mới, lạ bất ngờ. Và, tôi nghĩ, tôi đã không sai lắm, khi có cho mình kết luận, như thế, về cõi-giới thơ Nguyễn Đình Nguyên.

Bất cứ ai, từng dõi theo hành-trình-thi-ca-Nguyễn-Đình-Nguyên, đều dễ dàng nhận ra rằng: Thị phần chính trong thơ Nguyễn Đình Nguyên là những thao thức, đau đớn, nhục nhằn trước những biến động lớn của lịch sử đất nước, như cụm từ “muối nhoài ra khỏi biển”, khởi đầu cho ít nhất 4 khổ thơ của bài “Lời Oán Cạn Của Muối” – – Tựa những lượng máu ồ ạt tuôn chảy từ trái tim bị thời thế xé nát, vỡ tan nhiều mảnh:

“Muối nhoài ra khỏi biển / Gào thét, cuồng nộ chỉ mặt nhân gian / / Muối nhoài ra khỏi biển / Tôm cá nhoài ra khỏi biển phơi xác bạc trắng bờ ứa máu / / Muối nhoài ra khỏi biển / Ghì chặt lưng cha oằn cong một đời khổ hạnh / / Muối nhoài ra khỏi biển /Oán hờn nuốt lấy đồng khô…”

Hoặc hai chữ “Ngày ấy” trong bài “Norodom, tôi xin được quỳ xuống hôn người” khi họ Nguyễn viết về biến cố 30 tháng 4-1975:

“Ngày ấy…

Cánh cổng sắt sập đè lên nỗi khiếp hãi/nghiền toát chuỗi giá trị quyền lực

Một luân hồi/hoán đổi

.

“Ngày ấy…

Rền vang âm vọng

Ra rả điều thiện màu xám trên tầng sóng FM

.

“Ngày ấy…

Biết bao người cha không được về với các con thơ dại/ngóng

Người vợ trẻ chờ chồng từ chiến tuyến ghì chặt một vòng tay/bại trận…”

Hay bài “Saigon này đâu phải của mày”, họ Nguyễn không chỉ cho thấy ông lưu vong giữa quê hương, đất nước của mình mà, nơi ông sống cũng dứt khoát khước từ ông, như một thị dân của chính nơi chốn đó:

“Thành phố này treo ngược nó lên

mắt nó thấy lịch sử ngược dòng

đen kịt màu sông Thị Nghè

chảy ngang sở thú

tiếng voi rống

cọp gầm

khè khè loài King Cobra

nghe quen thời của nửa thế kỷ đã qua

tiếng rừng rú tràn ra phố thị

.

Nó quáng quàng

Khụy gối

Gập bụng

Áp tai nghe đất nghiến răng

Trái tim này đâu phải của mày

Loài người này đâu phải của mày

Sài Gòn này cũng đâu phải của mày…”

Họ Nguyễn cũng không quên đem vào trong thơ ông, những sự kiện nhỏ bé hơn, nhưng chẳng vì thế mà sự ô nhục được thu nhỏ: Hiện tượng trẻ thơ chưa kịp lớn, đã bị bán vội cho ngoại nhân:

“Mùa nước nổi quê mình chưa kịp lớn

Mà con bé bên nhà đã vội vã xa quê

Bên kia sông con vịt nhỏ lạc bày

Kêu cạp cạp vắn dài như chuyện kể

.

Con bé đi ngơ ngác một dòng sông

Trăng thì khuyết và ngực vừa chớm nhú

Xa ngàn xa nhà chồng chưa lần ngụ

Dập dềnh Xuân. Đông lạ. Vạn dặm thu…”

(Trích “Bỏ quê theo người ta”)

Bên cạnh những bài thơ như những nhát dao tự chém thân thể  mình, như kẻ tự bạo hành vì bất lực trước hiện thực xã hội tuyệt vọng, tối tăm,  Nguyễn Đình Nguyên cũng có những bài thơ-tình viết cho thời đã qua, hay hiện tại còn đó (?)  Nhưng thơ tình của họ Nguyễn, dù ở dạng nào, quá khứ hay hôm nay, với tôi, chúng vẫn là những bài hát tự ru lấy mình. Như kẻ tự băng bó vết thương tâm cảm với hy vọng ném một điều gì đó, về phía trước. Dù cho chính y cũng không khẳng định được, đó là “phía trước” nào? Phía của hạnh phúc hiếm hoi hay, phía của tai ương vốn đã giăng lưới cùng khắp:

“… Anh bên em, ta bên nhau. Yêu dấu

Xe thời gian in đậm dấu chân mây

Ngàn mơ ước bâng quơ bên sách vở

Nghe bước xuân nảy lộc giữa bàn tay

.

Em cứ đi dẫu trời mưa hay nắng

Đã có anh tự nguyện đứng canh chừng

Đường dẫu xa người dẫu nhiều nghi ngại

Nụ hồn đầu vẽ một lối đi chung.”

(Trích “Nụ hôn đầu vẽ một lối đi chung”)

Hoặc:

“Nơi thượng nguồn ánh mắt

Là hò hẹn bắt đầu

Nơi cuối trời xanh thấu

Là chấm đỏ buồm căng…”

(Trích “Ngồi trên đồi và nhớ”)

Hoặc nữa:

“Trao cho nhau chút hồn nhiên trong mắt

Chút bơ vơ tuổi lá ngủ trên vai

Trao cho nhau góc phố áo xanh bay

Chiều bước khẽ nhịp hoàng lan rũ tóc

.

Chiều hoàng phố bên nhau trong quán cóc

Nhạc mênh mang thời gian rớt bên thềm

Chiếc lá bàng đỏ mặt giả vờ quên

Khi ta nói nhớ nhau lời rất thật”

(Trích “Ngày của tôi về em. Là vậy…”)

Trong những đoạn thơ-tình-Nguyễn-Đình-Nguyên, ngoài câu “chiều hoàng phố bên nhau trong quán cóc”; với ba chữ “chiều hoàng phố” có phần tối nghĩa thì, tôi rất thích những so sánh, liên tưởng trong nhiều câu thơ còn lại của họ Nguyễn khá mới, lạ. Như:

“Nghe bước xuân nảy lộc giữa bàn tay”.

“Nơi thượng nguồn ánh mắt… / Là chấm đỏ buồm căng”.

“Chiều bước khẽ nhịp hoàng lan rũ tóc …/ Chiếc lá bàng đỏ mặt giả vờ quên”. Hay:

“Nụ hôn đầu vẽ một lối đi chung”

Hoặc:

“Đóng đinh lên kiếp trước”,

trong bài “Quay lại, cúi nhặt lấy niềm tin”.

Cũng thế, trong bài lục bát “Mẹ ôi…Con lạc lõng giữa phố xá đông người” có câu:

“Tóc con bạc trắng nào hay

Mẹ thì già lắm bàn tay khoai sùng”

Ví bàn tay của mẹ già như “khoai sùng”, Nguyễn Đình Nguyên không chỉ là nhà thơ đầu tiên cho người đọc hình ảnh dữ dội này mà, ở mặt ẩn ngữ, ông còn cho thấy bàn tay người mẹ bị hư, hoại vì một đời quên mình cho con.

Tôi trộm nghĩ, sẽ khó có một so sánh, liên tưởng nào khác, tiêu biểu hơn, đại diện hơn, cho sự hy sinh cao cả của tình mẫu tử, như câu thơ trên của Nguyễn.

Tôi chọn ra khỏi bài viết ngắn này, bằng câu thơ “mẹ thì già lắm bàn tay khoai sùng” của Nguyễn Đình Nguyên, dù vẫn còn một số điều muốn nói…

Du Tử Lê

(Calif. Jan. 2018)

…………………………………………………………………………………………………………………………………….

Thơ Du Tử Lê

Nguồn : dutule.com

tháng chạp, gió

27 Tháng Mười Hai 201712:00 SA(Xem: 2233)
 https://dutule.com/images/file/GSUqFS2e0wgBAFwG/demaisau-265-thumbnail.jpg
 Tranh dtl

chưa đủ một vòng quay
tháng ngày xanh đã lạ
chưa đủ một vòng bay
em đã thành kẻ khác

tiếc chi một bàn tay
khi ta thành thừa thãi
lạnh rớt đầy hai vai
ta buồn như sợi tóc
đêm ơi đêm trong ngày
ngủ quên muôn hạt bụi

có đâu một làn mây
khi mưa đà xuống đất
tiếc chi một ngọn cây
khi không còn gió nữa

bây giờ thôi cuối năm
ta về theo bóng nắng
vàng một khoảng sân trong
không còn ai thấy nữa
nép theo tường rêu thâm
ta nhủ ta: hãy khuất

giấu đi những mộng đời
muôn năm mầm đã chột
cất đi những rạng ngời
không ai buồn tiếp nữa

bây giờ thôi cuối năm
em vì ta nhớ lại
hát một lần trong tim
bài tình ca sớm úa
nói một lần trong đêm
(một đêm nào ngắn nhất)
ôi kẻ đã lên đường
vì ta mà tơi tả
ôi kẻ đã vung gươm
vì ta mà đẫm máu

bây giờ thôi xa nhau
vì ta đi hỡi nhỏ
em đã ngậm trong răng
lần đầu thôi cố nói
vì ta ôi vì ta
du tử lê, thế đó

chàng không còn là cây
thôi em đừng gió nữa
chàng không còn là mây
quên mình đi, tháng chạp

cuối năm ta ngồi đây
nhìn em thành kẻ khác
lệ vuốt dọc chân tay
khép theo từng ngón củi
chưa đủ một vòng quay
ta cháy rồi, hỡi lửa

ta cháy rồi, hỡi lửa
em nhảy múa trên ta
đống thịt xương đã rã
bụi vẩn không thành mây
làm sao ta mưa được!
chưa giáp một vòng quay
tháng ngày xanh đã lạ

bây giờ thôi cuối năm
nhớ giùm ta hỡi nhỏ.

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics