1…Thơ Như Quỳnh De Frelle*(DTL)2.Thơ DTL:Khúc cầu hoàng & Bài thu hồng Tháng Tám-

Tính chấp chới giữa thiên đàng, địa ngục trong thơ Như Quỳnh De Frelle

Du Tử Lê/Người Việt
Nguồn:nguoiviet.com-June 2, 2017


Nhà thơ Như Quỳnh De Prelle. (Hình: Facebook Như Quỳnh De Frelle)

  Gần đây, nhiều người trẻ làm thơ tỏ ra chú ý tới sự xuất hiện của tiếng thơ Như Quỳnh De Frelle, với thi phẩm “Song Tử,” bìa của họa sĩ Lê Thiết Cương, do nhà Thuận Hóa ấn hành Tháng Hai, 2017. (Hình bên:Du Tử Lê *)

“Song Tử” gây được sự chú ý đặc biệt, một phần vì tiếng thơ trừu tượng có được cho nó những cách diễn tả khác, không theo nếp cũ. Tác giả lại là một người nữ, hiện cư ngụ tại Brussels, Bỉ.

Có lẽ cũng nên nói thêm rằng, Như Quỳnh tìm đến với văn chương thế giới khi còn rất trẻ, đồng thời cũng có nhiều năm sống ở ngoại quốc. Vì thế, với những người biết qua tiểu sử của tác giả “Song Tử” cho rằng, phong cách văn chương của Như Quỳnh De

Frelle, ít nhiều, khó tránh khỏi ảnh hưởng phong cách văn chương Tây phương hiện đại.

Phong cách văn chương Tây phương hiện đại cho thấy xu hướng văn chương, không nhất thiết phải chuyển tải một đề tài to lớn, hay một triết lý nhân sinh, mới lạ nào. Mà văn chương là nỗ lực không ngừng nghỉ thể hiện chính mình hoặc đi tìm “cái tôi” như một thất lạc, bị “mất tích” trong xã hội, ngày một toàn cầu hóa này.

Tuy nhiên, qua thi phẩm “Song Tử” mới ấn hành và nội dung của thi phẩm thứ hai, đang trên bệ phóng, có tên “Thơ Quỳnh,” cho thấy Như Quỳnh De Frelle, ở tầng sâu khuất lấp nào đó, vẫn còn tính gắn bó giữa con người và nơi chốn được sinh ra (Ngay cả khi nơi chốn đó, thật đáng xấu hổ hay đáng nguyền rủa – qua thơ của tác giả trẻ, độc lập này, hiện ra như một hiện tượng phức tạp; đồng thời một thách đố).

Nơi phần tiểu sử sơ lược, Như Quỳnh De Frelle cho biết, trong quá khứ, Như Quỳnh từng làm việc ở lãnh vực truyền thông, sản xuất phim độc lập, viết kịch bản, viết báo tại Việt Nam. Như Quỳnh cũng từng được học bổng của Quỹ Ford tại Việt Nam về viết kịch bản phim và, sản xuất phim.

Tôi không biết những năm, tháng viết truyện, sản xuất phim ảnh thì kỹ thuật ở lãnh vực này có ảnh hưởng nhiều đến thế giới thi ca của Như Quỳnh không? Riêng tôi thấy, trong phần thứ nhất của thi phẩm “Thơ Quỳnh,” có tiểu tựa là “Nỗi Buồn Trên Cây,” có những “sequence” (hình ảnh xen kẽ) bất ngờ khiến người đọc dễ bị rối rắm, lạc lối khi dõi theo lộ trình biến động tình cảm, suy tư của Như Quỳnh.

Điển hình, trong thi phẩm thứ hai này, phần một, tựa đề “Nỗi Buồn Trên Cây” có tất cả 32 bài thì, tựa đề “Nỗi Buồn Trên Cây” chiếm hai bài. Theo thứ tự, bài thứ nhất có tên “Nỗi Buồn Trên Cây 20n7” và bài thứ hai “Nỗi Buồn Trên Cây 15″…

Cách đặt thêm một con số “bí hiểm” tựa như đánh đố người đọc, hoặc đó là những “ám số” dành riêng cho ai đó, hay cho chính tác giả. Theo tôi, không nên có nơi nhan đề những bài thơ được chọn để phổ biến cho đám đông. Nếu cần thiết, thì chỉ nên là một ký hiệu nhỏ, riêng giữa hai người hay, với chính tác giả mà thôi…

Phần nội dung, tôi thực sự không thể đoán biết version nào của một trong hai bài “Nỗi Buồn Trên Cây” là linh hồn của đoạn phim ngắn, được chuyển thể với tên mới “Tôi 30” đã được chọn để trình chiếu trong buổi khai mạc nhiều Liên Hoan Phim Ở Âu Châu (*), theo tiết lộ của chính tác giả.

Tôi không có nhu cầu “giải mã” ký hiệu “20n7” trong bài thơ “Nỗi Buồn Trên Cây” (một) là con số 20 cộng 7 hay “n” là con số phiếm định ứng với bất cứ một con số ngày tháng kế tiếp nào khác. Tôi cũng không bận tâm về con số 15, nơi “Nỗi Buồn Trên Cây 15” (hai) có phải là nỗi buồn của cây 15 tuổi?

Tôi nghĩ, một khi tác giả cố tình “chơi chữ” hoặc “đánh đố” người đọc thì, chúng ta chỉ nên bận tâm về nội dung thi-bản mà thôi.

Ở “Nỗi Buồn Trên Cây” (một), Như Quỳnh viết:

“Người đàn ông nói với nàng
anh đã đánh mất em
mất em thật rồi
khi anh đi trên đường băng
không có đôi bàn tay của em níu anh”

Từ đó, bi kịch tình yêu này, với những sợi xích vô hình của nó, đã xỏ vào chân người đàn ông đôi hia bảy dặm, để người đàn ông đi từ “rừng sâu thẳm” bay lên tới “…thiên đàng địa ngục” và luôn cả:

“…những phản trắc bội tàn
hoang phế
sự quay lưng và những căm thù
một mùa vọng của nỗi buồn trên cây”…

là sức mạnh và hệ quả của tình yêu, mang lại. Nhưng cụm từ “những phản trắc bội tàn/hoang phế” tôi cho là sự “dồn dập” của nhiều “sequence” hình ảnh gần nhau, có phần dư thừa, không cần thiết… Tuy nhiên, khi chọn nhan đề chung cho thi phẩm thứ hai của mình, là “Thơ Quỳnh,” hiển nhiên tác giả muốn cho thấy sự gắn bó của một cá thể nhỏ bé, tên Như Quỳnh De Frelle với nhân gian rộng lồng lộng cờ được khám phá và, cũng lồng lộng nguy nàn, phản trắc.

Trong phần “dẫn nhập” ngắn, trước khi mời độc giả bước vào phần 1, “Nỗi Buồn Trên Cây,” Như Quỳnh viết:

“Tôi đã tưởng rằng, thời 20 tôi cô độc nhất, nhiều buồn bã nhất. Thì ra, thời thanh xuân rực rỡ ấy, tôi buồn vì tự do của tôi, của cái riêng tư. Lúc này đây, có đầy đủ hạnh phúc riêng tư, tôi trưởng thành, và có một lịch sử về chính mình và tình yêu quê hương xứ xở, với con người trên mặt đất này, tôi cô độc ở những hoang mang về sự rạn nứt, sự khó khăn trong những hàn gắn, sự chênh vênh của kết nối. Nỗi buồn trên cây như một định mệnh từ thời thanh xuân, nó sẽ hết khi tôi nằm xuống hay đến chết có hết buồn không, tôi không hề biết, chưa được biết.”

Tôi nghĩ chúng ta không có nhiều những người nữ băn khoăn về thanh xuân 20 tuổi của mình, là: “Nỗi buồn trên cây như một định mệnh từ thời thanh xuân, nó sẽ hết khi tôi nằm xuống hay đến chết có hết buồn không, tôi không hề biết, chưa được biết…”

Theo tôi, có thể phần nào, nó phóng lớn bi kịch tưởng tượng (?) của thời mới lớn của một nữ thi sĩ? Nhưng trước nhất, vẫn theo tôi, đó là cá tính, là phía khuất lấp nhất của tâm-thái một người nữ làm thơ không chỉ trước và, trong đời sống mà còn trước và, trong cả cái nghĩa tử/sinh nữa:

“…mưa của mùa Thu đầy bão giông
sấm chớp
sự tận cùng của lá chín
của sự về với cái chết kiệt cùng
trên những hàng cây khô
của những tâm trạng không hứng thú
ngưng lại thành giọt buồn
giọt chia ly

mưa của mùa Thu như nước mắt loài người
tan biến
mặn mòi
trên những khổ đau
trên những ngày buồn
vô tận”

(Trích “Tôi Là Người Khác Ở Xứ Sở Này”)

Mặc dù Như Quỳnh De Frelle đã cho người đọc, quan niệm riêng của cô về “cá tính,” khi viết:

“cá tính chỉ là một thứ trang sức vô nghĩa
cho những khát vọng lấp đầy trên gương mặt, con chữ
và hình hài thoát khỏi sự cô đơn
không thể chịu đựng hơn…”

Nhưng, từ vô thức, bản chất người nữ vẫn đem phù sa “niềm tin không lý giải” đến cho Như Quỳnh:

“…và tôi sẽ trở thành một cái xác chết khi tôi nằm xuống
bên cạnh người đàn ông vĩnh hằng của tôi
tình yêu tồn tại
tưởng như đã hết khi chết
tôi tin
chúng tôi có thêm một cuộc đời khác
lặng im
cùng trái đất nghiêng
ở đâu đó

“xác chết là tôi
trong tương lai
gần xa
tôi nhìn thấy
tro tàn
trong bình gốm
tôi mỉm cười
xin chào tạm biệt thế giới sống của loài người
tôi đi về cõi khác…”

Trong nỗ lực tìm cho thơ một cách nói riêng, thay vì nói tới kiếp khác, hay tình yêu thiên thu… thì Như Quỳnh viết chết đi là được “…nằm xuống bên cạnh người đàn ông vĩnh hằng của tôi.”

Đó là một trong những “niềm tin không lý giải” có khá nhiều trong tiếng “Thơ Quỳnh” – một trong những điểm mạnh của tiếng thơ này.

Tôi không biết Như Quỳnh De Frelle đang ở độ tuổi nào? Chỉ hiểu, đi giữa lộ trình chấp thiên đàng/địa ngục, thơ của Như Quỳnh De Frelle cho thấy là kết tinh kinh nghiệm sống đời thường, trước những thành/bại, cùng những ám ảnh tử/sinh, bất toàn của con người. Sinh vật những tưởng là “chúa tể” muôn loài… nhưng thật ra, con người vốn yếu đối, bất lực như chiếc lá, lúc lìa cành, trôi theo dòng sống…

Phải chăng, chính vì tính độc lập mạnh mẽ (đôi khi trở thành hôn ám) của một người nữ quá mẫn cảm mà, thơ Như Quỳnh bị nhìn là phức tạp, khó đọc? Hay vì đó là những “ghi chú” của tác giả khi khẳng định “cái tôi” một cách quyết liệt, để rồi có thể sau đó, “cái tôi” lại bị phủ nhận, hoặc được treo lên đỉnh cao, cho những tia mặt trời chói chang, tra khảo sự hiện hữu thật/giả của nó!

 Du Tử Lê

(Còn tiếp)

*-Tựa bài được thu ngắn lại- NN *—-

Chú thích:
(*) Như Quỳnh De Frelle cho biết: “Bài thơ ‘Nỗi Buồn Trên Cây’ được chuyển thể thành kịch bản phim ngắn của đạo diễn Minh Đức Hoàng Trần, sau đổi tên thành “Tôi 30,” được chọn trình chiếu tại Liên Hoan Phim Cannes 2014 và nhiều liên hoan phim khác…”

…………………………………………………………..

     Du Tử Lê- Bài thơ cũ .

    Khúc cầu hoàng
Tác giả: Du Tử Lê

Nguồn: Thica.net

    Xin mắt mở tạnh trăm miền bão rớt
Môi ô mai xin muối mặn lời vàng
Tình đắm đuối khôn nguôi hồn thảng thốt
Tay tham lam không thể đợi giờ mềm
Người linh hiển trên đỉnh cùng gió cuốn
Chân chim khuyên chưa bước xuống cuộc đời
Cánh buồm nào đã khép kín hồn tôi
Và đã thả trôi sông nghìn ước vọng
Tôi đã lạc bên kia bờ sự sống
Thân khô rang mong từng hạt mưa nhuần
Xin hơi thở đèn hương tim thánh thiện
Trăm năm xin son phấn một tên người
Khi hạnh phúc không dung cùng khốn khó
Ai sinh ra được chọn đúng đời mình?
Tôi lớn lên biết mỗi điều duy nhất
– Sao khi không ta lại phải làm người!
Trời tối mau mưa ướt vội sông dài
Năm tháng cũ sủi tăm cùng nỗi chết
Xin tay ngọc gối êm tình thảm thiết
Cây xin xanh đừng ngại lúc hanh vàng
Trời xin cao cho đáy mắt em ngoan
Gió xin nổi trong hồn tôi tơi tả
Tóc xin chảy chia trăm dòng (rất lạ)
Mỗi trôi đi dung một bước quay về
Mỗi lênh đênh dung một ý não nề
Mỗi quanh quẩn chứa chan nghìn thất lạc
Xin khúc hát vọng âm từng cửa ngực
Vỡ từng thân đá cổ, lệ xin tan
Vỡ lời buồn ẩn khát một truy hoan
Thắp tuyệt vọng sáng lên cùng chí quẫn
Tôi cúi mặt ngó bóng mình lật sấp
Trên đoạn đường bấy nát đạn bom vui
Có chăng nào phiêu lãng đã bao nơi
Mà suốt cuộc đời nghe mình héo lụn
Xin thân xác lõm in mười ngón nhọn
Xin răng thơm cắn vỡ giọt – tôi – sầu
Xin mưa bay trên vạt áo nhiệm mầu
Cuốn tôi lại trong kén – người – hạnh – phúc
Xin chân sa – trong tình tôi ngập lụt
Đôi cánh vàng xin bỏ lại trên cao
Miệng hoa cau xin kết nụ ngạt ngào
Tay kim chỉ xin khâu tình rách rưới
Giường êm ái – xin người ngoan giấc ngủ
Ván cây này xẻ tự khối tình tôi
Nệm drap này dệt bởi sợi tương lai
Chăn mùng nữa chính lòng tôi chân thiết
Cửa xin khép cho đêm đừng cay nghiệt
Sáng xin hồng cho nắng ấm trưa mai
Chiều xin vàng – lấy lá lót chân ai
Bước ngượng nghịu trong mắt nhìn (thấy ghét)
Môi rát bỏng bởi chưng tình cuống quýt
Hồn tham lam nên ích kỉ khôn cùng
Mộng sẽ mềm trên từng lá me sương
Người sẽ khóc giữa không – ngờ – hạnh – phúc
Cho tất cả – xin cho đừng luyến tiếc
Tình không dung một cân nhắc bao giờ
Phút giây nào người còn ý so đò
Xin đừng đến để tình tôi khỏi tủi
(Vì hạnh phúc không dung cùng khốn khó)
Tôi lấy gì để sửa lễ cầu hôn
Biết lấy gì để đổi được lòng tin
Tôi chỉ có thủy chung làm vốn liếng
Mắt xin mở tạnh nguôi nghìn thảm thiết
Môi ô mai xin muối mặn hồn này
Người linh hiển trên đỉnh cuồng gió cuốn
Bước một lần xin bước xuống đời tôi
Bước một lần như thần thánh bỏ ngôi
Chung than củi với một người phẫn chí.

    …………………………………………………………………..

Bài thu hồng tháng Tám

Du Tử Lê

Và tháng tám, dòng sông về rất lạ
Mùa thu tôi, em thả tóc đi qua
Chiều quê người, từng phiến lá thiết tha
Rụng xuống mãi, đầy lòng tôi bi thiết

Và tháng tám, bàn tay nào thua thiệt
Đón hồn tôi trên từng ngón xương khô
Em vầng trăng, vốn lạnh đến không ngờ
Mà nước mắt bỗng tràn chăn, gối mới

Và cây cỏ đã về trong mắt rối
Những con đường ngắn lại với chân quen
Những lưng trần, ngực nở, với vai nghiêng
Hạnh phúc tủi, như bàn tay có tật

Và tháng tám, mùa mưa từ cõi khuất
Về theo em, giàn giụa một môi tìm
Về theo em thảng thốt một đêm buồn
Trong cùng tận tim tôi: người thánh thiện

Và tháng tám, nhân gian này cay nghiệt
Em dung nhan, trong nỗi hổ ngươi
Thanh xuân người, như chiếc lá chưa rơi
Lời nói thật: cuối đời tôi muốn khóc

Người quay quắt kiếm tìm đời thất lạc?
Có lột da, em cũng chẳng khác hơn
Người đang đứng giữa thiên-đàng-địa-ngục
Bước thêm đi, chọn lựa có điêu tàn

Tháng tám sớm, thu về, hong tóc biếc
Huyệt sâu tôi, đồng vọng mãi tên người

Bài thơ nhỏ không hết lời chân thiết
Quên tôi đi, cùng với dối gian kia
Quên tôi đi, mặt, mũi, mắt, môi, thề
Kẻo mai mốt nhân gian còn nhắc lại
Có một thời hai kẻ đó yêu nhau
Dù tháng tám, ở với tôi mãi mãi
Dù em đi, ngàn dặm đã không về.

Du Tử Lê

……………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics