Trôi theo dòng sông thơ Thái Tú Hạp
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, March 07, 2014
Du Tử Lê
Nhà thơ Thái Tú Hạp (Hình: luanhoan.net)
Theo trang mạng Bách Khoa Toàn Thư Mở thì “Ngũ Phụng Tề Phi (Năm con chim phượng hoàng cùng bay) là một danh xưng dùng để chỉ 5 người đồng hương cùng đỗ đại khoa trong cùng một khoa thi. Ở Việt Nam, danh xưng này được nhiều người biết đến nhất khi dùng để chỉ…… 5 danh sĩ người tỉnh Quảng Nam cùng đỗ đại khoa vào năm 1898…”
Nhưng đất Quảng không chỉ là đất của những danh sĩ lẫy lừng trong lãnh vực khoa bảng mà, theo tôi, mảnh đất này còn là nơi xuất phát, dựng nghiệp, thành danh của rất nhiều văn nghệ sĩ, trải qua nhiều thời điểm lịch sử VHNT Việt Nam. Từ thi ca, văn xuôi, báo chí, tới âm nhạc, hội họa…
Tính riêng cho giai đoạn 20 năm VHNT miền Nam (1954-1975) ở lãnh vực thi ca, với những người trẻ, lên đường đến với bộ môn văn học này, trước, sau điểm mốc 1960s, người ta đã thấy đó là một con số không nhỏ. Nổi bật trong đội ngũ những cây bút mới ở thời điểm vừa kể, có thể nhắc tới những tên tuổi thành danh sau này, như Thành Tôn, Luân Hoán, Hoàng Quy, Ðynh Trầm Ca, Hoàng Lộc, Thái Tú Hạp, v.v… Họ là những người rất sớm, có thơ đăng tải trong những tạp chí văn chương thời đó, như Bách Khoa, Văn Học, Văn…
(Tôi cho sẽ là một thiếu sót, nếu không nhắc tới nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh. Nhưng họ Vũ chỉ được nhiều người biết tới qua bài thơ “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” do nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. Trước đó, thơ ông gần như không xuất hiện trên những tạp chí kể trên.)
So sánh với những bạn văn cùng thời với mình thì, Thái Tú Hạp cũng là một trong vài nhà thơ trẻ (ở giai đoạn đó), có thơ in thành sách sớm nhất. Thi phẩm “Thèm Về” của ông xuất bản từ năm 1970. (*)
Theo một vài tư liệu đã được phổ biến thì, Thái Tú Hạp làm thơ rất sớm, khoảng giữa thập niên 1950s. Tuy nhiên, phải đợi tới đầu thập niên 1960s, khi thơ ông được đăng tải nhiều trên tạp chí Bách Khoa, rồi Văn và một vài tạp chí khác, khi đó, người đọc mới biết nhiều, và chú ý đến tiếng này.
Nhìn lại hành trình thi ca Thái Tú Hạp, tự thuở bắt đầu (tới hôm nay), những người theo dõi ông ghi nhận rằng: Thể thơ được họ Thái sử dụng nhiều nhất là Lục Bát.
Phải chăng, vì thể thơ êm ả, mượt mà như dòng suối hiền hòa này, thích hợp với bản chất đôn hậu, nhẹ nhàng của ông, trong đời thường, hơn những thể thơ khác?
“gặp nhau xưa bởi tình cờ
hỏi thăm lá gió hoài mơ mộng nầy
yêu em tình cũng heo may
rừng xuân chim hót trong cây nắng vàng…”
(Trích “Tình Cờ”) (1)
Hoặc:
“về đây tìm mảnh trăng gầy
cõi tâm sự rã như bày sao rơi
nghe cồn cát lũ bãi khơi
nghe cồn cát lũ bãi khơi
(Trích “Về”) (2)
Mặt khác, nội dung những bài lục bát của họ Thái thường trĩu nặng tính chất “mang mang thiên cổ sầu.” (3)
“chừ về với phố u sầu
với thành quách cũ lên mầu thời gian…”
(Trích “Buồn Hội An”) (4)
Tính hoài cổ đậm đặc qua những bài lục bát của Thái Tú Hạp, cũng khiến người đọc liên tưởng tới lục bát Huy Cận như:
“mây sầu lũng thấp âm u
hiu hiu thương nhớ vàng thu âm hài” (5)
Hoặc:
“chiều buồn nắng xẻ đôi sông
Ngày hoang liêu vỡ máu hồng trên cây” (6)
Tuy nhiên, vẫn với thể Lục Bát, họ Thái cũng đã đem đến cho người đọc nhiều hình ảnh mới, như:
“nghe chiều lành lạnh trong hồn
cái im vắng đến mỏi mòn thịt da”
(Trích “Sông Chiều”) (7)
Hoặc nữa:
“với em thị xã lỡ làng
lời ru tình Quảng Nam ngàn đau thương” (8)
Nói thế, không có nghĩa tác giả “Thèm Về” không tìm đến với nhiều thể thơ khác, như 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ hay tự do…
Thí dụ:
“nét buồn xưa hiu hắt
trời cúi hôn trùng dương
cô liêu sầu cửa mắt
bao nhiêu là nhớ thương”
Hoặc:
“dòng sông đó mang tôi vào lịch sử
lòng quê hương còn dấu đạn căm thù
tháng năm buồn trôi qua bằng đau đớn
nghe chán chường trong hơi thở cô đơn.”
(Trích “Lòng Mẹ”) (10)
Qua trích dẫn trên, tự thân những câu thơ đã cho thấy, Thái Tú Hạp không chỉ có những vần thơ “hoài cổ” mà, vì lớn lên, trưởng thành trong chiến tranh, bị động viên, nên những năm tháng quân ngũ, bom đạn ở miền Nam, cũng đã có một vị trí trong thơ ông. Và ưu tư của họ Thái về cuộc chiến đã phản ảnh khá rõ nét, trong những đoạn thơ còn lại trong bài “Lòng Mẹ,” như:
“chia tình xưa cánh chim về tám hướng
đời bơ vơ từng giấc ngủ muộn màng
mẹ già nua theo tuổi sầu côi cút
lo từng đêm súng vọng nẻo xa trường.
niềm tin vỡ như lửa chiều sau núi
đất ngậm ngùi nuôi hạt giống tương lai
đến bao giờ tin con về mừng tủi?
cho mùa xuân chín đỏ mọng này mai.”
Nhưng chiến tranh, ở khía cạnh nào trong thơ Thái Tú Hạp, cũng vẫn là những bày tỏ nhẹ nhàng, ngay cả khi ông có đề cập tới súng đạn, hận thù, chết chóc, chia lìa…
Trong những năm tháng lưu lạc ở quê người, bên cạnh bản chất đôn hậu, nhân ái và, tinh thần “hoài cổ,” họ Thái còn cho thấy thơ ông cũng mang nhiều tính thiền của một người thấu lẽ vô thường của kiếp người và vạn vật.
Với khá nhiều thi phẩm được xuất bản tại hải ngoại, Thái Tú Hạp, có hai thi phẩm được văn giới chú ý, nhắc nhở nhiều nhất, đó là “Miền Yêu Dấu Phương Ðông” (1987) và “Hạt Bụi Nào Bay Qua” (1995).
Ghi nhận về một trong hai thi phẩm này, nhà văn Mai Thảo viết:..
“…Một gắn bó sắt son và bất biến với giống nòi và nguồn gốc do nơi những rung động ở quê nhà ngày trước, trên quê hương người bây giờ, trước sau nhất quán, không bao giờ đổi thay. Những bài thơ trong sáng, êm đềm, như một thiền định nào đó giữa hai dòng chữ. Ðó là điều tôi ghi nhận được ở tư duy Thái Tú Hạp, ở cõi thơ và ngôn ngữ Thái Tú Hạp…”
Và Du Tử Lê:
“…Thi ca, với ông (TTH), không còn là những buộc ràng, những phản ánh nhân sinh. Thi ca với ông, không còn là những cánh cửa mở vào những vấn nạn đời thường, mà, thi ca với ông, càng ngày, càng cho thấy nó là một ngõ tương thông với trời đất, với những nguyên lý siêu hình. Trên những đường bay ngẫu hợp giữa trí tuệ và rung động, giữa ngôn ngữ (chỉ như chiếc thuyền chở người qua sông) và nhịp điệu (chỉ như những lượng sóng vỗ đâu đó giữa vô cùng lênh đênh) thơ Thái Tú Hạp đã “Ðáo bỉ ngạn.” Ðã tới bến bờ thức ngộ về lẽ sinh diệt, lẽ hữu hạn và vô nghĩa của kiếp người. Chính từ sự đáo bỉ ngạn kia, do nơi đạt tới bến bờ nọ, đã thăng hoa tiếng thơ Thái Tú Hạp. Một thăng hoa an nhiên, tự tại, êm và lắng như cành hoa trong tay Phật và nụ cười của ngài Ca Diếp, năm xưa… Bằng cảm nhận đó, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều cành hoa và nụ cười trong thơ Thái Tú Hạp hôm nay, ngay cả nơi những dòng thơ thế sự của ông…” (11)
(5 tháng 3, 2014)
Du Tử Lê
Chú thích:
(*) Tất cả thơ Thái Tú Hạp chúng tôi trích dẫn trong bài viết này, do nhà thơ Thành Tôn cung cấp. Thay mặt độc giả, trân trọng cảm ơn nhà thơ Thành Tôn.
(1) Tạp chí Chính Văn số 2, Saigon, đề ngày 30 tháng 7, 1972
(2) Tạp chí Chính Văn số 2, Saigon, đề ngày 30 tháng 7, 1972.
(3) Thơ Huy Cận
(4), (5), (6), (7), (8), (9) Nđd.
(10) Tạp chí Văn, Saigon, số 18, đề ngày 15 tháng 9-1964.
(11) Trích “Thái Tú Hạp”, Luân Hoán net.
DTL
……………………………………………………………………
Sài Gòn và cà phê sách
Nguồn:nguoiviet.com-Tuesday, March 04, 2014
Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt
Quán cà phê Chiêu nhìn ra kênh Nhiêu Lộc. (Hình: Facebook Chiêu Anh Nguyễn)
SÀI GÒN (NV) – Quán cà phê Chiêu nhìn ra kênh Nhiêu Lộc. Ði từ quận 1 trên đường Hai Bà Trưng đến đầu cầu Tân Ðịnh quẹo phải xuôi theo đường Hoàng Sa 300, 400 m sẽ đến quán của Chiêu 2 và 3. Phải đánh số vì có một quán 1 nữa ở Bầu Cát, Tân Bình.
Quán do một người phụ nữ tên Chiêu [Anh Nguyễn] làm chủ. Trên Facebook thường xuất hiện hình ảnh của bà chủ vui cười than thở khi tự tay đi mua cát đá gạch ngói, tự chỉ huy điều hành việc xây dựng quán. Và bằng cách đó “cà phê Chiêu” đã hình thành.
Khách của quán đa số là dân văn nghệ báo chí doanh nhân, những người mê đọc sách từ bình dân đến thượng lưu.
Tôi là kẻ không mê café nhưng lại mê quán, nhất là quán nhìn ra sông, nơi có thể nhìn bao quát hết cả con kênh uốn lượn như một dải lụa.
Từ Chiêu 3 mới trình làng khách có thể thưởng thức café nghe nhạc đọc sách nhìn dòng xe cộ cuồn cuộn chảy về khi chiều tan sở.
Nghe nói Chiêu đã từng là “tín đồ café” ngồi đồng từ sáng đến chiều ở những quán cóc ven đường Trần Quốc Thảo quận 3. Nghe nói Chiêu có đôi mắt buồn của một nữ thi sĩ. Nghe nói Chiêu chính là Chiêu Anh Nguyễn thường hay làm thơ đăng trên các trang mạng ở hải ngoại.
Và bây giờ là Chiêu Chủ của quán café sách.
Hỏi vì sao lại mở quán? Chiêu nói: Vì đi uống hoài ở ngoài vỉa hè chán nên muốn mở quán. Vì Chiêu đã “ao ước” muốn mở một cái quán ven đường để cho anh em bạn bè văn nghệ ngồi ngó ra đường tụ họp vui bàn chuyện thế sự.
Và Chiêu đã làm thiệt với quán đầu tiên ở vỉa hè Bầu Cát, Tân Bình. Dù đang là một chủ một cửa hiệu thời trang chuyên áo cưới make up chụp ảnh trang điểm cho cô dâu. Nhưng vì “mê” quán quá nên Chiêu đành phải tạm gác giao công việc lại cho người thân trông nom – để chạy theo mùi hương của café đang bốc khói gọi mời.
Chiêu lúc nào cũng bận túi bụi cho việc thiết kế trang trí mỹ thuật từ trong ra ngoài cho quán. Khách thì lúc mưa lúc tạnh, lúc nhiều lúc ít. Nhưng với Chiêu thì lúc nào cũng đầu tắt mặt tối đen thui chịu xấu một chút cho quán đẹp hơn.
Mê quán mê làm việc đến nỗi nhiều khi Chiêu “quên” luôn cả nhan sắc của mình. Nhìn Chiêu lúc nào cũng như một nàng cô nàng “lọ lem” trong chuyện cổ tích.
Nhưng có hề gì khi nhìn thấy Chiêu mê luôn cả “gỗ gạch “ nhiều khi thấy Chiêu post hình lên Facebook nói rằng “sao tui yêu gạch đá quá” là hiểu rồi.
Vậy nên khi khai trương thấy cô chủ vui như tết vì quán tấp nập văn nhân bè bạn.
Phải nói là quán của Chiêu là loại rất “nghệ thuật,” hình như cái đầu của nhà thơ có ảnh hưởng chút chút vào quán. Chính điều này đã hình thành nên style của Chiêu. Không đụng hàng và không giống ai.
Chủ quán cà phê Chiêu, cô Chiêu Anh Nguyễn. (Hình: Facebook Chiêu Anh Nguyễn)
Dù có nhân viên nhưng vẫn không đủ cho cái sự tham lam cộng việc vô bờ của mình nên nhiều khi bạn bè thấy Chiêu kiêm luôn cả công việc tạp vụ bưng bê sắp xếp bàn ghế. Cô nàng vừa làm vừa cười vui “việc nhiều mà không có người nên phải làm luôn thôi…”
Ai đã từng mở quán mới biết để có thể tồn tại trong cái đất nước loạn xà bần nầy thì phải chịu nhiều điều phiền toái như công an thuế vụ, trật tự đô thị và cái lòng lề đường luôn luôn là một cuộc rượt đuổi khôn nguôi dành cho những ai chọn vỉa hè làm kế mưu sinh.
Quán Chiêu cũng không thoát khỏi vấn nạn này một khi muốn đặt một vài cái bàn trên vỉa hè để khách ngồi café nhìn ra con kênh Nhiêu Lộc sáng chiều khói bụi mịt mù.
Việc “lấn chiếm thơ mộng” cũng không thoát khỏi những đôi mắt tuần phủ của mấy ông “công an trật tự đô thị.” Chỉ chờ một vi phạm nhỏ thôi – A lê hấp bàn ghế của bạn sẽ bị “thu gom” làm sạch lề đường kèm theo một biên lai phạt. Nhiều khi muốn khóc vì mấy ông hung thần này.
Với Chiêu cũng đã bị vài bận như vậy…
Nhưng nhờ trời thương, Chiêu nói gặp “anh trật tự dễ thương” nên cũng du di không làm khó gì lắm cho mấy bộ bàn bàn ghế giang hồ tội nghiệp này.
Café Sống Chậm
Ngoài Chiêu ra còn có một người phụ nữ cũng đáng yêu không kém đó là Lynh Bacady. Một nữ thi sĩ lừng danh trong những đợt biểu tình đầu tiên ở Sài Gòn chống Tàu xâm lược Hoàng Sa Trường Sa.
Nếu ai có dịp đọc lại những bản tin của BBC, VOA vào những năm 2007 sẽ thấy một cô gái mặc áo pull có dòng chữ in sau lưng “No China No-U…” trong cuộc biểu tình đầu tiên nỗ ra ở Sài Gòn với hình ảnh một cô gái dẫn đầu đoàn biểu tình xuống đường rầm rộ có hai bím tóc quăng ra phía sau như thách thức.
Nhà báo Osin Huy Ðức, tác giả “Bên Thắng Cuộc” ký tặng sách cho độc giả tại quán cà phê Chiêu. (Hình: Facebook Chiêu Anh Nguyễn)
Lynh Barcady bây giờ cũng là chủ nhân của Quán Café Sống Chậm. Cũng lưu lạc quăng quật từ quận 10, đến Trần Quốc Thảo quận 3 và bây giờ đồn trú ở 225/17 Nguyễn Ðình Chiểu quận 3 trước trường tiểu học Kiến Thiết.
Hai người hai số phận khác nhau nhưng lại cùng một đam mê kỳ lạ đó là mở Quán Café Sách, mê sáng tác và cũng không ưa gì “Tàu khựa” đang xâm lăng biển Ðông.
Với Lynh Barcady làm thơ với sách và café như quyện lại thành một không tách rời, đến quán Lynh nhiều khi có cảm giác như một ốc đảo nằm giữa biển khơi Sài Gòn.
Cũng một mình không có bóng đàn ông nên Lynh cũng phải cáng đáng hết công việc của một bà chủ – tiếp khách pha café , nấu nướng – một bà mẹ đơn thân bận rộn nuôi con kinh doanh và vui sống.
“Cuộc đời đã buồn quá rồi không có thời gian để buồn nữa phải vui thôi…” Lynh cười khoe mấy cái răng khểnh của một phụ nữ trên 30.
Ở quán Lynh có thể nhậu lai rai với vài món nhắm do chính Lynh đảm trách, có thể ngồi lâu ôm đàn guitar ca hát om sòm, có thể cụng ly với Lynh và khề khà thơ phú nếu bạn đủ đởm lược để yêu và để mơ màng khi chiều đêm xuống.
Ðến quán Lynh bạn sẽ có dịp gặp những tay chơi văn nghệ khắp nơi trong ngoài nước tụ về, tất cả đều có thể gặp nhau không phân biệt sang hèn. Vì suy cho cùng thì văn chương trong thời buổi buồn hiu nầy thì có thằng nào là “ngon” hơn thằng nào đâu khi “chí lớn thiên hạ đong không đầy mắt mỹ nhân.” Một tay nhà thơ cảm thán.
Lynh Barcady là một người đàn bà đẹp trong văn chương, là một trong những cây bút xuất sắc của nhóm “Ngựa Trời” một thời cách tân mới lạ và táo bạo, những người phụ nữa này khiêu khích đến nỗi nhà nước phải ra lệnh thu hồi tập thơ đầu tay của nhóm vì nó quá “dữ dội.”
Khi hỏi mở quán có bị theo dõi không? Lynh trả lời tỉnh queo “Mấy ‘ảnh’ có vô uống café thường xuyên quan tâm hỏi han nhưng riết không thấy gì ngoài mấy tay văn nghệ bàng quan thế sự không ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia nên thôi.”
Nhà thơ Lynh Bacady, chủ quán cà phê Sống Chậm. (Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
Người ta có đưa ra một điều tra xã hội rằng: Văn hóa của dân Việt đang càng ngày càng xuống cấp trầm trọng. Giới trẻ bây giờ chỉ biết chúi mũi vô tivi lên Internet nghe xem ca nhạc nên không có thì giờ đâu mà đọc sách. Một đất nước gần 90 triệu dân mà số lượng in ra cho một đầu sách chỉ tầm 1.2 ngàn bản thì đủ biết văn hóa của xã hội đó “thê thảm” đến mức độ nào.
Không biết có phải vì những lý do sâu xa như trên hay không mà qua bao nhiêu lần “di dời” quán thì bấy nhiêu lần Chiêu-Lynh đều phải khổ sở vì đống sách “quí vô thiên lủng” kia. Bàn ghế có thể bán đổ bán tháo mua mới lại, con người có thể chia tay nhưng “sách thì quyết không sang nhượng.”
Trả lời câu hỏi này hai người phụ nữ này đều có đáp án giống nhau. Sách mất rồi làm sao mua được, toàn là sách hay sách quí đắt tiền phải khổ sở tích góp lắm mới “để dành” mua được nên bằng mọi giá phải giữ lại cho khách và bạn bè đọc… Với lại quán café “sách” mà không có sách thì quán đó như không có linh hồn và quan trọng hơn nữa họ muốn giữ gìn để tạo nên một thói quen dừng lại và “đọc,” cho những ai đã lãng quên vì cơm áo gạo tiền.
Với Chiêu và Lynh thì sách hay cũng như sắc đẹp của phụ nữ. Vậy nên cuộc đời cũng sẽ nhan sắc giá trị thặng dư hơn nhiều nếu có những người đàn bà biết làm đẹp mình bằng… sách.
Một ông bạn già làm văn chương kết luận: Sài Gòn luôn có những điều mới lạ nhưng lạ như hai cô nữ sĩ này thì chỉ có một, một thân một mình mở quán nuôi con mọn làm cái công việc rất giống những người phụ nữ khác. Nhưng kỳ thực lại “không giống ai.” Họ đang làm một việc quá lương tri chỉ cốt để giữ gìn cái nhân phẩm đang rơi rụng của nhiều người.
……………………………………………………..
Fwd: Nhà Thơ lãng mạn dễ thương Nguyễn Tất Nhiên
Đoàn Dự
-o0o-
Em FRW lại bài này cho cô .
Thục
Nhà thơ lãng tử dễ thương Nguyễn Tất Nhiên
Đoàn Dự ghi chép
Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, là một nhà thơ được nhiều người Việt Nam yêu thích. Đối với các nhà thơ khác thì người ta hâm mộ, còn đối với Nguyễn Tất Nhiên, người ta yêu thích do thơ của Nhiên rất hay, phóng khoáng, có những nét gần như kỳ lạ nhưng lại rất trẻ, rất hồn nhiên, cứ viết là viết, hễ thích là viết và viết rất gần gũi với cuộc sống con người. Ví dụ: “Người từ trăm năm/ Về ngang sông rộng/ Ta ngoắc mòn tay/ Trùng trùng gió lộng/ Thà như giọt mưa/ Vỡ trên tượng đá/ Thà như giọt mưa/ Khô trên tượng đá/ Có còn hơn không…” (Trích: Khúc tình buồn. Phạm Duy phổ nhạc và đổi tên thành ‘Thà như giọt mưa’ nhưng xem ra cái tên Khúc tình buồn hay hơn). Ôi, tình yêu mà chỉ có “một khúc” thôi – một khúc ngắn ngủi, nhỏ bé, giống như những giọt mưa rơi trên tượng đá, sau đó khô đi và tác giả tự an ủi: “Có còn hơn không”. Thật dễ hiểu, dễ gần gũi, vì ai cũng đã từng trải qua thứ tình cảm ấy nên thấy yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Thời trẻ tuổi
Nguyễn Tất Nhiên sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa, mất ngày 3 tháng 8 năm 1992 tại California, Mỹ, hưởng dương 40 tuổi. Lúc còn là một học sinh với cái tên khai sinh Nguyễn Hoàng Hải, Nhiên theo học tại trường Trung học Công lập Ngô Quyền Biên Hòa từ năm lớp 6 (1963) cho tới năm lớp 12 (1970). Biên Hòa trước 1975 có hai trường trung học lớn, là trường Ngô Quyền (công lập) và trường Khiết Tâm (tư thục, công giáo). Trường Ngô Quyền nay vẫn còn nhưng trường Khiết Tâm đã bị tịch thu ngay sau 30-4 và trở thành trường bán công.
Khi còn là một học sinh trung học đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9), cậu học sinh Nguyễn Hoàng Hải đã làm thơ và thơ rất hay, rất tình cảm, với những ý tưởng đặc biệt nên được bạn bè hâm mộ. Mới học lớp 7 nhưng cậu rủ cậu bạn cùng lớp cũng yêu thơ như mình tên là Đinh Thiên Thọ thành lập thi văn đoàn Tiếng Tâm Tình và khuyến khích bạn bè hợp tác. Các “tác phẩm” cả thơ lẫn văn trong thi văn đoàn đem quay ronéo rồi chuyền tay nhau đọc. Năm sau, lên lớp 8, mới 14 tuổi (năm 1966), hai “nhà thơ học trò” này chung tiền nhau xuất bản tập thơ đầu tay Nàng thơ trong mắt. Gia đình Nguyễn Hoàng Hải có tiệm may âu phục lớn ngay trong trung tâm thành phố, còn gia đình Đinh Thiên Thọ có tiệm tạp hóa cũng rất khá giả, nên tiền in thơ cũng “lo được”. Đinh Thiên Thọ lấy bút hiệu là Đinh Thiên Phương còn Nguyễn Hoàng Hải lấy bút hiệu Hoài Thi Yên Thi. Như vậy, Đinh Thiên Phương và Hoài Thi Yên Thi là hai nhà thơ “nhí” có tác phẩm xuất bản rất sớm, vào năm 14 tuổi (Đinh Thiên Thọ và Nguyễn Hoàng Hải bằng tuổi nhau).
Trong thời gian này, Hoài Thi Yên Thi (Nguyễn Tất Nhiên) thầm yêu một cô bạn cùng lớp gốc “Bắc kỳ di cư 54” tên là Duyên (Hoài Thi Yên Thi người miền Nam) với những tình cảm nhẹ nhàng, trong sáng, nhưng không đi đến đâu vì tình yêu thuở học trò thời đó là như vậy, “yêu rất nhiều mà chẳng được bao nhiêu” chứ không như bây giờ. Tuy nhiên, dù sao thì cô bạn gái cùng lớp tên Duyên cũng là niềm cảm hứng cho nhà thơ Hoài Thi Yên Thi và sau này “chàng” đổi bút hiệu thành Nguyễn Tất Nhiên, sáng tác khá nhiều bài thơ rất có giá trị: “Khúc tình buồn” (Phạm Duy phổ nhạc thành “Thà như giọt mưa”), “Linh mục” (Nguyễn Đức Quang phổ nhạc thành “Vì tôi là linh mục”), “Ma sơ” (Nguyễn Đức Quang phổ nhạc thành “Em hiền như ma sơ”), “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”,v.v… Người ta tìm được 71 bài đã đăng báo và 3 tập thơ đã xuất bản, trong đó có một tập in ở Mỹ khi Nhiên còn sống.
Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ từ lúc còn rất ít tuổi. Đầu óc Nhiên được mô tả là lúc nào cũng như mơ mộng, suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả trong khi còn đang đi học. Bạn bè thời đó gọi đùa Nhiên là “Hải-ngố” hay “Hải-khùng”. Có câu chuyện do bạn bè kể lại là một buổi sáng, Nguyễn Tất Nhiên đứng giữa ngã tư trong thành phố Biên Hòa, hai tay đút túi quần, cặp mắt mơ mộng nhìn lên trời như không biết đó là ngay giữa ngã tư.
Theo lời kể của nhà thơ Thái Thụy Vy, hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà “Hải-khùng” vẫn mặc chiếc áo măng-tô mua ở khu Dân sinh dưới Sài Gòn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đạp xe đạp đi theo “cô Bắc Kỳ nho nhỏ” tên Duyên.
Hình: Nguyễn Tất Nhiên năm lớp 12 trường Ngô Quyền
(đứng thứ 5 từ trái sang, cạnh người mang cravát)
Giai đoạn từ 1971 trở về sau
Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công, thơ in ronéo tặng cho các nữ sinh chẳng ai buồn đọc. Hai tập thơ xuất bản, gửi bán trong tiệm sách ở đầu chợ Biên Hòa, để lâu giấy vàng cả ra cũng chẳng ai mua.
Cho đến khi thơ của Nhiên được một giáo sư trong trường Ngô Quyền (trước năm 75 các thầy cô giáo dạy trung học gọi là giáo sư, dạy tiểu học gọi là giáo viên; sau 75 tất cả đều là giáo viên giống như ngoài Bắc), vốn yêu thơ và biết thơ của Nhiên có giá trị nên gửi tới tạp chí Sáng Tạo ở Sài Gòn do nhà văn Mai Thảo chủ trương. Lúc ấy, hễ có bài đăng trên tạp chí Văn của Trần Phong Giao, tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo hay Bán nguyệt san Thời Nay của Nguyễn Văn Thái v.v… là rất dễ được mọi người chú ý. Các nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang thấy thơ của tác giả Nguyễn Tất Nhiên nào đó đăng trên Sáng Tạo rất hay và có ý lạ nên phổ nhạc, từ đó Nguyễn Tất Nhiên bắt đầu nổi tiếng.
Bị… lính chê!
Đầu năm 1972, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ Trường Sĩ quan Thủ Đức, nhưng mới đi trình diện, khám sức khỏe tại Trung tâm Nhập ngũ số 3 đường Tô Hiến Thành thì bị các bác sĩ trong Hội đồng Giám định Y khoa… chê và cho về với lý do “tâm thần không ổn định”.
Đối với anh chàng lãng tử đầu óc luôn luôn để đâu đâu này thì đi lính cũng được, không đi lính cũng được, chẳng sao cả. Nhưng đã đi rồi lại bị cho về vì… đầu óc không bình thường thì cũng hơi mắc cỡ với bạn bè. Do đó, chàng bèn nói dóc rằng chính chàng giả bộ tâm thần, đánh lừa được Hội đồng Giám định nên họ cho về. Giải thích riết rồi… chính chàng cũng tưởng rằng mình có tài “giả điên” thật, nên bèn lấy làm khoái chí lắm, hễ gặp bạn bè là khoe tới khoe lui hoài.
Thế rồi, sau 1975, ai cũng nghèo, Nguyễn Tất Nhiên may mắn xin được một chân làm nhân viên điều hành trong Hợp tác xã xe lam ở bến xe Tam Hiệp, Biên Hòa, đồng lương tuy chẳng bao nhiêu nhưng cũng đỡ phải chơi không. Ngoài ra, Nhiên cũng có một người anh và một người chị ở bên Pháp làm ăn từ trước rất khá giả, luôn luôn gửi quà (tức các thùng hàng, lúc đó chưa được gửi tiền như bây giờ) về giúp đỡ nên gia đình không đến nỗi nào. Không phải lo cho chuyện gia đình, buổi tối buồn tình chàng đi học đàn ghi-ta và học sáng tác âm nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa nhưng không thành công. Chàng chẳng sáng tác được bản nhạc nào. Cuối năm 1980, gia đình được bảo lãnh sang Pháp, trong đó có Nhiên. Lúc ấy chàng 28 tuổi.
Ba năm sau, có một cô gái tên Lê Minh Thủy từ bên Mỹ đi du lịch Âu châu, sang Pháp. Cô này vẫn hâm mộ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, nhất là qua các bài đã được nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ nhạc, bèn tìm đến thăm. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi ít lâu sau chàng sang Mỹ làm đám cưới với nàng và ở lại với vợ tại Mỹ, sống ở Quận Cam, California. Năm 1987, theo gợi ý của vợ, chàng gia nhập Hội Nhà Văn Việt Nam tại hải ngoại. Đó là một mối tình đẹp, họ rất yêu nhau và có với nhau hai con trai.
Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy nhà thơ lãng tử Nguyễn Tất Nhiên chết trong chiếc xe hơi của mình đậu dưới bóng cây trong một sân chùa thuộc California, có lẽ do bị trụy tim bất ngờ.
Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định
Đây là những câu thơ được coi là “tiền định” trích trong bài “Giữa trần gian tuyệt vọng” làm năm 1972, lúc Nguyễn Tất Nhiên mới 20 tuổi. Những câu thơ này được khắc trên mộ bia của chàng. Mộ Nguyễn Tất Nhiên nằm tại Vườn vĩnh cửu trong nghĩa trang Westminster, phía tây Little Saigon, California. Rất thường xuyên, các du khách Việt đến thăm khu phố Bolsa – Little Saigon có ghé ngang qua thăm mộ thi sĩ.
Theo lời nhà báo Đoàn Thạch Hãn thì bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên là do nhà thơ Du Tử Lê đặt. Ông Hãn kể rằng theo nhà thơ Phạm Chu Sa, “có lần Nhiên bộc bạch rằng bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên là do Du Tử Lê đặt. Nhiên bảo, ngay lần đầu mới gặp, Du Tử Lê đã chê cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thi. Nhiên hỏi Du Tử Lê: ‘Bạn bè em ai cũng chê. Cái bút hiệu này hơi sến phải không?’. Lê đáp: ‘Tất nhiên’. Du Tử Lê nói thêm: ‘Họ Nguyễn hả? Ừ thì lấy luôn là NguyễnTất Nhiên đi’”. Thế là cái tên định mệnh đó ra đời, gắn chặt với thi nghiệp của một con người tài hoa bạc mệnh.
Bài thơ dưới đây được xem là cuối cùng của Nguyễn Tất Nhiên:
TÌNH ƠI HỠI TÌNH
Lâu rồi…, không nhớ bao lâu
Tìm nhau trong cõi bạc đầu nhân gian.
Em về, dưới gót trăng tan
Có nghe thiên cổ tiếng ngàn thông đau?
* * *
Lâu rồi…, lâu lắm xa nhau
Còn chăng hư ảnh trong màu thời gian.
Em đi, tóc lộng mây ngàn
Ngàn mây lộng khổ mây bàng bạc theo.
* * *
Lâu rồi…, không biết bao nhiêu
Nắng mưa trên những tàn xiêu đổ đời.
Hôm em êm ả điệu ngồi,
Sau lưng là những tình ơi hỡi tình.
“Người xưa” lên tiếng
Trong số những bài thơ Nguyễn Tất Nhiên để lại, người con gái tên Duyên có một vị trí đặc biệt. Trong “Khúc tình buồn”, Nguyễn Tất Nhiên đã thấy “Người từ trăm năm về qua sông rộng. Ta ngoắc mòn tay (nhưng chỉ thấy) trùng trùng gió lộng”. Anh yêu người con gái ấy song không thể đến gần, bởi vì người đó cứ xa cách muôn trùng. Anh yêu, cuồng nhiệt, bỏng cháy mà không được đáp lại nên điều ước thật… điên: “Thà như giọt mưa/ Vỡ trên tượng đá/ Thà như giọt mưa/ Khô trên tượng đá/ Có còn hơn không”. Sau này, một người bạn của Nguyễn Tất Nhiên kể lại là đã hỏi tại sao lại “thà như giọt mưa” thì anh trả lời hết sức cắc cớ: “Ai biểu Duyên không yêu tôi thì tôi làm giọt mưa… vỡ trên vai nàng”.
Người con gái xứ Bắc tên Duyên đã đi vào thơ Nguyễn Tất Nhiên là ai? Bóng hồng ấy có sức hút mãnh liệt thế nào khiến nhà thơ đắm say, si tình, điều đó gợi ra trí tò mò của người yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên… Chính từ thắc mắc ấy, nhà báo Hà Đình Nguyên đã bỏ công ra truy tìm nguyên mẫu trong hàng chục năm ròng rã từ nhiều nguồn tin, bằng các mối quan hệ và bằng cả cơ duyên.
Trong một lần tâm sự với nhà thơ Lê Minh Quốc, anh thành thật nói rằng mấy chục năm nay đã cố tìm tòi về người đẹp tên Duyên trong các bài thơ nhưng “bó tay”. Lê Minh Quốc lục trong trí nhớ và giới thiệu Hà Đình Nguyên tìm gặp nhà báo Lưu Đình Triều, người học cùng trường Ngô Quyền thuở trung học với người đẹp tên Duyên và cả nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên ở Biên Hòa, Đồng Nai.
Qua trí nhớ của người bạn của Nguyễn Tất Nhiên, cô gái tên Duyên cũng hé mở. Theo Lưu Đình Triều, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải sinh năm 1952, sau mới lấy bút danh Nguyễn Tất Nhiên. Còn cô Duyên, tên đầy đủ là Bùi Thị Duyên dân “Bắc Kỳ”, gia đình di cư vào Nam năm 54. Tình yêu của Hải dành cho Duyên cả trường Ngô Quyền ai cũng biết. Ngoải ra, Duyên còn là nguồn cảm hứng, là nguyên mẫu cho nhiều bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên khi anh ở độ tuổi đôi mươi.
Những tưởng Nguyễn Tất Nhiên sẽ chiếm được trái tim “người đẹp” khi tên cô ngân vang cùng nhạc Phạm Duy trong lòng bao nhiêu người yêu mến. Thế nhưng, người đẹp tên Duyên và nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên vẫn đường hai lối rẽ. Sau này, họ cùng sống ở Mỹ nhưng không biết có cơ hội nào gặp lại nhau không, vì một người ở Michigan, một người ở California.
H.3: Nguyễn Tất Nhiên (thứ 2 từ trái sang) và một số bạn hữu là ca sĩ, nhạc sĩ tại tư gia
Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi Thị Duyên ngày nào hiện nay vẫn sống tại Michigan, Hoa Kỳ. Sau này, qua những người bạn của Nguyễn Tất Nhiên, cô đã nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò: “Tụi này học chung cùng lớp với nhau từ năm đệ tứ. Nhưng lúc đó tôi ngây thơ, chưa nghĩ gì hết, còn Nguyễn Tất Nhiên nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ mà Nguyễn Tất Nhiên nói là có ba bản đặc biệt. Một bản của Nhiên, một bản tặng tôi và một bản cho ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành tập thơ của Nguyễn Tất Nhiên chứ không phải không. Tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ”.
Trong tập thơ Thiên Thai, Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bài nói về người thiếu nữ tên Duyên và tập thơ này viết bởi nguồn cảm hứng duy nhất đó. “Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một tập thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với Nguyễn Tất Nhiên ngay từ đầu rằng mình là bạn thôi. Nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau anh ấy phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp một người bạn như tôi. Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm” – người con gái tên Duyên chia sẻ.
Mới hay, tình yêu đơn phương, hay tình dang dở khiến người ta nghĩ đến nhau nhiều. Những vần thơ đã sống cùng thời gian, và người con gái tên Duyên thành biểu tượng thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Những bài thơ đã làm cho cái tên Duyên trở nên nổi tiếng và ý nghĩa. Cái ý nghĩa gắn với một tình yêu cuồng si của một tài thơ điên, phận mỏng.
Nguyễn Tất Nhiên yêu và chẳng ngại ngùng khi gọi tên người mình yêu trong thi ca. Trong bài “Duyên của tình ta con gái Bắc”, anh viết: “Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc/ Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền/ Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang/ Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt/ Nếu vì em mà ta phải điên tình/ Cơn giận giữ đã tận cùng mê muội/ Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài luôn yếu đuối…”
Đoàn Dự ghi chép
- 1.Nhà văn.Dương Hùng Cường -Kỳ 3 (DTL)2.‘Ga Cuối Đường Tàu’ -Huy Phương (NL/NV)3.Hai hình ảnh một cuộc đời(T.H.Quang/NV)
- 1.Nhà văn Dương Hùng Cường, Kỳ 1 & 2 (DTL)-2.Hữu Loan, nhà thơ con người,tích xưa, việc cũ (Viên Linh/NV))-
- 1.Ông ‘Lá Bối’ một đời bị ‘sách… ám? &..ông Võ Thắng Tiết -tiếp theo-(DTL) 2. Lục tìm sách cũ ở Sài Gòn (RFA)-
- 1.Thầy Từ Mẫn và, nhà xuất bản Lá Bối…(DTL)2.‘Lòng trần còn tơ vương khanh tướng’(NL)3.Lần đầu tiên nhạc dân tộc Việt được trình diễn trong Tòa Bạch Ốc(NV)
- 1.Bài thơ trước gió đông – thơ Huy Trâm (1936- 2017)2.Mưa giăng tuyết đổ(Viên Linh/NV)3.Thác Bản Giốc những ngày cuối năm 2017(Báo Tiếng Dân)-
- Tác phẩm mới:”Con trâu rừng cuối cùng trên đảo” -Tác giả: Nguyễn Công Khanh-
- 1.Du Tử Lê: Nguyên Đán 1975(Tùy bút)-Cõi Mẹ Về-Tháng chạp,mới(Thơ)2.Ernest Hemingway(FW)
- 1.Mặc Lâm: ‘Bàng Bạc Gấm Hoa' ..(DTL)2.-.Báo chí miền Bắc thời Pháp thuộc ..(Fwd)
- 1.Nhà văn Vũ Thư Hiên-Kỳ cuối(DTL)2.Bi kịch một đời thơ Chế Lan Viên(VNTB)
- 1.Nhà văn Vũ Thư Hiên- Kỳ 3 (DTL)2.Ánh Tuyết, tiếng hát ngọt ngào ..không còn nữa(NV)3.Thơ DTL-