Trường hợp nhà thơ Tuệ Mai
Nguồn:nguoiviet.com-Thursday, October 23, 2014
Du Tử Lê
(Gửi nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhà thơ Cao Mỵ Nhân và, anh chị Lê Vinh)
Nhà thơ Tuệ Mai – 1972. (Hình dutule.com)
Trong sinh hoạt thi ca 20 năm của dòng văn học miền Nam, nhà thơ Tuệ Mai, theo tôi là một trường hợp khá đặc biệt. Tên thật Trần Thị Gia Minh, bà sinh năm 1928 tại Hà Nội, trong một gia đình thế giá. Thân phụ bà là nhà thơ nổi tiếng cụ Á Nam-Trần Tuấn Khải (1). Tuy thân mẫu mất sớm, nhưng bà vẫn được dưỡng dục một cách chu đáo bởi người cha thuộc thế hệ kẻ sĩ thời Nho giáo còn ảnh hưởng khá nặng.
Theo lời bạn tôi, Ðỗ Hùng (hiện cư ngụ tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn) thì ngay từ đầu thập niên 1950s, nhà thơ Tuệ Mai đã là trưởng đoàn thanh nữ của Gia Ðình Phật Tử Minh Tâm – trụ sở sinh hoạt là sân chùa Quán Sứ ở đường Quán Sứ, Hà Nội. Thời gian này cũng là thời gian nhà văn, luật sư Trần Thanh Hiệp là huynh trưởng Thiếu Ðoàn Gia Ðình Phật Tử cũng thuộc chùa Quán Sứ – Trong khi bạn tôi, Ðỗ Hùng, thời đó mới chỉ là đoàn viên của Thiếu Ðoàn Gia Ðình Phật Tử Ðồng Niên. Vẫn theo lời kể của Ðỗ Hùng, thì chùa Quán Sứ cũng như Gia Ðình Phật Tử Quán Sứ do Hòa Thượng Thích Tố Liên, một nhân vật đạo cao, đức trọng thuở đó, trụ trì, hướng dẫn.
Ðược khuôn đúc trong nề nếp đạo đức, lại sống khép kín, gần như xa lánh mọi sinh hoạt náo động, ồn ào của xã hội, nên cõi giới thơ Tuệ Mai gần như vắng lặng những lênh đênh, khấp khểnh đời thường. Ở phương diện giao tiếp bạn văn, bà cũng giới hạn vào một số rất nhỏ những người bà quen biết, tin cậy… Một trong những người bạn gái được coi là thân thiết hơn chị em ruột, trong nhiều chục năm của Tuệ Mai là nhà văn Nguyễn Thị Vinh (2). Ðó là người bạn, mà bà có thể tâm sự, chia sẻ với nhau cả những chuyện thầm kín nhất và, ngược lại. Nhưng, Tuệ Mai hơn một lần cho biết, không vì thế mà bà ảnh hưởng quan niệm văn chương, cách sống của bạn…
Lược kê những dữ kiện này, tôi chỉ muốn nói, mặc dù làm thơ rất sớm ngay tự những năm cuối thập niên 1930s, đầu thập niên 1940s, nhưng cho tới khi Tuệ Mai xuất bản thi phẩm “Không bờ bến,” Saigon, 1964; được trao giải văn chương toàn quốc 1966 thì, khuynh hướng thơ của bà dường không thay đổi bao nhiêu. Thơ bà vẫn không ra khỏi tinh thần yêu nước nhẹ nhàng, nhắm tới tâm tình (mang nhiều tính giáo dục) giới trẻ, kiểu “gia huấn ca.” Thảng hoặc bà có những bài thơ nói về tình yêu, chiến tranh hay những tân khổ của kiếp người thì, chúng cũng chỉ thoảng, nhẹ.
Ðó là giai đoạn thứ nhất của hành trình thi ca Tuệ Mai, hai giai đoạn.
Nói cách khác, đấy là một dòng thơ thiếu cá tính. Phải chăng vì thế, thơ của bà đã không được đám đông đón nhận như một vài nhà thơ nữ khác – – Mặc dù tính tới tháng 4, 1975, hàng ngũ những nhà thơ nữ của miền Nam, hoạt động đều đặn, vốn không nhiều lắm.
Bìa sách “Bay nghiêng vòng đời.”
Tôi trộm nghĩ, có thể cũng vì vậy mà nhà phê bình văn học Cao Thế Dung, trong bài viết tựa đề “Nữ thi sĩ Tuệ Mai” trích từ tác phẩm “Văn học hiện đại / Thi ca & Thi Nhân / Cao Thế Dung”, do nhà văn Thế Phong đăng tải trên trang mạng Virgil Gheorghiu, (3) có đoạn mở đầu như sau:
“Cách đây 7 năm, khi nhận định về một số thi nhân Việt Nam Tự Do; chúng tôi không có một ý nghĩ tốt nào về thơ Tuệ Mai – vì thơ Tuệ Mai, xem như quá xa cách với cảm quan và nhãn giới của chúng tôi lúc bấy giờ. Chúng tôi chỉ có một thành kiến duy nhất: Tuệ Mai chưa thể tiêu biểu cho thi ca hôm nay – nghĩa là tiếng nói trung thực của hiện đại. Từ cái thành kiến đáng ghét như thế, trước mắt nhìn của người viết, Tuệ Mai chỉ như một thứ trang sức cho xôm trò, và không thể đóng góp vào sự sống hôm nay, cùng với tiếng nói và thể chất hôm nay qua thi ca… Một tiêu biểu sung mãn. Vì vậy, chúng tôi không đặt để Tuệ Mai trên bất cứ một nấc thang giá trị nào…”
Tuy nhiên, ngay sau đó, họ Cao viết:
“Bảy năm đi qua với bao nhiêu thay đổi trên quê hương và lịch sử, lẽ tự nhiên tâm thể cùng với cảm quan của một người – và có thể rất nhiều người – cũng đổi thay và đổi thay một cách nghiêm trọng. Từ sự thay đổi nghiêm trọng kia trong cảm quan và tâm thể, cũng như cân não – đã bắt buộc chúng ta phải thực hiện một cuộc trở về để giám định lại tất cả quá khứ – nếu có thể, hay một phân bộ – và chúng ta sẽ mang nhiều hối tiếc. Có những hối tiếc lý thú mà chúng ta cần phải nâng niu giữ lại, những hối tiếc của nghệ thuật trên một tình tự thăng hoa và phủ nhận. Có những hối tiếc chúng ta cần phải lên tiếng trình bày như là một lời “nói lại”… “Chúng tôi muốn nói đến niềm hối tiếc phát xuất từ sự thiên lệch và cố chấp trong những nhận định sai lầm về nghệ thuật… Niềm hối tiếc cứ thế mà lớn dần khi chúng tôi đọc lại thơ Tuệ Mai:
Vòng khăn tang lớn dần quấn hãm đời nàng
Giải khăn tang dài, dài hơn con đường tự khởi điểm thôi nôi
Tới khúc quanh năm tháng
Những đám tang
Ôi những đám tang huyệt mùa đông ngăn ngắt
Bia mộ dựng trong nàng
Mỗi một bia một ngọn lửa tàn
Bên một con sông cạn
Như một tắt âm thanh…
(Trích Trước Sau – Thơ Tuệ Mai)
(Kỳ sau tiếp)
dutule
Chú thích-
(1) Theo tài liệu của Wikipedia Mở thì: “Nhà thơ Á Nam-Trần Tuấn Khải sinh ngày 4 tháng 11 năm 1895. Ông là một nhà thơ Việt Nam nổi danh từ thời tiền chiến (…) Là người huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh. Xuất thân là nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước, cha ông là Trần Khải Thụy, đỗ cử nhân khoa thi Hương, tại Nam Ðịnh năm Canh Tý (1900). Năm lên 6 tuổi, ông bắt đầu học chữ Hán với cha. Nhờ mẹ ông cũng là người thuộc nhiều ca dao, thi phú, lại hết lòng dạy dỗ con, vì vậy mới 12 tuổi, ông đã biết làm đủ các thể thơ bằng chữ Hán. Năm 1914, cha ông lâm bệnh mất tại nơi nhiệm sở. Khi ấy, nhà thơ Á Nam-Trần Tuấn Khải vừa đúng 19 tuổi và cũng vừa lấy vợ được một năm. Qua năm 1919, ông trở lại làng Quang Xá dạy học, được ít tháng ông lại xuôi ngược khắp miền Bắc, rồi đưa vợ ra Hà Nội. Nhưng ít lâu sau, thấy chồng ghét cảnh náo nhiệt, bà Khải bán nhà đến mua một trang trại ở ấp Thái Hà, ven đô Hà Nội. Năm 1921, ông xuất bản tập thơ thứ nhất Duyên nợ phù sinh I, được giới văn chương đương thời chú ý. Năm sau, ông được mời vào Ban biên tập nhật báo Khai Hóa tại Hà Nội và nhận lời viết giúp cho nhiều báo khác. Ðến khi ông cho xuất bản Bút quan hoài I, gồm nhiều bài bi tráng, được nhiều người hoan nghênh, thì Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ tập thơ đó vào năm 1927 (…) Năm 1932, tác phẩm Chơi xuân năm Nhâm Thân của ông được xuất bản. Nhưng ngay sau đó bị Pháp ra lệnh tịch thu, khám nhà rồi bắt giam Trần Tuấn Khải và chủ nhà sách Nam Ký. Ông bị giam hơn 2 tháng rồi bị kêu án 2 tháng tù treo về tội viết sách “phá rối trị an, xúi dân nổi loạn” (…) Ra tù, vợ chết, con nhỏ chết. Chôn cất vợ con xong, ông trở về Thái Hà, lại bắt đầu viết bài cho các báo (…) Năm 1954, ông di cư vào Nam, làm việc tại Thư Viện Quốc Gia, Viện Khảo Cổ; Chuyên viên Hán học tại Nha Văn Hóa và các báo Ðuốc Nhà Nam, Văn Hóa Nguyệt San, Tin Văn… Ông mất ngày 7 tháng 3 năm 1983, tại Saigon.”
(2) Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Nguyễn Thị Vinh là tập truyện “Thương yêu”, XB năm 1954. Cùng với gia đình, bà hiện cư ngụ tại Na Uy.
(3) Nhà văn Cao Thế Dung cư ngụ tại vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ; trong khi nhà văn Thế Phong vẫn còn ở Saigon.
……………………………………………………………………………..
Khuynh hướng hoài hương
Nguồn:nguoiviet.com- Wednesday, October 22, 2014
Quỳnh Giao
Trong thời gian 60 năm vừa qua, có hai lần mà cả mấy triệu người đã lìa xa quê hương yêu dấu của họ. Lần đầu vào năm 54, lần sau vào năm 75 và những năm kế tiếp…
Khi gợi lại suối nguồn tân nhạc và các trào lưu sáng tác, ta không thể không nhắc tới nhiều tác phẩm được viết ra từ hai lần đau thương ấy. Nói chung, thể tài chính được âm nhạc ghi lại nhiều nhất vẫn là nỗi hoài niệm và ước mơ trở về quê cũ. Quỳnh Giao xin được gọi chung là những ca khúc hoài hương…
Năm 1954, khi đất nước bị chia đôi từ Hiệp Định Genève, có đông đảo các nhạc sĩ đã di cư vào Nam. Đa số trong lớp này cũng là nhạc công, và ở trong Nam, họ đóng góp nhiều cho tân nhạc cải cách qua môi trường hoạt động chính yếu là các đài phát thanh và các buổi nhạc hội hay chiếu bóng có phụ diễn văn nghệ. Ngoài những người như Hoàng Trọng hay Ngọc Bích đã nổi danh tại miền Bắc trước 54, thì những tên tuổi như Đan Thọ, Nguyễn Hiền hay Nhật Bằng, Lê Trọng Nguyễn cũng nổi lên. Trong khi nhạc Lê Trọng Nguyễn kén người nghe và đa số lại gần với xu hướng bán cổ điển mà chúng ta đã nhắc tới kỳ trước, thì Nhật Bằng, Đan Thọ và Nguyễn Hiền là tiêu biểu của lớp người viết nhạc trong Nam để nhớ quê hương miền Bắc…
Nhật Bằng là con chim đầu đàn của ban hợp ca Hạc Thành gồm có bốn anh em là Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần và Hồng Hảo.
Ban Hạc Thành đặc biệt được giới học sinh nam nữ của hai trường Chu Văn An và Trưng Vương yêu thích, vì cả hai trường đều di cư từ Hà Nội vào, với đa số học sinh là xuất thân từ miền Bắc.
Nhạc của Nhật Bằng thường là các ca khúc nhẹ nhàng, soạn cho ban Hạc Thành trình bày trong không khí vui tươi. Số còn lại là những bài viết về quê hương, nhưng vẫn là sự luyến nhớ êm đềm hơn là sự buồn bã u uẩn trong bài Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương hay Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành.
Đan Thọ là một nhạc sĩ vĩ cầm có tài và cũng là người soạn nhạc được nhiều người mến mộ về tài năng lẫn bản tính hiền hòa. Nhạc của ông tha thiết, lời của ông trong sáng và các ca khúc đều toát lên vẻ đôn hậu của con người ông.
Người thứ ba trong khuynh hướng viết tình ca êm đềm về quê hương đã khuất là Nguyễn Hiền. Ông sử dụng phong cầm và những ca khúc tiêu biểu cho tình hoài hương của ông đều nhắc tới một ngày về, hoặc sự tìm kiếm một kỷ niệm đã mất, như Về Đây Anh, Tìm Đâu, Thanh Bình Ca, và Về Bến Xưa…
Ở bên ngoài những ý nghĩa chính trị, sự việc con người ta phải từ bỏ nơi chốn thân yêu luôn luôn là biến cố xé lòng, cho nên, ngoài ba nhạc sĩ tiêu biểu kể trên, trong xu hướng hoài niệm và ước mơ ngày về, ta còn có Hoàng Trọng với Đường Về, Châu Kỳ với Trở Về hay Khúc Ly Ca, Hoàng Giác với Ngày Về, Tô Vũ với Tiếng Chuông Chiều Thu, Vũ Thành với Gửi Áng Mây Hàng, hay Lê Văn Khoa với Hẹn Một Ngày Về….
Đây là các ca khúc mà hình ảnh của con sông, cánh diều, mà âm vang của chuông chùa và gió lùa qua khóm tre… không là ước lệ mà có giá trị biểu cảm lớn cho nỗi nhớ khôn nguôi của nghệ sĩ.
Sau Genève 54, thêm một lần nữa lại cả triệu người đã thấy mất quê hương, vào năm 75.
Đây là một chấn động bi đát và kinh hoàng hơn, cho nên nhiều nhạc sĩ đã như bị nội thương đến nỗi không muốn viết nhạc nữa. Một số khác trẻ tuổi hơn đã bước lên con đường sáng tác bằng những khúc bi ca. Trong niềm đau rã rượi của cả triệu người di tản lúc đó, chỉ cần một ca khúc được viết ra là nhiều người đã hát theo trong nước mắt. Vào thời đó, có lẽ bài hát được biết tới nhiều nhất là Sài Gòn Vĩnh Biệt của Nam Lộc.
Nhưng, có người đi thì cũng có người ở lại, và trong khi nhiều người bên trong vui mừng hát câu đại thắng thì từ ngoài, người đi cũng nhỏ lệ cho người ở lại. Thảm kịch xảy ra cho những ai ở lại và bị tập trung học tập cải tạo cũng gây xót xa cho người đi. Vì vậy mà nhiều bài ca bi thương đã được viết từ bên ngoài cho người trong tù ở bên trong. Việt Dzũng, một ca và nhạc sĩ trẻ ở ngoài đã được biết tới qua ca khúc Món Quà Cho Quê Hương.
Và Phạm Đình Chương, một tên tuổi lớn của tân nhạc từ những thập niên 50, đã vượt biên vào năm 78, và bắt đầu viết nhạc trở lại từ bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn của Du Tử Lê. Đây là tác phẩm coi như đẹp nhất của đề tài hoài hương sau 75.
Nỗi hoài mong của kẻ xa xứ thường gây cảm xúc mãnh liệt nơi nghệ sĩ sáng tác, cho nên các ca khúc viết về quê hương đã lìa xa, kỷ niệm đã hoen mờ, mộng tương phùng đã tàn phai… mới chiếm một lưu lượng lớn trong dòng tân nhạc 60 năm cuộn chảy, để thành ca khúc của mọi thời.
Cũng vì vậy mà, qua khỏi thảm kịch di cư và khi nỗi chua cay đã lắng dịu với thời gian thì các ca khúc này vẫn gợi lại nhiều kỷ niệm đầm ấm, và sẽ còn được hát lại… có khi với tâm cảnh khác.
Quỳnh Giao xin thân ái chào tạm biệt quý vị, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam… với khuynh hướng nhạc chiến dịch.
………………………………………………………..
Hủ tiếu Nam Vang giữa lòng Hội An
Nguồn:nguoiviet.com – Wednesday, October 22, 2014
Phi Khanh/Người Việt
QUẢNG NAM (NV) – Đến Hội An, người ta hay tìm những quán cao lầu để nếm thử, để biết hương vị phố cổ qua ngòi bút miêu tả của không ít văn sĩ…
Thế nhưng những ai thích dạo phố về đêm, sẽ nhớ nhiều đến hình ảnh những người bán bắp luộc dạo trên những chiếc xe đạp, nhớ những hàng nước thâu đêm dưới tán phượng hay nhớ đến quán hủ tiếu Nam Vang của ông Toản, một quán hủ tiếu nằm bên một con hẻm nhỏ, bên góc phố nhỏ.
Hủ tiếu, cao lầu ở một góc chợ đêm Hội An. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Cũng xin nói thêm, hủ tiếu Nam Vang của ông Toản có giả không bình dân nhưng cũng không đến nỗi đắt đỏ – 25 ngàn đồng một tô (tương đương $1.25), với người miền Trung, giá như vậy là cao. Nhưng người ta vẫn thích, vẫn vào ăn, cái thú vui đi ăn đêm ở Hội An có thể nói là bất tận. Nhưng như ông Toản giải thích thì có khác.
Ông Toản cho biết, “Cái may của tui là tui chọn quán ở những điểm tốt, người ta nói là thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà! Trước đây, tui bán bên bờ sông Hoài, cạnh nhà bảo tồn văn hóa Hội An và chợ Hội An, nhờ khách đi dạo bờ sông nhiều nên bán cũng khá đắt. Điểm ngồi cũng thoáng mát. Nhưng vẫn không đắt cho lắm!”
“Sau này nhà nước không cho ngồi chỗ đó nữa, tui chuyển về đây, tự dưng bán đắt đỏ ra. Sau tìm hiểu tui mới biết là mình chọn trúng điểm, vì ngay trước mặt quán tui là rạp Phi Anh, một rạp phim nổi tiếng miền Trung những năm 1960, hồi đó Hội An còn mạnh hơn cả Đà Nẵng. Sau này, có một thời gian rạp Phi Anh bị đóng cửa…”
“Nhờ rạp này nổi tiếng mà mình được ăn theo, với người miền Trung, đặc biệt là người Quảng, rạp Phi Anh lúc nào cũng là dấu ấn văn hóa, ký ức của một thời. Bây giờ rạp vẫn mở cửa nhưng chỉ dành cho những ai có thời gian và chưa nguôi quên thói quen đi coi phim rạp thôi! Còn hủ tiếu mình thì hủ tiếu Nam Vang, cũng như mọi tô hủ tiếu Nam Vang khác trên đất nước này, đương nhiên nó phải là hủ tiếu Nam Vang chính hiệu.”
“Muốn có một tô hủ tiếu Nam Vang Chính hiệu, chắc chắn người nấu phải hiểu về lịch sử, phải yêu lịch sử kia. Tên Nam Vang lại có liên quan đến Sài Gòn-Gia Định. Trước đây, vào những năm 1690, khi Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh dắt đoàn lưu dân vào vùng Gia Định với rừng thiêng nước độc. Gia định lúc đó có 3 quận: Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang.”
“Quận Sài Gòn lớn nhất, vẫn giữ nguyên tên cho đến bây giờ, quận Gò Bích nằm trong khu vực Tân Bình bây giờ còn quận Nam Vang lại rơi về khu Gò Vấp bây giờ, những địa danh như xóm Chuối, xóm Chuồng Ngựa do người Miên cai quản là di chỉ còn lại của Nam Vang thời đó. Hủ tiếu Nam Vang cũng bắt nguồn tự đây.”
“Có thể nói hủ tiếu Nam Vang là một đặc sản của người Chân Lạp thuở đó, tức Campodia bây giờ, những vùng đệm như Tây Ninh, Cao Nguyên Đất Đỏ Bình Phước là những tỉnh có hủ tiếu Nam Vang rất ngon. Muốn có hủ tiếu Nam Vang ngon, không thể thiếu hai thứ căn bản nhất, đó là sa tế ớt và gan heo. Tùy theo cách chế biến của từng người mà ra hương vị khác nhau nhưng chung qui là phải có hai thứ này!”
Hủ tiếu Nam Vang ông Toản, cao lầu Hội An. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Rít một hơi thuốc lá, trầm ngâm một lát, liu riu mắt nhìn sang rạp Phi Anh, xong, ông Toản tiếp tục vừa cời lửa than trong bếp vừa nói thêm: “Hủ tiếu cũng giống như phở hay mì Quảng vậy, có nhiều cách nấu và cũng có nhiều hương vị khác nhau. Nhưng tô phở, tô mì hay tô hủ tiếu muốn ngon phải có cái hồn của người nấu thác vào trong đó!”
Câu chuyện của ông Toản dừng ở đây vì khách đến quán đã đông cứng không còn chỗ ngồi. Chúng tôi tiếp tục đi dạo một vòng quanh phố cổ Hội An, ghé vào khu ẩm thực đêm gần chợ Hội An, ở đây cơ man nào là phở gà, cơm gà, mì Quảng, mì Phú Chiêm, cao lầu và hủ tiếu Nam Vang.
Làm quen một du khách Hà Nội tên Trúc, đi ăn đêm ở Hội An, anh chia sẻ, “Hội An về đêm khác xa Hà Nội về đêm. Tuy vẫn có những khu ẩm thực giống nhau nhưng về phong cách cũng như điệu thực của con người thì hoàn toàn khác!”
“Món ăn ở đây cũng đậm đà hương vị miền Trung, không quá ngọt cũng không quá mặn, ít dầu mỡ, có chút gì đó kham khổ, khó nói lắm, nhưng mà ngon. Tôi không thích cao lầu Hội An cho mấy vì nó na ná hương vị thức ăn Trung Quốc, màu mè gia vị nhiều quá!”
“Chỉ có mì Quảng và hủ tiếu Nam Vang, không hiểu sao hủ tiếu Nam Vang đặc biệt ngon ở phố cổ này, từ các quán ven đường, quán trong chợ đêm cho đến quán ông Toản, quán nào cũng ngon. Đặc biệt là hủ tiếu khô ở quán ông Toản thì ngon tuyệt vời!”
“Nhìn chung miền Trung bây giờ không còn khốn khổ như những năm trước đây, tuy nhiên cảm giác và phong vị xứ nghèo vẫn còn day dứt, phảng phất đâu đó trong từng món ăn. Cứ mỗi lần đi Trung, tôi lại ghé Hội An, mà mỗi lần ghé Hội An thì cách gì tôi cũng đi dạo một vòng phố đêm để ăn vài món như bắp luộc, hủ tiếu Nam Vang, phở… Cái cảm giác ấy khó nói lắm!”
Đúng như lời anh Trúc nói, cái cảm giác ấy khó nói lắm, chỉ có những ai từng ghé Hội An, từng ngồi quan sát cuộc sống trải qua trước mắt và từng nếm hương vị thấm đẫm tình đất ở đây mới thấu được. Tôi chỉ nhớ là hủ tiếu Nam Vang ở Hội An ngon một cách lạ lùng, khó hiểu, nhất là trong những ngày mùa Đông giá lạnh, ngồi co ro ở một góc quán, nhìn những mái ngói xô nghiêng hơi sương và mưa bụi, đâu đó văng vẳng tiếng gõ thuyền chài đầu sông cuối bãi… Âm thanh chỉ có ở con phố nhỏ này!
…………………………………………………………….