TT Obama Đang Ở Đâu?
Nguồn:vietbao.com-27/05/2014
Vũ Linh
Con dấu Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ-(hình minh họa từ Wikipedia-NN sưu tầm)
1
…Khi lên tiếng thì câu đầu tiên là “tôi không biết gì, chỉ mới đọc báo hay coi CNN thôi”…
Nếu quý độc giả trả lời câu hỏi mở đầu này là TT Obama đang ở trong Tòa Bạch Ốc, thì có vẻ hiển nhiên. Sự thật chưa hẳn như vậy.
Trong lịch sử cận đại của Mỹ, nhiệm kỳ hai của các tổng thống luôn luôn là một chuỗi dài vật lộn với những khó khăn đau đầu hay xì-căng-đan nhức răng. TT Nixon bị vụ Watergate phải từ chức. TT Reagan bán vũ khí cho Iran lấy tiền yểm trợ kháng chiến quân chống cộng tại Nicaragua, xém bị đàn hạch. TT Clinton bị đàn hạch vì hút xì-gà với cô Monica. TT Bush con bị cuộc chiến Iraq hành, rồi xém bị bão Katrina quét ra khỏi Nhà Trắng, trước khi đụng phải khủng hoảng gia cư và tài chánh.
Nhưng chưa có tổng thống nào phải đối phó với nhiều nghịch cảnh như TT Obama. Hết khủng hoảng này đến xì-căng-đan nọ, ông đã thủ đông đỡ tây, phòng bắc né nam, đủ kiểu. Liên tục không ngừng. Ở đây, ta chưa nói đến những thất bại nặng nề tại Syria và Ukraine.
Câu hỏi TT Obama đang ở đâu được đặt ra khi vụ xì-căng-đan tại Bộ Cựu Chiến Binh –Veteran Affairs Department- mới nhất nổ ra, không ai nghe TT Obama nói gì, cũng chẳng ai thấy mặt ông, cho đến cả tuần sau ông mới lên tiếng, sau khi bộ trưởng Bộ Cựu Chiến Binh đã ra điều trần trước quốc hội mấy ngày.
Và phản ứng của ông đã trở thành một… thông lệ của chính quyền Obama.
Mỗi lần gặp chuyện rắc rối, tổng thống im lặng càng lâu càng tốt cho tới khi không còn im lặng được nữa vì áp lực của truyền thông và dư luận thì mới ra mặt hay lên tiếng. Khi lên tiếng thì câu đầu tiên là “tôi không biết gì, chỉ mới đọc báo hay coi CNN thôi”. Làm như thể ông chỉ là người bàng quang như quý độc giả và kẻ viết này, đọc báo hay coi TV mới biết tin tức. Làm như thể ông không phải là người lãnh đạo chính quyền hiện hữu vậy.
Sau khi phân trần không biết gì, thì đến phần bày tỏ giận dữ, bực mình, như mới đây ông đã “madder than hell” trong vụ cựu chiến binh, đại khái là giận phát điên. Tiếp theo là trốn sau guồng máy hành chánh, hứa hẹn điều tra và có biện pháp kỷ luật với những người có trách nhiệm. Lại một phản ứng của một người bàng quang chứ không phải của người lãnh đạo. Lại chuyện xiả tay đổ thừa vì không bao giờ là lỗi của tổng thống, của người lãnh đạo cả. Tất cả chỉ là lỗi của Bush, hay của trời, của máy ATM, của sóng thần bên Nhật, của phim vớ vẩn trên YouTube, của nhân viên cấp dưới, nhưng không bao giờ là lỗi của người cầm đầu guồng máy chính quyền hay của những xếp lớn.
Bởi vậy mới có câu hỏi TT Obama đang ở đâu, có còn làm tổng thống hay không vậy?
Nhưng ngược lại, khi có chuyện thành công thì dĩ nhiên là tổng thống đang làm việc 24 giờ trên 24, trực tiếp truyền hình cho bàn dân thiên hạ thấy rõ tổng thống thương nước yêu dân, có tinh thần trách nhiệm cao và tài ba xuất chúng như thế nào. Như vụ đột kích giết Osama Bin Laden. Tòa Bạch Ốc mau mắn công bố hình ảnh TT Obama và cả nội các, nín thở chăm chú theo dõi từng giây, từng phút cuộc đột kích đang diễn tiến từ bên kia địa cầu, để rồi sau đó có dịp khua chiêng trống như là thành quả vĩ đại nhất thế kỷ, do đích thân tổng thống điều khiển, chắc là qua điện thoại di động.
Khi một vài anh đối lập nói việc truy lùng và tìm được Bin Laden là công của nhóm đặc công người nhái do TT Bush thành lập, thì chính quyền Obama nhanh nhảu tuyên bố “chuyện xẩy ra dưới chính quyền Obama –under Obama’s watch- thì đó là công của TT Obama”. Dĩ nhiên. Nhưng nếu là thất bại, cho dù là xẩy ra dưới chế độ Obama hay ngay cả trong nội các Obama, thì TT Obama lại là người bàng quang, rất bực mình vì những sai lầm thất bại của người khác.
Thành công là tài của tôi, thất bại là lỗi người khác.
Chỉ trong nhiệm kỳ hai, tính ra được đúng 14 tháng, chính quyền Obama đã phải đối mặt với các khủng hoảng và xì-căng-đan sau:
– ATF –cơ quan trực thuộc Bộ Tư Pháp, chịu trách nhiệm chống ma túy và vũ khí- bán súng cho băng đảng ma tuý, với hy vọng theo dõi những súng đó để truy lùng ra hang ổ và đầu não. Rốt cuộc cả trăm khẩu súng được bán ra, nhưng bị mất dấu, không truy ra được ai hết, cho đến khi một cảnh sát biên phòng bị bắn chết bởi một cây súng do ATF bán. TT Obama đọc báo mới biết tin. Nổi trận lôi đình, đòi điều tra và trừng phạt người trách nhiệm. Cho đến nay, vẫn… điều tra, chưa ai bị trừng phạt. Bộ Trưởng Tư Pháp bình chân như vại.
– Sau khi đại sứ Mỹ và ba nhân viên sứ quán Mỹ bị khủng bố giết chết tại Benghazi, xì-căng-đan nổ ra vì dường như đã có một âm mưu quy mô từ Tòa Bạch Ốc nhằm che dấu sự thật, bảo vệ TT Obama hai tháng trước ngày bầu cử. Ít ra thì trong vụ này TT Obama đã biết tin trước khi phải đọc báo. Nhưng bù lại, chính vì biết tin trước nên đã cố ý đánh lạc hướng dư luận bằng cách ra trước truyền thông loan tin sai lạc. Vụ này cho đến nay vẫn cò cưa, chưa đi đến đâu hết. Hạ Viện mới thành lập tiểu ban điều tra đặc biệt, để xem rõ vai trò của TT Obama trong vụ này như thế nào, câu chuyện thật sự xẩy ra như thế nào, ai chịu trách nhiệm.
– NSA –cơ quan an nình tình báo quốc gia- nghe lén điện thoại, đọc lén email của cả triệu người, vượt xa khỏi mục đích truy lùng khủng bố. TT Obama biết được qua tiết lộ của Washington Post thôi. Rất bực mình, hứa sẽ điều tra, cứu xét. Cho đến nay, chẳng ai biết có điều tra và biện pháp gì hay không. Chỉ thấy Hạ Viện do Cộng Hòa kiểm soát mới ra dự luật giới hạn việc NSA nghe lén thiên hạ. Nhưng dự luật đó còn phải được Thượng Viện do Dân Chủ nắm đa số thông qua và TT Obama phê duyệt.
– Bộ Tư Pháp lén theo dõi một số nhà báo, ký giả, hoàn toàn bất hợp pháp. TT Obama biết được do các báo xì ra. Nổi giận, cho là vài viên chức đã đi quá đà. Đòi điều tra và trừng phạt. Cho đến nay, không ai biết có điều tra gì không. Bộ Trưởng Tư Pháp vẫn còn đó.
– Cơ quan thuế vụ IRS bị tố chơi xấu mấy tổ chức gây quỹ bảo thủ để giúp TT Obama tái đắc cử năm 2012. TT Obama cũng đọc báo mới biết có chuyện, nổi trận lôi đình, ra tay hành động (lần đầu tiên). Một viên chức hạng nhì hay hạng ba gì đó, bị làm con thiêu thân, quy tội và “tình nguyện” từ chức. Dù sao, ván cũng đã đóng thuyền, TT Obama đã tái đắc cử. Chuyện cũ rồi, nhắc làm chi nữa?
– Đầu tháng 10, trang mạng Obamacare được “tưng bừng khai trương”. Tuy chưa “âm thầm đóng cửa”, nhưng còn tệ hơn vậy. Vừa ra là đã luộm thuộm, “trục trặc kỹ thuật” khiến cả triệu người “madder than hell”. TT Obama cũng đọc báo mới biết lộn xộn quá như vậy, bực mình vì đám công chức thấp quá tệ, ra lệnh thay thế nhóm chuyên gia điện toán thảo chương. Kiệt tác để đời của TT Obama đã trở thành đại họa để đời của ông. Sáu tháng sau, bà Bộ Trưởng Y Tế lặng lẽ từ chức.
Đọc những mẫu tin trên mới thấy truyền thông ở Mỹ có công dụng lớn thật. Không có truyền thông, báo và tivi thì ông tổng thống cũng chẳng biết trời trăng gió cuội gì, chẳng biết chuyện gì đang xẩy ra trong chính quyền do ông lãnh đạo và điều khiển từ A đến Z.
Bà Sarah Palin, cựu ứng viên phó tổng thống của ông John McCain đã nói rất rõ, nguồn tin lớn nhất và quan trọng nhất của TT Obama là bản tin trên trang mạng The Drudge Report, một loại diễn đàn trên mạng, toàn tin ngắn kiểu “tin từ thành đến tỉnh” của báo Việt Nam ta thời Cộng Hòa. Mỗi sáng các tổng thống trước như Bush, Clinton, đều đọc bản tin nội bộ của bộ này bộ kia, hay của CIA, NSA, v.v… Nhưng riêng TT Obama thì phải đọc The Drudge Report.
Vấn đề là không hiểu các bộ không báo cáo, phúc trình đầy đủ cho tổng thống, hay có báo cáo mà tổng thống không đọc, hay tổng thống có đọc mà vẫn tuyên bố không biết gì để chạy tội và đổ thừa.
Câu chuyện “không biết” mới nhất liên quan đến Bộ Cựu Chiến Binh.
Bộ Cựu Chiến Binh là bộ lo an sinh sức khỏe cho hàng triệu cựu quân nhân. Các người này, một phần là thương phế binh, nhưng phần lớn là những cựu quân nhân không bị thương gì trên chiến trường, nhưng lớn tuổi, được Bộ Cựu Chiến Binh lo cung cấp dịch vụ y tế, cứu chữa, chăm sóc đầy đủ, qua các nhà thương và bác sĩ của Bộ. Kiểu như Medicare cho cựu quân nhân. Con số cựu quân nhân bệnh nhân này đã tăng vọt mạnh qua hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq. Chưa kể hàng trăm ngàn cựu chiến binh tại Việt Nam bây giờ đến tuổi lục tuần, thất tuần, ốm đau liên miên.
Mới đây, nữ bác sĩ Katherine Mitchelle, đã xé rào, công khai hóa việc một nhà thương của Bộ Cựu Chiến Binh tại Arizona đã làm giấy tờ giả mạo, cạo sửa, để dấu diếm chuyện một số cựu quân nhân bị bệnh nặng, không được chữa trị, phải nằm chờ tháng này qua năm nọ, rồi chết luôn. Ít ra là 40 người đã ở trong tình trạng này tại bệnh viện này.
Câu chuyện nổ tung như một đại xì-căng-đan, vì tại cái xứ Mỹ này, cựu quân nhân luôn luôn được dân Mỹ kính trọng và muốn họ được Nhà Nước lo cho thật chu đáo. Bây giờ có tới mấy chục người thiệt mạng vì không được cứu chữa chăm sóc, mà bệnh viện lại làm giấy tờ giả, báo cáo láo để dấu diếm.
Bộ trưởng Cựu Chiến Binh, tướng bốn sao hồi hưu Eric Shinseki – gốc Nhật-, bị lôi ra trước quốc hội điều trần. Tại đây mặc dù các thượng nghị sĩ đã tỏ ra rất ái ngại phải hỏi giấy ông, nhưng cũng không thể không hỏi thăm sức khỏe của ông. Và ông Shinseki đã trả lời rất… lè phè, theo mô thức của xếp lớn, TT Obama. Chuyện gì cũng không biết, đã cho điều tra, phải đợi kết quả.
Trước làn sóng phẫn nộ của thiên hạ và các vị dân cử, nhất là trong phe đối lập Cộng Hòa, TT Obama sau khi trốn trong hậu cung cả tuần, đã phải lên truyền hình. Như đã bàn ở trên, vẫn sách lược cũ. Tôi không biết gì cả, mới đọc thấy trên báo, và nghe thấy trên tivi, bực tức đến phát điên –madder than hell-, sẽ phải điều tra, và sẽ không tha cho kẻ có trách nhiệm. TT Obama hiển nhiên muốn nói đến những người có trách nhiệm cấp thấp thôi, còn hai người cao cấp có trách nhiệm lớn nhất là ông tổng thống và ông bộ trưởng thì… không sao, không có trách nhiệm mà đang rất tức giận. Truyền thông phe ta về huà, chấp nhận tổng thống không thể đích thân quản lý hết mọi chuyện, chỉ là trách nhiệm cấp dưới.
Kẻ viết này thắc mắc nếu tổng thống ở quá cao, không có trách nhiệm mà chỉ là trách nhiệm phiá dưới, thì tại sao trước đây TT Bush lại bị quy trách nhiệm quá nhiều như vậy, và bị TT Obama và truyền thông dòng chính sỉ vả dài dài? Tại sao TT Bush lại bị truyền thông đánh thậm tệ vì vụ cứu bão Katrina luộm thuộm? Hai tổng thống, hai tiêu chuẩn đánh giá.
Ở đây có điểm lý thú đáng biết. Tuy TT Obama lần này không đổ thừa cho TT Bush, nhưng bà dân biểu Nancy Pelosi, cựu Chủ Tịch Hạ Viện thì đã đổ thừa cho Bush. Bà tố cáo những chuyện lộn xộn của Bộ Cựu Chiến Binh đã có từ thời Bush. Thế thì 5 năm qua, TT Obama đã làm gì? Bộ trưởng Shinseki đã làm gì? Điều bà cũng “quên” nói là dưới thời TT Bush, chẳng có cựu quân nhân nào phải chờ đến chết cả.
Sau lời tuyên bố chạy tội của TT Obama, truyền thông bảo thủ làm rùm beng hai chuyện:
– Thứ nhất, TT Obama khi còn là thượng nghị sĩ, đã là thành viên tiểu ban lo về vấn đề cựu chiến binh –Veteran Affairs Committee- và ông đã là tiếng nói lớn nhất chỉ trích TT Bush đã lơ là không chú ý việc chăm sóc cho các cựu quân nhân, đã bắt họ chờ quá lâu mới được chăm sóc, chữa trị. Không thể nói ông không biết gì. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, ông long trọng hứa vấn đề này sẽ là ưu tiên hàng đầu (không ai đếm được ứng viên Obama có bao nhiêu ưu tiên hàng đầu nữa), và ông sẽ cung cấp cho các cựu quân nhân “một Bộ Cựu Chiến Binh của thế kỷ thứ 21”, a 21st century VA Affairs Department. (Ai muốn hiểu sao thì hiểu, riêng kẻ viết này chẳng hiểu nghiã là gì. Chưa từng thấy một bộ Cựu Chiến Binh của thế kỷ thứ 21 bao giờ nên không biết nó như thế nào.)
– Thứ nhì, TT Obama cái gì cũng không biết thì có đang ở Tòa Bạch Ốc hay không vậy? Có còn làm tổng thống không?
TT Obama đã phái một phụ tá đặc biệt từ Tòa Bạch Ốc tới bệnh viện tại Arizona để điều tra. Chưa kịp điều tra gì hàng loạt tin tương tự bị xì ra tại nhiều nhà thương khác, như tại Miami, Seatlle, có nhiều cựu quân nhân đã bị thiệt mạng. Bộ Cựu Chiến Binh cũng phải bất đắc dĩ công bố đã có 26 bệnh viện nằm trong danh sách điều tra vì có nhiều cựu quân nhân đã chết.
Đây là một vấn đề cực nhạy cảm vì đụng tới cựu quân nhân và gây thiệt mạng cho quá nhiều người. Các vụ xì-căng-đan trước, tuy lộn xộn, nhưng không có ai chết, ngoại trừ vụ Benghazi có bốn người thiệt mạng. Bây giờ cả mấy chục người đã được biết là thiệt mạng. Còn bao nhiêu người đã chết mà chưa được công bố?
Vấn đề cũng lôi ra ánh sáng vài chuyện không vui nữa.
Thứ nhất, đó là bằng chứng của sự bất tài của chính quyền Obama, không đủ khả năng điều hành guồng máy chính quyền quá lớn. Ngay việc bổ nhiệm tướng Shinseki cũng là chuyện đáng nói. Bộ trưởng là một trách nhiệm có tính cách quản lý. Ông tướng bốn sao có thể rất giỏi ngoài trận mạc. Tướng Shinseki tham chiến tại VN, bị thương hai lần. Nhưng hiển nhiên, ông không phải là một chuyên gia về quản lý một guồng máy hành chánh quá lớn như Bộ Cựu Chiến Binh, lớn thứ nhì sau Bộ Quốc Phòng. Hiện nay ở Mỹ có 6,5 triệu cựu quân nhân. Không phải là tướng thì sẽ giỏi quản lý một cái bộ lo cho lính.
Thứ nhì, nhìn xa hơn, hệ thống y tế trì trệ trong đó các bệnh nhân phải chờ tháng này qua năm nọ mới được chữa trị, thậm chí chờ đến chết luôn, là một hình ảnh khiến ai cũng phải liên tưởng đến kiệt tác để đời của TT Obama, Obamacare. Ai dám bảo đảm hệ thống Obamacare, lo cho sức khoẻ của hơn 300 triệu dân, lớn gấp mấy chục lần hệ thống y tế của Bộ Cựu Chiến Binh, sẽ được điều hành một cách tuyệt hảo, không ai chết vì chờ đợi chữa trị quá lâu?
TT Obama chủ trương một Nhà Nước vú em bao la bát ngát, bao trùm cả vũ trụ. Nhưng với cách điều hành, quản lý luộm thuộm như vậy thì ai dám trao mạng cho các công chức của Obama?
Vụ xì-căng-đan này nghiêm trọng hơn tất cả những xì-căng-đan trước. Hàng loạt nghị sĩ, dân biểu của ngay đảng Dân Chủ, và cả truyền thông phe ta, đã phải lên tiếng chỉ trích, đòi điều tra cho ra hết sự thật, thậm chí còn đòi cách chức tướng Shinseki. Ta đừng nên quên năm nay là năm bầu cử giữa mùa. Rất nhiều vị dân cử đang bị đe dọa mất job.
Khẩu hiệu “Yes We Can” của TT Obama dường như phải đặt lại vấn đề: có chắc không? Với những khủng hoảng và xì-căng-đan liên tục như vậy, có nên đổi lại là “No We Can’t” không? (25-05-14)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
Đính chính: Trong bài báo tuần trước, có ghi Nigeria bên Phi Châu có phụ nữ làm tổng thống. Đúng ra là nước Liberia. Tác giả xin chân thành cáo lỗi về sơ xuất này.
…………………………………………………….
Phí tổn bảo tiêu
Nguồn:nguoiviet.com-Sunday, May 25, 2014
Kinh tế học của an ninh toàn cầu
Ðầu năm 1991, khi “Bão Sa Mạc” nổi lên tại Vịnh Ba Tư, lãnh đạo Bắc Kinh bị chấn động.
Phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương là Ðô đốc Lưu Hoa Thanh đã trình Ðặng Tiểu Bình tập băng hình của CNN xem Hoa Kỳ mở cuộc không tập đánh tan quân đội Iraq như thế nào. Khi ấy, người cầm đầu quân đội Trung Quốc đã báo cáo, rất nghiêm và buồn: “Thưa lão đồng chí, kể từ hôm nay, coi như Trung Quốc hết còn hệ thống phòng thủ!”
Lưu Hoa Thanh là Ủy Viên Thường vụ Bộ Chính Trị, nổi tiếng ở bên trong là người chỉ huy cuộc tàn sát Thiên An Môn năm 1989. Với bên ngoài, ông là vị đô đốc đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được đưa lên cầm đầu quân đội và là công trình sư của kế hoạch hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh. Với kết quả đang thấy ngày nay.
Hai chục năm sau, đầu năm 2011, khi “Mùa Xuân Á Rập” nổi lên tại Bắc Phi và đẩy Libya vào nội chiến, lãnh đạo Bắc Kinh lại bị chấn động nữa.
Giá dầu đã tăng vọt từ tháng trước, rồi bất ổn tại Egypt khiến thế giới e là kênh đào Suez có thể bị khóa và các nước có thể bị khủng hoảng kinh tế vì thiếu dầu khí Trung Ðông. Khi động loạn lan vào Libya thì các giếng dầu của tập đoàn CNPC (China National Petroleum Corporation) tại đây bị đe dọa. Lúc đó, Bắc Kinh làm hai điều có vẻ như mâu thuẫn: 1) vừa vận động bên trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để ngăn Tây phương đừng can thiệp và lật đổ chế độ Muammar Gaddhafi, 2) vừa cấp tốc thuê tầu bè và phi cơ để di tản ba vạn kiều dân ra khỏi Libya.
Có hai bài toán đặt ra ở đây cho các đấng con trời: kinh tế và an ninh. Bài này xin đi vào đề.
***
Về kinh tế, là một xứ đói ăn khát dầu, Trung Quốc cần nguyên nhiên vật liệu cho bộ máy sản xuất vừa mới công nghiệp hóa.
Do bản chất độc tài và lạc hậu – hai chữ đó đồng nghĩa – họ đầu tư vào nhiều quốc gia có vấn đề chính trị, để bảo đảm nguồn cung cấp với giá hời vì vậy mới hay gặp bất ổn. Mà có được tài nguyên rồi, còn phải đem về Hoa Lục. Việc chuyển vận đó đặt ra vấn đề an ninh. Làm sao bảo vệ được tài sản đó trên những lộ trình tỏa rộng ra toàn cầu, từ các nước Á Phi tới Trung Nam Mỹ?
Khi đó, ta cần nhìn vào tấm bản đồ để hiểu ra bài toán địa dư của Thiên Triều Ðỏ.
Dù mua vào hay bán ra với Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Ðông, Ðông Phi hay Trung Nam Mỹ, thì Trung Quốc vẫn phải ra biển – và vượt qua nhiều yếu hầu. Từ kênh đào Suez hay eo biển Hormuz tới eo biển Bab al-Mandeb giữa Yemen với Djibouti, hoặc từ kênh đào Panama qua Mũi Hảo Vọng hay các eo biển Malacca và Sunda, Lombok, v.v… ngần ấy nơi đều có ý nghĩa sinh tử cho kinh tế Trung Quốc. Quan trọng nhất là Eo biển Malacca trên vùng biển Ðông Nam Á nối liền Ấn Ðộ dương với Thái Bình dương.
Sau Ðặng Tiểu Bình, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp, từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Ðào đến Tập Cận Bình, đều thấy ra một nhu cầu tiếm tiến là kiểm soát được vùng biển cận duyên, rồi viễn duyên. Từ xanh lục tới xanh dương, biển xanh phải tô màu đỏ thì mới an toàn.
Giữa năm ngoái, lãnh tụ vừa mới lên là Tập Cận Bình nói ra điều ấy: “Quốc gia thịnh vượng phải có quân đội hùng mạnh.” Họ nói và làm: từ năm 1990 đến nay, mỗi năm Trung Quốc tăng chi cho quốc phòng 10%, nhân gấp 10 trong 24 năm, để lên tới gần 190 tỷ đô la năm ngoái, bằng 9% quân phí toàn cầu.
Nhưng vẫn chưa đủ.
Nhìn vào trong, ngân sách quốc phòng còn thua ngân sách quốc an, bảo vệ an ninh và trật tự nội địa với lực lượng cảnh sát vũ trang là chính. Những vụ tàn sát vừa bùng nổ với dân Hồi Giáo thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ phần nào che giấu nhiều nguy cơ động loạn xã hội khác.
Nhìn ra ngoài, ngân sách 190 tỷ có thể là vĩ đại nếu so với 90 tỷ của liên bang Nga, 50 tỷ của Nhật Bản hay Ấn Ðộ, mà chưa thể bằng 640 tỷ của Hoa Kỳ. Ðó là về lượng, chứ về phẩm thì còn tệ hơn vì chiến cụ lỗi thời và nạn tham ô trong bộ máy tiếp liệu khiến quân đội Trung Quốc vẫn thuộc loại lạc hậu. Mới chỉ xưng hùng xưng bá với các nước Ðông Nam Á mà thôi.
Khi đó, ta nhìn về Hoa Kỳ, một quốc gia đang có tranh luận gay gắt về ngân sách và các ưu tiên xã hội khác – bài này viết về “Kinh tế cũng là chính trị” mà!
***
Từ sau Thế Chiến I, Hoa Kỳ tự cho mình một nhiệm vụ chẳng ai khiến. Ðó là bảo đảm quyền tự do vận chuyển trên toàn cầu, với một lực lượng quân sự có thể can thiệp ở khắp mọi nơi.
Các quốc gia thù ghét Mỹ đều nói đến tinh thần đế quốc của Hoa Kỳ vì khả năng can thiệp ấy. Nhưng xứ nào cũng vậy, kể cả Trung Quốc thời mon men, đều mừng là có Hải quân Mỹ bảo vệ sự an toàn ngoài biển.
Luận về kinh tế thì nước Mỹ mở ra một phiêu cục toàn cầu, lãnh việc bảo tiêu – hộ tống hàng hóa – cho thiên hạ, mà nhiều khi chẳng đòi tiền bảo phí. Nhiều quốc gia được bảo vệ miễn phí mà không hay. Khi hữu sự, bị hải tặc hay thiên tai, thì ai ai cũng trước tiên nhìn vào hạm đội Mỹ.
Về ngoại giao, xứ nào cũng có thể than phiền về vai trò quá bao biện của nước Mỹ. Về an ninh và kinh tế, mọi người đều yên tâm là có chiến hạm Hoa Kỳ tại kênh đào Suez, trong Vùng Vịnh, giữa lạch nước Hormuz, bên cạnh Somalia ở Ðông Phi hay Nigeria tại Tây Phi, ngoài Ấn Ðộ Dương và trên mặt biển Thái Bình. Nhất là ở eo biển Malacca…. Khi Hoa Kỳ nói tới phạm vi hoạt động của hạm đội Thái Bình dương cũng bao trùm lên Ấn Ðộ dương thì có người lo người mừng. Mừng nhiều hơn lo.
Ngày nay, người dân Mỹ có quyền tự hỏi, họ đã hỏi như ta thấy của các cuộc khảo sát mới nhất: “Mắc mớ chi mà nước Mỹ cứ xía vào chuyện quốc tế?”
Hoa Kỳ có thị trường vĩ đại, là lực đẩy cho nền kinh tế toàn cầu, mà số nhập cảng chỉ bằng 12% số tiêu thụ.
Và xuất cảng chưa tới 10% của Tổng sản lượng GDP. Nói cho nôm na thì kinh tế Mỹ có thể cóc cần thiên hạ.
Nếu dân Mỹ ý thức được nhu cầu kinh tế và an ninh kiểu đó thì họ có thể rên là vì sao tại tốn 640 tỷ hàng năm để bảo vệ an ninh toàn cầu, rồi nhức đầu vì chuyện thiên hạ!
Người ta cứ nói Hoa Kỳ can thiệp khắp nơi là để tìm dầu khí hay để bán hàng. Khi Mỹ mở ra cuộc cách mạng năng lượng và bớt cần đến dầu khí Trung Ðông, thì thiên hạ lại sợ Hoa Kỳ sẽ thả nổi chuyện Hồi Giáo hay Syria cho xứ khác! Khi Mỹ đòi chuyển trục về Ðông Á, các nước lại sợ rằng lực bất tòng tâm, nước Mỹ không thể dồn 60% lực lượng hải quân về biển Thái Bình.
Không chỉ có Hoa Kỳ mới hay mâu thuẫn về ngoại giao. Cả thế giới đều mâu thuẫn vì vừa mong vừa sợ Hoa Kỳ về kinh tế.
Riêng có Bắc Kinh thì không!
***
Bắc Kinh cần buôn bán với Hoa Kỳ, nhân dịp còn ăn cắp công nghệ của Mỹ đế. Bắc Kinh cũng rất cần Mỹ khi buôn bán với thiên hạ, vì mọi tầu hàng ngoài biển đều đặt dưới sự bảo tiêu của con ó. Bị hải tặc tại Sừng Phi Châu hay trên Eo biển Malacca thì họ mong con ó xuất hiện.
Nhưng Trung Quốc vẫn sợ Hoa Kỳ, khi Bắc Kinh hiện nguyên hình là hải tặc! Ngày nay, HD81 hay hải cảnh, hải ngư, hải giám, đều là hải tặc. Thiên hạ đâm lo khi nước Mỹ ngó lơ lên trời.
……………………………………………..
Nếu Không Có Bà Hillary?
Nguồn:vietbao.com- 20/05/2014
Vũ Linh
…bà Hillary ra tranh cử và đắc cử, tuy chưa là gạo đã nấu thành cơm, nhưng khó tránh…
Cách đây ít tuần, cột báo này có bàn về một cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc giữa bà Hillary Clinton và ông Jeb Bush. Có một độc giả đã hỏi kẻ viết “Sao ông chắc chắn về bà Hillary như vậy? Nếu bà không ra tranh cử thì sao?”
Thực sự mà nói, cái hay, cái đẹp của nền dân chủ Mỹ là chẳng ai biết được chắc chắn chuyện gì sẽ xẩy ra. Năm 2007, một năm trước ngày bầu cử, tất cả thiên hạ đều tin chắc như đinh đóng cột là bà Hillary sẽ thắng 100%, vì cả trăm lý do. Chính bà cũng tin vậy. Có tin bà đã chuẩn bị xong xuôi danh sách nội các hết rồi. Tuyệt đối không có chuyện thua được. Kết quả ra sao ta đã biết. Đó là một năm trước ngày bầu, bây giờ còn tới ba năm, chẳng ai khẳng định được chuyện gì.
Không như trong mấy nước “đỉnh cao trí tuệ loài người”, khi mà tất cả các cuộc “bầu bán” đều đã có kết quả sẵn từ cả mấy năm trước. Cách đây ít năm, nước CHXHCNVN, đúng theo chính sách ăn đồng chia đều, tuần tự thay phiên nhau lên bàn tiệc, đã tổ chức bầu lại các xếp lớn. Đưa lên đám các ông Sang Trọng (một cách) Hùng Dũng, tức là một nhóm lãnh đạo “khoe của mà không sợ ai hết”. Sau ngày ông Trọng đắc cử vào chức Tổng Bí Thư trong cuộc họp Đại Hội Đảng, báo Thanh Niên viết bài đại ý tung hô “sau mấy ngày hồi hộp đến nghẹt thở, cuối cùng thì Đại Hội Đảng đã nhất trí bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng lên chức Tổng Bí Thư”, rồi báo viết kèm theo một bài, ca tụng sự lãnh đạo đại tài của Đảng, đã khôn khéo chọn một người không thể nào có ai xứng đáng hơn”.
Bài báo đã khiến cả nước quay mặt vô tường để cười lén đến nghẹt thở thật, từ bà bán thuốc lá đầu ngõ đến anh xích lô.
Trở lại câu chuyện bà Hillary, tuy không chắc 100%, nhưng nhìn cho kỹ, ta không thấy có lý do gì bà không ra, nhất là đối với một người nhiều tham vọng như bà Hillary.
Dĩ nhiên, vấn đề sức khỏe của bà rất có thể là một yếu tố có thể gây trở ngại cho bà. Cựu cố vấn cho TT Bush con, ông Karl Rove, mới đây đã lên tiếng nếu bà Hillary ra tranh cử, sức khoẻ của bà sẽ là một vấn đề cần nêu lên. Cuối năm 2012, bà Hillary bất ngờ té xiủ phải vào nhà thương, và được chẩn đoán là có cục máu bầm sao gáy, không biết có ảnh hưởng gì đến não bộ hay không. Ông Rove nói bà đã phải chữa trị mất một tháng. Phát ngôn viên của bà Hillary cải chính, nói là chỉ vào nhà thương có ba ngày. TT Clinton sau đó lại xác nhận bà vợ đã phải chữa trị mất sáu tháng. Chỉ nội cái chuyện trống đánh xuôi kẻn thổi ngược giữa hai vợ chồng cũng đủ để nhìn vấn đề sức khoẻ bà Hillary cho thật kỹ.
Bất kể chuyện gia đình, sức khoẻ cá nhân, bà Hillary cũng sẽ bị áp lực rất lớn của Đảng Dân Chủ, của khối cấp tiến, của giới phụ nữ. Đây không còn là chuyện cá nhân của bà nữa mà là vì quyền lợi chung của tất cả những khối cử tri này. Họ nhìn đi nhìn lại thấy bà Hillary nắm chắc phần thắng 100% nên không thể nào cho bà trốn chạy được, dù bà có muốn trốn.
Hàng loạt chính khách Dân Chủ trước đây “phản” bà chạy theo Obama, nhất là mấy chính khách da đen, nay đã lên tiếng trở về lại với bà. Hai ông bà Clinton nổi tiếng là thù dai, nhưng chắc chắn không thể không dang tay ra chiêu hồi họ lại. Trong chính trị Mỹ, không có bạn hay thù, chỉ có đếm phiếu thôi. Chưa kể áp lực ông chồng rất muốn trở lại Tòa Bạch Ốc, và việc hai vợ chồng sẽ đi vào lịch sử như cặp vợ chồng duy nhất đã làm tổng thống Mỹ. Cả thế giới cũng sẽ nhìn vào nước Mỹ xem cái xứ tự cho là tiến bộ, dân chủ nhất thế giới này có sẵn sàng theo gương mấy xứ như… Nigeria bên Phi Châu, hay Hàn Quốc mới đây, bầu một phụ nữ làm tổng thống chưa.
Dù vậy thì ta vẫn thấy báo chí có đề cập đến một vài chính khách Dân Chủ. Người đầu tiên dĩ nhiên là ông PTT Biden. Cách đây không lâu, ông tuyên bố “cho đến bây giờ, tôi không thấy lý do gì không ra” rõ ràng có ý tránh né bà Hillary. Nhưng mới đây, người ta đã thấy dường như có chuyển hướng. Trong bài diễn văn đọc về giới tiểu thương, ông nêu vấn đề giới này đã không được giúp đỡ thỏa đáng. Và ông nói thêm giới này đã bị bạc đãi từ trước thời TT Bush con. Trước thời TT Bush con, tức là thời… TT Clinton, chồng bà Hillary. Không thể nào rõ ràng hơn. Chuẩn bị tấn công bà Hillary?
Một nhân vật khác, tương đối mới nổi là bà Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren. Bà này mới đắc cử thượng nghị sĩ Massachusetts năm 2012, đánh bại ông Cộng Hoà Scott Brown, người đã được bầu thay thế cho cố TNS Ted Kennedy, khiến TT Obama mất thế đa số tuyệt đối tại Thượng Viện, phải đi cửa hậu để thông qua Obamacare. Dân Massachusetts sau khi “nổi cơn khùng” bầu cho ông Brown, đã trở về quan điểm cấp tiến cực đoan lại, cho ông Brown về câu cá, bầu cho bà Warren, là người đứng phiá tả của bà Hillary.
Ít ai nghĩ bà Warren, với quan điểm cực đoan như vậy, lại có hy vọng thắng cử tổng thống được. Dân Mỹ nói chung tương đối ôn hoà, không bầu cho những người quá cực đoan. Nhưng chuyện bà Warren ra tranh cử là chuyện rất có nhiều triển vọng. Trước đây, bà đã từng công kích bà Hillary khá nặng nề vì quan điểm tương đối ôn hoà hơn của bà Hillary. Do đó, bây giờ đã có nhiều tiếng nói cực đoan cổ võ cho bà Warren, trong đó có nhiều người đang thất vọng vì thấy TT Obama quá ển ển xìu xìu, từ ngày Cộng Hoà nắm Hạ Viện, bị Cộng Hòa trói tay, đã không còn làm được trò trống gì nữa.
Bà Hillary chắc chắn sẽ cổ võ cho bà Warren ra chống đối chính mình. Lý do rất giản dị là với quan điểm cấp tiến quá khích của bà Warren, bà Hillary tự nhiên sẽ có dịp chường mặt ra như một người ôn hòa, dễ được đa số dân Mỹ ủng hộ hơn, nhất là giới độc lập không đảng phái.
Ngoài ra, còn vài nhân vật hạng hai và hạng ba cũng đã thả bong bóng thăm dò, chủ yếu là lấy tiếng cho chính mình, giúp cho tương lai lâu dài của mình, có khi hy vọng vớ được cái ghế phó cho bà Hillary.
Những nhân vật đó đều đã được truyền thông hăng hái tung ra rất ồn ào. Không phải vì truyền thông không ưa bà Hillary. Mà chỉ vì truyền thông rất cần cung cấp cho bà Hillary một đối thủ. Trong chính trường Mỹ, độc tấu dương cầm là chuyện chán nhất, không ai muốn, không ai thích. Truyền thông sẽ không có chuyện để nói, không có tin sốt dẻo gay cấn gì để đăng, không bán được báo, không bán được quảng cáo. Nhất là khi bà Hillary là một thứ hàng cũ xì tất cả cử tri đều quá quen thuộc, chẳng có gì mới lạ. Mấy ông nhà báo chẳng có gì để viết thêm về bà nữa. Bà Hillary ra tranh cử một mình sẽ là đại hoạ cho truyền thông. Mà cuối cùng cũng có thể là tai họa cho cả đảng Dân Chủ luôn. Không ai để ý đến và không ai muốn đi bầu nữa.
Nói trắng ra, chuyện không có bà Hillary ra tranh cử là chuyện hầu như không thể có, và chuyện bà thất cử lại càng khó có thể xẩy ra hơn, nhưng một mình bà ra tranh cử thì lại là một cái họa lớn cho truyền thông và cho đảng Dân Chủ luôn. Cho dù biết không ai có thể là đối thủ của bà Hillary, đảng Dân Chủ vẫn sẽ phải tìm mọi cách lôi được một vài người ra làm con thiêu thân chạy đua cùng với bà. Tất cả chỉ là chuyện màu mè cho vui nhà vui cửa, cho có vẻ sống động thôi.
Bên Cộng Hoà, như cột báo này đã viết, đang coi như đương nhiên bà Hillary sẽ là đối thủ. Không cần biết trong nội bộ Cộng Hoà chưa có ai nổi bật hết, nhưng đánh bà Hillary thì cứ đánh.
Mới đây, đẳng Cộng Hoà coi như được trúng số lớn. Tòa Bạch Ốc sau khi tránh né, câu giờ đủ kiểu, đã không còn lối thoát, bị tòa án bắt công bố một vài tin tức cực kỳ bất lợi cho chính quyền trong vụ đại sứ Mỹ bị giết tại Benghazi.
Toà Bạch Ốc đã phải công bố một bức điện thư –email- của Phụ Tá An Ninh Quốc Gia, chỉ dẫn cho bà Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice, là phải lên truyền hình mô tả cuộc tấn công toà Đại Sứ Mỹ tại Benghazi như là một cuộc biểu tình tự phát của dân chúng, phẫn nộ về một cuốn phim ngắn trên YouTube, nhục mạ Đấng Tiên Tri Mohamed. Chỉ dẫn này đã được chuyển đến bà Rice mặc dù trước đó, CIA và Bộ Quốc Phòng Mỹ đã báo cáo lên Tòa Bạch Ốc đây là một cuộc tấn công quy mô của khủng bố có liên hệ với Al Qaeda. Và bà Rice đã lên năm đài truyền hình trong một ngày, lập lại nguyên văn những chỉ dẫn trực tiếp hoàn toàn mới chế tạo ra của Tòa Bạch Ốc.
Đây là bằng chứng cụ thể và rõ ràng nhất là Toà Bạch Ốc đã điều hợp một chiến dịch quy mô, bóp méo tin tức để bảo vệ TT Obama, khi đó chỉ còn hai tháng trước ngày bầu cử tổng thống, trong khi trước đó, TT Obama trước Đại Hội Đảng Dân Chủ đã lớn tiếng khoe đã giết được Osama Bin Laden và hủy diệt được Al Qaeda.
Công bố tin cuộc tấn công là của Al Qaeda dĩ nhiên sẽ phá tan chuyện khoe công của TT Obama và sẽ bị Cộng Hoà khai thác triệt để. Kết quả cuộc bầu cử tông thống sẽ khó đoán được.
Ở đây, thủ phạm chính là TT Obama. Nhưng dù sao thì bà Hillary cũng vẫn là Ngoại Trưởng khi đó, và bà chẳng những là cấp trên trực tiếp của bà Rice, mà cũng đã là một trong những viên chức cao cấp nhất đã lớn tiếng diễn giải đúng theo chỉ dẫn của Toà Bạch Ốc.
Dựa trên khám phá sốt dẻo này, khối Cộng Hoà tại Hạ Viện đã cho thành lập ngay một ủy ban đặc nhiệm điều tra lại toàn bộ diễn biến Benghazi. Không cần biết kết quả như thế nào, phe Cộng Hoà sẽ dùng cái cớ này để truy lùng bà Hillary, từ giờ cho đến ngày bầu cử năm 2016. Không ai tin là cuộc điều tra của Hạ Viện sẽ mau chóng kết thúc và bạch hóa hết vai trò của bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton trước khi bà ra tranh cử tổng thống.
Nếu bà Hillary bị hại vì chuyện này, thì chỉ có thể trách chính quyền Obama đã câu giờ quá lâu, dấu diếm quá nhiều, làm bà Hillary trở thành nạn nhân, bất kể vai trò thực sự của bà ngoại trưởng trong vụ xì-căng-đan này.
Nhìn lại bức tranh hiện nay, nếu bà Hillary vì bất cứ lý do gì, không ra tranh cử, bên Dân Chủ cũng giống như bên Cộng Hòa sẽ rối bù vì chẳng có ai xuất chúng hơn ai. Tuy nhiên có nhiều hy vọng bà Elizabeth Warren sẽ thắng trong nội bộ đảng Dân Chủ, chỉ vì bầu cử lần này, bên Dân Chủ nhất định muốn đi vào lịch sử một lần nữa: lần đầu tiên một phụ nữ làm tổng thống. Nhưng vì tính cực đoan quá mức, bà Warren sẽ ít hy vọng đắc cử tổng thống hơn bà Hillary nhiều. Tùy bên Cộng Hòa đưa ra ai.
Trong khi đó thì bên Cộng Hoà, vai trò của cựu Thống Đốc Florida Jeb Bush ngày càng nổi bật. Chủ tịch Hạ Viện, dân biểu Cộng Hòa John Boehner đã chính thức lên tiếng ủng hộ ông và khuyến khích ông ra tranh cử.
Một chuyên gia Dân Chủ, trước đây điều hành cuộc tranh cử tổng thống của PTT Al Gore, đã cảnh giác đảng Dân Chủ không nên coi thường ông Bush em này. Khó có thể nói ông chuyên gia này nói thật, cảnh giác thật, hay lại chỉ là một mánh nhằm đá giò lái ông Bush em từ trong trứng nước.
Nhưng thực tế mà nói, khó có thể gạt ngang ông Jeb Bush một cách quá mau lẹ. Cũng đừng nghĩ là dân Mỹ không thích các triều đại hay không chấp nhận gia đình trị, và do đó sẽ khó chấp nhận lại một Bush nữa. Nếu dân Mỹ quá chán với mấy cái tên quá quen thuộc thì vậy chứ cái tên Hillary Clinton mới lạ sao? Nếu thật sự họ không chấp nhận chuyện gia đình trị, vậy chứ bà Hillary không phải là đã có chồng làm tổng thống rồi sao?
Còn lý luận kiểu bầu cho bà Hillary được vì ông chồng bà là tổng thống tốt, bầu cho ông Jeb Bush không được vì ông anh của ông ấy là tổng thống tồi, thì có vẻ như đã định nghiã khả năng làm tổng thống một cách hoàn toàn sai lạc, nhìn người này đoán người kia. Đa số dân Mỹ khá hơn vậy.
Ngoài ông Bush ra, gần đây ta cũng nghe truyền thông lôi ra một nhân vật mới lạ, ông bác sĩ da đen Ben Carson.
Thực tế mà nói, bất cứ ông hay bà da đen nào ra tranh cử bên Cộng Hoà cũng đều không có mảy mai hy vọng nào. Trước hết, tuyệt đại đa số cử tri Cộng Hoà vẫn là dân da trắng, tuy không còn đầu óc kỳ thị như xưa, nhưng vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận mấy ông bà da đen.
Những người da đen thành công lớn bên Cộng Hoà là những viên chức xuất chúng đã leo lên những nấc thang trong chính quyền qua khả năng thực sự như tướng Colin Powell và ngoại trưởng Condolizza Rice. Nhưng họ là những người chưa bao giờ ra tranh cử bất cứ chức vị gì, chưa bao giờ đối diện với cử tri. Ông Carson phải vượt qua cái rào cản tranh cử, nhất là trong nội bộ trước khi có thể nhìn xa hơn.
Cho dù ông có thắng được trong nội bộ Cộng Hoà thì cũng vẫn không thắng được khi ra tranh cử chống ứng viên Dân Chủ. Khối Dân Chủ chắc chắn sẽ tô vẽ ông như là “uncle Tom”, một hình thức nhục mạ vì uncle Tom là danh từ dùng để chỉ mấy người da đen phục dịch cho người da trắng trong thời nô lệ xa xưa.
Một người da đen ra tranh cử bên Cộng Hoà cũng sẽ không thể nào thu phiếu của cử tri đa đen được, và khối này cũng vẫn sẽ bầu cho ứng viên đảng Dân Chủ cho dù đó là người da trắng, vì đảng Dân Chủ vẫn được coi là sẵn sàng phân phát trợ cấp rất rộng rãi cho dân da màu.
Năm 1996, nhiều thăm dò dư luận cho thấy tướng Powell có thể hạ tổng thống đương nhiệm Clinton. Bên Cộng Hoà áp lực tướng Powell ra tranh cử, nhưng cuối cùng ông đã không ra, viện lý dó… bà vợ không đồng ý. Chuyện coi vậy mà không phải vậy, ai cũng biết.
Phải nói là ngoài TT Obama ra, tướng Powell và bà Rice là hai nhân vật đa đen đã leo lên các trách nhiệm cao nhất Mỹ, nhưng lại đều do các tổng thống Cộng Hoà nâng đỡ và bổ nhiệm. Thế nhưng nói chung, dân da đen vẫn cho rằng đảng Dân Chủ mới là đảng nâng đỡ và bảo vệ họ. Đối với dân da màu, dù là da đen, da nâu, hay da vàng, đảng Dân Chủ đã trở thành một định chế bảo vệ họ, và sẽ không bao giờ có chuyện họ bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa, cho dù có đưa một ứng viên da màu ra. Sự kiện những nhân vật da đen lỗi lạc bên Cộng Hoà như tướng Powell và bà Rice không bao giờ ra tranh cử gì, chứng minh họ nhìn thấy rất rõ vấn đề.
Không thu được phiếu của dân da trắng, cũng không thu được phiếu của dân da màu, tất nhiên tướng Powell, bà Rice hay ông Carson, đều không có chút hy vọng nào, bất kể khả năng và thành tích cá nhân.
Nói tóm lại, chuyện bà Hillary ra tranh cử và đắc cử, tuy chưa phải là gạo đã nấu thành cơm, nhưng khó tránh. Điều chắc chắn là ta sẽ thấy một cuộc tranh cử không mấy lịch sự và đẹp đẽ. Hai bên sẽ tung bùn qua lại hơn tất cả các cuộc tranh cử khác. Bà Hillary là người đã và sẽ tạo mâu thuẫn thương ghét hơn xa các TT Bush và Obama. (18-05-14)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
……………………………………………