1.Tư lệnh Hoa Kỳ tuần tra ..(BBC)2.Tướng Thanh và sự đoản mệnh chính trị-3.Đi với Mỹ là chuyện phải làm(VB)4..

Tư lệnh Hoa Kỳ bay tuần tra ở Biển Đông

Nguồn:BBC-2015-07-19

co mat do doc.jpg1
Đô đốc Swift có mặt trong chuyến bay do thám trong bảy giờ

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Scott Swift, tham gia chuyến bay tuần tra trên Biển Đông, quân đội Hoa Kỳ loan báo.

Đô đốc Swift đã có mặt trên khoang một trong những máy bay do thám mới nhất của Hoa Kỳ, P-8A Poseidon trong vòng bảy giờ hôm thứ Bảy 18/7, theo Hạm đội Thái Bình Dương.

Chiếc Poseidon được cho là có nhiều khả năng chiến đấu trong đó có chống tàu ngầm cũng như tham gia các chuyến do thám và tình báo.

Hãng tin Hoa Kỳ AP dẫn lời Đại úy Hải quân Charlie Brown, sỹ quan đối ngoại bay cùng chuyến với ông Swift, nói qua điện thoại rằng vị đô đốc “hài lòng với khả năng của chiếc Poseidon.”

Tuy nhiên ông Brown không cho biết thêm các chi tiết khác về chuyến bay chẳng hạn như máy bay có đi qua vùng lãnh hải tranh chấp mà Trung Quốc đang có các công trình xây dựng.

co mat do doc 2.jpg1
Cũng máy bay P-8A Poseidon đã thấy công trình xây dựng của Trung Quốc tại Trường Sa hồi tháng Năm

Đô đốc Swift tham gia chuyến bay do thám hôm thứ Bảy sau chuyến thăm tới Manila nơi ông gặp các quan chức quân sự hàng ầu.

Sau đó ông cũng tới Hàn Quốc và sẽ thăm Nhật Bản trước khi trở về trụ sở của Hạm đội Thái Bình Dương ở Hawaii.

AP nói Bộ trưởng Quốc phòng Philippine, ông Voltaire Gazmin, đã hoan nghênh hành động của vị đô đốc và nói nó cho thấy cam kết của Hoa Kỳ đối với các đồng minh đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Trước đó ông Swift nói Hoa Kỳ không ngả về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ nhưng tiếp tục có các hành động đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển tranh chấp và ở những nơi khác.

……………………………………………………………………………….

Tướng Thanh và sự đoản mệnh chính trị
Nguồn: Nam Nguyên, phóng viên RFA-2015-07-17

doan menh.jpg1

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh. Ảnh minh họa chụp trước đây.
Courtesy phungquangthanh.net
Tương lai chính trị mờ nhạt

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã không xuất hiện trước công chúng gần một tháng tính đến ngày 17/7/2015. Thông tin về việc ông gởi tham luận tới một cuộc Hội thảo của liên bộ Bộ Công an và Quốc phòng hôm 14/7 vừa qua cũng mù mờ như việc trấn an dư luận hồi đầu tháng của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập một tổ chức xã hội dân sự không phụ thuộc nhà nước từ Sài Gòn nhận định:

“Theo tôi tương lai chính trị của ông Phùng Quang Thanh đã trở nên mờ nhạt một cách hết sức đột ngột. Trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Washington mà không có mặt của ông Phùng Quang Thanh. Điều đó gây bất lợi tới vị thế chính trị của ông Phùng Quang Thanh trước thềm Đại hội Đảng XII và nếu như căn cứ vào tiêu chuẩn của ban bảo vệ sức khỏe Trung ương mà nhận định là ông Thanh không đủ sức khỏe để có thể tham gia ứng cử cho những chức vụ cao, trước đây đã có những tin đồn đoán là ông Thanh có thể được xếp vào chức vụ Chủ tịch nước thậm chí cao hơn nữa là Tổng Bí thư Đảng…và như vậy tương lai chính trị coi như sụp đổ.”

doan menh 2
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại trụ sở Bộ Quốc phòng Pháp ở thủ đô Paris hôm 19/6/2015. Photo courtesy of Đất Việt.

Lần cuối cùng ông Phùng Quang Thanh xuất hiện trước công chúng là ngày 19/6/2015, lúc đó báo chí nhà nước đưa tin ông sang Âu Châu và được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tiếp kiến. Bản tin của trang mạng chính thức Vietnam Plus có bài tường thuật chi tiết kèm hình hai vị bộ trưởng gặp nhau ở Bộ Quốc phòng Pháp thủ đô Paris, bức hình cho thấy ông Thanh khỏe mạnh bình thường. Báo chí nhà nước không đề cập gì tới việc Đại tướng Phùng Quang Thanh trở về Việt Nam sau chuyến đi Châu Âu.

Cuối tháng 6 các trang mạng xã hội rộ tin đồn tướng Thanh bị ám sát ở Pháp, tính mạng chưa rõ. Tuổi Trẻ ngày 1/7 là tờ báo đầu tiên đưa tin tướng Thanh được phẫu thuật phổi ở Pháp dựa theo nguồn tin riêng. Một ngày sau, các giới chức của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương mới chính thức đưa tin là tướng Thanh sang Pháp ngày 23/4 để làm sinh thiết khối u phổi và đến ngày 30/6 đã được phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u lành tính không có dấu hiệu ung thư. Vẫn theo tin này sức khỏe ông Thanh ổn định và sắp trở về Việt Nam.

Ngày 2/7/2015 trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tham mưu của Đảng đã nhận định:

“Xưa nay cán bộ cao cấp đi chữa bệnh điều trị thì không bao giờ loan báo, hình thành lệ thường như thế. Vài ngày qua có những tin tức như vậy nên cũng cần có thông báo như cách để cải chính lại những tin không đúng. Bình thường nếu không có những tin đồn đoán thì chắc cũng chẳng đưa. Tôi nghĩ đưa tin đó ra bởi vì có tin trên mạng nói ông ấy gặp nạn ở Paris thì việc đưa tin là một cách cải chính.”

Theo tôi tương lai chính trị của ông Phùng Quang Thanh đã trở nên mờ nhạt một cách hết sức đột ngột. Trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Washington mà không có mặt của ông Phùng Quang Thanh. Điều đó gây bất lợi tới vị thế chính trị của ông Phùng Quang Thanh trước thềm Đại hội Đảng XII.
-TS Phạm Chí Dũng

Sau ngày 2/7 báo chí do nhà nước quản lý không còn cập nhật tin về tình hình sức khỏe sau giải phẫu của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ngày 6/7 báo Đời sống và Pháp luật bị phạt 30 triệu đồng vì đã đăng tiểu sử Đại tướng Phùng Quang Thanh, một việc có thể khiến dư luận hiểu lầm là ông đã chết. Tới ngày 9/7/2015 Giáo sư Phạm Gia Khải thành viên Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khỏe Trung ương trả lời báo đài nước ngoài cho biết ông Phùng Quang Thanh đã xuất viện nhưng vẫn tiếp tục ở lại Pháp để tiếp tục kiểm tra hậu phẫu. Trong tất cả các thông tin chính thức liên quan đến việc ông Phùng Quang Thanh giải phẫu ở Pháp không hề kèm theo bất cứ hình ảnh nào.

Trong câu chuyện với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng nói là ông đi ngoài đường nghe người ta bàn luận về tin ông Phùng Quang Thanh, hiện nay mỗi người đều có điện thoại di động và có thể cập nhật thông tin hàng ngày. TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:

“Tiểu thương trong chợ, thậm chí cả nông dân người ta đều biết về trường hợp ông Phùng Quang Thanh gọi là bị mất tích thì làm sao những người trong nhà nước không biết không nhận thức ra việc không thông tin về ông Phùng Quang Thanh là điều rất dở. Nhưng tôi đồ rằng có lẽ có vấn đề gì đó bất bình thường, nói cách khác hoàn toàn không bình thường đối với ông Phùng Quang Thanh, vì vậy vậy người ta mới cố gắng giữ kín. Nhưng càng giữ kín lại càng xuất hiện quá nhiều tin đồn và cho tới bây giờ những tin đồn đó đang đẩy tình trạng ông Phùng Quang Thanh không phải theo kịch bản như lúc đầu dự đoán là vấn đề sức khỏe nữa, mà theo những kịch bản xấu hơn. Đó chính là vấn đề mà tôi nghĩ rằng bên tuyên giáo họ đã thất bại và họ để càng lâu thì tin đồn lại càng mưng mủ và do đó số phận của tướng Phùng Quang Thanh lại càng thêm bí ẩn.”
Phe thân Trung Quốc thất thế?

doan menh 3
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh thăm Trung Quốc (nguồn mạng Bộ Quốc phòng TQ)

Thật ra chỉ cần sự xuất hiện vài giây của ông Phùng Quang Thanh trên TV và đưa hình mới nhất của ông lên báo chí thì sẽ xóa sạch mọi tin đồn. Nhưng Tuyên giáo Đảng và ngành thông tin của Chính phủ đã không làm được điều dễ dàng này. Sự thiếu minh bạch thông tin gây ra những tin đồn đoán dựa trên sự kiện bất thường và sự trùng hợp lạ kỳ liên quan đến sự biến mất của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Tướng thanh từ trước đến nay được mô tả là một nhân vật thân Trung Quốc, những phát biểu của ông tại các hội nghị trong ngoài nước liên quan đến tranh chấp Việt-Trung thể hiện rõ điều này. Tướng Thanh biến mất và ngay sau đó là việc thay thế hai lãnh đạo cao nhất của Bộ Tư lệnh Thủ đô và tiếp theo là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, ngày 3/7/2015 đã diễn ra lễ bàn giao chức vụ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô. Đây là những chức vụ quân sự tối quan trọng ở Hà Nội và dư luận cho là khác thường vì cùng lúc cho về hưu cả tư lệnh lẫn chính ủy là hai vị Trung tướng Phí Quốc Tuấn và Trung tướng Lê Hùng Mạnh. Đáng chú ý bản tin của Bộ Quốc phòng nói rằng việc thay tướng là theo quyết định của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng không nêu tên.

Nhận định về sự kiện thay hai tướng Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô mà dưới quyền chỉ huy có 20.000 quân, TS Phạm Chí Dũng phát biều:

Dư luận cho rằng việc ông Thanh đang điều trị tại Pháp có liên quan tới quan điểm của ông trong việc quá gần gũi với Trung Quốc mà người ta vẫn gọi cách hài hước là ‘Tướng tâm tư’ ông ấy tâm tư về dư luận chống Trung Quốc ở Việt Nam và có thể nói rằng đây là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm…nhạy cảm về về mặt chính trị liên quan tới Đại hội Đảng XII.
-TS Phạm Chí Dũng

“Tôi chưa dám nhận định sâu về việc thay tư lệnh và chính ủy Quân khu Thủ đô… nghe rằng vị tư lệnh cũ chưa đến tuổi về hưu nhưng về theo dạng nghỉ chờ hưu, điều này cũng khá bình thường trong giới cán bộ công chức Việt Nam… Có điều dư luận cho rằng việc ông Thanh đang điều trị tại Pháp có liên quan tới quan điểm của ông trong việc quá gần gũi với Trung Quốc mà người ta vẫn gọi cách hài hước là ‘Tướng tâm tư’ ông ấy tâm tư về dư luận chống Trung Quốc ở Việt Nam và có thể nói rằng đây là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm…nhạy cảm về về mặt chính trị liên quan tới Đại hội Đảng XII. Việc tướng Phùng Quang Thanh không xuất hiện rồi sau đó dậy lên dư luận đồn đoán ông ta đã bị ám sát có thể liên quan đến vấn đề nội bộ của Việt Nam.”

Câu chuyện về sinh mạng chính trị của tướng Phùng Quang Thanh trang mạng Dân Luận có bài của tác giả Việt Dũng dịch từ bản Hoa ngữ của Báo Boxun Trung Quốc với tựa “Phái thân Hoa thất thế và tai nạn của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.” Tờ báo này cho biết đang xác định thực hư về tin Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã mất hút, và một quan chức khác của của Bộ này cũng mất tích.

Bài nhận định trên Báo Boxun Trung Quốc nói về sự tồn tại trong giới lãnh đạo chính trị Việt Nam hai phái thân Trung Quốc và thân Mỹ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu phái thân Trung Quốc còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thuộc phái thân Mỹ và có mưu cầu kiến lập một quan hệ mật thiết về kinh tế với Mỹ.

Vẫn theo dịch giả Việt Dũng và trang mạng Dân Luận, Báo Boxun Trung Quốc nhận định rằng, sau khi tình hình Biển Đông căng thẳng trở lại, giới lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam đã có sự thay đổi về lập trường….theo đó đa số những phát biểu gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng đã chứng tỏ nhiều nhân vật phái thân Trung Quốc đã thay đổi để chuyển sang thân Mỹ… Năm 2016 tới đây, sau Đại hội Đảng CSVN giới lãnh đạo của Việt Nam sẽ có thay đổi lớn. Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu phái thân Mỹ rất có thể giành được vị trí Tổng Bí thư, điều đó cho thấy việc loại bỏ phái thân Trung Quốc sẽ là đòi hỏi tất yếu trong giới lãnh đạo Việt Nam. Sự ra đi của của Đại tướng Phùng Quang Thanh gần đây cho thấy, đây là kết quả tất yếu của tình hình này. Đến lúc đó, phái thân Mỹ sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối, còn phái thân Trung Quốc khó có thể trụ được trước sức mạnh của phái thân Mỹ do Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Điều đó cho thấy, có lẽ các lãnh đạo cao cấp thân Trung Quốc buộc phải chấp nhận. Và họ sẽ bị loại bỏ khỏi giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam để trở thành những nhân vật bên lề và cuối cùng phái thân Hoa cũng sẽ phải rời khỏi chính trường Việt Nam.

Lập luận của Báo Boxun Trung Quốc mà chúng tôi trích một vài đoạn từ bản dịch trên trang mạng Dân Luận đã tạo thêm cơ sở cho các tin đồn đãi ở Việt Nam về sự đoản mệnh chính trị của tướng Phùng Quang Thanh, cũng như gây phấn khởi cho những người Việt Nam mong muốn chính quyền thân thiện và liên minh với Hoa Kỳ để có thêm khả năng phát triển kinh tế và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

……………………………………………………………….

Đi Với Mỹ Là Chuyện Phải Làm
Nguồn:vietbao.com -18/07/2015

Vi Anh

Đi Với Mỹ Là Chuyện Phải Làm
Đi với Mỹ lúc này là hợp tình, hợp lý, là chuyện phải làm, trên cả hai phương diện quyền lợi của nhà cầm quyền CS cũng như của nhân dân VN.

Chuyến công du Mỹ của Ô. Nguyễn phú Trọng là một đổi thay có tính chiến lược của đảng CS cầm quyền, quan trọng như khi CSVN chuyển hệ tư duy sang kinh tế thị trường để cứu nguy nền kinh tế tập trung cứng rắn theo chủ nghĩa CS làm cho kinh tế tài chánh VNCS sắp phá sản và dân chúng VN lần đầu tiên trong lịch sử phải ăn độn.

Chuyến công du của Ông Trọng là kết quả của cả một chuổi cố gắng ngoại giao của đại đa số các thành phần trong Đảng Nhà Nước chủ trương đổi mới kinh tế, xích lại gần Mỹ để hoá giải phần nào hành động đà xâm lấn biển đảo, thao túng kinh tế, chánh trị của TC đối với quốc gia dân tộc VN.

Chuyến công du của Ô. Trọng là hành động Mỹ lung lay, nhổ gốc TC ở VN, làm yếu tinh thần bảo thủ lệ thuộc TC trong Đảng Nhà Nước CSVN. Đây là một nhận định sau cùng của Đảng Nhà Nước CSVN, yên lòng thấy Mỹ không có tham vọng đất đai và rất hy vọng Mỹ có thể giúp làm lá chắn ngăn chận, be bờ TC xâm lấn biển đảo của các nước Á châu Thái bình dương, trong đó VN là nước bị mất nhiều nhứt.

Đó là một phát triển ngoại giao, tăng gia hợp tác từ toàn diện đến toàn diện sâu sắc. Đó là nhịp cầu để phát triển đối tác chiến lược toàn diện. Đó cũng là một quyết định hợp tình, hơp lý, hợp lòng dân trong cũng như ngoài nước. Đúng là một chuyện cần làm, phải làm, làm ngay, làm sớm càng tốt. Nên trong cuộc biểu tình chống TBT Nguyễn phú Trọng, đề tài biều tình của các cộng đồng người Mỹ gốc Việt và Canada gốc Việt, không thấy một điều nào chống CSVN tăng cường bang giao, giao thương, họp tác với Mỹ. Chỉ chống CS vi phạm nhân quyền, yêu cầu TT Obama tranh thủ nhân quyền khi đàm đạo với Tổng Trọng thôi.

Các dân biểu nghị sĩ Mỹ cũng vậy. Những vị từng chống CSVN như 9 vị dân biểu Mỹ đã cùng ký vào một bức thư gửi cho ông Obama, chống “hệ thống độc đảng độc tài” vì đó chính là “nguyên nhân gốc rễ của tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam”, và đòi thả tất cả tù nhân chánh trị. Phong trào đấu tranh chống CSVN của người Việt hải ngoại từ khá lâu đã đã ít hay không còn nghĩ đến chuyện đưa quân về tấn công võ trang CS nữa. Mà đa số chuyển sang đấu tranh chánh trị, đấu tranh cho nhân quyền VN cho tự do dân chủ VN, cho hợp xu thế thời đại, hợp với tình hình của các siêu cường ngày càng bình thường hoá bang giao và giao thương với CSVN. Đấu tranh chánh trị cho CS chuyển biến, diễn biến hoà bình, tạo vận hội cho đồng bào ở nước nhà giành lại những quyền bất khả tương nhượng của người dân mà CS đã tước đoạt. Xu thế này được các siêu cường ủng hộ càng ngày càng mạnh, trong đó có Mỹ.

Thời đại này là thời đại các quốc gia liên lập. Một nước nhược tiểu bị nước lớn áp bức thì nhờ nước khác giúp đỡ là chánh nghĩa, là thuận đạo lý và pháp lý quốc tế. VN bị Trung Quốc đông dân, nhiều tiền, mạnh sức, nhiều mưu áp bức, đe doạ thì tìm đường hoá giải là chuyện phải làm. Con đường đi với Mỹ là con đường logic, thuận lòng dân, hợp ý các nước trong vùng. Tổng thống Mỹ Barack Obama hơn một lần bày tỏ bất bình, Trung Quốc đang dùng sức mạnh và quân số đông đảo của mình để hiếp đáp các nước nhỏ hơn trong vùng Á châu Thái bình dương. Cụ thể hơn, Ông nói Hoa Kỳ không chấp nhận việc Trung Quốc “hiếp đáp Philippines hay Việt Nam, chỉ vì các nước này nhỏ hơn Trung Quốc”.

Thử hỏi tại sao TC rút giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế VN hồi tháng 7 năm ngoái. Một phần là do Thượng Viện Mỹ ra nghị quyết phản đối TC gây bất ổn và muốn vẽ lại địa lý chánh trị Biển Đông và Thượng Viện bồi thêm một cú đà đao nữa là hứa bán một phần vũ khi sát thương cho VN.

Còn mới đây nhơn TBT Trọng công du Mỹ, Hoàn Cầu Thời Báo một dạng bản của Nhân dân Nhựt Báo tiếng nói chánh thức của TC hăm VN mẻ răng, mà TC đâu có đánh VN. Hăm nếu CSVN tiến gần hơn với Mỹ để đối phó Trung Quốc, thì Hà nội coi chừng sẽ gặp phải các đòn trả thù từ phương Bắc. TC còn mở chiến dịch tuyên truyển rỉ tai, nói TC hàng trăm sư đoàn áp sát biên giới phía Bắc VN. TC còn xúi giục Miên tạo xung đột ở biên giới phía Tây của VN, giữa tỉnh Tân an và Svay Rieng của Miên. TC giương oai diệu võ. triệu Bộ Trưởng Quốc Phòng Miên cầm đầu và 23 tướng lãnh trong đó có 3 tư lịnh của ba binh chủng Hại, Lục, Không Quân Miên đi TC như để chỉ dẫn cách bày binh bố trận gây ra chiến tranh biên giới với VN.

Nhưng vòng ngoài, ngoài Biển Đông, Mỹ làm một việc rất êm nhưng rất thấm tận tim gan TC, là TC xếp de. Tin đài VOA tiềng nói chánh thức của Mỹ, cho biết Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ hôm 14/7 cho hai tàu chiến của Mỹ là tàu tác chiến cận duyên USS Fort Worth phối hợp với tàu khu trục có hoả tiễn dẫn đường USS Lassen tuần tra vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Chỉ huy tàu Fort Worth Rich Jarrett, nói trong thông cáo báo chí, để “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương và Á Châu-Thái Bình Dương, đồng thời chứng tỏ khả năng của chúng tôi thực hiện các hoạt động tự do trên biển cả”. Truyền hình CNN của Mỹ thì hôm 14/7 dẫn lời các giới chức Mỹ cho biết là Mỹ đang cân nhắc việc đưa thêm máy bay và tàu để thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại các hòn đảo trên Biển Đông.Thế là TC xuống giọng liền, phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói, trong khi Bắc Kinh ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, Hoa Kỳ phải thận trọng và sử dụng quyền này một cách đúng đắn.

Tóm lại, chưa lúc nào thời cơ lại thuận lợi cho Đảng Nhà Nước CSVN hơn lúc này trong việc đi với Mỹ để cứu Biển Đông đang bị TC xâm thực một cách bạo ngược như lúc này. Trong chánh trị không có thù muôn thuở bạn muôn đời, chỉ có quyền lợi quốc gia dân tộc là miên viễn, là trên hết. Không có đảng phái nào cao hơn quốc gia dân tộc. Không có chế độ nào bền vững hơn quốc gia dân tộc. Không có gì phải mặc cảm khi liên minh với nhưng nước có thể giúp mình. Thế giới ngày xưa cũng như ngày nay, một quốc gia dân tộc nhỏ cần liên minh với quốc gia dân tộc lớn hơn để bảo vệ giang sơn gấm vóc bờ cõi nước mình là một việc làm chánh nghĩa, không ai có quyền phê phán. Quyền lợi quốc gia, sinh mạng dân tộc là vấn đề tối thượng. Nếu Đảng Nhà Nước CSVN không làm, là thông đồng với TC để cho TC xâm thực VN, dần dần biến VN thành thuộc địa kiểu mới của TC. Và trong trường họp đó Đảng Nhà Nước CSVN thành tội đồ muôn thuở của lịch sử VN./.(Vi Anh)

…………………………………………………………………………

Biên giới Việt Nam-Campuchia chưa an ổn
Nguồn:nguoiviet.com – Thursday, July 16, 2015

PHNOM PENH (NV) – Vừa có thêm một số dấu hiệu cho thấy, biên giới vẫn còn là vấn đề rất Tướng Thanh-Chính trị-RFA-Đi với Mỹ-Vi Anh-Biên giới Việt-Cam-NVTướng Thanh-Chính trị-RFA-Đi với Mỹ-Vi Anh-Biên giới Việt-Cam-NVnóng trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia.

bien gioi viet-campuchia

Người Việt dàn hàng ngang (bên trái) ngăn một phái đoàn kiểm tra biên giới của
Campuchia (bên phải) băng qua nơi được xem là biên giới Việt Nam-Campuchia.
(Hình: RFA)

Mới đây, tại một cuộc họp với 400 viên chức các tỉnh giáp với biên giới Việt Nam, ông Sar Kheng, bộ trưởng Nội Vụ Campuchia đã khuyến cáo họ phải giữ nguyên hiện trạng nhà cửa, ruộng vườn, rừng… khu vực biên giới, không được sửa chữa, xây dựng thêm vì việc đàm phán với Việt Nam để giải quyết các bất đồng về biên giới rất phức tạp.

Bộ trưởng Nội Vụ Campuchia còn ra lệnh đóng tất cả các đường mòn và bắt tất cả những người tùy tiện băng ngang biên giới.

Sau cuộc họp bất thường diễn ra trong ba ngày, từ 7 đến 9 tháng 7, 2015 tại Phnom Penh của ủy ban phân định và cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết, ông Võ Trọng Việt, một trung tướng hiện là tư lệnh lực lượng biên phòng Việt Nam vừa đến Campuchia để gặp ông Sok Phal, một đại tướng hiện là tổng cục trưởng Tổng Cục Di Trú Campuchia nhằm tiếp tục thảo luận về các vấn đề có liên quan tới biên giới.

Cuộc làm việc kéo dài tới một tuần nhằm “đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, cùng nhau giải quyết tốt các vấn đề trên biên giới trên tình thần đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.”

Việt Nam và Campuchia có 1,137 cây số biên giới trên bộ. Từ năm 2006 đến nay, hai bên đã phân định xong 920 cây số biên giới và cắm được 305/371 cột mốc.

Tuy nhiên gần đây, chuyện thực hiện việc phân định và cắm mốc tại biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã trở thành nguyên nhân dẫn tới xung đột cả trong nội bộ Campuchia lẫn giữa Campuchia và Việt Nam.

Vụ xung đột gần nhất mới diễn ra hồi cuối tháng trước tại khu vực tiếp giáp giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia, khiến 10 người Campuchia, trong đó có một dân biểu tên là Real Camerin của Đảng Cứu Quốc và tám người Việt Nam bị thương.

Ông Sam Rainsy, chủ tích Đảng Cứu Quốc của Campuchia cáo buộc, Việt Nam đã xây dựng một con đường trái phép trên đất Campuchia và đã dùng gậy tấn công những người Campuchia đến quan sát hiện trường. Phía Việt Nam phản tố và đòi Campuchia xử lý thích đáng những công dân Campuchia đã tấn công người Việt trên phần đất của Việt Nam.

Ngoài những xung đột kiểu như vừa kể, Bộ Ngoại Giao Campuchia còn liên tục gửi công hàm phản đối Việt Nam thực hiện các công trình thủy lợi, trạm gác trên những phần đất thuộc các tỉnh Kandal và Ratanakiri của Campuchia, đồng thời yêu cầu Việt Nam tôn trọng hiệp định phân định biên giới đã ký năm 2005.

Đó cũng là lý do ủy ban phân định và cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia phải họp bất thường hồi thượng tuần tháng này. Theo báo chí Việt Nam thì sau cuộc họp, Việt Nam và Campuchia đồng ý sẽ thúc đẩy đàm phán để sớm hoàn thành công việc phân định và cắm mốc biên giới trong năm 2015.

Việt Nam và Campuchia khẳng định sẽ gia tăng việc gìn giữ trật tự ở khu vực biên giới. Trong quá trình đàm phán để tiếp tục phân định và cắm mốc tại 217 cây số còn lại, hai bên cam kết không thay đổi, dịch chuyển các cột mốc biên giới và không để dân chúng của mình xâm canh, xâm cư.

Tuy nhiên người ta tin rằng, với bối cảnh như hiện nay, cả Việt Nam lẫn Campuchia sẽ rất khó tìm được giải pháp khả thi trong việc ổn định tình hình tại khu vực biên giới. (G.Đ)

………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics