1.VN:Ghế lãnh đạo và cán cân Trung-Mỹ(BBC)2.TC:Khó dọa được Mỹ(VB)3.Đức kỷ niệm 25 năm ngày thống nhất đất nước-&MORE

Việt Nam: Ghế lãnh đạo và cán cân Trung-Mỹ

Nguồn:BBC-10-03-2015

can can t-M.jpg1

Giáo sư Thayer bàn về “hai khả năng” cho ghế Tổng bí thư Đảng.-AFP

Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam, phân tích về bế tắc chính trị cấp lãnh đạo trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12.

Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat vào hôm 02/10/2015, ông Thayer cho rằng đấu đá ghế nhân sự cấp lãnh đạo tại Việt Nam và vụ xử nhà báo làm gián điệp cho Trung Quốc đặt ra nhiều câu hỏi về hướng đi tương lai.

Giáo sư Thayer mở đầu bài viết bằng việc nói tới thực trạng công bố dự thảo Báo cáo Chính trị và Kế hoạch Kinh tế Xã hội (2016-2020) chậm.

Dự thảo báo cáo như vậy được đưa ra 9 tháng trước kỳ Đại hội 11 trong khi lần này đưa ra chỉ có 4 tháng trước.

Mặc dù việc lựa chọn các ghế lãnh đạo đã được thảo luận tại hội nghị trung ương lần thứ mười một của Ủy ban Trung ương Đảng hồi tháng Năm nhưng không có tuyên bố nào cả.

Giáo sư Thayer cho rằng các nhà quan sát tại Hà Nội cho biết Ủy ban Trung ương có thể được triệu tập lại vào tháng Mười để giải quyết bế tắc việc lựa chọn lãnh đạo với một phiên tiếp theo được lên lịch cho tháng 11 nếu không đạt được đồng thuận.

Nếu Ủy ban Trung ương Đảng không thể đạt được sự đồng thuận về hai ứng viên cho ghế Tổng bí thư Đảng (như báo chí nói có hai người đều từ miền nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong khi ghế này vốn là của người miền bắc) thì sẽ có hai khả năng xảy ra, theo ông Carl Thayer.

“Khả năng thứ nhất là cả hai ứng viên sẽ rời vũ đài chính trị để nghỉ hưu và vị lãnh đạo đảng tiếp theo sẽ được các ủy viên Bộ Chính trị bầu chọn.

“Khả năng thứ hai là nhà lãnh đạo đảng hiện này là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được tái bổ nhiệm với sự nhất trí rằng ông sẽ nhường đường cho một lãnh đạo khác trước khi hết nhiệm kỳ 5 năm của mình.

“Giải pháp này sẽ tương tự như tại Đại hội Đảng lần thứ tám vào năm 1996 khi bầu lại ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư và nhất trí rằng ông sẽ từ chức trước giữa nhiệm kỳ. Ông Lê Khả Phiếu đã thay ông Đỗ Mười vào cuối năm 1997.
‘Người cho đăng, kẻ bắt gỡ’

can can T-M 2.jpg1

Tuoi Tre Online: Việc cho xét xử công khai cựu nhà báo trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam làm gián điệp cho Trung Quốc đang gây bàn luận nhiều.

Theo ông Thayer, trước thềm đại hội đảng nào thì các sự kiện xảy ra đều được các nhà quan sát chính trị nghiên cứu kỹ để xem gió đang thổi về hướng nào và trước kỳ đại hội này cũng vậy.

“Chẳng hạn như khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức chiêu đãi chào mừng ngày Quốc khánh Trung Quốc (được tổ chức sớm vào ngày 29 tháng 9) tại Hà Nội, Việt Nam đã cử đại diện là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh tới dự.

“Ông Vinh không phải là ủy viên Bộ Chính trị và dự kiến sẽ nghỉ hưu sau Đại hội Đảng 12. Có bàn tán nhiều tại Hà Nội về lý do tại sao một quan chức tương đối “thấp cấp” lại đại diện cho chính phủ Việt Nam.

“Ngày 30 tháng 9, một ngày sau lễ tân tại Đại sứ quán Trung Quốc, truyền thông Việt Nam đưa tin Hà Huy Hoàng, một cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao và từng là phóng viên báo Thế giới và Việt Nam, bị xử và bị tuyên án tù 6 năm vì tôi làm gián điệp cho Trung Quốc.

Mỗi chuyến thăm này [Tập Cận Bình và Barack Obama tới Hà Nội] có thể được xem là những phép thử riêng biệt cho định hướng tương lai của Việt Nam.

“Truyền thông đưa tin về các vụ gián điệp liên quan đến công dân Việt Nam là cực kỳ hiếm. Điều này dẫn đến đồn đoán về thời điểm của phiên toà và người cho phép đăng tin.

“Sau đó người ta càng đồn đoán nhiều hơn khi báo Tuổi Trẻ, VnExpress và các báo khác đã gỡ bài trên trang web của họ. Nay người ta quay sang bàn tán ai là người ra lệch gỡ các bài báo này xuống,” ông Thayer viết.

Theo Giáo sư Carl Thayer thời điểm xảy ra phiên tòa xử nhà báo Việt Nam là gián điệp cho Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có đấu đá chính trị trong hàng ngũ chính trị chóp bu trước thềm Đại hội Đảng 12.

“Rõ ràng là một vấn đề trọng tâm chưa được giải quyết là Việt Nam xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ như thế nào.

“Dự thảo Báo cáo Chính trị đại hội 12 không đưa ra gợi ý về định hướng trong chính sách trong tương lai về chủ đề rắm rối này.

can can 3.jpg1
Getty – Có tin nói Bắc Kinh nói với Hà Nội về việc không thích Ngoại trưởng Phạm Bình “leo cao” vì “thân Mỹ”.

Ông Thayer cho rằng rõ ràng là một số nhân vật trong hàng ngũ chính trị cao cấp của Việt Nam đã duyệt việc đưa tin phiên xử hoạt động gián điệp của công dân Việt cho Trung Quốc. Động thái này diễn ra ngay sau khi có tin Việt Nam cho phép Trung Quốc mở một Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng.

“Việc cho xét xử công khai [vụ gián điệp] này một dấu hiệu quan trọng cho thấy việc Việt Nam xử lý lý mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ ra sao là một chủ đề nóng bỏng vào lúc này,” ông Thayer nhận định.

“Những người phản đối việc Việt Nam xích quá gần với Hoa Kỳ nói về “mối đe dọa của biến hòa bình” là đe dọa an ninh quốc gia. Họ chỉ ra áp lực của Mỹ về nhân quyền và tự do tôn giáo như là một phần của mối đe dọa này.

“Các cáo buộc về động gián điệp cho Trung Quốc châm ngòi cho quan ngại gồm các tiếng nói khác nhau đang góp giọng rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và có thể đang cố gây ảnh hưởng đến kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới.

“Giới quan sát tại Hà Nôi nói với tờ The Diplomat rằng Trung Quốc đã chọn một số nhà lãnh đạo Việt Nam để nhắn gửi rằng họ phản đối việc thăng quan tiến chức cho Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, người được xem là thân Mỹ.

“Các nguồn tại Việt Nam cũng cho Hà Nội biết ở lúc gặp kín rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể hoãn chuyến thăm dự kiến của mình đến Việt Nam trong tháng này nếu Hà Nội không ngưng việc chỉ trích các hoạt xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc. Cũng những nguồn này tin rằng chuyến thăm sẽ được tiến hành vì đối với Trung Quốc thì đây là chuyến thăm quan trọng,” Giáo sư Thayer viết.
‘Diễn biến hòa bình’ và ‘gián điệp TQ’

can can 4.jpg1

Tác giả nói vè khả năng Tổng thống Obama sẽ thăm Việt Nam trong tháng 11 sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Hà Nội vào tháng 10.-AFP

“Những người muốn thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ nhấn mạnh những lợi thế kinh tế của vị thế hội viên trong thỏa thuận TPP. Nhóm này hiện đang chống lại biện luận về “mối đe dọa của biến hòa bình” bằng cách chỉ ra rằng hoạt động gián điệp Trung Quốc là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia.

“Nói cách khác, các mối đe dọa diễn biến hòa bình từ Hoa Kỳ hiện đang được đấu đầu với mối đe dọa lật đổ từ Trung Quốc.

“Việc Việt Nam quyết định công khai phiên xử gián điệp, cùng với việc thả một số người bất đồng chính kiến trong những tháng gần đây, là chỉ dấu cho thấy khả năng thay đổi có thể có trong quan hệ Việt-Mỹ.

“Gần đây Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói trong một cuộc phỏng vấn tại New York với hãng thông tấn AP rằng việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo của là bất hợp pháp theo luật quốc tế và đe dọa an ninh biển.”

Theo Giáo sư Thayer, bình luận của ông Sang là “nhắm cả vào cả khán giả quốc tế và quốc nội.”

“Lời lẽ của ông kể như như đặt nền tảng để làm sâu sắc thêm quan hệ với Hoa Kỳ đồng thời có thể được xem là việc đánh bóng hình ảnh của mình về lập trường an ninh quốc gia đối với trong nước.

“Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức đón các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình trog tháng 10 và Tổng thống Barack Obama trong tháng 11.

“Trong bối cảnh giới lãnh đạo còn đang đấu đá như hiện nay thì mỗi chuyến thăm này có thể được xem là những phép thử riêng biệt cho định hướng tương lai của Việt Nam”, Giáo sư Thayer kết luận.

……………………………………………………………………………

TC: KHÓ Doạ Được Mỹ
Nguồn:vietbao.com-03/10/2015

Vi Anh

Hai tin đáng chú ý về phản ứng kiên cường của Mỹ phòng chống TC sau chuyến công du Mỹ của Chủ Tịch Tập cận Binh của TC. Ngày 28-09-2015 Đài phát thanh quốc tế của Pháp chương trình tiếng Việt loan tãi, để đối phó với chiến thuật của TC lấn chiếm Biển Đông, Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tăng cường lực lượng tại Châu Á-Thái Bình dương, tăng 15% Thuỷ quân lục chiến Mỹ cho đảo Hawaii và bên ngoài hải đảo này. Báo Marines Corps Times của Thủy quân lục chiến Mỹ giải thích, các hoạt động của Trung Quốc tranh giành lãnh thổ ở Biển Đông là nguyên nhân chính làm cho Hoa Kỳ phải tái bố trí lực lượng viễn chinh vào khu vực.

Ngày 29/9, trong cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ, các giới chức cao cấp quân sự và tình báo của Mỹ trình với Thượng viện, không thể tin lời hứa của Chủ Tich Tập cận Bình TC cam kết sẽ kết họp cùng Mỹ trấn áp tin tặc tấn công Mỹ, và cho biết quân đội Mỹ sẽ cải thiện khả năng của mình để ngăn chặn các cuộc tấn công vào mạng máy tính của quân đội, và quân đội đang làm việc để làm cho các đối thủ của Mỹ phải chịu tốn kém hơn.

Vì dù lạc quan thế mấy, người ta cũng thấy chuyến công du Mỹ của Chủ Tịch Tập cận Bình bộc lộ rõ rệt chính sách ngoại giao bá quyền nước lớn của thời đại Tập cận Bình ở Trung Công. Do chính người chủ xướng là Tập cận Bình tuyên bố ngay tại Mỹ, đệ nhứt siêu cương thế giới từ sau Chiến tranh Lạnh CS Liên xô sụp đổ tới giờ. Chính sách ngoại giao nước lớn này của TC, ông Dương Khiết Trì, lúc bấy giờ là Ngoại trưởng của TC hồi năm 2010 trong cuộc họp APEC tại Hà Nội, có nói với các nước, rằng «Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ; đấy là sự thật, có thế thôi». Thời đại Tập cần Bình là thời đại Đảng CS chấm dứt tư tưởng của Chủ Tich Đặng tiểu Binh «Thao quang dưỡng hối», có nghĩa là «che giấu năng lực, ẩn mình chờ thời» TC áp dụng suốt ¼ thế kỷ vừa qua. Bây giờ Chủ Tich Binh bắt đầu thời đại theo tư tưởng của y Tập cận Bính là «Nâm phấn uy phát», nghĩa là «đấu tranh giành kết quả».

Nên hồi đó tới giờ chưa thấy một hiện tượng kỳ lạ như hiện tượng Tập cần Bình tuyên bố hăm doạ Mỹ ngay ở Mỹ như bây giờ. Thời Chiến tranh Lạnh Chủ Tịch Liên xô CS Khrushchev có cỡi giày đập lên bàn phản đối Mỹ trong phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ở New York, nhưng trong khuôn viên và hội trường của Liên Hiệp Quốc. Thời hiện kim cũng có một vài kẻ thù của Mỹ cà chớn cà chua như TT Hugo Chavez ở Venezuela Nam Mỹ, hay ngựa con háu đá như Chủ Tịch CS Bắc Hàn Kim Jong-un ở Bắc Triều Tiên hăm phong hoả tiễn vào Mỹ.

Từ khi lập quốc tới bây giờ mấy trăm năm, qua bốn mươi mấy đời tổng thống Mỹ chưa có một quốc khách nào công du Mỹ có những lời lẽ hăm doạ Mỹ. Như Chủ Tịch TC Tập cận Bình từ Thành phố Seatle của Mỹ oang oang lên tiếng kêu gọi Mỹ chấp nhận “một mô hình quan hệ mới” giữa Bắc Kinh và Washington, dựa trên sự “hiểu biết và tin cậy, ít khoảng cách và nghị kỵ” và hăm doạ Mỹ là sự đối đầu rất có thể dẫn đến một “đại họa cho cả đôi bên và cho toàn thế giới”.

Lời hăm doạ này không phải Chủ Tịch Bình của TC lở miệng, suông lời nói ra. Nó là sự tóm kết của nhiều hành động và lời nói mà quân lực của TC đã tấn công vào Mỹ. Nào là máy bay của TC chận đầu máy bay Mỹ trên vùng trời của đảo Senkaku mà TC giành giựt của Nhựt, đông minh của Mỹ.Nào là 5 chiến hạm của TC đi vào vùng 12 hải lý của hải phận Mỹ, ở tiểu bang Alaska khi TT Obama của Mỹ đang kinh lý trên dất liền tiểu bang này. Nào là nhưng cuộc tấn công xa luân chiến của tin tặc TC vào các cơ quan chánh quyền, các công ty của Mỹ, ăn cắp, ăn cướp bí mật kinh tế, thương mại, ngoai giao, quốc phòng và lý lịch của hàng triệu công chức liên bang, hàng mấy chục triệu người Mỹ có bảo hiểm y tế, và hàng triệu dấu lăn tay của người Mỹ

Nào là TC bồi lắp, làm ra cả bốn năm phi đạo, cả chục cầu cảng, quân sự hoá Biển Đông và hai quân đảo Hoàng sa và Trường sa, dự định chế ngự con đường hàng hải huyết mạch quốc tế qua lai Eo Biển Mã Lai, làm mất an ninh, hoà bình trong vùng và vi phạm tư do hàng không hàng hải quốc tế.

Nào Biển Đông là biển của TQ vì tên nó là Nam Trung Hoa. Thật là một cách vừa ăn cướp vừa la làng. Chẳng lẻ Biển và Vinh Mexico là biển là vịnh của nước Mexico. Chẳng lẻ Ấn độ dương mênh mông thế giới là của Ấn độ à. Nào là Biên Đông là sân nhà của TQ, thì TQ muốn trông cây, trồng hoa là quyền của TQ, không nước nào được xía miệng vào. Nào Biển Đông giá nào TQ cũng phải giữ gìn vì đó là của TQ, người TQ để mất thì làm sao nhìn mặt tổ tiên được. Kể cả CT Bình cũng mới nói với TT Obama, rằng Biển Đông là thuộc Trung Hoa từ thời cổ đại. Quả là nói ngang vì TQ không có một cớ lịch sử, pháp lý, địa lý nào về chủ quyên cả.

Cũng như gần 20 năm nay toàn máy bay của TC bay cúp đầu máy bay Mỹ, tàu chiến TC xâm phạm bên trong 12 hải lý của hải phân Mỹ, TC tấn công Mỹ băng chiến tranh tin hoc( cyber- war), TC quậy đục nước ngập đảo cùa các nước Á châu Thái binh dương, xâm chiếm biển đảo vùng Biển Đông, lập khu quân sự – tức là, TC gây hấn, xâm lấn biển đảo các nước, chà đạp tư do hàng hải quốc tế, TC lại nói sẽ dại hoạ nếu có xung đột giữa Mỹ và TQ. Nói nếu Mỹ phản ứng lại nhưng hành động của TQ, bằng xung đột thì sẽ có “ đại hoạ” giữa Mỹ và TQ, tức là có chiến tranh, tức là hăm dọa Mỹ, chớ còn gì nữa.

Chủ Tịch Bình tưởng TC đang lên và Mỹ đang xuống, Ông tưởng có thể khai thác thời gian làm tổng thống quá mong manh, lợi dụng thói chủ hoà của TT Obama, hoàn cảnh Quốc Hội do Công Hoà đối lập kiểm soát, mà hăm doạ Mỹ, là sai lầm lớn.

Có chiến tranh xảy ra, Mỹ nhứt định thắng, TC nhứt định thua. Chỉ trong vùng Á châu Thái bình dương thôi, TC là kẻ cô đơn nhứt. Chưa chắc CS Bắc Hàn giúp TC, VNCS cũng không vì TC khơi lại tiền cừu hậu hận của người Việt đối với quân Tàu. Trái lại Mỹ có nhiều nước đồng minh, đối tác, chỉ cần phong toả con đường TC vận chuyển nguyên nhiên liệu nhập và hàng hoá xuất cảng, trong vài tháng là kinh tế TC sụp đổ liên. TC sẽ mất thế chính đáng cầm quyền, dân chúng Trung Hoa nổi lên, thành liệt quốc hay tam quốc.

Chánh quyền Mỹ là của dân, do dân, vì dân. Nội lực dân tộc Mỹ rất thâm hậu. Kinh tế Mỹ đã từng cung ứng cho nhiều cuộc chiến tranh thế giới. Quân đội Mỹ trui rèn qua nhiều cuộc chiến, kinh nghiêm dồi dào, sẵn sàng cho hai ba mặt trận. Võ khi của Mỹ tân kỳ, 30 năm sau TC theo chưa nổi. Hải lực của TC chỉ băng ¼ của Mỹ, không quân TC có 800 may bay nhưng khả năng không chiến cần coi lại. Hải, Lục, Không quân TC bi cái binh nội thương trầm trọng vì binh tham nhũng và bịnh ở không, 70 năm qua mới có cuộc chiến tranh Triều Tiên, TC dùng chiến thuật biển người, bị quân Mỹ trải thảm bom, thảm pháo, chết như rạ.

Dân trí Mỹ rất cao. Không dùng tiền mua chuộc dân chúng Mỹ và quân đội được đâu. Thăm dò mới của Viện Gallup, một tổ chức độc lập có uy tín lâu đời ở Mỹ mới đây cho biết đa số dân chúng Mỹ coi TC là kẻ thù số 1 của Mỹ. Hàng hoá TC dân chúng Mỹ không mua dầu bán rẻ mạt./.( Vi Anh)
……………………………………………………………………

Đức kỷ niệm 25 năm ngày thống nhất đất nước

Nguồn:VOA – 04-10-2015

duc ky niem.jpg1

Tổng thống Đức Joachim Gauck (phải) và Thủ tướng Angela Merkel (giữa) gặp gỡ người dân trên đường phố ở Frankfurt hôm 3/10 khi Đức đánh dấu ngày thống nhất đất nước.

Ngày 3 tháng 10 là một ngày quốc lễ, đánh dấu ngày này vào năm 1990, khi Đông Đức và Tây Đức hợp nhất. Ngày thứ Bảy Berlin tổ chức lễ hội trên đường phố tại Cổng Brandenburg, biểu tượng của nước Đức thống nhất.

Nước Đức thống nhất đã trở nên một cường quốc kinh tế, lãnh đạo châu Âu và đứng đầu là hai chính trị gia lớn lên ở Đông Đức: Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Joachim Gauck. Bà Merkel là một khoa học gia, trong khi ông Gauck là một mục sư và một nhà hoạt động dân chủ.

Kỷ niệm ngày thống nhất nước Đức diễn ra giữa lúc nước này đang đối mặt với hai vấn đề nhức nhối hiện nay—số di dân đến Đức cao ở mức kỷ lục và vụ gian dối trên toàn thế giới của công ty Volkswagen.

Di dân

Thủ tướng Merkel nói Đức sẽ nhận 800.000 di dân và thúc đẩy các nước khác tại châu Âu nhận những người trốn chạy chiến tranh và nghèo đói.

Những người chỉ trích bà tại Đức và các nước khác đã lên tiếng nghi ngại về việc hội nhập di dân vào xã hội và lực lượng lao động châu Âu. Bà Merkel cương quyết giữ vững lập trường là những người mới đến nên được nồng nhiệt tiếp nhận.

Trong tuần này, bà Merkel đã tuyên bố: “Kinh nghiệm của việc thống nhất nước Đức cho chúng ta cảm nhận và tin tưởng là chúng ta có thể đối phó thành công với công việc chúng ta đang đối đầu dù to lớn đến đâu cũng vậy. Đây cũng là một nhiệm vụ lớn lao thúc đẩy chúng ta trong lúc này và đòi hỏi nỗ lực của tất cả chúng ta: nhiều người đang tìm cách cư ngụ với chúng ta tại châu Âu và Đức.”

Việc ủng hộ không lay chuyển đối với những di dân đã gây nên những tin đồn là bà có thể nhận được Giải Nobel Hòa bình năm nay.

Bộ trưởng Tài chánh Wolfgang Schauble nói “lòng tham” là căn nguyên của vụ tai tiếng Volkswagen. Ông nói: “Mọi người đều muốn mình lớn nhất. Đây là sự thèm khát tiếng tăm, muốn được công nhận.” Công ty sản xuất ô tô này bị cáo buộc gian lận kết quả khí thải của xe chạy bằng động cơ đi-ê-zen, đã ảnh hưởng đến hàng triệu người sở hữu xe Volkswagen trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của việc này được cảm nhận tại Đức vì cứ 1 trong 7 người Đức trông cậy vào ngành ô tô để có việc làm.

Bức tường Berlin

Năm ngoái, Đức kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ. Được xây vào năm 1961, bức tường chia đôi thành phố trong gần 3 thập niên. Bức tường này cũng phân chia Đông Đức do Sô-Viết kiểm soát với Tây Đức, do Hoa Kỳ, Pháp và Anh chiếm đóng sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt.

Bức tường dài 161 kilômét được xây nhằm ngăn cản cư dân Đông Đức trốn sang Tây Đức. Bức tường phân chia các đường phố, các khu vực và chia cách các gia đình và bạn bè.

Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 được kỷ niệm vào ngày 9 tháng 11. Đây là một thời điểm quan trọng trong việc chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.

Đông và Tây Đức chính thức thống nhất một năm sau đó.

……………………………………………………………………

Tình báo Mỹ : Bắc Kinh đứng sau các vụ tấn công mạng
Nguồn: RFI – Trọng Nghĩa Đăng ngày 25-09-2015 Sửa đổi ngày 25-09-2015 16:51

cac vu danh cap.jpg1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tại công ty Boeing, Everett, Washington, 23/09/2015
REUTERS/Mark Ralsto/Pool

Nhân cuộc họp thượng đỉnh Barack Obama-Tập Cận Bình vào hôm nay, 25/09/2015 tại Nhà Trắng, hồ sơ tin tặc từ Trung Quốc đánh cắp dữ liệu của Mỹ là một đề tài nổi cộm. Ngay từ hôm qua, 24/09, Washington đã tăng thêm sức ép trên Bắc Kinh khi lãnh đạo Cơ quan tình Mỹ NSA xác nhận với Thượng viện Mỹ rằng chính các giới chức chính quyền Trung Quốc đứng phía sau các vụ đánh cắp dữ liệu thương mại của Mỹ, và thường xuyên theo dõi thông tin liên lạc cá nhân truyền qua hệ thống điện tử tại Trung Quốc.

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ, Phó Đô đốc Micheal S. Rogers, Giám đốc NSA kiêm lãnh đạo Cơ quan đặc trách an ninh mạng của Mỹ, đã xác nhận là trong những tuần lễ gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ráo riết họp kín để đạt được một thỏa thuận, tương tự như trong lãnh vực kiểm soát vũ khí, nhằm hạn chế các hoạt động tấn công mạng từ cả hai phía.

Theo ông Rogers, phía Mỹ đã rất thẳng thắn, cho rằng hai nước « không thể có một quan hệ bền vững lâu dài » nếu Trung Quốc tiếp tục các hành vi đánh cắp không giới hạn quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Giới chức tình báo Mỹ tin chắc rằng từ năm 2014 đến nay, tin tặc từ Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của hơn 20 triệu người Mỹ, cũng như dữ liệu về bảo hiểm y tế và ngân hàng.

Mới hôm 23/09 vừa qua, Cơ quan Quản lý Nhân sự OPM cho biết là tin tặc đã ăn cắp 5,6 triệu dấu tay, được dùng là cơ sở để xác nhận lý lịch những người làm những công việc nhạy cảm trong chính phủ, trong đó có ngành tình báo, thực thi luật pháp, tư pháp, quân đội.

Bắc Kinh không chỉ khuyến khích mà còn trực tiếp chỉ đạo tin tặc

Trả lời chất vấn của các Thượng nghị sĩ, Giám đốc NSA cho là chính quyền Trung Quốc đã tích cực khuyến khích, đôi khi còn trực tiếp chỉ đạo các vụ đánh cắp dữ liệu thương mại cũng như bí mật của chính phủ Mỹ.

Giới chức Trung Quốc còn sử dụng hệ thống dọ thám của chính quyền để thu thập dữ liệu, thông tin kinh tế có thể giúp các công ty, tập đoàn Trung Quốc, trong lúc mà chính quyền Mỹ xác định nguyên tắc không chia sẻ thông tin tình báo thu thập từ nước ngoài với các doanh nghiệp Mỹ.

Nhìn dưới góc độ này, ông Rogers nhận định là phía Trung Quốc không cùng một quan điểm với Mỹ, và một số đồng nhiệm Trung Quốc của ông đã làm những điều mà ông không bao giờ có thể làm. Các cơ quan tình báo Trung Quốc nghĩ là họ có quyền thu thập và phân tích mọi cuộc đối thoại và thông tin, dữ liệu đi qua biên giới Trung Quốc.

Tấn công các nước Đông Nam Á từ Côn Minh

Hiếm khi mà một quan chức chính quyền Mỹ lại có lời tố cáo công khai và đích danh nhắm vào Trung Quốc như vậy, chứng tỏ rằng Washington không thể nhẫn nại trước các hành vi đánh cắp ồ ạt của Bắc Kinh.

Nội dung tố cáo không có gì mới vì trước ông Rogers, nhiều cơ quan nghiên cứu tư nhân hoặc các công ty chuyên về an ninh mạng đã nhiều lần tố cáo đích danh Trung Quốc, đặc biệt là đội tin tặc trực thuộc Quân đội Trung Quốc.

Ngay từ năm 2013, công ty an ninh mạng Mỹ Mandiant đã truy được dấu vết của một nhóm tin tặc thuộc diện hoành hành dữ dội nhất trên thế giới. Và bản doanh của nhóm tin tặc này chính là cơ sở của một đơn vị bí mật của Quân đội Trung Quốc, đặt tại Thượng Hải, có tên gọi là Đơn vị 61.398.

Gần đây hơn, một hãng chuyên trách an ninh mạng khác của Mỹ, Threat Connect và Defense Group, đã phăng ra dấu vết của nhóm tin tặc mệnh danh là Naikon, chuyên tấn công vào mạng tin học của các nước Đông Nam Á. Nhóm tin tặc này không ai khác hơn là thành viện của một đơn vị tình báo quân đội Trung Quốc, trụ sở tại Côn Minh, miền Nam Trung Quốc.

………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics