1.Vũ Đức Thanh .. -Kỳ chót(DTL)2.Tháng Tư nhớ Nguyên Sa ..(VĐT)

Vũ Đức Thanh và, bức tranh ‘Tháng Tư Đen’

Du Tử Lê/Người Việt

Nguồn:nguoiviet.com- April 28, 2017


(Hình minh họa: Trần Tiến Dũng)

(Tiếp theo và hết)

Tôi không nhớ tôi ở với trường trung học Hiếu Nghĩa được mấy niên khóa, nhưng khi nhận thêm trường Nguyễn Công Trứ trên đường Hai Bà Trưng thì tôi buộc lòng phải xin thôi ở Hiếu Nghĩa vì, Nguyễn Công Trứ cho tôi một thời khóa biểu thích hợp hơn với hoàn cảnh cá nhân tôi.

Cũng như với những ngày ở Hiếu Nghĩa, Nguyễn Công Trứ để lại trong tôi khá nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ mấy tuần lễ cuối cùng, trước khi ngày 30 Tháng Tư Đen ập đến, dư luận từ trong nhà tới hang cùng, ngõ hẻm… gần như chỉ còn nói về những biến động thời sự, quân sự và nhất là những chuyện liên quan tới đi ở. Hiện tượng này đã vào sâu trong các lớp học với những em học sinh, tôi nghĩ, còn quá nhỏ, để có mối quan tâm, băn khoăn về chuyện đi ở. Nhiều phần các em nghe được và bị chi phối khi nghe được những gì từ bố mẹ, trong những bữa cơm gia đình.

Tôi nhớ, ở có hai lớp đệ tam mà tôi phụ trách môn Việt Văn, cuối giờ học, có một em nữ sinh giơ tay, bất ngờ ngỏ ý mời đi di tản cùng gia đình em. Một em khác thì nói rõ hơn rằng, em có kể chuyện về tôi với bố mẹ em, và bố mẹ em đồng ý dành một chỗ cho tôi ra khỏi Việt Nam bằng phương tiện riêng của gia đình em…

Dĩ nhiên, tôi không thể nhận lời đề nghị của một trong hai em. Nhưng tôi cũng đã không che giấu được sự xúc động của mình.

Đó là thời gian mà sĩ số học sinh ở mấy lớp tôi dạy, vắng đi, mỗi ngày một thấy rõ! Những em còn lại, vẫn tới lớp, cho tôi cảm tưởng, nếu có ở nhà, các em cũng không biết làm gì cho hết giờ? Chưa kể, qua những ánh mắt thất thần, những khuôn mặt lơ láo, ngơ ngác, cho tôi hiểu, có thể các em cũng đang tự hỏi, rồi đây, các em có còn được đi học, được đến lớp? Khi mà thực tế xã hội đang bị xới tung, như một đống xà bần khổng lồ mà hàng triệu con người đang cố thu nhỏ mình lại thành những sinh vật dư thừa, không ngày mai.

Tôi trộm nghĩ các em còn tìm đến lớp học, cũng giống như những kẻ tuyệt vọng, cùng đường, cố vớt vát chút nắng ấm cuối cùng của một ngày sẽ tắt. Bình minh khác, sẽ hiện ra, mà, các em sẽ không được dự phần, hay chỉ là những kẻ đứng lên bề.

Tôi không biết những giờ học cuối Tháng Tư, 1975, ở Nguyễn Công Trứ, có bao nhiêu thầy, cô còn đến trường và họ đã nói gì với các em?

Riêng tôi, ngày cuối cùng tôi còn đến với các em học sinh ở Nguyễn Công Trứ là Thứ Hai, ngày 27 Tháng Tư (?). Lớp học vốn ồn như một cái chợ nhỏ, nay vắng lặng, đìu hiu như đang khứng nhận tang chế.

Tôi không nghĩ đó là thời gian đem đến cho các em một chút hiểu biết nhỏ gì về “cổ văn” Việt Nam, mà chỉ tôi quay qua thăm hỏi về hoàn cảnh gia đình mỗi em.

Qua cuộc thăm hỏi gia cảnh từng em, tôi mới biết, có những em đã được cha mẹ cho biết, hết tháng này, dù chiến tranh, loạn lạc ra sao thì em cũng sẽ phải nghỉ ở nhà, vì không thể có tiền đóng tiền học. Có em kể, em ở rất xa trường, những em nghĩ không biết còn bao lần được thấy bạn, thấy trường nên em đã đi bộ rất sớm, để đến lớp.

Càng nghe chuyện các em, tôi càng thấy rõ sự bất lực, đồng thời sự có mặt vô nghĩa của mình…

Dù nấn ná, lưu luyến cách mấy, cuối cùng rồi tôi cũng phải chia tay những người học trò một ngày cuối Tháng Tư của tôi. Dắt xe ra khỏi sân trường bỗng trở thành rộng mênh mông, tôi biết nhiều em học sinh nhìn theo, cho tới khi tôi chỉ còn là một vệt đen nhỏ nhoi dòng thác ngược xuôi. Một chấm hay một vệt đen một thời mà chúng tôi sẽ không bao giờ còn có cơ hội gặp lại.

Nhưng, ngay buổi chiều hôm ấy, một người học trò đặc biệt đối với tôi, Vũ Đức Thanh lại tìm tôi nơi sở làm. Tôi những tưởng Thanh ra khỏi Việt Nam đã lâu, nhờ có một ông anh giữ một vai trò gì đó, khá quan trọng trong chính quyền Saigon.

Tôi hỏi Thanh: “Thầy nghĩ em đi rồi?”

Thanh lắc đầu. Đường dây bể… Thanh nói, Thanh buồn quá. Thanh muốn thầy trò ngồi với nhau thêm một buổi tối ở café Hân, trước khi chúng ta sẽ chẳng thể giữ được một điều gì, cho riêng mình.

Chúng tôi ngồi với nhau như thế, tới khuya, gần như không nói gì, ngoài những điếu thuốc đốt liền tay.

***

Trong lớp tôi, Vũ Đức Thanh không phải là một học sinh xuất sắc. Điều khiến tôi chú ý tới Vũ Đức Thanh là ngay buổi đầu tiên, học về “Chinh Phụ Ngâm Khúc,” Thanh đã cho thấy giữa “Chinh Phụ Ngâm Khúc” và Vũ Đức Thanh, vốn có một liên hệ đặc biệt nào đó, khó giải thích. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi biết Thanh thuộc “Chinh Phụ Ngâm” từ nhiều năm trước. Đó là một trong vài cuốn sách gối đầu giường của Thanh. Sau phần bài giảng, khi thảo luận hay đặt câu hỏi, Thanh luôn là người đưa tôi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác…

Từ đó, tôi đặc biệt chú ý tới Vũ Đức Thanh và, tôi cũng không biết, giữa chúng tôi, ngoài tình thầy trò, còn có một thứ tình khác. Tình bằng hữu hay tình văn nghệ giữa hai con người mà sự cách biệt tuổi tác, không nhỏ.

Mãi sau này, bằng vào tình thân được xây đắp qua thời gian, tôi mới biết Vũ Đức Thanh, căn bản là họa sĩ. Thanh ghi tên học chương trình phổ thông mục đích là để hợp lệ tình trạng quân dịch thời đó mà thôi. Mới đây, trong một tiểu sử ngắn, do Đại Học Florida đòi hỏi, trước khi đại học này chính thức tổ chức cuộc triển lãm cá nhân cho Vũ Đức Thanh, tôi mới biết:

Vũ Đức Thanh không nhận mình là họa sĩ truyền thống. Mặc dù anh bắt đầu vào trường học vẽ niên khóa 1969. Đó là trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định, sau này tên trường đổi thành Trường Quốc Gia Trang Trí Mỹ Thuật, thầy Đỗ Đình Hiệp làm hiệu trưởng (trước 1975). Họ Vũ định cư tại Mỹ năm 1975 ở Miami, Florida.

Khi còn ở trong nước, các sinh hoạt liên quan đến hội họa bắt đầu vào năm 1970 tại các trung tâm văn hóa ở Sài Gòn như Hội Việt Mỹ, Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Phòng Thông Tin (góc đường Tự Do và Lê Lợi). Minh họa cho một tờ báo quân đội là Tiền Phong, từ 1974.

Ở Mỹ, Vũ Đức Thanh trưng bày tranh tại các nơi như Miami và Orlando, Florida; Miami Dade College (Library) 1978; Art & Design Gallery (Biscayne Blvd. Miami, Florida) 1980; University of Central Florida (UCF Libraries) 1999 và 2005; Orange County Library (Orlando, Florida) 2007; Winter Park Public Library (Winter Park, Florida) 2009…

Trả lời câu hỏi về quan niệm hội họa cho một tờ báo địa phương, ở Orlando, Vũ Đức Thanh nói: “Tôi không theo một chuẩn mực nào để diễn đạt cho dù trừu tượng hay hiện thực. Tranh vẽ, với tôi vẫn là sản phẩm của ý tưởng và sự tưởng tượng không bị giới hạn vì địa lý hay không gian hoặc thời gian, đó là nguồn cảm hứng để tôi vẽ một cách không ranh giới…”

Nhân dịp này, họ Vũ cũng cho biết, anh có mơ ước vẽ được bức tranh, đề tài “Tháng Tư Đen.”

Họ Vũ nhấn mạnh, khi chúng ta nói “Tháng Tư Đen” ai cũng hiểu và có thể hình dung theo cách của mình. Nhưng để thể hiện ý niệm bất hạnh đó, trên bố, thì lại rất khó cho một họa sĩ…

***

Khi tôi viết những dòng chữ này, tình thầy trò song song với tình bằng hữu của chúng tôi, đã trên 40 năm. Với khoảng thời gian đằng đẵng này, nhiều giai đoạn, những tưởng, chúng tôi không còn cơ hội gặp lại nhau.

Nhưng may mắn thay, chẳng những cuối cùng chúng tôi vẫn có lại nhau ở xứ người, mà hơn rất nhiều người bạn thân của tôi, Thanh hiện diện và giữ khá nhiều sinh hoạt đời riêng của tôi, ngay từ thời quê nhà. Trong số những kỷ niệm đó, dĩ nhiên, có những ngày trường Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Sài Gòn cũ. Và, luôn cả bức tranh “Tháng Tư Đen” không bao giờ hoàn tất của Vũ.

Du Tử Lê

(Tháng Tư, 2017)

…………………………………………………………

Tháng Tư nhớ Nguyên Sa, chuyện trò cùng ‘Nga buồn như con chó ốm’

Nguồn: Vũ Đình Trọng/Người Việt -April 19, 2017

Bà Nguyên Sa, Trịnh Thúy Nga, bên mộ chồng. (Hình: Vũ Đình Trọng/Người Việt)

WESTMINSTER (NV) – Mười chín năm qua, từ ngày nhà thơ Nguyên Sa qua đời (18 Tháng Tư 1998), những đóa cúc vàng trên mộ ông trong nghĩa trang ở thành phố Westminster vẫn vàng rực, nhờ sự chăm sóc ân cần từ người vợ thủy chung.

Vợ nhà thơ Nguyên Sa, bà Trịnh Thúy Nga, người đi vào cõi thơ Nguyên Sa với những câu mở đầu “tếu táo”: “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/Như con mèo ngái ngủ trên tay anh /Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình /Ðể anh giận sao chả là nước biển!…”

Trên đời, chắc chỉ có mình ông, nhà thơ Nguyên Sa, viết thư thông báo đám cưới của mình bằng thơ. Cũng chẳng có ai đặt tựa cho bài thơ báo hỷ “cộc lốc” như ông – chỉ vỏn vẹn một chữ “Nga,” tên người con gái ông lấy làm vợ.

Thế mà người ta nhớ! Có ai mà không nhớ thơ tình Nguyên Sa!

Và bà Nguyên Sa-Trịnh Thúy Nga, luôn nhớ một câu chuyện chẳng thể nào cũ.

    Tháng Giêng Mai Thảo đã qua
Tháng Tư chợt nhớ Nguyên Sa, lại buồn.
(Thơ Ngọc Hoài Phương)

“Năm 1952, sau khi hồi cư về Hà Nội, tôi được gia đình cho sang Pháp du học cùng với người anh họ. Ông Lan (tên nhà thơ Nguyên Sa: Trần Bích Lan) qua trước hai năm. Ông thân sinh của ông ấy  buôn bán lớn, sợ Việt Cộng làm phiền nên cho ba người con lớn sang Pháp du học. Tôi quen em gái ông ấy ở Paris, tình cờ đến nhà chơi nên quen ông.”

Quen nhau Tháng Mười Hai năm 1952, đến mùa Hè năm 1953, ông làm bài thơ tỏ tình tặng bà. Cho đến giờ, chưa ai biết nội dung bài thơ đó như thế nào, vì bà muốn giữ kín, cho riêng bà. Chỉ biết rằng, trái tim của cô nữ sinh tên Nga từ đó có một hình bóng, mà cô luôn trân trọng nhớ về, từ mùa Hè năm đó.

Bà hồi tưởng lại: “Hồi đó tôi còn trẻ, cũng chẳng suy nghĩ gì cả, chỉ lo học thi đậu xong rồi về. Phải lo học xong cho sớm chứ đời sống bên Pháp đắt đỏ lắm. Cũng trong năm 1953, cụ thân sinh ông Lan mất ở Hà Nội, ông ấy phải ngưng học, về nước để giúp đỡ gia đình. Lúc đó chúng tôi yêu nhau rồi, ông ấy cũng muốn dỗ dành tôi về Việt Nam chung, nhưng tôi còn ham học cao lên. Tuổi trẻ mà, ai cũng có giấc mơ lớn, và tôi cũng muốn thực hiện ước mơ của mình.”

Cuộc chia tay này là nguyên nhân bài thơ “Paris có gì lạ không em?” ra đời trong nỗi nhớ khắc khoải của ông.

“Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen?…”

Câu hỏi cuối ông gởi lại bà trong sự chờ đợi, thay cho câu hỏi “Em có bằng lòng làm vợ anh không?” Để rồi hai năm sau gặp lại nhau ở Paris, khi bà khẽ gật đầu ưng thuận “làm lá sen” suốt đời cho ông, thì ông mới viết bài thơ đính hôn thay cho thiệp báo hỷ gởi cho gia đình, bằng hữu, trong niềm vui sướng tột độ.

“Chúng mình lấy nhau
Cần gì phải ai hỏi…
Cả anh cũng không cần phải hỏi anh
‘Có bằng lòng lấy em?…’
Vì anh đã trả lời anh
Cũng như em trả lời em
Và cũng nghẹn ngào nước mắt!…”
(Nga – Nguyên Sa)

Bà Nga nhớ lại: “Sinh viên tụi tôi ở lại Pháp sau Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, gia đình lo tản cư vào Nam nên đâu có gởi tiền qua được. Chúng tôi ra Tòa Đốc Lý Paris ký giấy hôn thú, bạn bè theo đông lắm. Xong kéo nhau ra quán cà phê đối diện uống cà phê, ăn bánh. Bạn bè chung tiền trả tiền cho cô dâu, chú rể. Thế thôi.”
Tháng Tư nhớ Nguyên Sa, chuyện trò cùng ‘Nga buồn như con chó ốm’


Nơi yên nghỉ của nhà thơ Nguyên Sa (1932-1998). (Hình: Vũ Đình Trọng/Người Việt)

Đám cưới sinh viên Việt Nam nghèo ở kinh đô ánh sáng diễn ra như thế. Chú rể chẳng mặc lễ phục, cô dâu không có áo cưới, mà ngay cả nhẫn cưới họ cũng chẳng mua được. Nhưng có sao đâu, vì ông trao cho bà những thứ quý hơn nhẫn cưới.

“Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
Anh sẽ hôn đền em
Và anh bảo em soi gương
Nhìn vết môi anh trên má
Môi anh tròn lắm cơ
Tròn hơn cả chữ O
Tròn hơn cả chiếc nhẫnTròn hơn cả hai chiếc
nhẫn đeo tay!…”
(Nga – Nguyên Sa)

***

Mười chín năm ông ra đi, chữ O tròn trên má vẫn chẳng phai nhòa, vì với bà, ông chẳng bao giờ đi xa cả, mà chỉ chuyển chỗ từ ngôi nhà ở thành phố Irvine đến nơi đầy nắng và gió ở thành phố Westminster.

“Đối với tôi thì lúc nào ông cũng quanh quẩn đâu đây, trong cái nhà này. Tôi ở trong nhà, hay đi bất cứ con đường nào, đều thấy hình bóng ông ở bên cạnh tôi hết.” Bà Nga nói.

Nhà thơ Ngọc Hoài Phương cho biết, lúc sinh thời Nguyên Sa rất thích hoa cúc vàng – như câu thơ trong bài “Áo lụa Hà Đông” của ông: Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc – nên bà Nga chỉ mang hoa cúc ra mộ ông thôi. “Nếu để ý sẽ thấy, hoa cúc vàng trên mộ nhà thơ Nguyên Sa không bao giờ tàn hay héo cả vì được bà Nga chăm sóc rất kỹ. Hoa sắp héo sẽ được bà thay bằng hoa mới.” Nhà thơ Ngọc Hoài Phương cho biết.

Hôm gặp bà ở mộ ông, bà cho hay: “Ông ấy không bao giờ nghĩ đến cái chết, hay mình được chôn cất ở đâu cả. Khi ông ấy mất, tôi ra đây xem rồi chọn cho ông chỗ này. Nó gần hồ nước, lại dưới một bóng cây. Lúc trước trông vắng vẻ, giờ trông ấm cúng vì chung quanh ông có rất nhiều bạn bè.”

“Hồi nhà tôi mới mất, ngày nào tôi cũng ra đây, sửa bông, cắt cỏ. Giờ thì lớn tuổi rồi, thì một tuần tôi ra thăm ông ấy 2 lần. Nhiều khi bực mình với ông ấy cũng ra đây nói cho ông ấy biết.”

“Hồi ông Lan còn sống, tôi rất ít tiếp xúc với bạn ông ấy lắm, nhưng từ hồi ông ra đây, tôi được gặp nhiều người thăm ông, an ủi nâng đỡ tôi. Tôi nhớ ông Đỗ Ngọc Yến (nhà báo, sáng lập nhật báo Người Việt), hồi đó, cứ có ai từ xa đến Little Saigon, muốn gặp tôi thì ông ấy cứ nói cứ ra thăm mộ Nguyên Sa thì gặp bà Nga. Cho nên ở đây tôi được gặp nhiều người lắm, kể cả bạn cũ ở Việt Nam sang chơi. Cuối năm còn có người hẹn tôi ra đây cho cá kho, dưa chua nữa.”

Điều trùng hợp là sự lựa chọn nơi yên nghỉ cho ông, lại chính là nơi ông từng mơ ước được về qua câu thơ của ông, được bà khắc trên mộ.

“Nằm chơi ở góc rừng này
Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
Xin em một sợi tóc vàng
Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
Biết đâu thảo mộc bớt đau
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?”

Và trong bài Tân Ước trong tập thơ cuối cùng, hình như lời “năn nỉ” của ông cũng được bà chiều theo.

“…Anh vẫn nhận ra em, em khác biệt mà vẫn đồng nhất, giấc mơ gián đoạn bao nhiêu, em vẫn trở lại, giấc mơ phi lý, em khắng khít bằng những liên tục vuốt ve, liên tục hiền dịu, liên tục chăm sóc. Em liên tục không gian em, liên tục luận lý em. Tân ước nói có thế giới ở ngoài thế giới, khác biệt và bao trùm thế giới. Em có phải là giấc mơ ở trong giấc mơ và phủ kín giấc mơ?”

Chẳng biết như thế nào, nhưng trong thế giới thật này, “Nga buồn như con chó ốm” tiếp tục dùng đôi tay “làm lá sen” phủ kín “hương cốm” Nguyên Sa cho đến tận cùng.

…………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics