1Thương tiếc Bùi Bảo Trúc(HP/NV).2.Nhà thơ Phù Hư(DTL)3."Đọc lại Người Xưa" của TS Vũ Hoàng Chương(THB/NV)

Thương tiếc Bùi Bảo Trúc

Tạp ghi Huy Phương
Nguồn:nguoiviet.com- December 18, 2016


Bùi Bảo Trúc tại tòa soạn Người Việt năm 2015. (Hình: Huy Phương)

Người ta nói, người dậy sớm “có cả thế giới trong tay,” thì tôi cũng xin nói thêm, “biết được tất cả mọi chuyện sớm hơn mọi người.” Cũng vì cái tội dậy trễ, mãi đến 12 giờ trưa Thứ Bảy tôi mới được tin Bùi Bảo Trúc qua đời qua điện thoại của Phan Dụy ở Houston, mà nguồn tin này lại phát xuất từ gia đình Trần Duy Đức, một người ở không xa tôi đến mấy dặm đường.

Đây cũng là một tin khá đột ngột, vì mấy năm nay tôi biết tin Bùi Bảo Trúc mổ tim rồi sau đó được một thời gian, bỗng yếu đi, bỏ rất nhiều sinh hoạt đang thực hiện, qua làn sóng phát thanh thì lúc có lúc không. Ngày trước lúc còn khỏe, chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau ở quán Song Long, rồi Bùi Bảo Trúc bỏ thói quen ngồi quán. Sau này ông không còn đủ sức đến trụ sở của Little Saigon Radio cũng là đài truyền hình Hồn Việt, mà chỉ còn nói chuyện từ nhà với thính giả qua mục “Ngày Này Năm Xưa,” phát thanh mỗi ngày vào lúc 10 sáng, từ California.

Cách đây hai tuần, còn được gặp Bùi Bảo Trúc qua điện thoại, gần đây có ngày mừng nghe tiếng ông trở lại trên đài phát thanh, ngày Thứ Tư, texting với ông câu nhắn, không thấy hồi âm, thì đêm Thứ Sáu, ông đã ra đi. Không ngờ! Hai tiếng “không ngờ” chúng ta vẫn thường dùng, vì chẳng bao giờ hiểu nỗi sự sống sự chết, và biết được lúc nào chúng ta bỏ cuộc đời này ra đi.

Bùi Bảo Trúc ra đi, để lại trong lòng bạn bè, độc giả, thính giả của ông nhiều thương tiếc. Thương là vì chúng ta đã mất đi một người bạn thân tình, tiếc là tiếc cho một con người lịch lãm, tài hoa khó kiếm. Những trang báo, những câu chuyện qua làn sóng phát thanh, những talk show, Bùi Bảo Trúc đang thực hiện trên đài truyền hình, khi ông ra đi, có thể nói là không có người thay thế. Bùi Bảo Trúc uyên bác hay Bùi Bảo Trúc có một trí nhớ tốt cũng là một cách nói. Sách vở và giấy bút không thể nào giúp cho một người “host” trong vòng nửa giờ trên đài phát thanh hay truyền hình làm việc trôi chảy, nếu không có một trí nhớ tốt.

Có trí nhớ tốt chưa đủ, mà người dẫn chương trình dù chúng ta thấy mặt hay chỉ nghe tiếng nói phải có cái duyên dẫn dắt câu chuyện. Trong vòng nửa giờ, người nghe cảm thấy chưa hả dạ thì đã đến giờ tạm biệt, xin hẹn gặp lại chương trình sau, và có cái gì đó để người nghe có thể mong đợi, đến giờ này, ngày mai mở lại chương trình để đón nghe giọng nói thân quen của một chương trình kế tiếp.

Bởi vậy, khi Bùi Bảo Trúc ra đi, chúng tôi thật sự mất một người bạn quý, nhưng tôi hiểu sự mất mát lớn lao khó bù đắp của chương trình “Ngày Này Năm Xưa” của Little Saigon Radio và “Chào Hoàng Hôn” của Hồn Việt TV. Giọng nói và khuôn mặt của Bùi Bảo Trúc đã là một điều gì đó rất quen thuộc, hẹn giờ, với tất cả khán, thính giả của các cơ quan truyền thông rất phổ cập này.

Người ta dùng nhiều danh xưng để nói về Bùi Bảo Trúc, nhà văn, ký mục gia, nhà báo, ký giả, có sự hiểu biết rộng rãi, hay một MC lịch lãm, duyên đáng trên sân khấu. Ông cũng là giáo sư Anh Ngữ tại Hội Việt Mỹ từ năm 1965 và London School ở Sài Gòn của ông Nguyễn Ngọc Linh, nhưng ít ai gọi ông là giáo sư. Đối với ông hai tiếng gọi thân thiết “nhà báo” là đủ: “Nhà báo Bảo Lâm.”

Bùi Bảo Trúc là một người sinh hoạt từ trong nước ra đến ngoài nước, có dịp đi đây đó nhiều, được nhiều người biết và biết đến nhiều người, nhưng không thể dùng tiếng “quảng giao” để nói đến ông, nếu hiểu theo đúng nghĩa “quảng giao” là giao thiệp rộng rãi với nhiều người. Bùi Bảo Trúc có nhiều bạn bè nhưng con số giao tiếp không nhiều, vì ông có một cá tính đặc biệt, kiêng nể ai thì thấy rõ, nhưng ghét bỏ ai thì cũng ra mặt. Đối với Bùi Bảo Trúc, không có chữ “xuề xòa,” không phải ai cũng là người ông vui vẻ bắt tay xã giao, kiểu “quảng giao” cho xong chuyện, “chín bỏ làm mười,” mà “thương ai thì nói rằng thương, ghét ai thì nói rằng ghét,” dù đó là một kẻ thù chính trị khác ranh giới hay cả một người ông vẫn thường gặp ngoài đường, hay trong sở làm.

Có lần, trong một tiệm ăn, một bác sĩ “dược thảo,” chưa quen biết gì, đã bước đến bàn ăn của Bùi Bảo Trúc, ngỏ lời nhờ ông đứng ra quảng cáo giúp cho thương vụ bán thuốc của mình, ông đã đáp lại rất nặng lời, những lời mà tôi nghĩ không tiện ghi lại ở đây. Bùi Bảo Trúc là vậy!

Đó là xấu tốt phân minh, thiện ác rõ ràng, qua lối viết của ông. Khi ghét ông dùng chữ rất thậm tệ, khi thương kính ông không tiếc lời trang trọng. Bùi Bảo Trúc thường công nhận lối viết của ông không “hiền,” là rạch ròi, nếu cần dùng chữ nghĩa để diễn đạt ý nghĩ và tâm tính của ông.

Bởi vậy, ông có nhiều người thương mà cũng không thiếu người ghét, ngay cả khi ông mất, còn có người theo đuổi kê kích ông.

Trên đời, người đào hoa và hào hoa chưa hẳn là người có hạnh phúc. Bùi Bảo Trúc không nằm trong những người có biệt lệ. Trong sinh hoạt thường ngày, ông vẫn nhận mình là người “cơm hàng cháo chợ,” ăn uống thất thường, không có người thân sống gần bên cạnh, có lẽ vì như vậy, mà lúc đã luống tuổi, sức khỏe ông giảm sút rất nhanh.

Có những câu chuyện xảy ra trong đời, mà Bùi Bảo Trúc cảm thấy ray rứt khôn nguôi, hối hận, xem đây như là những chuyện sai lầm nhất của cuộc đời mình. Một người sống như thế làm sao có thể là một con người hạnh phúc trên đời này được.

Trong những ngày cuối đời, thấy Bùi Bảo Trúc không được vui. Một người thân thiết với ông, qua dòng nước mắt, đã nói với chúng tôi rằng, Bùi Bảo Trúc thấy không còn tha thiết với cuộc sống này nữa. Vậy cuối cùng, thì sự ra đi cũng là ý muốn của ông.

Bùi Bảo Trúc ơi! Mong ông đừng chấp trách, phiền lòng, ông thích nói thật thì nhớ đến ông hôm nay, tôi cũng nói sự thật mọi điều.

Bùi Bảo Trúc đã không còn ở trên đời này nữa! Bùi Bảo Trúc ra đi rồi thật sao!

Thất thập cổ lai hy! Mới bước qua ngưỡng cửa “thất thập” chưa bao lâu mà ông đã bỏ anh em ra đi. Cái chết của Bùi Bảo Trúc không phải là non yểu mà cũng là một cái chết sớm, vì ông còn những việc đang làm và phải làm. Vẫn biết sống chết là lẽ vô thường, nhưng sao cái chết của ông làm cho chúng tôi ngậm ngùi khôn xiết.

Chung quanh đây người ta đang rộn ràng chuẩn bị đón Giáng Sinh và Năm Mới, mà Bùi Bảo Trúc lại vẫy tay từ biệt cuộc đời. Hình như đối với những người luống tuổi, những ngày cuối năm không bao giờ là những ngày vui. Rồi sẽ còn ai nữa, sắp bỏ “cuộc chơi?”

Sáng mai này, thức dậy, rất nhiều người theo thói quen mở đài phát thanh hay đài truyền hình, sẽ nhớ nhiều đến ông.

Thôi, “Bạn Ta!” Xin đừng nói lời vĩnh biệt!

Người xưa nói, cái chết như trở về đi trên con đường làng xưa! Ông đã được trở về, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ trở về thôi!

………………………………………………………

Phù Hư, ‘tiếng còn hao vọng giữa mùa thịnh âm’

Du Tử Lê
Nguồn:nguoiviet.com- December 17, 2016


Nhà thơ Phù Hư. (Hình: MPK Phước Khùng)

Phù Hư là một trong những nhà thơ quen thuộc của độc giả miền Nam, trước Tháng Tư, 1975. Ông nổi tiếng với bài thơ “Ngậm Thẻ Qua Sông,” viết năm 1972. (1)

Sự thực Phù Hư/Nguyễn Ðắc Ngân, không chỉ được đông đảo những người yêu thơ biết tới, qua bài thơ vừa kể mà, ông cũng nhận được nhiều yêu mến qua một số bài thơ khác, như “Quân Bộ Khúc,” “Ðồn Sơn Yểm”…

Dường như tất cả những bài thơ được coi là nổi tiếng của Phù Hư, đều viết về những năm, tháng ông chiến tranh khốc liệt ở miền Nam. Những bài thơ ra thoát khỏi phong trào hay, sự “đồng bộ” của những người làm thơ về chiến tranh, súng đạn một thời chinh chiến. Họ Nguyễn với những bài thơ viết ở thời kỳ đó, đã hiện ra như một “chân dung” hai mặt. Không ít người cho rằng đó là loại thơ “phản chiến” – – Có tính chất thời thượng! Nhưng cũng không ít người lại ghi nhận, đó là những bài thơ phản ảnh tình cảm trung thực, rất con người, của Phù Hư. Ông không vô tình hay cố ý, gắn cho thơ của ông một “nhãn hiệu” nào – – Dù ngợi ca hay, khinh bạc sống, chết…

Phù Hư/Nguyễn Ðắc Ngân không “lên gân” coi cái chết như… củ khoai. Ông cũng không phất cao ngọn cờ căm thù hoặc, cầu nguyện Thượng Ðế ban phước lành cho dân tộc Việt Nam, sớm có hòa bình. Họ Nguyễn chỉ ghi nhận những chi tiết nhỏ nhặt, những rung động vi tế từ trái tim mẫn cảm… Nhưng chính những cảm thức tưởng chừng nhỏ nhặt kia, tự thân, lại mang rất nhiều ý nghĩa!!! Vì đó chính là thân phận con người! Thực tế đời thường, ở những góc khuất, lấp nhất…

Nếu nối kết đa số những bài thơ của Phù Hư, trong thi phẩm “Ngậm Thẻ Qua Sông” thì, với tôi, đấy là một trường khúc lấp lánh tính nhân bản, lấp lánh, sáng lên từ thảm kịch chung một giai đoạn lịch sử, đất nước.

Nhà văn Trần Văn Nam, Tháng Chín năm 2009, trong một bài nhận định về thơ thời chiến, ở miền Nam, viết đã chia loại thơ thời thế này, thành hai dòng chảy, khi ông viết về thi phẩm “Ngậm Thẻ Qua Sông” của Phù Hư, được nhà XB Hội Nhà Văn, ấn hành đầu năm 2013, như sau:

“Thơ Thời Chiến Miền Nam, ta thường nhắc những câu thơ khinh bạc của những quân nhân ở trong cuộc; ta cảm thức những ý tưởng pha trộn chấp nhận và chua chát làm người trong thế hệ đi vào cuộc chiến; những ý tưởng kiểu ‘cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi’ mà trong Ðường Thi có nói tới rồi từ hàng ngàn năm trước. Như Nguyễn Bắc Sơn tiên liệu một điều may rủi: ‘Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm/ Ðốt tiền mua vội một ngày vui.’ Như Tô Thùy Yên nghĩ thầm biết đâu ngày mai có thể tử trận: ‘Còn mươi tháng nữa lên trung úy/ Có thể ngày mai chửa biết chừng.’ Hoặc như Trần Hoài Thư cũng có mối ưu tư ngày mai như vậy: ‘Xin cô hàng thêm một két bia/ Hôm nay lãnh lương tôi đãi hết/ Cô hàng ơi, một mai tôi chết/ Ai tiêu giùm, ba tháng tiền lương.’ Còn rất nhiều những câu thơ khinh bạc rải rác trong thơ thời chiến miền Nam.
Ðể dễ dàng dẫn chứng, ta có thể truy cập căn cứ vào bộ sách có nhiều công sưu tầm “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến” (nhà xuất bản Thư Ấn Quán, tập I và II, dầy 1550 trang).

(…)

“Cũng trong bộ sách ‘Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến’ ấy, ta bắt gặp nhiều câu thơ tình đời thường, nghĩa là không có vẻ gì khinh bạc số phận rủi may vì mũi tên hòn đạn vô tình mà bỏ lại người yêu; chỉ là thơ nhắc nhở người vợ hiền hay người tình chưa cưới hãy chờ đợi, hãy lo cho con thơ, cho cha mẹ già, cho mảnh vườn hay ruộng nương lợi tức khiêm tốn. Lãng mạn hơn thì là nhắc nhở chuyện ngày xưa gặp gỡ thần tiên mà bây giờ tính lại cũng đã bao năm canh gác nơi tiền đồn biên giới; nhắc nhở chuyện ngày nào cùng học một trường với lưu bút ngày xanh mà nay đành phải xếp bút nghiên. Buồn bã hơn thì tin tức em lên xe hoa trong khi anh chưa biết ngày nào hết hạn quân dịch… Những câu thơ tình đời thường ít gây ấn tượng nên rải rác đâu đó trong thơ thời chiến như gió thoảng qua, chờ đợi ta sưu tầm sự phong phú của nó, thiết tưởng cũng không kém số lượng như thơ tình khinh bạc…”

Sau khi phân nhánh hai dòng chảy chính của thơ miền Nam thời chinh chiến, họ Trần bước vào bài “Ngậm Thẻ Qua Sông” của Phù Hư:
“Lại có những người đã vào hẳn quân ngũ, đã hành quân xuôi ngược khắp nơi, nhưng thơ thì vẫn là thơ tình đời thường, như kể chuyện trong thời gian hành quân tạm trú bên hông nhà của gia đình thường dân (dù được mời vào ở trong nhà, nhưng khước từ vì không muốn gia chủ khó xử và bận rộn).

“Gia chủ là một thiếu phụ có chồng cũng đi lính đã rất lâu, không biết sống chết ra sao mà bặt tin tức gửi về. Người lính chắc có ý nghĩ thầm kín khi kể mẹ nàng trông mong có một mụn cháu đầu lòng mà tin chồng nàng thì bặt vô âm tín. Người lính chắc cũng có ý nghĩ thầm kín khi đêm khuya nghe tiếng nàng thở dài, vì chàng ngủ bên hông nhà chỉ cách ngăn bởi một vách đất. Bài thơ này nhan đề ‘Ngậm Thẻ Qua Sông’ của tác giả Phù Hư (do nhà văn Trần Hoài Thư gửi đến năm 2009), cùng một số thơ khác được Thư Quán Bản Thảo sưu tầm và gửi đi cho các bạn quen để coi như phần bổ túc cho bộ sách ‘Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến’. Ðôi bài đã có sẵn trong bộ sách ấy, như bài ‘Ngậm Thẻ Qua Sông’ này. Bài thơ viết theo lối một truyện kể, nhưng có những từ ngữ và thi ảnh thật hiếm quý, như khi ánh trăng chiếu xuống thì ‘ngồi co mình cho bóng bớt riêng tôi’ và khi thức khuya mới hay ‘hồn bớt ngủ,’ cũng như mới hay ‘trăng tháng chạp úa quanh đồi.’ Một tháng ở bên hông nhà như vậy, không làm phiền gì ai, cho đến khi đội quân có lệnh rút đi bí mật vào lúc nửa khuya, người lính cũng lặng lẽ rời khỏi nơi tá túc (mỗi người lính tá túc kế bên mỗi nhà người dân, theo lối ấy, chắc là cách tản mác khi nghỉ dưỡng quân, không theo lối tập trung dễ làm mục tiêu cho đạn pháo rót vào). Rút đi êm ru, bỏ lại những ý nghĩ thầm kín, cố gắng giữ thật im lặng như khi quân di hành qua sông cần ngậm thẻ bài bằng kim loại thường ngày đeo ở cổ. Ngậm thẻ như vậy hầu tránh cơn ho chợt đến không kìm giữ nổi, hay kiểm soát cái sặc sụa biết đâu lại tới tình cờ. Vậy ngậm thẻ qua sông vừa có nghĩa đen ‘giữ im lặng bí mật khi hành quân,’ vừa có nghĩa bóng ‘giữ kín ý nghĩ thầm có thể phạm tới luân thường đạo lý,’ nhất là khi người chồng của người thiếu phụ cũng là lính bôn ba xuôi ngược như mình, cũng bặt tăm như mình qua bao năm chinh chiến chưa một lần ghé thăm nhà. Bài thơ như một truyện kể, nên xin trích ra khá dài hầu không bỏ sót những câu thơ hay, và phải gồm những chi tiết khiến ta thông cảm cho một mối tình câm:

Mời độc giả xem phóng sự: Tịnh Biên mùa nước nổi 2016

“…em nhớ thương chồng đóng đồn ải xa
lâu, tin vắng, trông mòn đường xóm
tôi ở quá bên hông nhà gió sớm
đợi giùm em tin chinh chiến gởi về

“…làng em ở gió Lào qua rất độc
ngày mưa mù khuất núi mù sông
mẹ già mong một mụn cháu đầu lòng
em nhắn gửi, bao lần tin vẫn biệt

“…tôi nương bóng nhà trăng che khuất
ngồi co mình cho bóng bớt riêng tôi
nhìn xa trăng định trốn sau đồi
sông, tiếng vạc đậm buồn như tiếng cú
thức có khuya mới nghe hồn bớt ngủ
mới hay trăng tháng chạp úa quanh đồi
nghe em thở buồn não mãi không thôi

“…em vẫn bảo tôi mái tranh không chật
tôi cười xòa xó xỉnh miết đâm quen

“…hôm từ biệt quanh thôn nhà cửa khép
lúc quân đi chắc em không hề biết
đội tôi ngậm ngùi ngậm thẻ qua sông
còn tôi co ro lạnh mãi gió đông
một lần cuối nhìn nhà em đóng kín
tin chồng em chắc chưa về đến bến
như tin tôi mấy thuở gởi thăm nhà…”

(Phù Hư trong bài “Ngậm Thẻ Qua Sông”). (Nguồn Wikipedia)

……………………………………………………………..

Ðọc Lại Người Xưa’ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương

Trần Huy Bích
Nguồn:nguoiviet.com- December 13, 2016ảo Trúc-Huy Phương- Nhà thơ Phù Hư-Du Tử Lê-“Người xưa” của Vũ Hoàng Chương- T H Bích-


Bài thơ thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương người viết nhận được đầu năm 2003 từ bà Vũ Hoàng Chương (gửi từ địa chỉ ở Quận Bình Thạnh, Sài Gòn).

Chúng ta có thể coi đây là những bài thơ cuối cùng của cố thi sĩ, làm trong thời gian bị CS giam ở khám Chí Hòa năm 1976, và trong mấy ngày chót lúc ông được đưa từ Chí Hòa về nhà, trước khi tạ thế… (Trần Huy Bích)

Ðầu tháng 4 năm 1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị nhà cầm quyền Cộng Sản bắt, đưa vào giam ở khám Chí Hòa. Một số thơ ông làm trong thời gian này (chẳng hạn bài Ðường Luật bát cú mở đầu bằng câu “Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn”) đã được chuyển về cho gia đình và đã được phổ biến. Ðầu tháng 9, 1976, thấy sức khỏe của ông suy sụp, những người cầm quyền thả ông về để chết ở nhà. Trong mấy tháng bị giam và trong ít ngày sau khi về tới nhà, ông có làm một số thơ nữa. Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải trong bài “Gặp bà Thục Oanh, nhớ thi tài Vũ Hoàng Chương” viết ngày 1 tháng 12 năm 1998, đăng trên tạp chí Sông Hương (trong nước) số 126, tháng 8 năm 1999, thì ông được bà Chương cho biết trong những ngày cuối cùng sau khi từ Chí Hòa về, thi sĩ Vũ Hoàng Chương có “làm một bài về Nguyễn Thị Lộ, một bài về Hồ Xuân Hương,” và “bài nào cũng da diết lắm”:

http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c191/n4128/Gap-ba-Thuc-Oanh-nho-thi-tai-Vu-Hoang-Chuong.html;

Bài viết của nhà văn Hoàng Quốc Hải sau cũng được in lại trong cuốn Trắng Án Nguyễn Thị Lộ (Hà Nội: NXB Phụ Nữ, 2004).

Ðầu năm 2003, người viết những dòng này nhận được từ bà Vũ Hoàng Chương (gửi từ địa chỉ ở Quận Bình Thạnh, Sài Gòn) một bài thơ thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, không có nhan đề nhưng mở đầu bằng hai câu thơ của Nguyễn Du:

Văn tự hà tằng vi ngã dụng
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên

Ðây là hai câu 3-4 trong bài “Khất Thực” (Xin ăn) của Nguyễn Du, bài thứ 14 trong Thanh Hiên thi tập. Hai câu trên có nghĩa:

Văn chương nào đã từng được việc gì cho ta
Không dè vì đói rét phải nhận lòng thương hại của người.

Với nét chữ run rẩy, yếu ớt, thi sĩ Vũ Hoàng Chương viết không đủ nét. Ông viết “hà tàng” thay cho “hà tằng.” Ðó là một bài lục bát gồm 12 câu, mở đầu bằng câu, “Chẳng dùng chi được văn tài,” kết thúc bằng câu, “Khúc đâu lơ láo mảnh đời thi vương.” Cuối bài ông viết: “Chí Hòa 1976” và ký tắt ba chữ “V.H.C.”

Bà Vũ Hoàng Chương cũng gửi thêm một bài thơ của bà, nhan đề “Làn gió giao thần.” Trong bài, bà cho biết từ khi “cánh hạc tung trời” thì “oanh ca lạc lõng” (khuê danh của bà là Ðinh Thục Oanh). Sau những “canh khuya thao thức” với “gối lẻ âm thầm thấm lệ rơi,” bà mang tâm trạng chán nản, không thiết sống nữa: “Long đong thân thế tiếc chi đời.” Bà ký tên dưới bài thơ và đề ngày 18 tháng 1 năm 2003.

Sau khi nhận được hai bài thơ trên (cùng một bức thư 4 trang và một tấm hình của bà Vũ Hoàng Chương, chụp trước bàn thờ cố thi sĩ), người viết những dòng này đã chia sẻ với một số thân hữu từng có giao tình thân với thi nhân họ Vũ: thi sĩ Cao Tiêu, Giáo Sư Lưu Trung Khảo (dạy chung với thi sĩ Vũ Hoàng Chương ở trường Chu Văn An, Sài Gòn), nhà văn Nhật Tiến (dạy chung với thi sĩ Vũ Hoàng Chương ở trường Văn Lang, Sài Gòn). Các vị vừa kể cũng chia sẻ lại với một số thân hữu khác, và hai bài thơ trên đã được phổ biến một cách giới hạn.

Bà Vũ Hoàng Chương tạ thế năm 2005. Hai năm sau, một người yêu thơ Vũ Hoàng Chương từ Mỹ về Việt Nam, đến thăm ông Vũ Hoàng Tuân, người con trai duy nhất của ông bà Vũ Hoàng Chương ở Sài Gòn. Khi trở lại Mỹ, người bạn ấy trao tay cho người viết những dòng này 12 bài thơ, nói là “do thi sĩ Vũ Hoàng Chương sáng tác trong những tháng cuối của cuộc đời, trong thời gian ở Chí Hòa và sau khi được đưa từ Chí Hòa về.” Không muốn những bài thơ ấy bị tịch thu, thiêu hủy, ông bà Vũ Hoàng Chương đã nhờ nhà thơ Hoàng Hương Trang giữ hộ từ năm 1976. Nay thấy đã khá lâu, nhà thơ Hoàng Hương Trang đem trả lại, và bà Vũ Hoàng Chương cùng ông Vũ Hoàng Tuân muốn thi sĩ Cao Tiêu cùng người viết những dòng này “tìm cách xuất bản ở ngoài nước,” cho biết đó là “những bài thơ cuối cùng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.”

Trong 12 bài thơ này thì một bài có thủ bút của cố thi sĩ. Ðó là bài mở đầu bằng hai câu “Văn tự hà tằng vi ngã dụng…” của Nguyễn Du đã nói ở trên. Các bài còn lại được làm theo mô thức ấy: mở đầu bằng hai câu thơ của một nhân vật lịch sử hay văn học trong quá khứ (chẳng hạn bài về Phạm Ngũ Lão mở đầu bằng hai câu, “Nam nhi vị liễu công danh trái, Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu” của vị danh tướng họ Phạm). Sau đó là 12 câu lục bát của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Tổng cộng gồm 12 bài, mỗi bài có 12 câu thơ Vũ Hoàng Chương. Nhân thấy thi nhân họ Vũ từng dùng từ “Thập nhị nhân duyên” trong những câu sau đây:

Từ đó dìu nhau mở lối
Vào thăm Ðồng Tử Tuyết Sơn
Thập nhị nhân duyên cùng hỏi
Vì đâu Bướm xót Hoa hờn

(bài thơ “Tuyết Hận” trong thi tập Cảm Thông)

người bạn đem 12 bài thơ từ Việt Nam sang Mỹ trao cho chúng tôi đã đề nghị gọi những bài thơ ấy là “Thập Nhị Nhân Duyên.”

Nhận thấy ý tưởng gửi trong những bài thơ di cảo này quá kín đáo, thi sĩ Cao Tiêu, Giáo Sư Lưu Trung Khảo, và người viết những dòng này đã cùng thảo luận, phân tích thật kỹ bài thơ về Bành Ngọc Lân (một tướng lãnh Trung Hoa cuối đời Thanh), với kết quả là bài “Một bài thơ ngụ ý thật hàm súc của thi sĩ Vũ Hoàng Chương” do Trần Từ Mai viết với sự hội ý của hai vị vừa kể đã được phổ biến một cách giới hạn trong mấy năm vừa qua: http://tranhuybich.blogspot.com/2016/07/mot-bai-tho-ngu-y-that-ham-suc-cua-thi.html;

Thi sĩ Cao Tiêu tạ thế đầu năm 2012. Sức khỏe Giáo Sư Lưu Trung Khảo sút giảm một cách đáng kể cuối 2014, đưa tới việc ông quá vãng cuối năm 2015. Trong ba người đảm nhận việc phân tích, chú giải những bài thơ với ý nghĩa kín đáo của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, chỉ còn một người. Sự việc không có thủ bút của cố thi sĩ cho 11 bài “Ðọc Lại Người Xưa” (trừ bài về Nguyễn Du) khiến người viết những dòng này cũng cảm thấy dè dặt trong việc tiếp tục giới thiệu và phổ biến.

Nay được tin trong Tuyển Tập Văn Xuôi Hoàng Hương Trang, xuất bản trong nước năm 2012, nữ thi sĩ Hoàng Hương Trang đã cho in trong phần “Phụ lục” cả 12 bài “Ðọc Lại Người Xưa” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Bà cho biết khi tới thăm thi nhân họ Vũ sau khi ông được thả từ Chí Hòa về, bà đã được Vũ Hoàng Chương đọc cho nghe 12 bài thơ ấy để chép lại. Bà cũng đã đọc lại cho ông bà Vũ Hoàng Chương nghe để được xác nhận là đúng trước khi đem về cất giữ. Lời thơ trong những bài này hệt như trong những bài thi sĩ Cao Tiêu, Giáo Sư Lưu Trung Khảo và Trần Từ Mai nhận được từ gia đình thi sĩ Vũ Hoàng Chương năm 2007. Chuyện nhà thơ Hoàng Hương Trang được ông bà Vũ Hoàng Chương giao cho giữ 12 bài thơ ông làm trong thời gian bị giam ở Chí Hòa và sau khi về đến nhà năm 1976 là điều có thật.

Mối thân tình giữa ông bà Vũ Hoàng Chương và nhà thơ Hoàng Hương Trang cũng dễ đưa tới sự kiện ấy.

Hoàng Hương Trang tên thật là Hoàng Thị Diệm Phương, sinh năm 1938 ở Vân Thê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Bà tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật năm 1960, trường Sư Phạm Mỹ Thuật năm 1961. Bà từng dạy hội họa ở nhiều trường trung học, và tại trường Ðại Học Mỹ Thuật Sài Gòn. Bà được giải hội họa trong một kỳ thi ở Huế năm 1958, và là tác giả 6 tập thơ từ 1964 đến 2002, trong đó có 4 tập xuất bản trước năm 1975: Khép Ðôi Mi Nhỏ (1964), Linh Hồn Cỏ Biếc (1968)

Túy Ca (1972); Hợp Tuyển (1974).

Thơ của bà được in chung trong hơn 30 tuyển tập thơ văn trong và ngoài nước. Bà cũng có tên trong cuốn Thi nhân Việt Nam thế hệ 1954-1973 của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh (Sài Gòn: Sống Mới, 1974).

Như thế Hoàng Hương Trang trẻ hơn Vũ Hoàng Chương 23 tuổi (1938-1915), ít tuổi hơn một số môn sinh của ông. (Trên giấy tờ, Vũ Hoàng Chương được ghi là “sinh năm 1916” nhưng thật ra ông sinh năm 1915). Bên cạnh mối liên tài giữa hai nhà thơ, Vũ Hoàng Chương lưu tâm hơn tới Hoàng Hương Trang có lẽ từ khi bà cho in tập Túy Ca năm 1972, nhắc ông nhớ đến tập Thơ Say với “Bài Ca Tận Túy” của ông. Tinh thần “đồng thanh đồng khí” giữa hai nhà thơ chung một nguồn cảm hứng đã được Vũ Hoàng Chương nói rất rõ trong bài thơ thủ bút “Cảm Ðề Túy Ca,” ông viết để tặng Hoàng Hương Trang năm 1972:

“Bài ca Tận túy” đi hoang
Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay.

Cùng làm thơ, chung một nguồn cảm hứng, lại nhận thấy trong danh hiệu có những chữ giống nhau, Vũ Hoàng Chương dễ dàng nhận thấy nơi Hoàng Hương Trang một “trần ai tri kỷ.” Cảm động trước thịnh tình của một nhà thơ tiền bối, Hoàng Hương Trang quan tâm thăm nom Vũ Hoàng Chương sau khi ông bị Cộng Sản bắt giam. Biết rằng để thơ ở nhà sẽ không an toàn, việc giao cho Hoàng Hương Trang giữ hộ những bài thơ cuối cùng là một điều “hợp tình hợp lý” đối với ông bà Vũ Hoàng Chương. Nhờ thế những bài “Ðọc Lại Người Xưa” Vũ Hoàng Chương làm ra trong thời gian bị giam ở Chí Hòa và sau khi về nhà năm 1976 đã không bị mai một.

Trong 12 bài thơ chúng tôi nhận được năm 2007, thì bài về Nguyễn Du có thủ bút của tác giả. Hai bài về Nguyễn Thị Lộ và Hồ Xuân Hương đã được bà Vũ Hoàng Chương đề cập tới với nhà văn Hoàng Quốc Hải như đã nói trên. Bài về Bành Ngọc Lân là một trường hợp đặc biệt. Họ Bành là một viên tướng Trung Hoa cuối đời Thanh, không có liên quan gì tới Việt Nam. Số người Việt biết tới ông ta không nhiều. Hiểu tường tận về cuộc đời Bành Ngọc Lân để đưa ra một thi phẩm đặc sắc về ông, có lẽ chỉ nhà thơ có kiến thức uyên bác Vũ Hoàng Chương mới làm nổi. Ðó là lý do thi sĩ Cao Tiêu, Giáo Sư Lưu Trung Khảo vả tôi cùng tin rằng bài thơ ấy đúng là của Vũ Hoàng Chương.

Trong 12 bài thơ “Ðọc Lại Người Xưa” của Vũ Hoàng Chương, có 6 bài lấy cảm hứng từ tác phẩm của những nhân vật lịch sử hay văn học Việt Nam: Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát. Những bài còn lại lấy cảm xúc từ tác phẩm của một số nhân vật lịch sử hay thi sĩ Trung Hoa: Hán Vũ đế, Thôi Hộ, Ðỗ Mục, Ðỗ Thu Nương, Trần Ðào, Bành Ngọc Lân…

(Trích: http://tranhuybich.blogspot.com/)

……………………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics