20/11: 5.Kinh Na-Tiên Tỳ-Kheo-6.Tứ Thập Nhị Chương Kinh

20/11: 5.Kinh Na-Tiên Tỳ-Kheo-6.Tứ Thập Nhị Chương Kinh
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: lenhac Đọc: 4983 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 2

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 5.KINH NA-TIÊN TỲ-KHEO.

Ngài Long Thọ (Nagarjuna) là tổ-sư thứ 14 trong số 28 vị tổ sư tại Ấn Độ. Ngài có danh tiếng lớn, có người đã xưng tụng Ngài là Phật Thích-Ca không có 32 tướng. Ngài đã soạn nhiều quyển kinh, trong số đó có Kinh Na-Tiên tỳ-kheo: một vị tỳ-kheo tên là Na-Tiên (Nagasena) đã trả lời các thắc-mắc về đạo-lý của Vua Di-Lan-Đà (Milinda). Sự đối đáp rất là hoạt bát, khéo léo, rõ ràng, vì thế kinh Na-Tiên tỳ-kheo là một cuốn kinh nổi tiếng.
Người ta cho rằng Milinda là tên dùng để chỉ vua Menander, người Hy-Lạp, trị-vì tại Kaboul, xứ Afghanistan, đã xâm chiếm Ấn-Độ (lưu vực sông Hằng) vào khoảng năm 150 trước công nguyên. Vua Milinda rất mộ đạo Phật, ham tìm hiểu Phật pháp và thường săn sóc tăng chúng nên được tăng chúng rất quý trọng. Có giả-thuyết đã cho rằng Na-Tiên (Nagasena) có thể là tên mà Ngài Long Thọ (Nagarjuna) đã dùng để chỉ chính mình vì hai chữ Nagasena và Nagarjuna nghe giống nhau.
Hai bộ Luận của Long Thọ Bồ-tát là…

… Trung-Luận và Thập-nhị môn Luận rất nổi tiếng, đã được dùng làm căn-bản cho Tam luận tông. Ngài đắc ý nhất là Lý KHÔNG.
Khi nói đến Long Thọ Tứ Giáo thì chúng ta cần hiểu rằng đó là bốn điều giáo-lý mà Ngài Long Thọ đưa ra để theo đó tu hành, để nhập Như-Lai tính: Hữu (có), Không, diệc Hữu diệc Không (cũng có cũng không), phi Hữu phi Không (chẳng phải có chẳng phải không).
Sau đây, chúng tôi xin chép ra vài đoạn trong kinh Na-Tiên Tỳ-kheo:
A. Vua Milinda hỏi tỳ-kheo Na-Tiên:
– Bạch Ngài, Ngài có thấy Phật không?
– Không!
– Mấy sư-phụ của Ngài có thấy Phật không?
– Không!
– Thế thì Phật không có ra đời?
– Tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ có thấy Sông U hà ở trên Tuyết sơn không?
– Không!
– Tiên vương có thấy không?
– Không!
– Thế thì không có sông U hà!
– Không phải. Tuy tiên vương và Trẫm không thấy, nhưng sông ấy có mà!
– Thưa Phật cũng thế đó!
B. – Bạch Ngài, ai chưa đắc Niết-bàn có biết Niết-bàn là cảnh sung sướng chăng?
– Biết!
– Tại sao mà biết?
– Những người không bị chặt tay chân, có biết bị chặt tay chân là khổ không?
– Biết!
– Tại sao mà biết?
– Là do nghe những người bị chặt tay chân than khóc, kêu la!
– Ấy cũng do nghe những đấng đạt đến Niết-bàn, người ta mới biết Niết-bàn là cảnh sung sướng.
C. – Bạch Ngài, có phải nhờ nhất tâm thiền định mà người ta thoát kiếp luân hồi chăng?
– Nhờ nhất tâm thiền định mà cũng nhờ đắc trí huệ và những mối thiện tâm khác nữa.
– Vậy chứ nhất tâm không phải là một thứ với trí huệ sao?
– Không, hai thứ ấy khác nhau: những loài dê, cừu, bò, trâu, lừa, ngựa … nhất tâm định trí được, chớ không bao giờ đạt trí huệ được!
– Nhất tâm là gì? và đạt trí huệ là gì?
– Một đằng có nghĩa là thông hiểu, một đằng có nghĩa là đoạn tuyệt.
– Xin so sánh cho Trẫm biết.
– Bệ-hạ có biết thợ gặt chăng?
– Biết!
– Họ gặt lúa thế nào?
– Tay trái họ nắm lấy bó lúa, tay phải họ cầm lưỡi liềm để cắt.
– Nhà đạo cũng làm như thế. Người ta nhất tâm mà gom tư tưởng lại, rồi người ta dùng trí huệ mà cắt các tình dục. Cho nên một đằng có bản tính thông hiểu, một đằng có bản tính đoạn tuyệt.
– Những mối thiện tâm khác nữa là gì?
– Ấy là hạnh đức, thành tín, nghị lực, ý niệm và định tâm. . .
D. – Trẫm muốn hỏi Ngài một câu.
– Xin Bệ hạ hỏi đi.
– Trẫm đã hỏi rồi.
– Tôi cũng đáp rồi.
– Ngài đáp chi?
– Bệ hạ hỏi chi?
– Trẫm không có hỏi chi hết.
– Bần tăng không có đáp chi hết!
E. – Bạch ngài, Phật có ba mươi hai tướng trang nghiêm chứng rằng Phật là đấng toàn giác, tám mươi tướng nhỏ, nước da như vàng ròng và một vầng hào quang lớn bằng một ôm chăng?
– Có.
– Đức cha và đức mẹ có những tướng ấy không?
– Không.
– Thế mà con giống mẹ hay bà con bên mẹ, hoặc giống cha hay bà con bên cha.
– Bệ hạ có biết hoa sen không?
– Biết.
– Hoa sen ấy sanh ở đâu?
– Ở dưới bùn và lớn lên ở dưới nước.
– Màu nó, mùi nó và vị nó có giống bùn với nước không?
– Không.
– Phật cũng như vậy đó.
F. – Bạch Ngài, vì lẽ gì mà con người không được như nhau? Kẻ sống lâu, người chết trẻ; kẻ được sức khỏe, người phải ốm đau; kẻ tốt tướng, người xấu hình; kẻ oai thế, người yếu hèn; kẻ giàu có, người cơ bần; kẻ cao sang, người thấp hèn; kẻ thông minh, người ngu dại?
– Tâu Bệ hạ, tại sao trái cây không được như nhau? Thứ thì ngọt, thứ thì chua, thứ thì chát, có thứ đắng, có thứ ngon?
– Trẫm tưởng có lẽ tại hột giống đã gieo.
– Con người cũng thế. Bởi cái nghiệp không giống nhau nên con người không được như nhau …
G. – Bạch Ngài, các ngài trong Phật pháp cho rằng kẻ nào làm ác trong cả đời mà lúc lâm chung tưởng Phật, niệm Phật liền được lên cõi Phật, Tiên. Trẫm tin không được. Các ngài cũng nói rằng chỉ giết một mạng sinh linh cũng đủ sa địa ngục. Trẫm cũng không tin được.
– Tâu Bệ hạ, một cục đá nhỏ không nhờ sức chiếc ghe có nổi trên nước được không?
– Không.
– Mà một trăm xe đá chất vào chiếc ghe lớn, có nổi được không?
– Được.
– Chiếc ghe, ấy là việc lành, lòng tin tưởng, nguyện vọng.
(Trích trong cuốn Triết Lý Nhà Phật, tác giả: Đoàn Trung Còn; Phật Học Tòng Thơ, Saigon, 1965) □

Bài 6. TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG KINH

Vào thế kỷ thứ nhất, Vua Minh Đế nhà Hậu Hán bên Trung quốc sai người đi sứ sang Thiên Trúc (tức Ấn-Độ ngày nay) để thỉnh kinh Phật. Trong số kinh mà phái đoàn đã thỉnh được, cuốn Tứ Thập Nhị Chương Kinh tức là Kinh Bốn Mươi Hai Chương, chép những lời dạy của đức Thế Tôn khi Ngài mới đắc đạo. Các bộ kinh do một con ngựa bạch chở về; vua Minh Đế sai xây chùa và đặt tên là Bạch Mã Tự để chứa Kinh.

Tứ Thập Nhị Chương Kinh là cuốn kinh đầu tiên truyền sang Trung quốc, và Bạch Mã Tự cũng là ngôi chùa chính thức đầu tiên tại Trung quốc.

Xin trích ra đây vài Chương để quý đạo hữu học tập:

CHƯƠNG THỨ 18. – Đức Phật dạy: “Pháp của ta là: Niệm mà không chấp nơi niệm, mới thật là niệm. Làm mà không chấp nơi làm, mới thật là làm. Nói mà không chấp nơi nói, mới thật là nói. Tu mà không chấp nơi tu, mới thật là tu. Tỉnh thì gần được, Mê thì cách xa. Ngôn ngữ dứt hết, không trói buộc vào sự vật. Nếu sai lệch một chút, sẽ mất ngay. ”

Tuy chỉ có mấy dòng thôi, nhưng nếu chú ý ta sẽ thấy cả cuốn Kinh Kim Cương luận về cái Lý Chân Không trên đây. Thí dụ: “Bồ-tát trang nghiêm Phật độ, mà không nghĩ rằng mình trang nghiêm Phật độ, mới thật là trang nghiêm Phật độ ”. Thí dụ khác: “Tu-Bồ-Đề, phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các pháp đều hư vọng, tức là thấy được Như Lai. ” Và: “Tu-Bồ-Đề. Thật không có một pháp nào gọi là phát tâm bồ-đề. ”

CHƯƠNG THỨ 37. – Đức Phật dạy: “ Đệ tử của ta tuy ở xa ta vài nghìn dặm mà luôn luôn nghĩ đến giới pháp của ta thì chắc chắn sẽ chứng được đạo quả. Ở gần bên ta, tuy thường gặp, mà không thực hành theo giới pháp của ta, cuối cùng cũng không chứng được đạo”.

CHƯƠNG THỨ 38. – Đức Phật hỏi một sa-môn: “Mạng người ta được bao lâu?”

Bạch rằng: “Chừng vài ngày. ”

Đức Phật nói: “Nhà ngươi chưa biết Đạo.”

Ngài lại hỏi một sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?”

Bạch rằng: “Chừng một bữa cơm”.

Đức Phật nói: “Nhà ngươi chưa biết Đạo”.

Ngài lại hỏi một sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?”

Bạch rằng: “Chỉ trong một hơi thở ra vào. ”

Đức Phật nói: “Đúng vậy, nhà ngươi đã biết Đạo rồi đó. ”

CHƯƠNG THỨ 40. – Đức Phật dạy: “Hành đạo chớ có như con bò kéo cái cối xay. Tuy rằng thân có hành đạo, mà tâm có hành đạo đâu. Nếu như tâm thực hành được đạo thì chẳng cần đến nghi thức hành đạo”.

Cách đây 25 thế kỷ, đức Thế Tôn đã dạy như vậy rồi. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng nói:

“Bồ-đề tự lòng tìm thấy, Nhọc chi ngoài tánh cầu huyền

Nghe giảng tu hành theo đó, Thiên đường mắt thấy hiện tiền.”

CHƯƠNG THỨ 22. – Đức Phật dạy: “ Đối với tiền tài và sắc đẹp, người ta rất khó buông xả; tiền tài và sắc đẹp ấy giống như chút mật dính trên lưỡi dao, chẳng đủ cho một bữa ăn ngon, đứa bé liếm lấy ắt mắc cái họa đứt lưỡi”.

CHƯƠNG THỨ 24. – Đức Phật dạy: “ Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng nữ sắc. Lòng ham muốn sắc đẹp, to lớn không gì sánh bằng. May mà chỉ có một nó mà thôi, nếu có đến hai thứ như nó thì khắp thiên hạ, chẳng còn ai tu Đạo nổi nữa”.

CHƯƠNG THỨ 25. – Đức Phật dạy: “ Người ham mê ái dục ví như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, tất sẽ mắc phải nạn cháy tay”.

CHƯƠNG THỨ 26. – Thiên ma hiến ngọc nữ cho Phật, toan phá hoại ý chí của Ngài. Đức Phật nói: “ Những túi đồ da ô uế, các ngươi đến đây làm gì? Đi ngay! Ta chẳng dùng đâu”.

CHƯƠNG THỨ 9. – Đức Phật dạy: “Lấy sự nghe nhiều hiểu rộng mà yêu mến Đạo, thì khó mà hiểu thấu được Đạo. Nếu bền chí mà phụng sự Đạo, thì thấu hiểu Đạo rộng lớn.”

CHƯƠNG THỨ 12. – (Nêu ra sự khó để khuyên tu) Đức Phật dạy: “ Người ta có hai mươi sự khó:

1- Bần cùng mà bố thí là khó. 2- Hào quý mà học Đạo là khó.

3- Bỏ thân mạng quyết chết là khó. 4- Được thấy kinh Phật là khó.

5- Sanh mà gặp đời có Phật là khó. 6- Nhịn sắc, nhịn dục là khó.

7- Thấy tốt mà chẳng mong cầu là khó. 8- Bị sỉ nhục mà chẳng tức giận là khó.

9- Có thế lực mà không lạm dụng là khó. 10- Gặp việc mà vô tâm là khó.

11- Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó. 12- Dẹp trừ tính ngã mạn là khó.

13- Chẳng khinh người chưa học là khó. 14- Thực hành tâm bình đẳng là khó.

15- Chẳng nói thị phi là khó. 16- Gặp được thiện tri thức là khó.

17- Học Đạo, thấy được Tánh là khó. 18- Tùy duyên, hóa độ người là khó.

19- Thấy cảnh mà không động là khó. 20- Khéo biết phương tiện là khó. □

GHI CHÚ. Khi cho lên mạng BuddhaSasana bản dịch của sư Viên Giác, ông Bình Anson đã ghi chú như sau: Kinh Tứ Thập Nhị Chương là bản kinh Phật giáo đầu tiên được dịch sang tiếng Hán. Bản dịch thông dụng nhất hiện nay được nhiều người cho rằng do ngài Ca-Diếp Ma-Đằng và Trúc Pháp Lan dịch trong thời vua Minh Đế thời nhà Hậu Hán. Đây không phải là một bản kinh thuần túy ghi lại một bài giảng của đức Phật mà chỉ là một tuyển tập, trích dịch ngắn gọn các lời dạy của đức Phật từ nhiều bản kinh Phạn ngữ khác nhau, không biết nguồn gốc. Trong Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, quyển 1, chương 2, tác giả Nguyễn Lang viết rằng trải qua nhiều đời lưu truyền, nội dung và văn thể bản kinh này có nhiều thay đổi, các tư tưởng mới trong Thiền tông đại thừa Trung Hoa đã được pha trộn thêm vào bản kinh nguyên thủy (chẳng hạn như các quan niệm về vô niệm, kiến tánh học đạo, vô tu vô chứng ..)

BuddhaSasana cũng đưa lên mạng bản dịch của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ, Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới, Vạn Phật Thánh Thành, California, Hoa Kỳ và bản dịch ra Anh Ngữ lấy từ một mạng tiếng Anh, nhan đề The Sayings of the Buddha in Forty-Two Sections by Kasyapa Matanga and Gobharana. Lời mở đầu của bản tiếng Anh này cho biết: Kinh này được viết theo kiểu Kinh Thư của Khổng Tử để thích hợp với người Trung Hoa cho nên mỗi chương đều bắt đầu bằng “Đức Phật dạy”, giống như “Khổng Tử viết”…□

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật – Quyển 2 – Montreal 2010

(Hình : Ba-La-phù-đồ trong Tu viện Jana-Ấn Độ .- NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics