26/08: Bài 53. Hỷ Xả – Bài 54. Tuổi Già

26/08: 53. Hỷ Xả – 54. Tuổi Già
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: lenhac Đọc: 5236 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-BOOk I

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

BÀI 53. HỶ XẢ

Tứ vô lượng tâm, còn gọi là Bốn tâm vô lượng hay Bốn đức hạnh quảng đại gồm có: từ, bi, hỷ, xả. Trước đây, chúng tôi đã nói về tâm Từ và tâm Bi. Hôm nay, chúng tôi xin trình bày về tâm Hỷ và tâm Xả.

Nói ngắn nhất, Hỷ là vui. Có thể nói không ngoa rằng hàng ngày chúng ta trông thấy rất nhiều chữ Hỷ viết theo kiểu chữ triện vuông vuông, và hai chữ Hỷ đi với nhau, gọi là Song Hỷ, đặc biệt là trong các đám cưới hay các tiệc cưới. Thật ra thì con người ta lúc nào cũng mong vui, nghiã là ao ước những điều làm cho mình bằng lòng, thỏa thích.

Nhưng khi học Phật, chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn nhiều. Trong tiếng pali, Hỷ là muditā. Phân tích chữ ấy theo nghĩa gốc thì Hỷ nghĩa là tâm vui thích trước sự thành công của người khác, vui thích trước hạnh phúc của người khác và xa hơn nữa, vui thích trước sự thành công của một chúng sinh, bất luận chúng sinh đó…

… ở cảnh giới nào. Hỷ là mừng cho sự thành đạt của người, công nhận ưu điểm của người, cầu mong cho người được mọi điều tốt lành như khỏe mạnh, thịnh vượng, tiến bộ …

Hỷ không phải là các hình thức tán dương theo kiểu xã giao, lịch sự. Ganh tỵ là kẻ thù trực tiếp của Hỷ. Nhờ tâm Hỷ mà người ta lần lần triệt tiêu được mấy tính xấu như là so sánh, phân bì và ganh tỵ.

Thành thực mà nói, trong xã hội, đặc biệt là trong xã hội Việt Nam chúng ta, lòng ganh tỵ, ghen ghét phổ biến nhiều hơn là tâm Hỷ, lúc thì ngấm ngầm, khi thì bộc lộ. Chúng ta thấy không thiếu gì người chẳng vui gì khi thấy những bước thăng tiến, những thành công của người khác! Có khi còn chê bai, dè bỉu, thậm chí còn bóp méo sự thật để dìm người ta xuống.

Thật đáng buồn khi thấy rằng không phải chỉ có các cá nhân mới hay ganh tỵ. Các dân tộc ganh tỵ nhau, các nước ganh tỵ nhau, các dân khác màu da ganh tỵ nhau, các tôn giáo ganh tỵ nhau, các gia đình ganh tỵ nhau, thậm chí cả những người trong một gia đình, một làng, một xóm cũng ganh tỵ nhau, đến cả ganh ghét nhau nữa!

Khi tu tâm Hỷ, dần dần người Phật tử dẹp được lòng ganh tỵ, dễ mở rộng lòng thành thực vui chung với những cái vui của người chung quanh. Thoạt đầu, hành giả thực hành tâm Hỷ đối với những người thân, với bạn bè, sau mở rộng ra đến những người xung quanh, quen và không quen. Sau, thực hiện tâm Hỷ đối với những kẻ coi mình là thù địch. Đến đây là một bước rất dài trên đường tu. Nói rất dài, rất lớn mà cũng rất khó, bước này đòi hỏi cả lòng can đảm lẫn chí cương quyết nơi hành giả.

Lòng ganh tỵ dẫn đến ghét bỏ, thù hận và mưu hại. Trong lịch sử, người ta đã thấy nhà hiền triết Socrate bị bắt buộc phải uống thuốc độc; chúa Ki Tô bị đóng đinh trên thánh giá; thánh Gandhi bị ám sát; đức Phật bị lăn đá đến độ bị thương. Mấy năm gần đây, và ngay cả mấy ngày gần đây, thế giới đã chứng kiến nhiều cảnh giết người thật bi thảm nguyên do là ganh tỵ, ghét bỏ và hận thù.

Nói về chữ Xả, thông thường chúng ta hiểu rất gọn là bỏ đi, bỏ qua đi, không chấp. Nói vậy, chúng ta chớ nên hiểu Xả là ù lì, lãnh đạm, không màng đến thế sự, mặc việc đời ra sao thì ra. Xả cũng không phải là cái cảm giác vô ký, không vui không buồn.

Đối nghịch trực tiếp của Xả là tánh thiên vị; đối nghịch gián tiếp của Xả là tinh thần lãnh đạm, dửng dưng, bất cần.

Chữ Xả dịch từ chữ pali upekkhā, theo nghĩa gốc thì Xả là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chánh, suy luận vô tư tức là không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn, không tham cũng không sân.

Xả là buông bỏ các chấp thủ vẫn thường trói buộc mình như các thành kiến, định kiến, nhất là tà kiến về “cái tôi” quá lớn, quá quan trọng. Tâm Xả là trạng thái quân bình tự nhiên, có khả năng suy luận vô tư, nhận định chân thật, thẩm xét công bằng, coi mọi việc bình thường như nhau. Tâm Xả tương đương với tinh thần “quên mình, vì người”.

Người trí tuệ luôn luôn thể hiện tâm Xả, an nhàn và tự tại giữa sự thăng trầm của thế sự. Có tâm Xả thì người ta tiếp xúc với cuộc đời một cách trung thực, không say mê mà cũng chẳng bất mãn. Trong bốn tâm vô lượng, tâm Xả khó thực hành nhất vì tâm Xả hỗ trợ cho ba đức hạnh kia. Tại sao? Vì nếu không biết quên mình để mở rộng tấm lòng, chúng ta khó có thể đem niềm vui đến cho người khác, sẵn sàng cứu giúp người khác khi họ bị nguy khốn, hay hoan hỷ khi việc của chúng sinh được thành tựu.

Từ điển Phật học Đoàn Trung Còn ghi thêm: “Xả có bốn thứ gọi là tứ xả :1/ Tài xả: đem của cải, đồ vật thí xả cho người ta. 2/ Pháp xả: đem pháp lý mà thí xả cho người ta. 3/ Vô úy xả: đem đức không sợ mà thí xả, mà phổ cập cho người ta. 4/ Phiền não xả: tự mình xả bỏ hết các mối phiền não.”

Học kỹ như vậy, chúng ta mới thấy rằng chữ Xả không chỉ có nghĩa đơn giản là buông bỏ các trói buộc, các phiền não mà chính thật ra có nghĩa sâu hơn là tha thứ và sâu hơn nữa là tu vô ngã. Vì thế mới nói rằng tu hạnh Xả khó nhất!

Đối với Phật tử sơ cơ như chúng ta, chúng ta chưa dám đề cập đến những điều cao xa, nếu ngay từ hôm nay mà bắt đầu tập bỏ qua những oán ghét, giận hờn, tức bực, hối tiếc, ham muốn, đam mê, lo lắng … thì cũng là tốt lắm, tốt lắm lắm! Lại luôn luôn tha thứ cho người đã làm hại hay xúc phạm đến mình, đến gia đình mình … ; như thế thì không những bản thân mình thấy nhẹ nhàng mà mọi người xung quanh cũng thoải mái. Đố là chưa kể đến những trường hợp cảm hóa được kẻ xấu bụng!

Nói đến Xả, người ta hay nhắc đến ngài Di Lặc, vị Bồ-tát tươi cười (Ngài là đức Phật trong thời vị lai). Coi tượng cuả Ngài, có năm (hay sáu) đứa trẻ chọc phá Ngài, Ngài coi như không (5 hay 6 đứa trẻ tượng trưng cho ngũ căn hoặc lục căn). Mọi thứ do lục căn mang lại không ảnh hưởng gì đến tâm Ngài được vì Ngài xả hết, Ngài ung dung tự tại. Ngài tươi cười là vì thế.

Người ta cũng hay nhắc đến Hòa thượng Bố Đại (một hóa thân của bồ-tát Di Lặc) vai đeo một túi vải lớn đựng đồ chơi để phát cho trẻ con. Khi người ta hỏi về đạo Phật, Ngài bèn bỏ cái bị xuống đất. Hỏi thêm rằng đạo Phật chỉ có thế thôi ư, thì Ngài quảy ngay cái bị lên vai. Có ý nghĩa gì trong chuyện này? Hòa thượng muốn bảo chúng ta rằng: “Hãy buông bỏ hết cả đi, khi đã buông bỏ tất cả rồi thì sẽ được cả”. Được cái gì? Giàu sang, quyền quý, sống lâu … hay sao? Không phải! Được tất cả đây là được thứ cao quý nhất. Đó chính là Phật tánh vậy.

Tâm Từ bao trùm mọi chúng sanh, tâm Bi bao trùm những chúng sanh đau khổ, tâm Hỷ bao trùm những chúng sanh hạnh phúc, tâm Xả phủ khắp những gì tốt đẹp và những gì xấu xa, những điều khả ái và những điều khả ố, những thích thú và những nghịch lòng.

Nếu xã hội thấm nhuần “từ, bi, hỷ, xả” thì cuộc sống nhẹ nhàng tươi đẹp biết bao!

Ngày nay, con người còn bon chen quá nhiều, nhắm thành công với mọi giá, chạy theo vật chất hơn là chú ý đến giá trị tinh thần và trau giồi đời sống tâm linh.

Trong bài hát cũng như lời phát biểu ở Thế Vận Hội Mùa Đông Torino 2006, người ta đã nhắc nhiều đến khát vọng hòa bình. Quả thật, ai ai cũng mong thế giới hòa bình, chúng sanh hoan lạc. Nhưng kiến tạo hòa bình bằng cách gì bây giờ?

Đạo Phật mở đường cho chúng ta bằng cách bảo rằng: “Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành” và “Tâm bình thì thế giới bình”. □

CHÚ THÍCH.

1/ Chúng tôi đã tham khảo và chép lại nhiều đoạn trong Tứ Vô Lượng Tâm (The Four Sublime States) của Hòa Thượng Nārada, do Phạm Kim Khánh dịch.

2/ Socrate (470-399 trước Công nguyên) là một nhà hiền triết Hy Lạp. Ông không để lại tài liệu viết, nhưng được nhớ đến do cái tài liệu cuả Aristote và Xénophon và những người khác viết về ông, nhất là do một đệ tử của ông là Platon đã nhắc đến ông rất nhiều trong tác phẩm Đối Thoại. Ông bị kết tội không có lòng tin nơi thần linh và làm băng hoại tuổi trẻ; các kẻ thù ông bắt ông uống thuốc độc tự tử. (tiếng Pháp ghi tên ông là Socrate, tiếng Anh ghi là Socrates).

3/ Gandhi (1869-1948) – phiên âm là Cam-Địa – tức là Mahātma Gandhi, người Ấn Độ, lãnh tụ đấu tranh giành độc lập với phương pháp bất bạo động từ năm 1920, sau nhường vai lãnh đạo cho Nehru vào năm 1928. Ông bị một kẻ quá khích ám sát. Trước khi chết ông nói hãy tha tội cho kẻ giết ông.

4/ Có thể coi thêm trong Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn (mục XẢ) để biết thế nào là bẩy thứ xả (thất chủng xả). □

BÀI 54. BÀN VỀ TUỔI GIÀ

Trong lịch sử nước ta, có một ông vua đã từ bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử tìm đường tu. Đó là vua Trần Thái Tông (1225 – 1258), vị vua đầu tiên của nhà Trần, húy danh Trần Cảnh (1218 – 1277). Nhưng ngài không thành công vì bị chú ruột là Trần Thủ Độ ép trở về kinh thành Thăng Long tiếp tục làm vua. Tuy nhiên, theo lời dặn dò của nhà sư núi Yên Tử, ngài sống và trị nước theo tinh thần đạo Phật. Ngài sáng tác nhiều, bộ Khóa Hư Lục đến nay vẫn còn được tán tụng không những về tư tưởng thâm thúy mà còn về văn chương trác tuyệt.

Trong Khóa Hư Lục, có một phần gọi là Bốn Núi, chỉ cho Sinh Lão Bệnh Tử. Chúng tôi xin trích ra đây bài Núi thứ nhì và Núi thứ ba bàn về già và bệnh :

■ Núi thứ nhì là tướng già. Hình dung thay đổi, khí huyết đã suy, dáng gầy tuổi cao, ăn uống hay sặc thường nghẹn. Tóc xanh má đỏ đổi thành tóc bạc da gà, ngựa trúc áo hoa (ý nói thời còn nhỏ, lấy cành trúc làm ngựa, mặc áo vải hoa) lại thành gậy cưu xe cói (ý nói tuổi già ; chim cưu khi ăn, nuốt không sặc ; cói quấn bánh xe đi cho êm). Dẫu rằng mắt sáng như Ly Lâu (một người mắt rất tinh) cũng khó phân rành màu sắc ; dù cho tai thính như Sư Khoáng (một nhạc sư rất sành âm thanh) cũng khôn nhận rõ âm thanh. Tiều tụy như cây liễu lúc thu về, điêu linh như đóa hoa khi xuân hết. Bóng chiều vừa ngả non tây, dòng nước sắp chảy về biển đông. Tướng già của người là mùa hạ của năm. Trời nóng đá chảy muôn vật đều khô, nắng nóng sôi vàng trăm sông sắp cạn. Hoa tàn liễu úa, bờ lạch trong vườn há còn lưu giữ. Bướm lượn oanh bay, dưới lá đầu cành già sắp tới. (tiếp theo là một bài kệ, ghi ở trang sau).

■ Núi thứ ba là tướng bệnh. Tuổi đã già khọm, bệnh đến cao hoang (hông và lồng ngực, ý nói bệnh đến độ khó chữa). Chân tay mỏi mệt, mạch lạc khó thông, gân cốt rã rời, nóng lạnh chẳng thuận. Tan mất tánh chân thường (tâm tánh rối loạn), sai lệch nguồn điều sướng (điều hòa và thông suốt). Ngồi đứng khó khăn, co duỗi đau đớn. Mạng dường ngọn đèn trước gió, thân như hòn bọt trên sông. Tâm sanh bóng quỷ lô nhô, mắt thấy không hoa lốm đốm (mắt hoa, thấy hoa ở trên không). Hình hài gầy yếu, ai là Biển Thước thuốc thang ; thân thể hao mòn, nào là kẻ Lư Nhân cứu chữa. (Biển Thước là tên một thày thuốc giỏi nước Tàu ; Lư Nhân là một tên khác của ông vì ông ở đất Lư). Bạn bè luống nhọc viếng thăm, anh em uổng công nâng đỡ. Bệnh nặng nhiều tháng chẳng lành, nằm liệt nhiều tuần chưa khỏi. Tướng bệnh của người là mùa thu trong năm. Gặp khi sương lạnh mới rơi, đến lúc cỏ cây đều héo. Rừng rậm sum sê, một trận gió vàng đã lơ thơ ; núi biếc non xanh, móc ngọc mới sa liền trơ trọi … (tiếp theo là một bài kệ, xin coi cuối bài này).

(Trích Khóa Hư Lục giảng giải, Thích Thanh Từ, Thiền Viện Thường Chiếu, 1996)

Đa số chúng ta ngồi đây đều sắp tới hay đã tới cái tuổi “cổ lai hy”, có vị còn quá tuổi đó hàng chục năm. Vì thế không cần phải “mô tả” thế nào là già vì chính mình đã “kinh nghiệm”. Thân thì yếu, dễ mệt. Đi một quãng đã thấy mỏi, việc gì dù nhỏ cũng ngại làm, vì chóng hết sức, hết gân. Tai nghễnh ngãng, nghe gà hóa cuốc, vợ con nói một đằng nghe một nẻo. Tâm trí thì chậm lụt. Xem đâu quên đó, bạn bè gặp đấy mà chẳng nhớ tên. Kính đeo trên mắt mà đi tìm hoài. Vài tháng lại đi chữa răng nhổ răng, cơm không nhai được, đành húp cháo ! Cả cái bộ máy thân-tâm bắt đầu rệu rạo.

Tôi đã đọc trong một cuốn sách, thấy đức Phật dạy rằng : “Trên đời có bốn điều không thể nào tránh được : đó là già, bệnh, chết và quả báo”. Đó là một quy luật tự nhiên: đã sinh ra thì thế nào cũng phải có lúc chết, chắc chắn là như thế rồi. Giữa lúc sinh ra và lúc chết, thường thường là có giai đoạn già và bệnh. Biết vậy cho nên người già chẳng nên lo sợ, phàn nàn, trách móc. Trái lại, phải bình thản hay vui vẻ chấp nhận cái lẽ tự nhiên ấy. Tôi có một ông bạn, tuyên bố rằng : “Tôi vừa qua tuổi 70, từ nay trở đi sống thêm năm nào là được bô nớt (bonus) Trời cho !”. Cụ Tam nguyên Yên Đổ nhìn cái già một cách thản nhiên, pha chút cười cợt lẫn chút buồn buồn trong bài Mậu Thân tự thọ :

Năm nay tớ đã bảy mươi tư,

Rằng lão, rằng quan, tớ cũng ừ,

Lúc hứng, uống thêm dăm chén rượu,

Khi buồn, ngâm láo mấy vần thơ.

Bạn già lúc trước nay còn mấy,

Chuyện cũ mười điều, chín chẳng như.

Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,

Thử xem trời mãi thế này ư.

Không phải ai cũng nhìn đời như vậy. Đã biết già, bệnh, chết là tự nhiên rồi, thế mà nhiều người vẫn sợ, sợ già, sợ bệnh và sợ chết. Tại sao vậy ? Vì già thì sẽ yếu đuối, sẽ bệnh tật và cuối cùng thì sẽ chết. Lúc hai tay buông xuôi, lúc chỉ thở ra mà chẳng còn hít vô, là lúc mất mát hết ; hơn nữa chết là nhảy vào một nơi lạ lùng bí ẩn, mình chưa biết ra sao cả. Trên đời này, mấy ai được như vị đại sư kia, khi sắp tịch, thấy môn đồ thương khóc, bèn bảo rằng: “Thôi, đừng buồn khổ làm gì, ta sắp đi tới đâu, ta biết mà”. Vua Trần Thái Tông thì có thế nào nhìn thế nấy, không đưa ý riêng. Đây là bài kệ đi theo bài Núi thứ nhì :

Con người kiếp sống tợ phù âu, (phù âu: bọt nước)

Thọ yểu người, trời chớ vọng cầu. (người, trời: hai loại chúng sinh)

Bóng ngả nương dâu, chiều sắp đến,

Thân như bồ liễu tạm qua thu.

Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc,(Phan Lang: tên một người trẻ đẹp)

Lã Vọng ngày nay đã bạc đầu. (Lã Vọng: ngồi câu cá, tóc bạc phơ)

Cuồn cuộn việc đời trôi chẳng đoái, (mọi thứ đều mất hết)

Vầng ô gác núi, nước trôi xuôi.

Chúng ta đi chùa lễ Phật, cần phải học những điều gì ?

Trước hết, cần phải giữ cho thân và tâm được bình thường. Giữ thân thì phải ăn uống điều độ, luyện tập chuyên cần. Giữ tâm thì tránh mọi sự quá độ trong cảm xúc. (tâm bình thường là một vấn đề lớn, không bàn ở đây). Đến chỗ này, tôi tin rằng quý đạo hữu còn nhớ bài Ba thày thuốc giỏi trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự bị: “Một ông thày thuốc già chữa bệnh giỏi có tiếng. Phải khi ông ốm nặng, các học trò đến chầu chực thuốc thang …”. Ông nói với giọng mệt nhọc rằng ông có để lại cho đời được ba thày thuốc rất hay. “Trong ba thày thuốc ấy thì hay nhất là thày Sạch sẽ, thứ nhì là thày Điều độ, thứ ba là thày Thể thao…”.

Học bài đó từ hơn bảy chục năm nay, vấn đề đối với chúng ta là có thực hành hay không mà thôi ! Và trên thực tế, người ta bệnh nhiều lắm, bệnh về thân, bệnh về tâm.

Không kể nguyên nhân của bệnh do vi trùng thâm nhập, do khung cảnh, do thời tiết v.v… , có một lý do : đó là do nghiệp báo, nghiệp báo tích lũy từ bao nhiêu kiếp trước, cộng thêm với nghiệp báo do kiếp này gây ra. Ngoài việc chữa trị thông thường (bác sĩ, thuốc men, tập luyện, đi bộ v.v…), còn có một mặt nữa mà Phật tử chúng ta cần chú ý : tìm cách giảm bớt hay giải trừ ác báo bằng thiện nghiệp ngay bây giờ. Gây thiện nghiệp thì kinh sách đã nói nhiều (thí dụ như kinh Thập Thiện), nhưng chúng tôi xin thưa thêm là phải chú trọng đến sám-hối. Sám-hối theo thông lệ đã đành nhưng chúng tôi muốn nói đến việc sám-hối của riêng mình.

Tuổi già có cái lợi là có thì giờ để ôn lại các việc cũ, để suy ngẫm, từ đó tìm ra được những việc xấu mà mình đã phạm, rồi sám-hối đúng từng việc và tìm cách chuộc lại bằng các tư tưởng, lời nói và hành động thiện. Tuổi già có cái lợi là dễ quay vào trong để xét chính mình, trái với lúc trẻ, chỉ hướng ra ngoài. Xét mình một cách thành thực, một cách can đảm rồi sám-hối. Và nguyện không tái phạm. Thế gọi là chân sám-hối. Thế là làm cho cái tâm càng ngày càng trong sạch. Thế gọi là phát triển tâm linh, một việc mà lúc trẻ người ta không biết hoặc là biết mà chưa làm được.

Đạo Phật dùng những chữ điều tâm, nhiếp tâm, hàng phục tâm. Thông thường, khi nhãn căn (con mắt) tiếp xúc với nhãn trần (đồ vật, màu sắc) thì nhãn thức nảy ra (sự biết của mắt). Nói chung, khi lục căn (tức là mắt tai mũi lưỡi thân và ý) tiếp xúc với lục trần (tức là sắc thanh hương vị xúc và pháp) thì lục thức nảy ra. Từ đó mà sinh ra yêu thích, ghét bỏ, oán hờn v.v… Mấy thứ này thúc đẩy con người suy nghĩ và hành động ; hễ hành động có tác ý là gây nên nghiệp và từ nghiệp đó mà trôi nổi trong vòng sinh tử luân hồi.

Lúc đương độ thanh xuân, người ta đi tìm hạnh phúc và làm việc hết sức để tìm hạnh phúc. Nào là tiền bạc của cải, nào là danh vọng quyền thế … Nói chung, đó là những yếu tố vật chất hay tinh thần có mục đích làm thỏa mãn các giác quan. Đến lúc già mới hiểu ra rằng những thứ đó đều vô thường, do vô thường mà những thứ hạnh phúc giả tạo ấy biến mất. Ngày 30 tháng tư kia, quả thật biết bao nhiêu người “bừng con mắt dậy thấy mình tay không” và tự dạy mình bài học thấm thía qua hai câu thơ:

“Rốt cuộc muôn điều hư ảo cả,

Thôi luận làm chi mất với còn”.

Phật tử chúng ta phải cố gắng không để cho lục trần ảnh hưởng đến lục căn. Thế nào cũng có ảnh hưởng, tu tập là làm cho các ảnh hưởng đó bớt dần đi, dần dần đến lúc triệt tiêu ! Xin thú thật, việc này không đơn giản chút nào cả.

Đạo Phật còn dùng chữ xả tức là buông bỏ, không chấp trước, vướng mắc. Mấy tuần trước đây, Hòa thượng Viện chủ đã trích kinh, lấy một bài giảng cho chúng ta, đầu đề là Gánh nặng.

Gánh nặng nào ? Đó là ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).

Ai phải gánh ? Chính chúng ta.

Mang gánh nặng lên là thế nào? Là tham ái.

Bỏ gánh nặng xuống như thế nào ? Là ly tham, diệt ái. Từ bỏ, xả ly, giải thoát, không chấp thủ.

Bài kệ như sau : Năm uẩn là gánh nặng,

Kẻ gánh nặng là người ;

Mang lấy gánh nặng lên,

Chính là khổ ở đời.

Còn đặt gánh nặng xuống,

Tức là lạc (không khổ) …

Xả, xả mãi, xả hết, ấy là theo hạnh của bồ tát Di- Lặc, xả hết nên lúc nào cũng tươi cười. Lục tặc (sáu tên giặc tức lục căn) bám xung quanh, trêu chọc mà ngài vẫn thản nhiên. Ngài đã thu nhiếp lục căn rồi !

Già còn là dịp tốt để cho người ta suy nghĩ về lẽ sinh tử, để hiểu rằng chữ chết chỉ là một danh từ để chỉ một sự thay đổi trong tiến trình sống của mỗi chúng sinh ; từ đó học và hành cách chuẩn bị cho kiếp sau. Hôm nay chúng tôi chỉ có ý nói về tuổi già mà thôi, còn suy nghĩ về lẽ sinh tử thì xin hẹn một dịp khác. Tới đây, xin mạn phép nhắc quý vị học và hành lời khuyên của vua Trần Thái Tông trong bài kệ ở cuối bài Núi thứ ba:

Kệ rằng : Âm dương trái vận vốn xoay vần,

Gieo rắc tai ương đến thế nhân.

Đại để có thân thì có bệnh,

Ví bằng không bệnh cũng không thân.

Linh đơn chớ cậy trường sinh thuật,

Lương dược khó mong được sống bền.

Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới,

Xoay tâm về đạo dưỡng thiên chân. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật Book 1-Montreal 2010

(Hình: Du khách thăm Nga Mi Sơn Tự-Trung Quốc – NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics