28/09/2012: 1.Thư đi tin lại-kỳ 3 (Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú)-2.Tu thế nào?(HH Nguyễn Văn Phú)

28/09: 1.Thư đi tin lại-kỳ 3 (Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú)-2.Tu thế nào?(HH Nguyễn Văn Phú)
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 5868 lần

                  

THƯ ĐI TIN LẠI (kỳ 3)
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

16 – 1/ “Vẳng bên tai một tiếng chày kình”, tiếng chày kình là tiếng chuông chùa . Chày là đồ dùng để giã, như chày giã gạo . Trong trường hợp mà chúng ta đang nói đây thì chày là cái dùi đánh chuông trong chùa . Kình là con cá kình . Có lời truyền sự tích rằng : con…

… bồ lao ở biển rất sợ con cá kình, khi thấy cá kình là nó kêu to lên . Người ta đúc quai để treo chuông chùa theo hình con bồ lao và đẽo dùi chuông theo hình con cá kình . Làm như thế với dụng ý sau này : khi đánh chuông thì chuông kêu to, hệt như lúc con bồ lao gặp con cá kình vậy .
2/ Thắp ba nén nhang, thỉnh ba tiếng chuông, lạy ba lạy …các con số ba đó dính líu đến Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng . Le Bouddha, sa doctrine et sa Communaute). Thường thì nói đánh chuông . Vnói thỉnh chuông . Có một ông bảo tôi rằng mình phải lịch sự, mời(thỉnh) cái chuông nó kêu . Nói xong, ông đó cười cho nên tôi không biết có đúng không ! Cũng có người nói đấm chuông,thí dụ « đem chuông đi đấm nước người », nhưng riêng tôi, ít nghe nói đấm chuông .
3/ Bây giờ đến lượt tôi hỏi đạo hữu nhé . Hai câu « Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông, chúng bảo nhau rằng ấy ái uông » là của ai ?

17 – 1/ Bồ-đề phiên âm từ chữ pali và sanskrit bodhi, nghĩa là giác ngộ (éveille, illumine, awakened ).
2/ Cây bồ-đề là một cây lớn tên là cây pippala,phiên âm thành tất-bát-la . Thái tử Tất-Đạt-Đa ngồi thiền dưới cây đó, sau thành đạo . Từ đó, cây này được gọi là cây bồ đề . Ngày nay, cây này vẫn còn sống . Những người đi hành hương các Phật tích hay nhặt lá bồ-đề về làm quà cho bà con .
3/Tâm bồ-đề dịch chữ sanskrit bodhicitta, cũng viết là bodhichitta, coeur d’éveil, awakened mind . Phát tâm bồ đề là phát tâm cầu được giác ngộ, được thành Phật . Đắc bồ đề nghĩa là diệt hết phiền não, chứng Niết bàn . Đắc vô thượng bồ-đề nghĩa là thành Phật.

18 – Mấy cuốn sách mà tôi biết đều ghi thân phụ của Thái Tử Tất-Đạt-Đa là vua Tịnh Phạn, hay Tịnh Phạn Vương, tên sanskrit là Suddhodana (người Phấp viết là Souddhodana). Chữ ấy có nghĩa là bố thí một cách trong sạch nên người ta dịch là Tịnh PhạnTịnh Phạn Vương, tên Sanskrit là Suddhodana (người Pháp viết là Souddhodana). Chữ ấy có nghĩa là bố thí một cách trong sạch nên người ta dịch là Tịnh Phạn .Phiên âm thì Suddhodana thành ra Thủ-đồ-đà-na . Vua Tịnh Phạn lấy 2 chị em : bà Ma-gia và bà Ba=xà-ba-đề . Hoàng hậu Ma-gia chết sau khi sinh thái tử Tât-Đạt-Đa . Thái tử được dì ruột nuôi,coi như con . Bà Ba-xà-ba-đề là nữ đệ tử xuất gia đầu tiên . Sau,bà cầm đầu Giáo hội tỳ-kheo-ni . [Ngài A-nan phải năn nỉ đức Phật mấy lần mới được đức Phật thuận cho phái nữ đi tu . Trong số các tỳ-kheo-ni, có cả bà Da-du-đà-la là vợ của thái tử Tất-Đạt-Đa ] .

19 – Đạo tràng hay đạo trường (sanskrit : bodhimandala) nghĩa đen là khoảng đất đạo, nghĩa rộng là nơi đứa Thế Tôn thành đạo, dưới cây bồ-đề(còn gọi là đạo thụ hay đạo trường thụ, đạo tràng thọ), nơi rừng Già-da (Gaya), gần sông Ni-liên-thiền(Nairanjana). Mấy đạo hữu đi thăm Phật tích bên Ấn Độ về, nói rằng hiện nay địa điểm ấy có tên là Bodh Gaya . Chúng ta thường nghe nói rõ hơn : Bồ-đề đạo tràng . Tự điển Đoàn Trung Còn ghi thêm : Về sau, người ta dùng chữ đạo tràng mà gọi những chỗ dưới đây :
1/Chánh điện của nhà chùa . 2/ Chỗ tụng kinh hàng ngày . 3/ Chỗ pháp sư giảng đạo, truyền đạo . 4/ Chỗ thanh tịnh nơi ấy, vị sư tu luyện, tham thiền .

20 – 1/Chủ trương của « tòa soạn » chúng tôi là tránh bình luận việc làm của cá nhân và của các chùa khác . Điều mà đạo hữu kể đó, chúng tôi cũng coi trong video . Đạo hữu chỉ cần tự nhủ rằng : mình và gia đình con cái mình nếu gặp cảnh tung tiền lúc Tết đó thì đừng có cúi nhặt, hay tranh cướp, mất tư cách .
2/ « Bát công đức thủy » tức là « nước có tám công đức », xin thưa tám công đức ấy là : lắng sạch, trong mát, ngọt ngon, nhẹ dịu, nhuần trơn, an hòa, trừ đói khát, bổ khỏe .
3/Cuốn A-Di-Đà sớ sao giải thích kinh A Di Đà tường tận từng chi tiết một, coi mấy tháng chưa hết . ! Phật học viện Quốc tế ở California, USA, xuất bản năm 1983 .

21 – « Nguyện tiêu tam chướng,trừ phiền não » . Chướng là chướng ngại, ngăn che . Tam chướng là ba chướng . Hiểu đơn giản thì đó là tham, sân, si . Tuy nhiên, tham sân si thường được gọi là tam độc, nên phải hiểu tam chướng kỹ hơn . Đó là : 1/ Phiền não chướng gồm tham, sân, si và mọi thứ tùng theo tham sân si . 2/ Nghiệp chướng tức là những chướng ngại do ác nghiệp gây ra . 3/ Báo chướng (báo là quả báo) như bị đọa ba đường ác : địa ngục, ngã quỷ, súc sinh . Cũng có thể sinh ở cõi nhân hay cõi thiên nhưng không có đức tin, khiến cho bị chướng ngại, che bít cái thiện căn thành đạo thì cũng gọi là báo chướng .

22 – Chữ phiền não (sanskrit : klesa . Passion . Pain, afflictions, distress) rất thông dụng trong đạo Phật . Theo nghĩa thường thì phiền não là buồn phiền, sầu não, thí dụ : phiền não vì làm ăn thất bại luôn . Trong Phật học, nghĩa rộng hơn : phiền não là đau khổ, buồn phiền, tất cả những gì làm cho thân tâm người ta xao xuyến, sầu muộn, lo lắng, không yên . Chữ đồng nghĩa : cấu, lậu, nhiễm, kết, sử,hoặc, triền, cái, ách … Chữ đối nghĩa : bồ-đề, niết-bàn . Ba phiền não chính là tham, sân, si . Có sách kể 6 phiền não : tham, sân, si, mạn (kiêu căng), nghi (nghi ngờ không có ăn cứ),ác kiến (ý kiến sai trái, xấu xa, bất thiện). 10 phiền não là những gì ? Là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến hay ngã kiến (chấp tấm thân này là ta), biên kiến (ý kiến cực đoan), tà kiến (ý kiến sai lệch, không nhận lý nhân quả chẳng hạn), kiến thủ kiến (khư khư giữ ý kiến của mình), giới thủ kiến (giữ những giới sai lầm hay giữ giới 1 cách cứng nhắc) .

23 – Đạo hữu tưởng tôi là quyển tự vị hay sao mà hỏi “dữ” quá vậy ! Lần sau tôi chẳng dại gì mà chua thêm chữ đồng nghĩa và phản nghĩa nữa, quý đạo hữu lấy “cớ” mà “truy” thêm, lại phải ngồi tra cứu, có khi quên cả bữa cơm … mặn ! May mà tôi không nói 108 phiền não, 84000 phiền não . Cấu (salete, crasse, impurete, souillure ) là dơ bẩn, các thứ phiền não làm cho thân tâm dơ bẩn … Lậu (suinter, couler) là rò rỉ, làm cho dơ dáy, các phiền não làm cho dơ dáy thân tâm . Nhiễm (imbiber, tacher, contaminer) là thấm,thí dụ ô nhiễm . Kết (entraves, chânes, lier, unir) là trói buộc, các thứ phiền não trói buộc con người ta vào vòng luân hồi . Sử (donner l’ordre, commander, conduire) là sai khiến, các phiền não sai khiến người ta phạm tội lỗi , gây nghiệp . Hoặc (erreur, illusion) là lầm lẫn, các phiền não dẫn người ta đến các sai lầm . Triền (lier, encercler) là trói buộc, bao vây . Cái (obstruer, cacher) là che lấp . Ách (joug, contrainte, esclavage) ví phiền não như cái ách mà trâu bò phải đeo .

24 – Tam xa là ba cỗ xe : xe do dê kéo, xe do hươu kéo, xe do bò kéo . Nói gọn là xe dê, xe hươu, xe bò . Đó là để gợi lại ý trong kinh Pháp Hoa, nói về « tam xa xuất trạch », ba xe ra khỏi nhà lửa . Ba xe ấy tượng trưng cho ba thừa :thanh văn thừa, duyên giác thừa, bồ tát thừa . Sau rút lại một thừa thôi, gọi là Phật thừa . (thừa hay thặng có nghĩa là cỗ xe, vehicule . Đại thừa, Tiểu thừa dịch là Grand Vehicule, petit Vehicule, nhưng nay người ta để nguyên chữ sanskrit Mahayana và Hinayana). « Tam thú độ hà » nghĩa là ba con thú qua sông .Con thỏ, con ngựa, và con voi cùng qua sông . Con thỏ vờn vờn trên mặt nước, con ngựa vẫy vùng giữa nước nhưng sâu hơn, con voi đạp xuống tận đáy sông . Ý nói có sự khác biệt, nông sâu khác nhau . Câu này dùng để nói ba thừa kể trên .

25 – Tự nghĩa là chùa . Về nguồn gốc của chữ này thì Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn viết : « Nguyên thuở đời vua Minh Đế nhà Hán, năm 68 dương lịch, Thích Ma Đằng dùng con ngựa trắng chở kinh Phật từ Tây Vực (Ấn Độ) về triều, ban sơ đậu đỡ tại Hồng Lô tự (tòa quan Hồng Lô). Sau nhân tòa Hồng lô cất lên làm viện tàng kinh, bèn lấy chữ tự đặt tên là Bạch Mã Tự( Chùa Ngựa Trắng). Bở đó, đời sau, nơi thờ Phật hay là nơi tăng, ni ở tu đều gọi là tự ».
Tự điển Phật học Hán Việt, mục Bạch mã tự, chép theo sách cũ Lạc Dương lam ký của Dương huyễn như sau : « Chùa Bạch Mã do Hán Minh đế dựng nên, lúc đạo Phật mới bắt đầu vào Trung Quốc .. Vua nằm mơ thấy người vàng cao 1 trượng 6, cổ có hào quang tựa như nhật nguyệt . Đó là vị thần của người Hồ (Ấn), gọi là Phật . Vua bèn sai sứ sang Tây Vực cầu Phật, mới được kinh Phật và tượng Phật . Bấy giờ dùng ngựa trắng thồ kinh mang tới, nhân đó đặt tên chùa là Bạch Mã …Hòm kinh để trong chùa tới nay vẫn còn .. thường tỏa hào quang sáng rực cả chùa … » .
(còn tiếp)

……………………………………………………

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-BOOK 1

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Đề tài ôn tập : Bài 42. TU THẾ NÀO ? *
Đề tài “Tu thế nào?” thật ra không phải là một đề tài dành cho tôi. Lý do rất đơn giản: tôi đã tu gì đâu mà dám nói! Chưa biết bơi mà lại nói chuyện bơi, như thế nào thì quả là “bạo phổi”. Nhưng đã lỡ nhận lời với ban Hoằng pháp thì tôi đánh bạo tra cứu sách vở rồi tóm tắt lại đem ra đây mà đọc, mong quý đạo hữu thông cảm mà tha thứ cho những điều sai lầm và thiếu sót.
Chúng ta ai cũng biết truyện Kiều, trong đó có nhiều câu bộc lộ ảnh hưởng Phật giáo, ở đây tôi xin đưa ra hai câu này: “Có trời mà cũng tại ta, tu là cội phúc, tình là giây oan.” (câu 2657-2658). Nói đến thiên mệnh là dính líu đến Khổng giáo. Nói đến ta chịu trách nhiệm về thân khẩu ý của ta, gây nghiệp là do ta, làm cho nhẹ đi cái ác nghiệp là do ta, thoát khỏi nghiệp sinh tử luân hồi cũng do ta, đấy là lý thuyết Phật giáo. Chúng ta hãy để ý đến câu tu là cội phúc (cội là gốc cây già và lớn). Cụ Nguyễn Du rõ ràng là muốn khuyên chúng ta tu rồi còn gì, nhưng cụ chỉ mới giới thiệu chút chút thôi, cụ chỉ nêu vấn đề phúc (hay phước) và chưa khai triển chữ huệ, vì có đủ hoàn toàn phước và huệ thì mới thành Phật được!
Vấn đề là: tu thế nào? Đời nhà Đường ở bên Tàu, có một ông thi sĩ nổi tiếng về những bài Trường hận ca và Tỳ bà hành, đó là Bạch Cư Dị, học Nho, thi đậu, ra làm quan nhưng lại mộ đạo Phật, nên có một bút hiệu là Hương Sơn cư sĩ. Ông ta đến thăm thiền sư Ô Sào, là người sống ở trên một cây tùng lớn có tán xòe rộng và hỏi thiền sư rằng : “Thế nào là đại ý Phật pháp?”. Thiền sư trả lời : “Các việc ác chớ làm, hãy làm các việc thiện, giữ tâm ý cho trong sạch”. (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý). Bạch Cư Dị nói: “Điều đó đứa trẻ lên ba cũng biết”. Thiền sư bảo: “Nhưng ông già tám mươi cũng khó làm được”. Thế là dạy làm lành tránh dữ, rất đơn giản. Nói đúng thì tôn giáo nào, luân lý nào cũng dạy như vậy. Còn câu “giữ tâm ý cho trong sạch” thì khó hơn. Chúng ta hơi ngạc nhiên vì thường thường thì câu trả lời của các thiền sư rất là khó hiểu. Thí dụ như khi được hỏi thế nào là đại ý Phật pháp, thì một thiền sư đã trả lời: “Ba cân gai”. Chúng ta không nên bận tâm moi óc tìm hiểu vì đó là câu trả lời của một ông thày cho riêng một đệ tử, thày trò người ta thông cảm bao nhiêu lâu rồi, nay chỉ cần một chữ để khai ngộ mà thôi. Trong trường hợp ông thi sĩ phóng khoáng thích ngâm thơ và uống rượu thì một câu trả lời nói trên đây là quý rồi! Có lẽ ông thi sĩ với bằng cấp cao đó chờ đợi một câu trả lời sâu xa hơn.
Khi nói rằng có tới 84 ngàn pháp môn để tu, là muốn nói có rất nhiều cách tu. Tông phái nào có phương pháp tu của tông phái đó. Xưa kia, có nhiều tông phái lắm. Nay còn lại ba tông phái chính là Mật tông, Thiền tông và Tịnh độ tông. Ai tu theo Mật tông sẽ được sư phụ “bí mật” truyền pháp, người ngoài khó mà thông suốt được. Thiền tông dạo này được nhắc đến khá nhiều, nhưng đa số lầm thiền và Thiền tông. Thiền tông là một tông phái dùng phương pháp thiền để “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Có người hiểu nông cạn: thiền là cách thở hít, là một phương pháp dưỡng sinh chống stress. Lại có người chê cười vì nghe thấy chuyện “thiền ôm”, kể trên Internet. Bây giờ tôi chỉ đưa ra mấy câu này, chép nguyên văn trong sách Thiền tông Việt nam cuối thế kỷ XX của thiền sư Thích Thanh Từ :
« Để thấy rõ nét lối dung hợp phép tu qua ba vị Tổ (Nhị tổ Huệ Khả, lục tổ Huệ Năng, sơ tổ Trúc Lâm tức vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng để đi tu), chúng tôi cô đọng bằng những phép tu:
1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
2. Đối cảnh không tâm, vì cảnh là tướng duyên hợp, giả dối tạm bợ.
3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát ».
Đại đa số Phật tử Việt Nam tu theo pháp môn niệm Phật của Tịnh độ tông. Phương pháp rất đơn giản: tin vào lời nguyện của đức Phật A-Di-Đà, luôn luôn niệm hồng danh của ngài và nguyện vãng sanh về quốc độ của ngài là cõi Cực lạc ở phương Tây. Đó gọi là tín, hành và nguyện. Tin thật chắc, nguyện thật vững, hành thật siêng. Khi hành giả lâm chung, Phật A-Di-Đà và thánh chúng tới dẫn thần thức của hành giả về Tây phương cực lạc quốc. Không phãi tái sanh qua những cách thường thấy, mà sanh ra từ một bông hoa sen, “hoa nở thấy Phật, thấy chư bồ-tát”, gặp thiện tri thức chỉ lối tu hành để thành Phật quả, chứ không phải lên đó là thành Phật ngay được, lên đó được cái hay nhất là khỏi sinh tử luân hồi, còn như muốn thành Phật hay thành bồ-tát thì còn phải tu.
Niệm Phật phải chú tâm, không được để cho tâm “đi chợ” nghĩa là tâm không được suy nghĩ lăng xăng. Có người khoe rằng mỗi ngày niệm Phật được năm hay bảy chục chuỗi nhưng cái cần là có chú tâm không. Có người thì lại giải đãi, ngày có niệm, ngày không niệm. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng: niệm Phật phải chú tâm và phải thực hành đều đặn.
Trong đời sống hàng ngày, hành giả phải gắng giữ tam quy ngũ giới và làm mười điều thiện như đức Thế tôn đã dạy trong kinh Thập Thiện. Như thế để tạo thiện căn, phúc đức và nhân duyên chuẩn bị vãng sanh. Đầy tội lỗi thì Phật nào đến rước cho được! Điều này do Đức Thế Tôn dạy trong kinh A-Di-Đà: « Ít thiện căn, phúc đức, nhân duyên, thì không thể sinh sang nước kia được đâu ».
Còn một việc nữa: đó là sám hối. Không phải là sám hối kiểu hình thức, cho đủ việc ngày 14 hay ngày cuối tháng ta, mà là chân sám hối, sám hối tội của chính mình và hứa chắc không tái phạm nữa, đồng thời tụng kinh Thủy Sám hay kinh Lương Hoàng Sám.
Đối với các đạo hữu đã biết về thức thứ tám tức là tạng thức hay a-lại-da, tôi xin nói thêm rằng: niệm Phật là cốt để huân, để ướp các chủng tử lành, thiện, tốt, sạch vào trong tạng thức, dẹp các tạp niệm, tà niệm, ác niệm đi, làm sao cho đến lúc lâm chung, tâm mình chỉ còn toàn là niệm về Phật mà thôi, chỉ hướng về Phật mà thôi, như vậy là đi theo Phật, là có Phật tới đón. Không chịu niệm từ bây giờ, lúc gần chết thì không thể kịp được. Thật vậy, có người không may gặp tai nạn thì niệm Phật sao được, có người đau đớn quá chỉ quằn quại rên la trên giường bệnh thì niệm Phật sao được, có người tiếc hết thứ nọ đến thứ kia, lại thêm vợ con khóc inh ỏi bên tai, nếu có niệm nào thì đó là niệm của, niệm người, đâu phải là niệm Phật. Nói cho các bạn trẻ đã học khoa tâm lý của triết học, thì phương pháp niệm Phật cầu vãng sanh là một thuật huấn luyện tâm lý, gây một cái nếp trong tâm, khơi một cái rãnh trong tâm, nôm na là tạo ra một thói quen tâm lý.
Tóm lại, trả lời câu hỏi đặt ra lúc đầu: tu thế nào?, tôi xin dựa vào sách vở mà thưa rằng: trong thời buổi này, căn cơ kém như chúng ta thì tu bằng cách niệm Phật. □
CHÚ THÍCH . Xin giới thiệu cuốn NIỆM PHẬT THẬP YẾU của HT Thích Thiền Tâm do Phật học viện Quốc tế xuất bản năm 1982 tại Hoa kỳ, gồm 10 chương như sau: Niệm Phật phải
1/ vì thoát sinh tử
2/ phát lòng bồ-đề
3/ dứt lòng nghi
4/ quyết định nguyện vãng sinh
5/ hành trì cho thiết thật
6/ đoạn tuyệt phiền não
7/ khắc kỳ cầu chứng nghiệm
8/ bền lâu không gián đoạn
9/ an nhẫn các chướng duyên
10/ dự bị lúc lâm chung. □

*Bài trên đây, chúng tôi đã đăng trong Muc: PHẬT HỌC*

…………………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics