28/10: Book3_17 Bồ-Tát và Bồ-Tát Đạo

28/10: Book3_17 Bồ-Tát và Bồ-Tát Đạo
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 7424 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 17. BỒ-TÁT VÀ BỒ-TÁT ĐẠO
1. A-la-hán. Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì:
■ Thanh văn nghĩa là những bậc nghe pháp. Đệ tử xuất gia của Phật được nghe pháp, nhất là tứ diệu đế. Các vị ấy khi đoạn phiền não (1) thì đắc quả từ thấp lên cao như sau: tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, a-na-hàm, a-la-hán (gọi tắt là…

… la-hán). Hàng thanh văn đắc quả a-la-hán thì có lục thông và nhập Niết-bàn.
Chữ a-la-hán có ba nghĩa: 1/ sát tặc (giết hết giặc phiền não) 2/ ứng cúng (vì đã dứt sạch các lỗi lầm cho nên đáng cho thiên, nhân trên thế gian cúng dường) 3/ bất sanh (không còn sinh tử luân hồi).
Trong mười danh hiệu của Phật: “Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn” thì chữ Ứng Cúng chứng tỏ rằng Phật là một bậc a-la-hán.
■ Duyên giác hay Độc giác hay Bích-chi Phật là các vị do quán tưởng lý mười hai nhân duyên mà giác ngộ, chứng đắc chân lý. Cũng có thể là do nhân xem cái duyên ở ngoài như hoa bay tan tác, lá rụng tơi bời … bèn giác ngộ lý vô thường, đoạn diệt mê hoặc, chứng đắc chân lý. Duyên giác và Độc giác khác nhau về chỗ này: bậc Duyên giác có thể xuất hiện ngay hồi Phật Như Lai còn tại thế. Còn bậc Độc giác thì ra đời và đắc đạo khi không có đức Phật ở đời. Duyên giác, Độc giác là bậc tự giác ngộ, tự giải thoát, ưa sự êm lặng, ngồi thiền nơi vắng vẻ, chứ không đi hoằng pháp lợi sanh.
2. Bồ-tát. Chữ pali bodhisatta phiên âm là bồ-đề-tát-đỏa, gọi ngắn là bồ-tát. Nghĩa là giác hữu tình, còn gọi là đại sĩ.
■ Theo Từ Điển Phật Học của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách thì: “Trong Đại thừa, bồ-tát là hành giả sau khi hành trì lục độ ba-la-mật, đã đạt Phật quả, nhưng nguyện không nhập Niết-bàn khi chúng sinh chưa giác ngộ. Yếu tố cơ bản của bồ-tát là lòng bi đi song song với trí tuệ. Chư bồ-tát thường cứu độ chúng sinh và sẵn sàng thụ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sinh cũng như hồi hướng phúc đức của mình cho kẻ khác. Con đường tu học của bồ-tát bắt đầu bằng luyện tâm bồ-đề và giữ bồ-tát hạnh nguyện … Bồ-tát của Đại thừa tuơng tự như a-la-hán của Tiểu thừa, trong đó a-la-hán tập trung vào sự giải thoát cho chính mình. Thật sự thì khái niệm bồ-tát đã được tìm thấy trong các kinh Tiểu thừa nhất là trong các kinh nói về tiền thân đức Phật Thích-Ca. Trong Đại thừa, khi nói đến các vị bồ-tát, người ta xem đó là các vị Phật tương lai. Đại thừa chia làm hai hạng bồ-tát, bồ-tát đang sống trên trái đất và bồ-tát siêu việt. Các vị đang sống trên trái đất là những người đầy lòng từ bi, giúp đỡ chúng sinh hướng về Phật quả. Các vị bồ-tát siêu việt là những người đã đạt các hạnh ba-la-mật và Phật quả nhưng chưa nhập Niết-bàn; các vị đã đạt nhất thiết trí, không còn ở trong luân hồi, được tôn thờ và đảnh lễ, như các ngài Văn Thù, Quán Âm, Địa Tạng, Đại Thế Chí, Phổ Hiền … Ấy là các bồ-tát ma-ha-tát hay đại bồ-tát”.
Trên đây là ý kiến của Đại thừa. Nhiều người không tán thành câu a-la-hán tập trung vào sự giải thoát cho chính mình, vì có ý chê a-la-hán ích kỷ. Điều này để lộ ra những bất đồng giữa hai thừa. HT W. Rahula (thuộc Phật giáo Nguyên thủy) viết: “Tôi nghiên cứu đạo Phật Đại thừa nhiều năm, và càng nghiên cứu tôi càng thấy hầu như không có bất cứ điều gì khác nhau giữa đạo Phật Nguyên thủy và đạo Phật Đại thừa về mặt giáo lý căn bản… Cũng có một số ít điểm khác nhau. Hiển nhiên là quan điểm về Bồ-tát. Nhiều người nói rằng Đại thừa là quả vị Bồ-tát dẫn đến quả vị Phật, trong khi đó Nguyên thủy thì đưa đến quả vị A-la-hán. Tôi phải nói rằng Đức Phật Toàn giác, Độc giác và Thinh văn giác cũng là những vị A-la-hán…
Có người cho rằng Phật giáo Nguyên thủy thì ích kỷ bởi vì dạy con người phải tìm kiếm sự cứu rỗi cá nhân. Nhưng làm sao một người ích kỷ có thể giác ngộ được? Cả hai trường phái đều chấp nhận có ba Thừa, hay ba Giác, và cũng đều công nhận lý tưởng Bồ-tát là cao quí nhất. Tuy nhiên, Đại thừa đã hư cấu nhiều vị Bồ-tát huyền bí. Trong khi đó, Phật giáo Nguyên thủy cho rằng bồ-tát là một con người ở giữa chúng ta, và ngài hiến tặng trọn vẹn đời mình cho sự giác ngộ, chắc chắn sẽ trở thành vị Phật vì lợi ích của thế gian, vì hạnh phúc cho đời”. (2)
Còn mấy sự khác biệt trong quan niệm về bồ-tát của Thượng Tọa Bộ và Đại thừa, thí dụ như Thượng Tọa Bộ coi bồ-tát chưa phải là bậc thánh. (3)
■ Theo Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme (4), thì: “ Trong Tiểu thừa nói chung và trong Thượng Tọa Bộ nói riêng, có đề cập đến việc bồ-tát tu thành Phật, nhưng nhận rằng con đường này khó khăn; tu theo đường a-la-hán dễ dàng hơn.
Sự tiến tu của một vị bồ-tát khởi đầu bằng lời phát nguyện với một vị Phật, tiếp theo là công đức tu hành trong nhiều kiếp liên tiếp, mỗi kiếp lại thực hiện nhiều việc vị tha thật chói lọi, dẫn dần lên quả vị Phật.
Trong Đại thừa, điểm được nhấn mạnh nhất là lòng từ bi đối với chúng sinh đau khổ trong cõi luân hồi, cho nên lý tưởng bồ-tát trở thành trung tâm. Thật ra, đạo bồ-tát đã được đề cập đến trong kinh sách trước Đại thừa như Lalitavistara, Bổn sanh … trong đó bồ-tát quên mình, hy sinh thật cao cả cho chúng sinh đau khổ. Ở đây, vẫn nhắc đến lời phát nguyện với một vị Phật, nguyện tu đến chỗ giác ngộ để giải thoát chúng sinh khỏi mọi khổ đau”.
● Bồ-tát tu thành Phật, phải được Phật thọ ký. Phải đủ tích lũy đầy đủ phước và huệ. Tiến dần lên qua 52 giai đoạn để chứng Phật quả: thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, rồi đẳng giác, diệu giác. Diệu giác tức là Phật, chứng được tam thân: thân tuyệt đối là pháp thân, hai thân còn lại (báo thân và ứng hóa thân) dùng để hóa độ chúng sinh. (Tam thân và Phật tánh là hai tư tưởng đại thừa)
● Theo kinh Phạm Võng, giới luật của bồ-tát gồm 58 điều trong đó có 10 điều cấm kỵ nhất là: sát sinh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ, buôn bán rượu, nói xấu đồng đạo, khen mình chê người, bỏn xẻn, giận dữ, phỉ báng Tam Bảo.
● Bồ-tát có ba loại can đảm: 1/ can đảm của một quân vương, mình đi trước dẫn người khác theo, 2/ can đảm của người lái đò, mình và người cùng qua sông, 3/ can đảm của người chăn cừu, đưa người khác qua trước, mình sau.
● Bốn nguyện lớn của bồ-tát là: Chúng sinh vô tận, thệ nguyện độ. Phiền não vô biên, thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành.
■ Theo HT U Silananda (theo Phật giáo Nguyên thủy) thì có ba định nghĩa cho danh từ bồ-tát: 1/ người có trí huệ, 2/ người chắc chắn mình sẽ thành Phật, người đã được quyết định thành Phật, 3/ người có ước nguyện sẽ được giác ngộ thành Phật.
Rất là khó khăn để trở thành một vị bồ-tát. Bắt đầu bằng lời nguyện ước đắc quả vị Phật trước một Đức Phật sống và được Ngài thọ ký cho sẽ thành Phật.
Phải hội đủ tám điều sau này: 1/ phải là một con người, 2/ phải là đàn ông, 3/ phải có tiềm năng đắc quả a-la-hán ngay trong đời này, 4/ phải nguyện trước một vị Phật sống, 5/ Khi phát nguyện, phải là một tu sĩ ẩn dật, một tỳ-kheo, một tu sĩ tin tưởng vào luật nhân quả, 6/ phải đạt tám bậc thiền định và năm loại thần thông, 7/ phải có một niềm tận tụy dõng mãnh, 8/ phải có ước vọng thật kiên trì.
Khi được thọ ký, vị ấy chính thức trở thành bồ-tát.
Có ba hạng bồ-tát: 1/ người mà trí huệ chiếm ưu thế, 2/ người mà đức tin chiếm ưu thế, 3/ người mà sự tinh tấn chiếm ưu thế.
Khi thực hành mười ba-la-mật, bồ-tát phải đưa các ba-la-mật đó đến mức tối thắng. Trong khi thực hiện các ba-la-mật, các vị cũng vẫn phải trôi lăn trong các cõi luân hồi cho nên các vị vẫn còn là phàm phu. Theo giáo lý Theravāda, các vị bồ-tát chẳng phải là các vị đã chứng ngộ rồi và đã trì hoãn lại việc nhập Niết-bàn. (3)
● Thanh văn thừa và duyên giác thừa gọi chung là nhị thừa.
Thanh văn thừa, duyên giác thừa và bồ-tát thừa gọi chung là tam thừa.
Người ta xếp nhị thừa vào Tiểu thừa, còn bồ-tát thừa chính là Đại thừa.
3. Khác biệt. Theo HT Walpola Rahula thì : “Rất nhiều người – đặc biệt là ở phương Tây – nghĩ rằng lý tưởng của Thượng tọa bộ (mà họ đồng hóa với Phật giáo Tiểu thừa) là tu cho thành một vị a-la-hán, còn như lý tưởng của Phật giáo Đại thừa là tu cho thành một vị bồ-tát, rồi cuối cùng thành Phật. Ý kiến đó được phát tán ra do mấy nhà Đông phương học vào thời mà việc nghiên cứu đạo Phật mới chớm ở phương Tây, và những người theo họ đã chấp nhận ngay ý kiến đó mà chẳng chịu đi thẳng vào vấn đề bằng cách xem xét các văn bản và truyền thống sinh hoạt tại các nước theo Phật giáo. Sự thật thì cả hai Thượng tọa bộ và Đại thừa đều chấp nhận rằng lý tưởng bồ-tát là lý. tưởng cao cả nhất.
Tuy vậy, có một sự khác biệt đáng kể giữa hai phái nói trên liên quan tới lý tưởng bồ-tát. Thượng tọa bộ, dù chủ trương rằng lý tưởng bồ-tát là cao cả nhất và quý báu nhất, đã không viết ra một số kinh sách nào nói riêng về vấn đề ấy. Lời dạy về lý tưởng bồ-tát và đạo bồ-tát chỉ được trình bày rải rác trong kinh pali mà thôi.
Ngay trong định nghĩa, Đại thừa là đạo nhắm lý tưởng bồ-tát, cho nên Đại thừa không những có cả một kho kinh sách về bồ-tát đạo, mà còn tạo dựng nên một lớp bồ-tát rất hấp dẫn. Bất cứ ai mong tu thành Phật thì được gọi là bồ-tát”.
HT Walpola Rahula còn viết: “Ngài Vô Trước nói rằng khi một vị bồ-tát chứng đắc bồ-đề thì vị ấy trở thành một a-la-hán, một Như Lai (tức là Phật). Ở đây, cần phải hiểu rõ rằng không phải chỉ có thanh văn mà ngay cả bồ-tát cũng trở thành một a-la-hán khi chứng đắc bồ-đề. Lập trường của Nguyên thủy cũng y như vậy: Phật là một vị a-la-hán (2)
Thượng tọa bộ rất trân trọng địa vị bồ-tát, địa vị cao quý nhất. Chúng ta thấy trong kinh Bổn Sanh (Jātaka) những chuyện kể lại các tiền thân của đức Phật và kinh đã dùng danh từ Bồ-tát trong các chuyện đó để chỉ đức Phật”.
Sau đây là một thí dụ do HT Walpola Rahula trích dẫn: “Vào thời kia, đức Phật Thích-Ca, trong lúc tu hành như một bồ-tát, là một nhà tu khổ hạnh tên là Thiện Huệ. Lúc bấy giờ, có một vị Phật tên là Nhiên Đăng cho biết ngài Thiện Huệ đủ năng lực chứng ngộ Niết-bàn như một vị thanh văn. Nhưng ngài Thiện Huệ không nhận vì đã quyết tâm tu thành Phật do lòng từ bi đối với thế gian, ước nguyện độ chúng sinh. Phật Nhiên Đăng bèn thọ ký cho ngài sau sẽ thành Phật và ban cho ngài tám bó hoa. Các đệ tử của Phật Nhiên Đăng cũng cúng dàng hoa thơm cho Bồ-tát”.
“Tuy Thượng tọa bộ chủ trương rằng ai cũng có thể trở thành một vị bồ-tát, nhưng không nhấn mạnh đến việc tất cả phải tu thành bồ-tát vì điều ấy không thực tế. Quyết định theo đường tu thanh văn, duyên giác hay Phật là do hành giả tự chọn lấy. Có điều rõ ràng dứt khoát là quả vị Phật cao hơn hai quả vị kia, và hai quả vị kia tuy kém hơn nhưng không hề bị coi nhẹ”. Xin coi thêm chú thích (10).
4. Nhất thừa. Kinh sách Đại thừa có một đặc điểm là dài nếu không nói là dài dòng. Kinh sách đó dĩ nhiên là nói lên những chủ trương lớn của Đại thừa thí dụ như Phật tánh, tam thân, không, chân không diệu hữu v v… Rõ nhất là đề cao hạnh bồ-tát. Nói chung đó là sự bừng dậy của những tư tưởng mới trong các kinh Bát-nhã, Thủ-Lăng-Nghiêm, Hoa-Nghiêm, Duy-Ma-Cật …, dĩ nhiên trong đó có va chạm lúc nặng lúc nhẹ đến Tiểu thừa. Ông Duy-Ma-Cật chỉ là một cư sĩ tại gia mà “nhân cách đã siêu việt hẳn người thế tục. Kinh Duy-Ma-Cật lấy ngài Xá-Lợi-Phất làm trung tâm để biểu lộ năng lực kiến thức kém cỏi của mười vị đại đệ tử của đức Phật. Ngài Xá-Lợi-Phất là nhân vật lý tưởng của hàng Thanh văn mà bị chê là kém cỏi … Tất cả đều là chiến pháp đả phá toàn thể những người theo Tiểu thừa”. (5)
Tiểu thừa không tán thành việc một số kinh Đại thừa được “tạo ra” với hình thức kinh nguyên thủy (“Tôi nghe như vầy …”) và không mấy vui với tính cách mê tín trong vài kinh, làm cho đạo Phật bị giảm giá trị vì bản chất đạo Phật là đạo giải thoát do tu hành chứ không phải là đạo cầu xin, cúng kiếng, bùa phép … Mâu thuẫn nằm ở chỗ đó.
Phải đợi đến kinh Pháp Hoa thì mới thấy chủ trương “hòa giải” với Tiểu thừa, (mà đôi khi vẫn coi thường vì đó là một kinh đại thừa) trong đó “đức Phật” dạy rằng ba thừa thanh văn, duyên giác, bồ-tát chỉ là phương tiện chứ thật ra chỉ có Nhất thừa mà thôi.
Kinh Pháp Hoa có điểm nổi bật là đề cao Phật tánh, ‘ai ai cũng có Phật tánh’, ai cũng có thể tu thành Phật được (nhờ theo bồ-tát đạo). Kinh Pháp Hoa có nghĩa ‘ Hội tam quy nhất, thọ ký thành Phật’.(6)
Đến hội Pháp Hoa, khi sắp nhập Niết-bàn, Phật mới dạy những gì mà trước đó ngài chưa dạy được, đó là ‘ những pháp môn mà ngài dạy bấy lâu chỉ là những phương tiện để bước lên Nhất thừa. Trước kia Thanh văn đã cho đó là pháp thật, quả thật, nên chăm chỉ tu, chứng và chấp thủ các quả vị đã chứng. Bây giờ Phật mới nói rằng Nhị thừa, Tam thừa đều không thật, đều là phương tiện, chỉ có Nhất thừa mới là thật, mới là cứu kính”. (6) Thật ra, kinh Pháp Hoa không phải do đức Phật thuyết!
5. Bồ-tát đạo. Đạo Phật xác nhận rằng cuộc đời là khổ (đế thứ nhất). Nói chung, chúng ta thấy rằng khổ đau của con người do thiên nhiên mang tới, do xã hội đem lại … tuy nhiên cái nguồn gốc chính của khổ đau lại là lòng tham không đáy, sự ham muốn vô hạn của con người (đế thứ hai) . Không được thỏa mãn thì sinh ra khổ đau, các khổ đau này không phải do thiên nhiên tạo ra mà do chính mình tạo ra. Có thể dẹp được các khổ đau đó (đế thứ ba) bằng các tu theo bát chánh đạo (đế thứ tư).
Rút lại là muốn trừ các khổ não thì cần diệt trừ các tham dục, vì thế cần phải hướng nội để hiểu chính mình, chiến đấu chống các tham dục của chính mình. Đức Phật có dạy đại ý rằng “thắng chính mình còn vẻ vang hơn thắng cả ngàn quân địch trên chiến trường”.
Ở đây, có người hỏi : cố gắng tu tập mong giác ngộ và giải thoát, cố gắng niệm Phật mong vãng sinh Cực lạc … , có phải là tham cầu không? Không, đấy cũng gọi là dục nhưng lại là pháp dục, có mục đích thanh tịnh hóa tâm, tiến lên trên con đường sáng nhắm Niết-bàn tịch tĩnh; nó không thuộc các thứ tham dục kia, là những thứ tham dục nặng về vật chất nhiều hơn, như tiền bạc, đất đai, … Ta nói : phải diệt trừ ái dục để tìm cầu pháp dục. Trên đường tầm đạo như vậy, ta đạt được thanh thản yên vui đến đâu thì những khổ đau như bệnh, già, chết, nghèo … bớt làm cho ta sợ hãi dến đấy. Đó chính là bỏ khổ đau, tìm an lạc.
● Bỏ khổ đau, tìm an lạc cho mình rồi thì phải tìm cách giúp người khác bỏ khổ đau, tìm an lạc. Thế thì phải “trên cầu đạo bồ-đề, dưới hóa độ chúng sinh”. Đó chính là bồ-tát đạo vậy.
“Đặc trưng trọng yếu nhất của đạo bồ-tát là sự nghiệp tự lợi, lợi tha. Nói cách khác, nếu tự mình muốn đạt đến lý tưởng giới thì tất phải đưa người khác cũng đạt như mình; và đưa người khác đạt đến lý tưởng giới tức là chính mình đạt đến vậy. Đương nhiên, nói một cách thực tế, trước phải tự cứu mình rồi sau mới cứu người được, đó là lẽ thường; thế nhưng đứng về mặt thệ nguyện mà nói, thì thay vì mình, trước hết phải vì người: đó là tâm từ bi và hạnh từ bi của bồ-tát …
● “Cái đặc trưng tối đại của bồ-tát đạo là: trong khi mở ra cái cảnh giới tự chủ của tinh thần, vẫn không xa lánh, trốn tránh những thống khổ cố hữu của kiếp người; trái lại, lấy khổ làm cơ duyên và xa hơn nữa coi thống khổ tự nó cũng là yếu tố nằm trong hoạt động tự chủ và lấy đó hướng tới lý tưởng vĩnh viễn tối cao … Theo đạo bồ-tát, cái giá trị hay ý nghĩa cuộc đời không phải lấy sự sướng khổ làm tiêu chuẩn để phân biệt, mà lấy sự thực hiện sinh mệnh vĩnh viễn làm lý tưởng tối cao, và lấy đó làm tiêu chuẩn cho tất cả mọi giá trị. Mà muốn thực hiện điều đó, cần phải vượt qua mọi khổ đau, không lưu tâm tới nó, nhờ thế mà lý tưởng vĩnh viễn lần lần được thực hiện từng bước, trái lại thì đành cam chịu khổ đau. Đó là đặc sắc của đạo bồ-tát … Nói một cách đơn giản thì đạo bồ-tát coi giá trị của cuộc sống là ở chỗ coi thường khổ đau và sung sướng, không để chúng làm bận tâm, luôn luôn tự chủ cuộc sống. Chính ở đây mà ta thấy ý nghĩa hay giá trị cuộc đời có hứng thú là nhờ cái phương châm tích cực vốn là tinh thần căn bản của đạo bồ-tát vậy”. (7)
● “Yêu cầu giải thoát khỏi sự ràng buộc của ngoại diện (thiên nhiên) cũng như nội diện (tham ái) của đời sống chúng ta rốt cục cũng chỉ là kết quả tiêu cực của sự phát động Phật tính mà thôi; cũng như yêu cầu đạt đến cảnh giới Vô lượng Quang, Vô Lượng Thọ là kết quả tích cực của sự phát động Phật tính ấy”. (8) Tư tưởng này dẫn đến sự thiết lập các cõi Tịnh độ do nguyện lực của chư Phật. Đặc biệt nhất là 48 lời nguyện của đức Phật A-Di-Đà. Nay chúng ta thấy rất nhiều người theo pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc quốc của đức Phật A-Di-Đà. Điều này làm nhẹ đi phần nào tư tưởng thiết lập cõi Tịnh độ ngay tại đây và ngay bây giờ.
6. Lục độ ba-la-mật. Tu theo đạo bồ-tát của Đại thừa thì phải thực hành lục độ ba-la-mật. Chữ ba-la-mật này do chữ pali pārami phiên âm ra, đó dịch nghĩa là đáo bỉ ngạn, sang bờ bên kia, tức là bờ giác ngộ (bờ bên này là bờ vô minh). Sáu pháp ba-la-mật đó là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. (9)
HT Narada viết: “Theo Bản Chú Giải kinh Cariyā Pitaka, ba-la-mật là những phẩm hạnh không nhuộm màu vị kỷ, không đượm nhuần tà kiến và không ẩn ý ngã mạn. Ba-la-mật nhờ trí tuệ dẫn dắt và do lượng từ bi vun quén đắp bồi”. [kinh Sở hạnh tạng Cariyā Pitaka – phẩm thứ 15 của Tiểu bộ kinh – chép 35 tiền kiếp của đức Phật, còn kinh Jātaka (Bổn Sanh) chép 550 tiền kiếp] .
Hành động của Bồ-tát tuyệt đối vị tha, luôn luôn sống cho kẻ khác. Không hề có một điểm ích kỷ, dầu nhỏ nhen đi nữa, trong những hành động của Ngài. Với đức từ bi vô lượng, lòng bác ái vô biên, xuyên qua bao nhiêu kiếp sống, các Ngài không ngừng nỗ lực chuyên cần nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo nàn thấp kém, giúp đỡ cho mọi người bằng muôn ngàn cách và làm giảm bớt phiền não cho tất cả chúng sanh.
Một vị Bồ-tát không nghĩ đến việc an hưởng thú thanh nhàn trong khi những người bạn xấu số của mình còn ở trong vòng lao khổ. Ðể làm dịu bớt phần nào nỗi khổ đau của nhân loại, Bồ-tát sẵn sàng hy sinh tất cả các vật sở hữu quý báu nhất, cho đến mạng sống của mình đi nữa cũng không tiếc.
Với tâm đầy từ bi, Bồ-tát luôn luôn sẵn sàng tạo an lành hạnh phúc cho tất cả, không quên bỏ một chúng sanh nhỏ bé nào, nhưng không khi nào làm điều gì không do trí tuệ dẫn dắt. Lòng bi mẫn vô biên, tuy nhiên các Ngài luôn luôn cân phân tâm trí. Và trong khi phục vụ, Ngài không hề cầu mong một thế lực hoặc một quyền lợi vật chất nào trên thế gian… (10)
a. Bố thí ba-la-mật. Khi thực hành Bố thí ba-la-mật, hành giả không thắc mắc tìm hiểu người mà mình muốn cho một vật là ai. Ngài cho ra mà không tiếc. Ngài không chờ đợi người đó trả ơn và cũng không mong cầu phước báu, không tìm danh vọng và không hạ mình cầu xin ân huệ.
Nhưng khi bố thí, Ngài không nhắm mắt cho càn. Nếu có một người ghiền rượu đến nhờ sự giúp đỡ của Ngài và nếu Ngài biết chắc chắn rằng người nầy sẽ lãnh món quà để dùng trong việc sai quấy, Ngài sẽ không ngần ngại từ chối. Ðặt lòng quảng đại trong một hành động sai lầm không phải là ba-la-mật
Sự bố thí của Ngài sẽ giúp Ngài làm được hai điều thiện là tiêu trừ những tư tưởng ích kỷ và phát triển những tư tưởng vị tha. Ngài diệt lần mọi hình thức luyến ái còn tiềm tàng trong tâm. Niềm vui khi phụng sự kẻ khác tự nhiên đến. Làm dịu bớt nỗi đau khổ của chúng sanh là một hạnh phúc khác do sự bố thí đem lại.
Khi giúp đỡ một người, Bồ-tát không hề tỏ ý tự tôn tự đại, mà làm một cách khiêm tốn, không bao giờ coi mình cao hơn người nhờ vả mình. Khi giúp đỡ ai, không thấy đó là thi ân, cũng không coi người mình giúp là đã thọ ân mình.
Bố thí có: tài thí, tùy hỷ thí, pháp thí và vô úy thí. Bồ-tát nghèo nên ít khi giúp được ai bằng tiền bạc, của cải … , nhưng rất sẵn sàng và nhanh chóng bố thí vô úy (sự không sợ hãi), vui với cái vui của người (trái với thói thường là ghen tị) và nhất là bố thí pháp. Phật dạy : “Bố thí pháp là tối thượng”. (coi kinh Phật thuyết như vậy). Bố thí tài vật là bậc thấp; bố thí một ngón tay, một con mắt ,.. là bậc trung; bố thí thân mạng là bậc cao.
b. Trì giới ba-la-mật. Danh từ pāḷi Sīla có nghĩa là quy luật, kỷ cương. Giới gồm có những bổn phận phải làm (cāritta) và những điều nên tránh (vāritta). Ðạo làm cha mẹ, làm con, làm vợ, làm chồng, làm trò, làm thầy, làm bạn, bổn phận đối với các bậc tu sĩ, với kẻ ăn người ở trong nhà v.v… đều được giảng giải rõ ràng và cặn kẽ trong kinh Sigālovāda Sutta, tức kinh Giáo thọ Thi-Ca-La-Việt trong Trường Bộ Kinh, đó là kinh Thiện Sanh trong Trường A-Hàm.
Người đã làm tròn những điều đáng làm (Cāritta Sīla) ghi trong kinh này thật đúng là con người cao quý trong xã hội.
Ngoài những bổn phận ấy, Bồ-tát còn phải tránh những điều không nên làm (Vāritta Sīla), cố gắng giữ giới để sống cuộc sống lý tưởng của một Phật tử thuần thành. Đơn giản nhất là ngũ giới : không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu và dùng những chất say sưa. Giữ ngũ giới không những làm cho chính mình được trong sạch mà còn giúp cho xã hội được hài hòa yên vui.
Dù có phải bị thiệt thòi đi nữa, Bồ -tát cũng không để mình phạm phải một điều nào trong năm nguyên tắc căn bản để kiểm soát hành động và lời nói của mình. Ðể giữ tròn năm giới, không những Bồ-tát có khi phải hy sinh tài sản, sự nghiệp, mà cũng có vài trường hợp còn phải hy sinh cả tánh mạng. Hiểu rõ luật nhân quả, Bồ-tát cố gắng tránh xa tất cả những điều bất thiện và làm tất cả những điều thiện mà mình có thể làm. Bồ-tát nhận thức rằng bổn phận của mình là phải trở thành một nguồn hạnh phúc cho tất cả và không bao giờ gây phiền toái cho một chúng sanh nào, dầu người hay thú.
Ðối với Bồ-tát, là người có nguyện vọng trở thành Phật, thì giữ gìn giới luật là điều vô cùng quan trọng. Túc Sanh Truyện Sīla Vimamsa Jātaka (số 362) có đoạn thuật lại lời một vị Bồ-tát: “Trí tuệ ngoài đạo đức là một thứ trí tuệ không có giá trị.” Trong sách Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Ðạo), ngài Phật Âm (Buddhaghosa) viết rằng giới luật (Sīla) là nền tảng của tất cả đức hạnh cao thượng.
c. Nhẫn nhục ba-la-mật. Nhẫn nhục ba-la-mật là chịu đựng những phiền não mà người khác gây ra cho mình và gánh chịu những lỗi lầm của kẻ khác.
Bồ-tát hành pháp nhẫn nhục đến mức độ nếu phải cắt đi một cánh tay hoặc một cái chân cũng không uất ức khó chịu.
Một tích chuyện trong Túc Sanh Truyện Khantivādi Jātaka (số 313) cho thấy rằng không những Bồ-tát vui vẻ thọ nhận những khổ hình do một ông vua say rượu truyền lệnh không chút xót thương. Vua ra lệnh cắt tay, chân, mũi, tai của Bồ-tát, mà Ngài vẫn lấy tâm từ đối xử với hành động hung bạo, thành thật cầu chúc cho vua được an lành hạnh phúc.
Khi Bồ-tát bị ai làm tổn thương, Ngài nghĩ rằng:”Người làm hại ta hôm nay có lẽ đã quen biết với ta trong một kiếp sống quá khứ nào, và vô tình hay cố ý, ta đã cột oan trái với người ấy. Cũng có thể đây là quả xấu mà ta đã gieo nhân hồi nào trong dĩ vãng. Chính đây là kết quả của một hành động bất thiện của ta trong quá khứ. Tại sao ta trở lại oán giận người làm hại ta?” Nếu có kẻ ngã mạn đến trêu ghẹo hoặc gây gổ với Bồ-tát, Ngài cũng giữ tâm bình thản.
Về đức tánh nhẫn nhục, trong kinh Kakacupama Sutta, Ðức Phật dạy : “Hãy tinh tấn rèn luyện cho được như thế này: giữ tâm luôn luôn trong sạch. Không khi nào thốt ra lời xấu. Khoan hồng độ lượng, bi mẫn với tâm từ. Không oán giận, không ác ý với ai … Những tư tưởng từ bi của con phải bao trùm tất cả chúng sanh, cho đến những tên cướp tàn ác. Hằng ngày cố gắng làm như vậy, con sẽ rải ra khắp thế gian một tình thương rộng lớn, bao la, mỗi ngày mỗi phát triển, vô biên, vô lượng, một tình thương đem lại an lành cho tất cả và coi tất cả là một, đồng nhất thể.”
d. Tinh tấn ba-la-mật. Tinh tấn (Viriya) ba-la-mật là giữ vững nghị lực, kiên trì cố gắng, quyết tâm thành đạt mục tiêu cuối cùng. Tinh tấn ở đây không phải là năng lực vật chất, mặc dầu sức mạnh vật chất cũng là một điểm lợi. Tinh tấn ở đây là năng lực tinh thần hay tâm tánh dũng mãnh, cao quý hơn sức mạnh vật chất nhiều.
Tinh tấn được định nghĩa là chuyên cần cố gắng, không ngừng nỗ lực hoạt động – bằng cả thân lẫn tâm – nhằm tạo hoàn cảnh an lành hạnh phúc cho kẻ khác. Bồ-tát vững chắc tự củng cố trong phẩm hạnh nầy, luôn luôn tự tin và quyết định làm cho đó là đức hạnh quan trọng nổi bật của mình.
Thất bại là một bước tiến đến thành công. Chướng ngại, nghịch cảnh, chỉ có thể làm cho Bồ-tát tăng thêm nghị lực và ý chí phấn đấu. Nguy biến chỉ thêm can đảm cho Ngài. Bồ-tát vạch lối đi của mình xuyên qua mọi khó khăn, vượt qua mọi trở ngại, Ngài nhắm thẳng đến mục tiêu cuối cùng và không có gì làm cho Ngài chùn bước.
Bồ-tát dùng tinh tấn để tạo an lành cho kẻ khác. Thay vì tập trung nỗ lực vào trong lối sống hẹp hòi và riêng tư để thành tựu mục tiêu, Ngài hướng mọi cố gắng về con đường hoạt động rộng lớn, mong tạo hạnh phúc cho toàn thể chúng sanh chung hưởng. Không hề biết mệt, biết chán, Bồ-tát luôn luôn tích cực tạo tình trạng an lành cho tất cả, không chút ẩn ý vụ lợi, không trông mong một đặc ân nào.
Trong Bát Chánh Ðạo, Chánh tinh tấn (Sammà Vàyàma hay Viriya) là ngăn ngừa không cho phát sanh những tư tưởng bất thiện chưa phát sanh, và tiêu trừ những tư tưởng bất thiện đã phát sanh, khai triển những tư tưởng thiện chưa phát sanh và làm cho những tư tưởng thiện đã phát sanh rồi càng nẩy nở thêm lên (tứ chánh cần). Tinh tấn là một trong năm năng lực tinh thần (Viriya Bala, Tấn lực) và một trong năm khả năng kiểm soát tâm (Viriya Indriya, Tấn căn).
e. Thiền định ba-la-mật. Thiền định do hai chữ Thiền và Định hợp lại. Thiền định ba-la-mật có nghĩa là thiền định sao cho cắt đứt được cái ảo tưởng về sự hiện hữu của một cái ta và không tự coi mình là khác biệt với các chúng sanh khác. Chúng tôi không dám đi xa hơn. Trong Tăng Chi Bộ kinh IV.77, có bài kinh Không Thể Nghĩ Được, như sau: Có bốn điều không thể nghĩ đến được, này các Tỳ-kheo, nếu nghĩ đến thì người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. Những gì là bốn? 1- Phật giới của các đức Phật, 2- Thiền giới của người khi nhập Thiền, 3- Quả dị thục của nghiệp, 4- Tâm tư thế giới.
f. Trí tuệ ba-la-mật. ■ Trí tuệ ba-la-mật là hiểu biết rõ ràng và đúng đắn, thấu triệt chân tướng của vạn pháp xuyên qua ánh sáng của ba đặc tướng: vô thường, khổ và vô ngã. Mặc dầu luôn luôn cố gắng thành đạt trí tuệ, Bồ-tát không xem thường các sự hiểu biết của đời và hằng để tâm học hỏi với bất luận ai. Không bao giờ khoe khoang tầm mắt thấy xa hiểu rộng của mình, và không thẹn thùng nói ra giữa công chúng những gì mình chưa biết. Ngài luôn luôn sẵn sàng chia xẻ hiểu biết với người khác. Trí tuệ của Ngài là sở hữu chung của tất cả mọi người. Ngài không bao giờ dấu ai điều chi mà tận lực cố gắng dắt dẫn người khác từ chỗ tối mê đến ánh sáng.
■ Trí tuệ có ba loại do văn, tư, tu : 1) Trí tuệ phát sanh bằng cách nghe lời dạy của người khác (văn tuệ) là loại đầu tiên. Xưa kia, chưa có sách vở, ấn loát, nên đi học có nghĩa là đến nghe lời thầy giảng dạy rồi ghi nhớ nằm lòng. 2) Lối hiểu biết thứ nhì phát sanh do sự suy luận (tư tuệ). 3) Cách thứ ba để trở nên sáng suốt là khai thông trí tuệ bằng lối thực hành thiền tập (tu tuệ).
Hai phương pháp đầu chỉ mở mang kiến thức trong phạm vi luận lý của thế gian. Nhờ thiền tập hành giả có thể trực giác chứng nghiệm những chân lý ngoài phạm vi của lý trí. Bhāvanā, thiền tập, hay phương cách trau giồi tâm trí, không phải là tâm trạng mơ màng tiêu cực mà là một nỗ lực linh động và tích cực. Nhờ hành thiền hành giả có thể vượt qua khỏi cảnh giới vật chất, tự đặt mình vào đời sống kỷ cương, tự kiểm soát thân tâm, tự mình giác ngộ và trở nên sáng suốt hoàn toàn. Thiền tập là thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí. Trí tuệ là yếu tố cực kỳ quan trọng trong Phật Giáo. Chính nhờ trí tuệ mà hành giả tiến đến trạng thái hoàn toàn Thanh Tịnh, và Giải Thoát cùng tột. (11)
8. Kết luận. Nam tông và Bắc tông đều coi lý tưởng Bồ-tát là cao quý nhất. Tuy vậy, Nam tông chọn La-hán đạo, còn Bắc tông thì chọn Bồ-tát đạo. Bồ-tát đạo là một vấn đề hết sức quan trọng cho người tu hành theo Đại thừa (12). Quan niệm về bồ-tát khác nhau khá nhiều, cho nên chúng ta nên kết luận rằng ai cũng có quyền tự do chọn đường tu của mình. Vả lại, đức Phật đã dạy rằng đạo của Ngài chỉ có một vị là vị giải thoát. Cho nên tu theo pháp nào mà đạt được giác ngộ và giải thoát thì đó là tu Phật! □
CHÚ THÍCH.
(1) Theo Giải thoát đạo luận thì : Có tất cả 134 phiền não, ba phiền não đầu tiên là tham, sân, si. Có thể coi thêm trong Giải Thoát Đạo Luận (2 tập), bản dịch và chú thích của Thiện Nhựt, trang 309 nói đủ về 134 phiền não; phẩm thứ 12, quyển XII, nói về tứ quả dự lưu, nhất lai, bất lai, vô sinh.
(2) Trích từ : Ven. Dr Walpola Rahula, Bodhisattva Ideal in Buddhism, from Gems of Buddhist Wisdom, Buddhist Missionary Society, Kuala Lumpur, Malaysia, 1996. Và từ: Ven. Dr Walpola Rahula, Theravada-Mahayana Buddhism, trong Gems of …)
(3) Cuốn sách 16 trang nhan đề Mừng Ngày Phật Đản, giảng về Bồ -Tát Đạo, do đạo hữu Thiện Nhựt dịch từ nguyên tác Anh văn A Talk at Buddha Day Celebration at Tathagata Meditation Center, San Jose, May 27-2001 của Hòa Thượng U Silananda [năm 2003, tủ sách Tìm Hiểu và Học Tập]. Cuốn sách này nói về Bồ-tát đạo, định nghĩa rất kỹ về Bồ-tát và quan niệm về Bồ-tát theo Thượng tọa bộ (Theravāda). Nhiều chi tiết có thể làm cho độc giả theo Đại thừa giật mình, cho nên chính tác giả đã viết : “Những chi tiết mà tôi vừa trao đến quý vị là do căn cứ theo quan kiến Theravāda, và tôi mong quý vị dè dặt về các chi tiết đó” (trang 12).
(4) Philippe Cornu, Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme, Éditions du Seuil, Paris, 2001.
(5) Kimura Taiken, Đại thừa tư tưởng luận, HT Quảng Độ dịch, trang 69.
(6) HT Thích Thiện Siêu, Đại Cương Kinh Pháp Hoa, trong BuddhaSasana, Binh Anson. HT Thiện Siêu đã viết “Lòng tin ‘Tất cả chúng sanh là Phật’ nó dễ kết hợp mọi người lại với nhau như nước tìm đến nước. Nước với lửa mới chống trái nhau, còn nước với nước thì dù có nước ở bất cứ nơi nào, sông, ngòi, ao, hồ, mương, lạch, dù trong đục, sạch dơ, đều tìm về biển. Tất cả mọi người có được lòng tin mình là Phật cũng thế, cũng tìm về với nhau trong biển cả Ðại Giác. Ðó là điểm chính, là cốt tủy, cho nên trong kinh Pháp Hoa, Phật thọ ký cho tất cả Thanh văn đều thành Phật. (Đây là cách trình bày của Đại thừa, vì Phật tánh là một tư tưởng của Đại thừa).
(7) Kimura Taiken [ghi ở (5)] trang 721.
(8) Kimura Taiken, trang 723.
(9) Tiểu thừa gồm có mười ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Tâm từ (Mettā), và Tâm xả.
(10) HT Narada, Mười pháp Ba-la-mật, Phạm Kim Khánh dịch, coi trong BuddhaSasana, Binh Anson. ♦ Các điều trình bày về lục độ ba-la-mật của chúng tôi đều dựa vào hay sao chép từ bài này ♦
Coi thêm: Sáu Ba-la-mật là pháp tu của Phật giáo Đại thừa đã được xuất hiện khá sớm trong kinh Tăng Nhất A hàm hay kinh Tăng Chi Bộ và kinh Tiểu Bộ của Phật giáo Nam truyền. Giới nghiên cứu cho rằng, những bản kinh này là tư tưởng tiền thân của Phật giáo Đại thừa. Có thể nói những bản kinh này là tư tưởng chuyển tiếp giữa Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa. Có sự khác biệt nào giữa hai hệ thống tư tưởng này? Chính là tư tưởng Bồ-tát. Khái niệm Bồ-tát trong Phật giáo Nguyên thủy xác định Bồ-tát là một chúng sinh chưa chứng quả, nhưng ý nghĩa Bồ-tát trong Phật giáo Đại thừa là người tuy chưa thành tựu Phật quả, nhưng vượt qua quả vị A-la-hán. Bồ-tát vào đời chỉ là sự ‘thị hiện’, với mục đích cứu độ chúng sinh, hay còn gọi là độ tha. Chính sự dị biệt này mà phương pháp tu tập của hai hệ thống giáo lý Nguyên thủy và Đại thừa khác nhau. Nếu như Phật giáo Nguyên thủy khuyến khích người xuất gia tìm nơi vắng vẻ tu tập thiền định, lấy 37 phẩm trợ đạo làm kim chỉ nam cho việc tu tập, thì Phật giáo Đại thừa khích lệ Bồ-tát sớm hòa nhập vào xã hội để giáo hóa chúng sinh, lấy Bốn tâm vô lượng (từ bi hỷ xả), Tứ nhiếp pháp làm phuơng tiện đặt trên cơ sở Sáu ba-la-mật. (Thích Hạnh Bình).
Đây là một ý kiến đại thừa cho rằng bồ-tát vượt a-la-hán, trong khi ấy thì chính đức Phật là một vị a-la-hán!
(11) Xin coi bài tham luận Trí tuệ Bát-nhã của chúng tôi tại đây năm 2006.
(12) Đối với Bắc tông, có một cuốn sách nổi tiếng, là Bodhicharyāvatara (Entering the Path of Enlightenment) của Shāntideva (= Śāntideva, dịch là Tịch Thiên) được rất nhiều người dịch; trong số dịch giả Việt Nam có HT Thiện Siêu và sư bà Trí Hải. Đó là cuốn Bồ-Tát Hạnh, Nhập Bồ-Tát Hạnh. □

CON ĐƯỜNG TU HÀNH CỦA BỒ-TÁT
theo Quyển 8, Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm

I. Thập tín . 1/ Tín tâm trụ 2/ Niệm tâm trụ 3/ Tinh tấn tâm
4/ Huệ tâm trụ 5/ Định tâm trụ 6/ Bất thối tâm
7/ Hộ pháp tâm 8/ Hồi hướng tâm 9/ Giới tâm trụ
10/ Nguyện tâm trụ

II. Thập trụ . 1/ Phát tâm trụ 2/ Trì địa trụ 3/ Tu hành trụ
4/ Sanh quý trụ 5/ Phương tiện cụ túc trụ
6/ Chánh tâm trụ 7/ Bất thối trụ 8/ Đồng chơn trụ
9/ Pháp vương tử trụ 10/ Quán đảnh trụ

III. Thập hạnh . 1/ Hoan hỉ hạnh 2/ Nhiêu ích hạnh 3/ Vô sân hạnh
4/ Vô tận hạnh 5/ Ly si loạn hạnh 6/ Thiện hiện hạnh
7/ Vô trước hạnh 8/ Tôn trọng hạnh 9/ Thiện pháp hạnh
10/ Chơn thật hạnh

IV. Thập hồi hướng. 1/ Cứu hộ nhất thiết chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng
2/ Bất hoại hồi hướng
3/ Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng
4/ Chí nhất thiết xứ hồi hướng
5/ Vô tận công đức tạng hồi hướng
6/ Tùy thuận bình đẳng thuận căn hồi hướng
7/ Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng
8/ Chơn như tướng hồi hướng
9/ Vô phược giải thoát hồi hướng
10/ Pháp giới vô lượng hồi hướng

Tứ quán đảnh: 1/ Noãn địa 2/ Đảnh địa 3/ Nhẫn địa 4/ Thế đệ nhất địa

V. Thập địa. 1/ Hoan hỉ địa 2/ Ly cấu địa 3/ Phát quang địa
4 / Diễm huệ địa 5/ Cực nan thắng địa 6/ Hiện tiền địa
7/ Viễn hành địa 8/ Bất động địa 9/ Thiện huệ địa
10/ Pháp vân địa

Thứ 51 : ĐẲNG GIÁC Thứ 52 : DIỆU GIÁC □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Hình: Một vị Bồ-Tát Dược-Sư – NN sưu tầm

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics