30/09: Bài 61.Ngũ Thừa Phật Giáo- Bài 62. Tịnh Độ Tông

30/09: 61.Ngũ Thừa Phật Giáo-62. Tịnh Độ Tông
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: lenhac Đọc: 5804 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-BOOK 1

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

BÀI 61. NGŨ THỪA PHẬT GIÁO

Trước đây, chúng ta đã nói qua thế nào là đại thừa và tiểu thừa, Nam tông và Bắc tông. Hôm nay, xin trình bày thế nào là ngũ thừa. Ngũ là năm, thừa là cỗ xe (thừa còn đọc là thặng). Ý nói về năm cỗ xe chở con người từ nơi mê đến nơi giác, từ vô minh tới giác ngộ (giác ngộ = bồ-đề). Năm cỗ xe ấy là: nhân thừa, thiên thừa, thanh văn thừa, duyên giác thừa và bồ-tát thừa.

Chúng ta biết rằng có tất cả 10 cảnh giới: địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, a-tu-la, nhân, thiên (thiên là loài sống trên các tầng trời, có khi gọi là tiên), thanh văn, duyên giác, bồ-tát và Phật. Sáu cảnh giới kể trước còn vướng vòng sinh tử luân hồi, gọi là lục đạo. Bốn cảnh giới sau là bốn thánh đạo, thoát sinh tử luân hồi, chứng ngộ Niết-bàn.

Địa ngục, ngã quỷ, súc sinh là ba ác đạo, khổ sở. Chẳng khi nào chúng ta muốn rơi vào những cảnh cơ cực đó cả. A-tu-la, nói tắt là tu-la, do…

… chữ phạn āsura phiên âm ra, Tàu dịch là phi-thiên, ta gọi là thần. Phật học từ điển Đoàn Trung Còn ghi: “Những người mộ việc tu hành, ham bố thí cúng dường, song tính còn nóng giận, ngạo báng thì thọ cảm sanh về hạng a-tu-la, đờn ông thì hình tướng xấu song đàn bà rất đẹp.” Chúng ta cũng không mong sanh về cảnh a-tu-la. Vậy trong ba thiện đạo, a-tu-la nhân và thiên, chúng ta nên chọn một trong hai đường là nhân và thiên ,

NHÂN THỪA. Người tu theo nhân thừa thì trước hết phải thọ tam quy, ngũ giới. Tam quy là quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng (tăng là do chữ tăng-già nói ngắn, không phải là một vị sư, mà là đoàn thể các vị xuất gia. Tăng-già do chữ phạn samgha phiên âm ra). Quy y Tam Bảo (Phật Pháp Tăng) là quay về, nương về, theo về Tam Bảo. Ngũ giới là: không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu (nói chung là những thứ say sưa). Sống theo đúng như vậy thì kiếp sau sẽ sinh làm người. Dĩ nhiên, công đức khác nhau thì hưởng quả cũng khác nhau.

THIÊN THỪA. Làm mười điều lành tức thập thiện ( = thập thiện nghiệp, thập thiện giới, thập thiện pháp), sau sẽ tái sanh lên cõi thiên, cõi thiên này có nhiều tầng. Người tu phải tránh thập ác sau đây:

1/ Sát sinh 2/ Trộm cắp 3/ Tà dâm (ba thứ này thuộc về thân)

4/ Nói dối 5/ Nói lời tục 6/ Nói lưỡi đôi chiều 7/ Nói lời ác (bốn thứ này thuộc về khẩu) 8/ Tham 9/ Sân 10/ Si (ba thứ này thuộc về ý).

Người tu phải hết sức thi hành thập thiện gồm có:

1/ Phóng sinh 2/ Bố thí 3/ Trung trinh 4/ Nói thật 5/ Nói hợp đạo nghĩa 6/ Nói để cho mọi người hòa hợp 7/ Nói lời hiền lành 8/ Không tham, mà hiểu vô thường 9/ Không sân, mà từ bi nhẫn nhục 10/ Không si, mà tìm trí huệ.

Nhân thừa và thiên thừa, khi hết phước báo, lại phải tái sanh. Những người sung sướng cũng như chư thiên thường quên việc tu hành nên khi tái sanh, chưa chắc đã “khá”.

THANH VĂN THỪA. Tu theo thanh văn thừa thì y theo tứ diệu đế (thanh là tiếng, văn nghĩa là nghe, đây là nhắc lại việc chư tỳ-kheo theo hầu Phật nghe pháp tứ diệu đế mà thành đạo). Có bốn bậc tu chứng kể từ thấp lên cao:

1/ tu-đà-hoàn, còn gọi là nhập lưu hay dự lưu tức là mới nhập hàng thánh, còn phải trở lại làm người 7 lần nữa, vì thế mới có tên thất lai.

2/ tư-đà-hàm, còn gọi là nhất lai, vì còn quay lại kiếp người một lần nữa.

3/ a-na-hàm, còn gọi là bất lai, vì không phải quay lại cõi người nữa mà được lên cõi cao hơn.

4/ a-la-hán, nói tắt là la-hán, đã tận diệt phiền não, chứng Niết-bàn.

DUYÊN GIÁC THỪA. Những vị tu theo duyên giác thừa thì y cứ vào thuyết thập nhị nhân duyên, theo đó thì sinh tử luân hồi có gốc là vô minh (có thể hiểu duyên giác là giác ngộ lý thập nhị nhân duyên. Cũng có thể hiểu là: nhân xem cái duyên ngoài như hoa bay tan tác, lá rụng tơi bời mà giác ngộ lý vô thường, đoạn diệt mê hoặc – theo Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn). Duyên giác còn gọi là độc giác nhưng có một chút khác biệt: duyên giác thành đạo khi Phật còn tại thế, độc giác tự giác ngộ khi không có đức Phật. Chữ phạn pratyeka-buddha phiên âm thành bát-lạt-ế-già phật-đà, bích-chi-ca phật-đà, gọi ngắn là bích-chi-phật, đó chính là duyên giác.

BỒ-TÁT THỪA. Chữ pali bodhisatta (sanskrit: bodhisattva) phiên âm thành bồ-đề-tát-đóa, nói tắt là bồ-tát. Bodhi là giác, satta là chúng sinh, hữu tình. Bồ-tát là bậc đã đắc quả bồ-đề, trong khi chờ lên quả Phật, thì đi cứu độ chúng sinh, bồ-tát là bậc “trên cầu đạo bồ đề, dưới cứu độ chúng sinh”. Bồ-tát ma-ha-tát hay đại bồ-tát là bậc đủ làm Phật rồi nhưng vì nguyện lớn nên còn ở trong hàng bồ-tát mà độ chúng sinh (chữ pali là bodhisatta-mahāsattva, phiên âm thành bồ-đề-tát-đóa ma-ha-tát-đóa, nói ngắn là bồ-tát ma-ha-tát; mahā là lớn, đại). Tu theo bồ-tát thừa thì phải thi hành lục độ ba-la-mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ (mỗi chữ có chữ ba-la-mật đi theo, chữ paramita phiên âm thành ba-la-mật-đa, nói ngắn là ba-la-mật, dịch là đáo-bỉ-ngạn tức là “tới bờ bên kia”, đó là bờ giác, còn bờ bên này là bờ mê). Ở đây ba-la-mật có thể hiểu là làm đến hết sức, không phân biệt, không mong cầu, làm một cách tự nhiên như mình thở vậy. Thí du: bố thí ba-la-mật là bố thí không kể thứ mình cho giá trị bao nhiêu, không cần biết người nhận là ai, không đợi ai khen, không mong công đức, làm rất tự nhiên, bình thản, nhẹ nhàng. Hàng bồ-tát có rất nhiều bậc.

Thanh văn thừa là tiểu thừa, còn duyên giác thừa là trung thừa, người ta gọi chung hai thừa ấy là nhị thừa, hay tiểu thừa, còn bồ-tát thừa là đại thừa. Cả ba là tam thừa. Trong kinh Pháp Hoa, ba thừa ấy được ví với xe dê, xe hươu và xe bò. Tất cả rút lại nhất thừa mà thôi, ấy là Phật thừa. □

BÀI 62. TỊNH ĐỘ TÔNG

Trong đạo Phật, có Nam tông và Bắc tông, trước kia gọi là Tiểu thừa và Đại thừa, nay không gọi thế nữa vì chữ “tiểu” hàm ý miệt thị. Trong mỗi tông lại chia ra nhiều tông nhỏ, mà người ta gọi là tông phái. Ở nước ta, có một số chùa Nam tông như Kỳ Viên tự ở Saigon, còn đại đa số là chùa Bắc tông thuộc về một trong ba tông phái: Tịnh độ tông, Thiền tông, Mật tông. Tịnh độ tông đông hơn cả. Thiền tông đang phát triển. Mật tông vẫn hoạt động.

Tịnh nghĩa là sạch, nhiều người nghe chữ sạch thì nghĩ ngay đến nghĩa sạch sẽ về phương diện vật chất, nhưng phải hiểu thêm nghĩa sạch về phương diện tinh thần. Độ là cõi, nước, thế giới. Tịnh độ là cõi tinh khiết. Trái nghĩa với tịnh độ là uế độ, như cõi sa-bà mà chúng ta đang ở đây. Theo kinh sách thì có nhiều cõi tịnh độ, mỗi cõi do một đức Phật dựng nên, nhưng chúng ta thường chỉ biết cõi tịnh độ của đức Phật A-Di -Đà mà ta quen gọi là Tây phương Cực lạc quốc. Cõi ấy, ngài dựng nên do hạnh nguyện và nguyện lực của ngài.

Tịnh độ tông căn cứ vào những kinh nào? Có ba kinh chính. Thứ nhất là Kinh Vô lượng thọ do ngài Khang Tăng Khải, người nước Thiên Trúc tức là Ấn Độ, dịch (thế kỷ thứ II). Kinh này nói về 48 lời nguyện của đức Phật A-Di-Đà khi ngài còn là một tỳ-kheo mang tên Pháp Tạng. Thứ nhì là Kinh A-Di-Đà do ngài Cưu-Ma-La-Thập, người Thiên Trúc, dịch (cuối thế kỷ thứ IV). Kinh này mô tả cõi Tịnh độ của đức A-Di-Đà trang nghiêm ra sao, khiến cho người ta phát nguyện vãng sanh về đó và quyết tâm thực hành pháp môn niệm Phật. Thứ ba là Kinh Quán Vô lượng thọ do ngài Cương-Lương-Da-Xá, người Thiên Trúc, dịch (đầu thế kỷ thứ V). Kinh này nói về 16 phép quán và 9 phẩm ở trên miền Cực lạc. Ba bậc thượng trung hạ, mỗi bậc ấy là một bối; mỗi bối chia làm ba phẩm, vậy tất cả có 9 phẩm. Ai lên đó thì do hoa sen tức là liên hoa mà sinh ra, xếp vào phẩm nào là do công hạnh tịnh nghiệp của mình. Tịnh độ tông còn tên khác là Liên tông (liên nghĩa là hoa sen).

Các vị tổ của Tịnh độ tông là những vị nào? Các kinh nói trên vào Trung quốc từ sớm nhưng tới đời Tùy-Đường (nhà Tùy, 581-618; nhà Đường, 618 – 907), vào đầu thế kỷ thứ VII, Huệ Viễn đại sư ra sức truyền bá Tịnh độ tông nên ngài được coi là giáo tổ sáng lập của Tịnh độ tông Trung quốc, ba vị dịch kinh mới kể trên được gọi là giáo tổ dịch giả. Liên tông tôn đức Phổ Hiền làm sơ tổ.

Tại Nhật bản, có Tịnh độ chân tông, gọi tắt là Chân tông, gốc từ Tịnh độ tông mà ra, tôn nhà sư Chân Loan làm tổ, tông này cho phép lấy vợ, ăn thịt, không cần trì giới!

Mục đích của Tịnh độ tông là vãng sanh (vãng nghĩa là qua) về cõi tịnh độ của Phật A -Di-Đà. Phương pháp là chuyên tâm niệm Phật. Niệm là nhớ nghĩ. Niệm Phật là nhớ nghĩ đến Phật. Chuyên tâm niệm Phật là luôn luôn nhớ nghĩ đến Phật. Nhớ nghĩ thế nào? Có nhiều cách: trì danh niệm Phật, tham cứu niệm Phật, quán tượng niệm Phật và quán tưởng niệm Phật. Chúng ta thường theo cách đơn giản hơn cả là trì danh niệm Phật tức là cách niệm (to hay nhỏ hay thầm) danh hiệu đức Phật A-Di-Đà. Từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, rảnh rang lúc nào là niệm Phật lúc đó. Đi, đứng, nằm, ngồi, cũng cứ niệm Phật.

Niệm Phật thì được những lợi ích gì? Thứ nhất là những niệm về Phật sẽ át những niệm của chúng sinh, nghĩa là do niệm Phật mà những ác niệm từ tham sân si tới, những tạp niệm từ các suy nghĩ lăng xăng tới, sẽ mất dần đi, trong tâm chỉ còn thiện niệm mà thôi. Thứ nhì là nhờ niệm Phật mà dễ định trí, không nghĩ tán loạn, như vậy học hành mau hiểu, mau nhớ, phán đoán sáng suốt, quyết định hợp tình hợp lý. Thứ ba là nhờ tinh thần an ổn, thoải mái mà thân thể chịu ảnh hưởng, nhanh nhẹn hơn, khỏe mạnh hơn. Thứ tư là nhờ niệm Phật mà lúc lâm chung sẽ có Phật và thánh chúng tới đón đúng như lời nguyện của Phật A-Di-Đà. Do công hạnh nhiều ít sẽ vãng sanh vào một trong số 9 phẩm cõi Cực lạc. Lên cõi Cực lạc để mà tu, chứ không phải là lên đó là thành bồ-tát hay Phật ngay! Cái lợi là được ở cạnh các thượng thiện nhân, để học hỏi tu hành. Cõi Tịnh độ này được gọi là phàm thánh đồng cư tịnh độ (phàm và thánh ở chung một cõi).

Người tu Tịnh độ phải hiểu thế nào là ba tư lương (tư là giúp đỡ, lương là lương thực), đó là tín, nguyện và hành.

a/ Tín là tin, tin lời chư Phật, tin lời nguyện của đức Phật A-Di-Đà, tin pháp môn niệm Phật, tin mình có đủ khả năng vãng sanh.

b/ Nguyện là mong mỏi thực hiện được những điều mà mình ao ước chân chính một cách mạnh mẽ, vững chắc và liên tục, chuyên cần, không thoái chuyển.

c/ Hạnh là thực hành. Chỉ tin xuông mà không phát nguyện thì chưa đủ mạnh, tín và nguyện rồi mà không thực hành thì chẳng thu lượm được kết quả gì. Vì thế người ta nói tín, nguyện, hạnh là ba chân của một cái đỉnh, thiếu một là đổ!

Ngày nay, con người rất bận rộn, bao nhiêu năng lực dồn hết vào sự phấn đấu cạnh tranh sinh tồn. Nào học hành, làm ăn, thuế má, nào vợ con, nợ nần! Lại còn rất nhiều đe dọa về sức khỏe thể xác và tinh thần: bệnh tật ngày càng hiểm nguy, hình như bao nhiêu tiến bộ về y khoa đều bị thu hẹp vì bệnh tật càng ngày càng nhiều. Phương tiện truyền thông quá nhiều đến nỗi không còn là phương tiện cho con người mà lại là ông chủ uốn nắn cách suy tư của con người. Môi sinh và thời tiết luôn luôn là mối đe dọa thật sự. Con người muốn được giải thoát khỏi mọi khổ đau mà không có thì giờ tu hành. Thì đây, pháp môn niệm Phật thật là một pháp môn đơn giản, bằng phẳng, dễ thực hành hơn các pháp môn khác, mà kết quả chắc chắn. Chúng ta không nên chần chờ, hãy cất bước lên đường ngay hôm nay! □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật-Book I – Montreal 2010

(Hình: Hương Sơn Tự – Trung Quốc – NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics