6/04: 11-Quán Thế Âm – 12-Kiết Hạ
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4405 lần
19 tháng 9, ngày vía đức
11. QUÁN THẾ ÂM- 12-Kiết Hạ
Hoằng Hữu Nguyễn văn Phú
Hôm nay là ngày vía đức Bồ-tát Quán Thế Âm, Phật tử chúng ta hoan hỉ và kính cẩn đảnh lễ trước tôn tượng của Ngài, uy nghi, dịu dàng và hiền hậu: “Nam mô đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát Ma-ha-tát, ”.
Tay mặt Ngài cầm cành dương vừa dẻo vừa mềm tượng trưng cho đức nhẫn nhục, tay trái Ngài cầm bình thanh tịnh chứa nước cam lồ tượng trưng cho tâm từ bi. Nghe tiếng kêu thương của chúng sinh, Ngài hiện thân đến an ủi, Ngài là mẹ hiền của tất cả. Con cái bị lửa phiền não thiêu đốt, mẹ hiền chạy tới dập tắt và tưới nước cam lồ cho con được mát mẻ an lành. Từ bi là cứu khổ cho vui, nhẫn nhục để kiên tâm giáo hóa chúng sinh đang chìm đắm trong vô minh.
Tại sao mỗi năm có tới ba ngày vía đức Quán Thế Âm? Hòa thượng Huyền Tôn giảng rằng: “Trong Thiền môn Nhật tụng cổ xưa, có ghi chép: 19/2 là vía ngày đản sinh, 19/6…
… là vía ngày thành đạo, 19/9 là vía ngày xuất gia của Ngài”.
Trí Giả đại sư trên núi Thiên Thai đã viết: “…Tịnh thủy vuông tròn tùy theo bình chứa đựng, có hay không cũng tùy tiết tùy thời. Mùa xuân là loãng, mùa đông thì đặc.” Cũng là nước mà lúc là đá, khi là hơi, lúc khác lại lỏng. Khi thì êm ả như mặt hồ thu, lúc lại ầm ầm thác đổ từ trên cao xuống. Nước quả nhiên là diệu dụng. Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện mọi cách để cứu độ chúng sinh, đó là diệu dụng cứu khổ của Ngài”.
Ngài thị hiện thế nào khi có vô số chúng sinh cầu Ngài cứu khổ cùng một lúc? Hòa Thượng Huyền Tôn giải thích như sau: “Ngài như ánh thái dương chiếu sáng khắp nơi. Mỗi chúng sinh như một chén nước trong. Nếu hướng đúng về thái dương thì có ánh sáng, sáng ngời trong tất cả mọi chén. Nếu che kín đi thì nhất định hình ảnh và ánh sáng không hiển hiện trong đó được. Cũng vậy, không tha thiết chí thành, trốn tránh thì làm sao mà gặp mẹ hiền được!”. Có cảm tất có ứng. Nhưng làm sao mà cảm? Tin cho chắc, nguyện cho thiết, hành cho siêng, ba nghiệp thân khẩu ý đều thanh tịnh. Con đường giản đơn như vậy, cái khó là cất bước và kiên nhẫn tiến lên.
Ngài Quán Thế Âm không giáng sinh ở trái đất chúng ta. Người Việt Nam chúng ta thờ Ngài dưới nhiều hình tượng: một là Quán Âm đồng tử, hình Phật Bà bế đứa trẻ nhỏ, liên quan đến sự tích Thị Kính; hai là Quán Âm Nam hải, hình Phật Bà đứng trên bông sen ở biển Nam hải, liên quan đến sự tích đức chúa Ba tu ở chùa Hương; thứ ba là Quán Âm thiên thủ thiên nhãn, có ý nói lên khả năng cứu độ vô biên của Ngài. Tại chùa Bút Tháp, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, có tượng thiên thủ thiên nhãn rất đẹp, tạc từ năm 1656. Nay tại chùa Liên Hoa ở Brossard, có một pho hệt như vậy, thỉnh quý vị tới chiêm ngưỡng và đảnh lễ.
Một số bạn trẻ thắc mắc rằng tại sao niệm hồng danh Ngài Quán Thế Âm mà nhảy vào lửa, lửa không đốt cháy mình được? Xin quý bạn hãy tìm hiểu huyền nghĩa chứ đừng theo nghĩa đen để rồi sinh lòng nghi ngờ. Vắn tắt như sau: khi ta tiếp xúc với ngoại cảnh , ta có phản ứng, hoặc ưa, hoặc ghét, hoặc dửng dưng. Ưa thì muốn chiếm. Ghét thì muốn phá. Dửng dưng thì muốn cho qua. Lòng tham mà nổi lên thì chẳng khác gì ngọn lửa đốt cháy tâm can, cơn giận kéo tới thì dữ dội ngang bão tố. Chúng lôi cuốn ta nghĩ xằng làm bậy y như bị ma quỷ xúi dục, ta mất tự chủ, coi như bị trói buộc tù đầy. Nếu biết thành tâm, kiên trì niệm hồng danh đức Quán Thế Âm thì lòng tham lắng xuống, cơn giận lui đi. Tâm ta được an, ta tự chủ tự tại. Như vậy là: vào lửa mà lửa không đốt cháy được, gặp bão mà thuyền không chìm, bị gông cùm mà phá được gông cùm.
Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm năm thứ 13 thành lập Tổ Đình Từ Quang (1985). Nói lời văn hoa đến đâu cũng không bằng mời quý vị xem tận mắt những tiến bộ vượt bực thực hiện nơi đây. Mới ngày nào, thày trò dọn vào một cái nhà kho trống trải như quán chợ, nay Tổ Đình đã trở nên đẹp đẽ trang nghiêm, xứng đáng làm nơi thờ phụng Tam Bảo, làm chỗ tập hợp các tâm hồn đồng đạo tới tìm không khí thân mật và thông cảm, trong tinh thần từ bi giải thoát của đấng Cha Lành. Phật tử xin trân trọng tri ân Hòa Thượng Viện chủ đã dày công lo nghĩ, thu xếp, thực hiện đồng thời vận động đồng bào Phật tử xa gần vun sới, xây dựng cho Tổ Đình được như ngày nay. Đành rằng đối với đạo Phật, chẳng có gì là vĩnh cửu, vạn sự giai không, song đứng trước một giai đoạn cần củng cố đạo pháp nơi đồng bào xa đất nước hàng vạn dậm và hoằng dương Phật pháp nơi quê hương thứ hai này, thì cái hiện thực không thể thiếu được. Trước cái không, ắt là phải nhận cái có, và chúng ta theo trung đạo, không dính mắc bên nào hết cả.
Kính xin thập phương thường trụ Tam Bảo gia hộ cho Tổ Đình Từ Quang làm tròn bổn phận đối với đạo pháp, đối với dân tộc và đối với quê hương thứ hai.
Hoằng hữu Nguyễn Văn Phú
(Bước Vào Cửa Phật – Book 1) □
12. KIẾT HẠ
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Hàng năm, Đức Phật Thích-Ca và các vị tỳ-kheo không đi thuyết pháp các nơi mà dừng lại ở một chỗ trong mùa mưa vào khoảng ba tháng. Thời kỳ này gọi là thời kỳ kiết hạ. hay kết hạ. Trong bài này, chúng tôi xin ghi lại cách sống trong một năm và cách sống hàng ngày của Đức Thế Tôn, không nói riêng về kiết hạ.
Vào khoảng tháng sáu dương lịch, tại Ấn Độ, là bắt đầu mùa hạ, trời oi ả, mưa to, sấm chớp, báo hiệu mùa mưa. Mọi người chuẩn bị nhà cửa, lương thực để đối phó với mùa mưa này. Mưa nhiều đến nỗi đường xá ngập lụt, làng nọ đứt liên lạc với làng kia, công việc đồng áng ngừng lại, dân chúng ở nhà làm việc vặt, đan lát. Trong mùa này, đức Thế Tôn và chúng tỳ-kheo ngưng không đi hoằng pháp mà dừng lại ở gần một thành phố hay một thị trấn lớn để “an cư”. Ngoài lý do là sự khó khăn về di chuyển, còn một lý do sâu xa hơn: mưa bắt đầu thì cuộc sống cũng bừng dậy, bao nhiêu sinh vật ra đời, nếu bước chân ra đường thì rất dễ dẫm nát những con vật nhỏ nhít đó và làm như vậy là phạm vào tội sát sinh
Vào lúc kiết hạ an cư, các vua chúa, trưởng giả tranh nhau mời chào đức Thế Tôn và các vị tỳ-kheo đến ngụ tại những nơi mà họ đã dựng sẵn để đón các Ngài. (Hình: Lễ Phậto*? chùa Vạn Thông-Bà Rịa/Vũng Tàu)
Hết mùa mưa, đến mùa tạnh. Đức Thế Tôn và đoàn tỳ-kheo, từ ba trăm đến năm trăm vị, đi khắp đó đây để hoằng pháp. Các Phật tử đã dựng sẵn những nơi tạm trú để Ngài và đoàn tùy tùng nghỉ đêm, nếu chỗ nào không có chỗ trú chân như vậy thì đức Thế Tôn và chúng tỳ-kheo dùng ngay các vườn chuối, vườn soài để qua đêm.
Vua Tần-Bà-Sa-La tặng Giáo-hội một vườn trúc rất rộng, gọi là Trúc Lâm, trước kia là nơi nghỉ mát của vương gia. Nổi tiếng hơn Trúc Lâm là Kỳ Viên do nhà trưởng giả Cấp Cô Độc tặng Giáo hội. Chúng ta đều biết truyện ông Cấp Cô Độc bỏ ra rất nhiều vàng, mua vườn của thái tử Kỳ Đà để làm quà tặng Giáo hội, đến nỗi thái tử, từ ngạc nhiên đến cảm động, tặng luôn cả cây để kính biếu. Vì thế trong Kinh A-Di-Đà, ta thấy mở đầu: “Như thị ngã văn, nhĩ thời, Phật tại Xá-Vệ-Quốc, Kỳ thụ, Cấp Cô Độc viên…” Nhiều kinh khác cũng bắt đầu như vậy.
Thường thường đức Thế Tôn và các vị tỳ-kheo hay ngụ tại Trúc Lâm hoặc Kỳ Viên. Ở mỗi nơi, đều có nhà cửa, kho, giếng, phòng hội và nhiều ao trồng hoa sen. Trong vườn, là các cây soài, cây dừa và một loại cây giống như cây đa xứ ta, các rễ phụ rủ xuống đất mọc thành ra những cây khác, cho nên có các lùm cây um tùm rất tiện cho việc ngồi tham thiền nhập định.
Mỗi khi đức Thế Tôn đến ngụ tại các nơi đó thì các vị tăng ni, tu sĩ, cư sĩ Phật giáo hay ngoại đạo đến viếng, hoặc là để học đạo nơi Ngài hoặc là để “đấu lý” với Ngài.
Các vị vua chúa cũng đua nhau đến thăm Ngài và nhiều người sau khi nghe Ngài thuyết pháp, đã xin quy y và trở thành cư sĩ. Kỳ Viên hay Trúc Lâm vào những dịp này thật là ồn ào vì khách khứa quá đông, hơn nữa những người từ xa đến bao giờ cũng được những người “địa phương” hỏi han đủ mọi điều.
Các vị trưởng giả, vương bá đều mời đức Thế Tôn và chúng tỳ-kheo đến dùng cơm trưa vào ngày hôm sau. Nếu Ngài yên lặng tức là Ngài nhận lời. Sáng hôm sau, hàng đoàn người ngựa voi đến đón, nhưng Đức Thế Tôn chỉ ôm bình bát cùng đoàn tùy tùng đi bộ đến nhà gia chủ. Tất cả gia đình gia chủ và họ hàng đều lăng xăng chạy đi chạy lại mời mọc, hầu ăn uống. Sau đó, mọi người ngồi vây quanh đức Thế Tôn để nghe pháp.
Nếu không có ai đứng mời thì sáng ra, sau khi hành lễ, đàm đạo, thuyết pháp, đức Thế Tôn cũng như chúng tỳ-kheo ôm bình bát vào thành để khất thực. Kinh Kim Cương chép: “Đức Thế Tôn theo thứ tự khất thực từng nhà, đem về tịnh xá, ăn cơm và xếp bát, rồi rửa chân, giải tòa ra ngồi”. Ngắn, gọn, nhưng cảm động xiết bao. Một người mà bao nhiêu vị vua chúa tôn sùng, bao nhiêu dân chúng quý trọng, bậc thầy của nhân loại, mà sống đơn giản đến như thế!
Buổi trưa, nóng nực, là giờ nghỉ hoặc ở trong phòng hoặc trong vườn, dưới bóng các cây to. Buổi chiều, do sự ồn ào của các đoàn khách mới tới mà sự yên lặng bị phá tan.
Trong mùa an cư, có luật lệ rõ ràng. Các vị tỳ-kheo, ngoài việc học hỏi, thường phải chú trọng đến sự trau dồi đạo hạnh. Mỗi người sám hối, trình rõ những công việc, ý nghĩ của mình và thành khẩn xin mọi người chỉ dạy.
Hết mùa an cư, là đúng vào mùa Vu-Lan. Mọi người lo xin các tỳ-kheo dốc lòng chú nguyện để “xá tội vong nhân” như chúng ta đã biết qua kinh Vu-Lan và kinh Mục-Kiền- Liên.
Tiếp đến là cuộc du hành hoằng pháp… □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
(Bước Vào Cửa Phật – Book 1)
– Hình do NN sưu tầm –