Cây Xương Rồng Nguyễn-Hữu-Đang (tiếp theo)

Cây Xương Rồng Nguyễn-Hữu-Đang (tiếp theo)
Nuyễn-Đặng-Bắc-Ninh
Sau khi đã nhận anh em thứ bậc do tình quen biết giữa hai gia đình từ nhiều năm, nhà tôi nhắc đến bài viết về cụ Đang của anh Quán đã là động lực khiến chúng tôi đến thăm ngày hôm nay, chị Trâm nói anh chị có người quen ở Canada là anh Đỗ quí Toàn cũng thích bài ấy lắm và chị Toàn có về thăm anh chị .Chồng tôi trả lời có biết anh Toàn cùng học trường Chu Văn An ngày xưa, và ở hải ngoại anh Toàn viết rất nhiều .Anh chị cũng tặng chúng tôi cuốn Trăng Hoàng Cung có bài anh Toàn giới thiệu .
Anh Quán lấy ra một xấp hình cho chúng tôi xem buổi lễ thọ cụ Đang năm ngoái khi cụ 80 tuổi, gọi là “Lễ mừng sống dai”. Bữa đó anh tặng cụ Đang một chậu xương rồng và đọc bài thơ :
Cây chi cây lạ lùng
Không cành cũng không lá
Chỉ toàn thân với thân
Mà thân thì dựng ngược
Như gậy gộc nghĩa quân
Toàn những góc với cạnh
Lại tua tủa gai chông
Nhựa độc hơn bọ nẹt
Gai buốt nhọn hơn gươm
Người nghèo đem…… luộc kỹ
Ăn lại lành thay cơm
Mọc lên từ cát lửa
Hồn vẫn xanh mát trong
Che chở người lương thiện
Trộm cướp đều ngại ngùng
Cây như một biểu tượng
Đời gọi cây xương rồng
Anh có thật xương rồng
Hay xương người nghĩa khí
Ngã xuống rồi hoá thân ?
Cụ Đang hào hứng nói thêm :
-Hôm đó có đủ mặt anh em, cũng đến một trăm người: Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Cung, hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn, Hữu Mai chủ tịch Hội Nhà Văn ….Hôm đó là không bàn, không ghế, thịt heo quay cứ chặt ra lót lá chuối .Có lạc rang và một thùng rượu lớn, ai muốn cứ việc đến múc, tôi chỉ mời mỗi người một chén đầu tiên .
Chị Trâm giải thích :
-Chúng tôi nghĩ đến cụ Đang còn ở mãi nông thôn, không ai biết đến, nên báo chí cứ bảo là cụ chết rồi .Anh em bàn định là phải làm cho cụ Đang “sống dậy” .Nhưng phải cẩn thận vì mình vẫn là đối tượng đang bị theo dõi .Hôm đó, mọi người ngồi hết cả từ trong nhà ra tới bên ngoài .Có anh Phùng Cung nói lời chúc mừng đầu tiên, cụ Đang phát biểu rồi tới anh Quán .Nhưng nói gì xong là đánh máy, in ra rồi phát ra cho mọi người để sau này không ai xuyên tạc được là mình nói đến chính trị .
Anh Quán cười, nhấm một ngụm nước trà : (Trong hình: Phùng Quán phía ngoài; cụ Đang bên trong . Đức Quý chụp ngày về thăm cụ & P. Quán)
– Nói thật với chị, tính tôi vẫn lười, nhưng hôm nay biết thế nào anh chị cũng đến, tôi phải đi đón anh Đang .Tôi đạp xe sang nhà Phùng Cung bảo thằng cháu “Mày đi chơi với chú đèo cụ Đang giúp chú một quãng”, vì cũng mệt mà xa lắm .
Chị Quán đỡ lời :
– Nhà cụ Đang tận Nghĩa Đô .Cụ ở trên căn hộ lầu năm, nhưng nhờ trời qua bao nhiêu gian khổ mà cụ vẫn còn được như vậy .
Cụ Đang cười hồn nhiên :
– Bình thường thì tôi có bốn cái khoẻ : ăn khoẻ, ngủ khoẻ, nói khoẻ, và đạp xe khoẻ . Ăn thì tôi phải ăn hết 3 lạng gạo mới đủ no, ngủ thì tôi ngủ 8 tiếng, nói thì hội trường đông đén 500 người, micro tôi gạt ra một bên, chỉ nói tiếng không cũng đủ nghe rồi .Còn đi xe đạp thì mỗi ngày tôi đạp 50, 60 cây số giữa trời nắng chang chang là thường .Nhưng bây giờ cũng bắt đầu thấy mệt, vác cái xe đạp lên lầu năm cũng đã thấy nặng lắm .
Nhà tôi hỏi :
– Thưa cụ, bây giờ cụ đang viết gì ?
– Tôi cũng muốn tranh thủ cái thời gian này để viết, nhưng mà cũng rất tiếc là từ nay cho đến lúc chết cũng chẳng còn bao lâu, không hiểu có viết được nhiều không, nhưng còn viết được ngày nào thì cứ viết, còn nước còn tát .Khi mình còn ở trong nhà tù thì không nghĩ là triển vọng nó thế nào cả, vì không biết lúc nào được thả về, không biết lúc nào sống, lúc nào chết, nên chỉ cố thích ứng với trại giam mà thôi …Vì cái chỗ tôi bị giam giữ không giống như những nơi giam giữ khác …Ở nơi đó nguyên tắc đã đến là không về, bất kể án phạt của anh là bao nhiêu, chung thân, 10 năm hay 20 năm cũng vậy .
Khi người ta đưa đến đấy là ngầm cái ý là không về, cứ ở đó vĩnh viễn, cho nên tôi đã không nghĩ ngợi gì … Tới giờ này được thả ra và ngồi viết cũng có vấn đề là mình phải nắm được tình hình xã hội , phải có một lượng thông tin cho đủ nhiều . 35 năm nay, tôi sống cách ly với xã hội, đủ biết là sự lạc hậu về tinh thần rất lớn : người ta đọc đến hàng ngàn cuốn sách, mình chưa đọc cuốn nào .Người ta đọc đến hàng vạn bài báo, mình chưa đọc bài nào .Người ta dự đến hàng trăm buổi họp, mình chưa dự một buổi nào .Thế là lạc hậu lắm .Lạc hậu về số lượng thông tin như thế thì rất khó khăn, vì khi viết ra không biết người ta đã viết chưa, có trái ngược không, có trùng hợp không, hay có khi lại còn bị lôi thôi .Ếch ngồi đáy giếng viết ra, dù những chuyện riêng tư, cũng sợ không ăn khớp với trình độ chung của người đọc và cái nhu cầu chung của xã hội, nên tôi càng thấy khó …” Sauk hi ngồi nghe anh Quán vừa uống trà, hút thuốc lào, vừa đọc những bài thơ đắc ý của anh, chúng tôi được mời lên “Chòi Ngó Sóng” để ngắm cảnh Hồ Tây về chiều và xem những bút tích của các văn hữu đề tặng .Thấy cụ Đang còn có vẻ muốn nói một điều gì, anh Quán nhìn ông bạn như chờ đợi . Cụ Đang cất tiếng :
– Thường thì sự cảm động làm người ta trở nên vụng về, lúng túng … Lúng túng trong ngôn ngữ, trong cử chỉ .Nhân đây, tôi cũng nói đến một chi tiết vui, là tôi có để ý đến chị
(Tôi kêu thầm : Chết rồi, chuyện gì đây ?)…là đi đã lâu mà về trông vẫn còn trẻ trung thế này (?) .Mà theo ý riêng của tôi, ở nước ngoài đã lâu, thường là phải âu hoá trong tinh thần, âu hoá về ngoại hình . Do cứ nghĩ như thế về tuyệt đại đa số các bà con ta ở nước ngoài về, tự nhiên tôi để ý đến mái tóc của chị . Đáng lẽ ra, hợp lý ra, là phải uốn cho giống người ta, cho hoà hợp với những người xung quanh, chứ trông khác người ta không có lợi, nhưng sao mái tóc của chị lại như thế này ? Tôi muốn hỏi tại sao lắm, nhưng tôi hỏi mà xin chị đừng trả lời . Vì không có câu trả lời thì tôi mới có toàn quyền suy diễn theo ý tôi . Tôi chợt nghĩ một lúc nào đó, tôi sẽ viết một bài, vì thơ tôi không biết làm, về buổi gặp gỡ anh chị và cháu ngày hôm nay và về mái tóc của chị .Và chị cứ để tôi cái quyền nghĩ mái tóc của chị mang một một ý nghĩa là lúc nào cũng mang tổ quốc quê hương trên đầu .Có thể là không đúng nhưng chị cứ cho tôi cái quyền đó. (Hình bên từ trái:chị Trâm,Đức Quý-cụ Đang-anh Khanh-P.Quán)

Nghe cụ nói, anh Quán đưa mắt tò mò nhìn lại tôi và chị Trâm nói thêm mấy câu đùa vui phụ hoạ .Vợ chồng tôi chỉ nhìn nhau cười và cám ơn cụ .
Ngày hôm sau, gặp ở nhà hàng, với một số người trong họ hàng chúng tôi và có cả Hoàng Cầm, Phùng Quán, cụ ký tặng chúng tôi bài viết “Bộ vòng Sơ-men” , hồi ký về mối tình duy nhất trong đời cụ : “Mùa hè năm 1946, trong khung cảnh Hà Nội nhộn nhịp tưng bừng, chàng trai hào hoa, đầy quyền lực Nguyễn Hữu Đang tình cờ được gặp một cô gái tuyệt sắc tên Huyền Nhiên là em họ của một người bạn .Dù đang hăng say hoạt động chống Pháp với nhiều trách nhiệm quan trọng, chàng đã để lòng rung động về sắc đẹp và trí thông minh của cô .Hai người đã đi đến hứa hen, và thể hiện là chàng đã trân trọng tặng Huyền Nhiên một bộ vòng Sơ-men bằng bạc (một bộ vòng đeo tay các cô gái trẻ thời trước rất ưa thích gồm có bảy chiếc vòng thanh mảnh, tượng trưng cho bảy ngày trong tuần, nên gọi là vòng semaine ) .
(còn tiếp)
Đức Quí Nguyễn-Đặng-Bắc-Ninh

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics