Họa sĩ Phạm Tăng-Bài 3,4,5 và hết (DTL)*-

Thế giới ghi nhận những gì qua tranh Phạm Tăng?
Nguồn:nguoiviet.com- Friday, February 5, 2016

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

danh hoa PT 6.jpg1

(Hình: Phạm Hải Nam)

Với hàng trăm bài báo, được viết bởi những nhà phê bình hội họa tên tuổi khắp Âu Châu và, Hoa Kỳ viết về bản-sắc cõi tạo hình của họa sĩ Phạm Tăng, học giả Hữu Ngọc đã chọn và, chuyển ngữ một số nhận định mà, ông cho là tiêu biểu cho tài năng ngoại khổ của họ Phạm. (9) Những phần chuyển dịch đó của học giả Hữu Ngọc, nguyên văn như sau:

“…Ngay từ năm 1967, Giải Nhất của UNESCO (tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa của Liên Hiệp Quốc) ở La Mã đã đánh dấu sự công nhận quốc tế tại ngay Ðất Thánh hội họa thế giới.

“Nhà phê bình Bỉ Alanh Ghémô nhận định là họa sĩ Việt Nam Phạm Tăng ‘đã dạy một bài học về khiêm nhường và cảm xúc cho tất cả những người ở phương Tây đặt cọc vào bạo lực, thô lỗ, ấn tượng thô bạo vì họ không còn tin vào sức mạnh của đầu óc tế nhị (báo Xpênxin Bruyxen, 4.12.1968) (…).

“…Ông G.G. Acgan, chủ tịch quốc tế những nhà phê bình nghệ thuật, nguyên thị trưởng La Mã, giới thiệu Phạm Tăng như sau: ‘Từ nhiều năm nay, ông làm việc ở La Mã, ông nổi tiếng và được đánh giá cao trong các giới nghệ thuật Ý do tính tình hòa nhã kín đáo, tính chất nghiêm túc của tìm tòi hội họa. Và tính chất tế nhị nên thơ của sáng tác. Vẽ đối với ông là một sự thể hiện bản chất về tinh thần… Chất liệu ông dùng vỡ tan ra thành nhiều mảnh nhỏ li ti… Hình như vật chất tan vỡ ra để chiếm nhiều không gian hơn, vượt qua giới hạn của mình và lan rộng ra chung quanh. Vật chất dường như tìm lại được nhịp điệu tự nhiên, có vẻ như nó đã tan vỡ theo một bình đồ đã hoặc định sẵn.’

(…)

danh hoa PT7.jpg1
(Hình: Phạm Hải Nam)

“‘…Nghệ thuật của Phạm Tăng là một chuỗi liên tiếp những khám phá choáng ngợp bởi vì người ta không bao giờ biết được tác phẩm khởi đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu, mỗi bức tranh là hằng hà sa số vũ trụ mà mắt ta lướt trên đó chẳng khác gì một phi thuyền không gian đi tìm các thế giới.’ (André H. Lemoine, 1968 – Nhà phê bình)

“Quan niệm nghệ thuật của Phạm Tăng đã mang lại một giải pháp để giải quyết sự bế tắc của hội họa phương Tây từ khi xã hội công nghiệp – kỹ trị thành hình: sự đối lập giữa tượng hình và trừu tượng. Mặt khác, nó cũng vạch một con đường độc đáo trong nghệ thuật phương Ðông, khác Trung Quốc và Nhật Bản…” (Hữu Ngọc, “Phạm tăng và cảm quan vũ trụ”) (Nđd) (10)

…….

Ðó là một số ghi nhận của các tác giả về thế giới tạo hình của danh họa Phạm Tăng. Nhưng đâu là lên tiếng chính thức của họ Phạm về vũ trụ đường nét của ông?

Căn cứ theo bộ sưu tập về họa sĩ Phạm Tăng, của nhiếp ảnh gia Phạm Hải Nam, thì ở Giai Phẩm Xuân Bách Khoa, Saigon, 1974, tạp chí này đã đăng tải một thư rất dài của họ Phạm, gửi cho ông Lê Ngộ Châu, chủ biên tạp chí Bách Khoa; nhằm trả lời một số câu hỏi Bách Khoa đã gửi cho họa sĩ Phạm Tăng.

danh hoa PT8.jpg1
(Hình: Phạm Hải Nam)

Trong “Lời tòa soạn,” người chủ biên Bách Khoa viết:

“Họa sĩ Phạm Tăng là người đã trình bày và minh họa cho Bách Khoa từ cuối năm thứ nhất (1957) đến liên tiếp hai ba năm sau, để lại trên các số báo này nhiều hình vẽ tuyệt đẹp đã được dùng làm phụ bản một số tác phẩm văn nghệ xuất bản ở Saigon (…).

“Bao nhiêu năm im lặng hầu như để ‘tu dưỡng cho nghệ thuật được trưởng thành’, thấy Phạm Tăng đã lên tiếng giãi bày nghệ thuật của mình, Bách Khoa liền gửi thư sang phỏng vấn anh về sự học tập ở nước ngoài, về tình trạng hội họa ở Tây phương, về đường lối sáng tạo của riêng anh, v.v…

“Có lẽ vì thấy cuối năm 1973, Bách Khoa như ngọn đèn chập chờn sắp tắt, nên anh xúc động vội cố gắng trả lời bằng một lá thư thật dài, mà chúng tôi xin đăng tải nguyên văn dưới đây. Cám ơn anh Phạm Tăng đã cặm cụi viết 13 trang thư dài gửi về, chứng tỏ tấm lòng của anh đối với các anh em cũ và bạn đọc Bách Khoa, đúng như anh nói, vẫn nguyên vẹn như 15 năm trước”…

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(9) Theo tạp chí Minosse, số 23, năm thứ XVI thì họa sĩ Phạm Tăng sinh năm 1928 tại Ninh Bình (chứ không phải là năm 1922, 1925 hay 1926 như một số tư liệu khác). Ðồng thời tạp chí này cũng ghi triển lãm đầu tiên của họ Phạm là năm 1945 ở Hà Nội; sau đó là năm 1946 ở Nam Ðịnh, năm 1950 ở Ninh Bình, năm 1960 ở Firenze, và năm 1961 ở Roma, v.v…

Mặt khác, một tạp chí ở Hà Nội đã ghi lại buổi thảo luận về cuộc triển lãm tháng 8, 1946, có sự tham dự của nhiều họa sĩ nổi tiếng thời đó. Trong số này, ngoài Phạm Tăng, người ta còn thấy những tên tuổi khác, như Lương Xuân Nhị, Hoàng Tích Chu, Văn Cao, Phạm Văn Ðôn…

(10) Trong phần Giới Thiệu, trước khi mở vào thi phẩm “Thơ Phạm Tăng,” do Nhà XB Văn Học, Hà Nội, ấn hành năm 1994, nhà thơ Trần Lê Văn viết:

“Phạm Tăng là bạn cố tri của Hữu Ngọc và tôi. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng tôi đã làm báo với nhau ở Nam Ðịnh. Khi thành phố bị tạm chiếm, chúng tôi đi cùng với tòa báo về các vùng nông thôn. Hữu Ngọc và tôi chuyên viết. Phạm Tăng chuyên vẽ. Anh vẽ minh họa báo, vẽ tranh đả kích địch, tranh biểu dương tinh thần yêu nước chống giặc của quân dân ta. Hồi ấy tôi nhận thấy ở Phạm Tăng một nghệ sĩ trầm mặc, có đời sống nội tâm sâu lắng, ít bộc lộ ra bên ngoài, tài và tình có nhiều phần còn tiềm ẩn…” (Nđd).

-Về nhà thơ Trần Lê Văn, trang mạng Wikipedia-Mở ghi: Trần Lê Văn tên thật là Trần Văn Lễ, bút danh Trần Lê Văn, Tú Trần. Ông sinh năm 1923, tại Vị Xuyên, Nam Ðịnh (…). Ông là người cùng họ và cùng làng với thi hào Tú Xương (Trần Tế Xương). Từ thời trẻ ông đã tự trang bị cho mình một vốn học vấn, dù ông khiêm tốn tự nhận là “thường thường bậc trung,” nhưng có thể nói là khá dày dặn (…). Ông đã từng tham gia cuộc chiến tranh với Pháp từ những ngày đầu khai chiến, là hội viên sáng lập Hội Nhà Văn VN, có thơ in chung với Quang Dũng từ năm 1957 (tập “Rừng biển quê hương”). Nhưng phải hơn 20 năm sau (1979) Trần Lê Văn mới có tập thơ in riêng, tập “Giàn mướp hương” khá mỏng mảnh về số trang (…). Ông và người bạn thân Quang Dũng có sự gặp gỡ ở cách làm thơ dung dị nhưng có sức truyền cảm lớn. Từ đó đến nay, nhiều bạn trẻ vẫn nhớ và thuộc thơ ông: Tập “Tiếng Vọng” – ra đời năm 1987, đầy hân hoan, ngập tràn tình yêu và niềm tin vào cuộc sống… Ông mất năm 2005, thọ 82 tuổi.

-o0o-

Phạm Tăng, nói gì về sáng tạo: Tổ hợp tế bào trong tranh của mình?
Nguồn:nguoiviet.com- Friday, February 12, 2016

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Trong bức thư dài trả lời báo Bách Khoa cuối năm 1973, họ Phạm viết:

“Nguyên liệu đầu tiên để xây dựng họa phẩm của tôi là tế-bào. Ai cũng biết tế-bào là nguyên ủy của sự sống kết tinh từ thuở khai thiên lập địa. Trong cảnh hỗn mang của trời đất tế-bào sinh sôi nẩy nở kết tụ, thành mọi sinh vật sống từ côn trùng, cây cỏ, cầm thú cho đến con người. Trời đất hỗn mang khi xưa có khác chi cái xã hội hiện tại mà chúng ta đang sống? Tro bụi, điêu tàn, băng hoại, đổ vỡ.

danh hoa 3.jpg1

Tranh Phạm Tăng. (Hình: Phạm Hải Nam)

“Gieo tế-bào như gieo mầm sống mới, trong một thế giới mới, với một tổ chức, một trật tự mới đặng thế vì cho những cái tàn rụi, nát rữa, trong hội họa, ngoài xã hội và ngay cả chính ta nữa…”

Bằng vào quan niệm trên, họ Phạm cho biết, ông bắt đầu từ cái tế bào nhỏ bé, và ông có cảm tưởng như đang xây dựng lại chính con người của ông vậy.

Nói cách khác, vẫn theo họa sĩ Phạm Tăng thì, từ tế-bào đầu tiên là cái tôi nguyên thủy, ông đi dần tới sự tập hợp của hàng triệu tế bào tuần tự nẩy sinh, dẫn hình ảnh của cái tôi khác nhau, nối kết lại từ hình dạng bào thai trở thành con người. Kết cuộc là gì? Là những hình ảnh được cấu tạo trong tranh của họ Phạm, có thể ví như những hình ảnh của chính tác giả.

“Toàn thể tranh là cái tôi cuối cùng.”

Ông nhấn mạnh và giải thích thêm rằng, ngẫm cho kỹ thì cứ mỗi giây phút trôi qua, không biết bao nhiêu là cái tôi không giống nhau, trùng điệp, cái nọ lan sang cái kia, tựa như một vết mực loang trên mặt giấy. Không ngưng đọng một hình thể cố định nào. Bởi vậy chúng ta sẽ không thể nào có được một bức ảnh chụp hình ảnh của tâm tư con người luôn biến động, dù chúng ta có trong tay một chiếc máy ảnh tinh vi nhất.

Quan điểm này của họa sĩ Phạm Tăng rất gần với quan điểm của Phật giáo cho rằng, cái tâm vốn động hay, những suy nghĩ của con người như sự chuyển động không ngừng, cụ thể qua hình ảnh “Tâm viên, Ý mã.” (11) Hoặc, một tư tưởng, hình ảnh vừa mới nhớm lên thì, một ý tưởng hay hình ảnh khác, đã nhào tới. Hiện ra. Không giây lát ngưng nghỉ!

Tuy nhiên ở đây, chúng ta thấy có một sự khác biệt, nếu không nói là đối nghịch lớn, giữa quan điểm của Phật giáo và họa sĩ Phạm Tăng:

Phật giáo quan niệm để cho tâm có được những giây phút bình an thì, chúng ta phải triệt tiêu những lăng xăng, bất nhất, đổi thay không ngừng của tâm trí. Đó là lý do ra đời của các môn phái Thiền. Riêng, họa sĩ Phạm Tăng thì ngược lại. Ông nói:

“Những hình thể mà tôi tạo nên tranh không khuôn bó trong một chu giới nhất định. Tôi dụng ý để cho những hình thể đó khi ẩn, khi hiện, lúc tỏ, lúc mờ. Hình nọ lan sang hình kia, tựa hồ như những khối tế bào được tự do co giãn, nảy nở.”

Từ đó, ông đi xa hơn:

“Để thể hiện sự sống mong manh của từng tế-bào, tôi tạo những vòng đồng tâm li ti kết tụ quanh hạt nhân ở giữa. Mỗi đường vòng là một mầu đối chiếu trong ngũ sắc. Mầu nọ phản ứng mầu kia tạo nên một cảm giác tựa hồ như có tính chất phác quang. Ánh sáng đó có thể gọi là ánh sáng tự tại xuất phát tự bên trong từng cái sống nhỏ nhoi thoi thóp của từng tế bào một.”

danh hoa 5.jpg1

Tranh Phạm Tăng. (Hình: Phạm Hải Nam)

Ý họ Phạm muốn nói, cũng như trong cơ thể của một con người, mỗi giây phút đều có hàng triệu tế bào chết đi và, cùng lúc hàng triệu tế bào khác cũng được sinh ra, làm thành sự sống toàn diện của con người có cảm xúc trên bức tranh: Từ một, hai hay nhiều ngàn ánh sáng nhỏ tập hợp lại, kết tụ vào nhau, chuyển vận thành những hình dạng sinh động của những vật thể mới, ươm mầm và, ngoi lên tìm sự sống trong ánh sáng.

Ông quan niệm, muốn được như thế, phải kết hợp những tế bào nhỏ li ti theo một nhịp nào đó của đường nét mà ông gọi là “nhịp sống.”

Bước vào phần kỹ thuật tạo hình được xây dựng trên quan điểm nghiêng nặng về tính thuần nhiên, hoặc cũng có thể nói đó là quan niệm thẩm mỹ hội họa mới (mang tính triết lý của riêng Phạm Tăng), họ Phạm nhắc nhở rằng, sống là động, là chuyển dịch cả trong những trạng thái tĩnh nhất. Không chỉ ở những sinh vật sống, thuộc loài động vật hay thảo mộc mà, ngay cả những vật vô tri cũng chuyển đổi không ngừng… Đề cập tới những chuyển động ngoại (không mang tính nội tại, như không khí), họa sĩ Phạm Tăng viết:

“Nhìn những mạch chuyển động của lớp không khí bao trùm địa cầu, thực chẳng khác chi những đường vân xoay tròn trong con ốc biển. Nhìn vào lòng mình, tôi cũng thấy hiển hiện những đường nét đó… Nhất nhất mọi trạng thái cảm xúc đều có thể vẽ thành những đường nét uyển chuyển trùng điệp gắn bó vào nhau, chẳng khác chi những đường nét biểu hiện cái nhịp sống của sự vật…”

Vẫn theo họ Phạm thì, dù bên trong hay ngoài, “nhịp sống” kia vẫn chi phối tất cả. Nếu thể hiện nó lên tranh thì, nó sẽ tác động tới những hình thể đã được kết tụ do tổ hợp các tế bào, khiến cho những hình thể đó trở nên sống động.

“Như vậy có thể nói tranh không còn là phản ảnh của thực tại, cũng không còn dấu vết gì gợi nhớ đến những cái thường thấy, mặc dù nguồn cội thâm sâu của nó vẫn xuất nguyên từ tạo vật.” Chủ nhân sáng tạo những tổ hợp tế-bào trong tranh, khẳng định.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc phần quan niệm hay, nỗ lực khai phá con đường riêng của mình, họa sĩ Phạm Tăng kết luận:

“…Theo ý tôi, những sự giảng giải trình bày kia thực là vô ích. Giả sử có ích lợi chút nào thì chỉ cho riêng tôi để có thể nhìn lại chính mình, xếp đặt mọi sự trong tôi có trật tự hơn. Ngoài ra đối với người xem không có chi là quan hệ. Tại sao vậy? Tôi xin trả lời ngay: Tại cái hồn tranh. Nếu tranh có hồn như một vật thể sinh động thì tự nó hấp dẫn người xem. Giữa người xem và nó có sự thông cảm trực tiếp, không cần phải có kẻ đứng sau nó mà giảng giải. Nếu tranh không có hồn thì dù có giảng giải bằng thiên kinh vạn quyển nó cũng không thể sống được, và như thế cùng lắm cũng chỉ có thể vứt tranh vào đống rác hoặc trong một bảo tàng viện nào đó để cho nhện chăng mà thôi!” (12)

(Còn tiếp một kỳ)

Chú thích:
(11) “Tâm viên” là tâm vượn, là tâm loạn động như vượn hay khỉ. Loài khỉ thường hay nhảy nhót, khọt khẹt, đứng ngồi không yên, thường chuyền hết từ cành cây này sang cành cây khác, lại hay phá phách bắt chước nên người đời có câu “liếng khỉ” (…) “Ý mã” tượng trưng cho ý nghĩ của con người rong ruổi, đuổi theo ngoại cảnh, không dừng lại, giống như ngựa phi vậy. Hằng ngày, ý tưởng trong đầu chúng ta, cứ chạy lung tung như ngựa chứng… (Nguồn Wikipedia-Mở)
(12) Nguồn: Tạp chí Bách Khoa, Giai Phẩm Xuân, Saigon, 1974.

-o0o-

Tương quan giữa bi kịch và tài hoa Phạm Tăng?
Nguồn:nguoiviet.com – Friday, February 19, 2016

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Tôi vẫn nghĩ, một tài năng ngoại khổ thường có những bi kịch và, ám ảnh một đời của riêng họ.

Bi kịch và ám ảnh sẽ là những đôi cánh đưa tài năng thiên bẩm của họ lên tới đỉnh cao, hoặc sẽ nhận chìm họ xuống tận cùng đất đen, hiểu theo nghĩa đó là một bất hạnh của định mệnh cay nghiệt.

Danh họa Phạm Tăng, ở trường hợp thứ nhất.

danh hoa PT.jpg1
Danh Họa Phạm Tăng và gia đình, đằng sau là bức tranh Vũ Trụ. (Hình Phạm Hải Nam)

Trong buổi nói chuyện thân mật với chúng tôi tại căn nhà ở ngoại ô Paris, quảng trường Bonneuil Sur-Marne, đầu tháng 1, 2016 vừa qua, có hai chi tiết mà họ Phạm nhắc tới với tất cả xót xa hay ám ảnh khôn rời, đó là sự kiện người bạn đời đầu tiên của ông, bà Nguyễn Thị Băng Tâm – – Một người mà theo ông kể thì mới mười 16 tuổi, bà đã viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Sau đó, bà được một học bổng của chính phủ Pháp, để qua Paris học về văn chương Pháp…

Nhưng người họa sĩ Việt Nam ngoại khổ, Phạm Tăng, đã rất chân thành, ngay thật khiến chúng tôi, nhất là T., đã rất cảm động, khi nghe ông tâm sự:

“Vì sợ mất vợ, nên tôi đã không đồng ý cho bà ấy đi du học.”

Rồi, cũng thời gian này, giữa lúc người bạn đời của họ Phạm, vì thương, chìu chồng, từ chối cơ hội tiến thân khó có được… thì vị danh họa của chúng ta, lại gây tạo thêm một “biến động” rất lớn khác, đó là sự kiện ông đem tất cả tiền phòng thân, hơn 7,000 đồng, dành dụm từ bao nhiêu năm của người bạn đời, “nướng” sạch trong một đêm tại sòng bài Ðại Thế Giới, ở Chợ Lớn. (13)

Một số người hiểu chuyện cho rằng hai sự kiện vừa kể đã dẫn tới sự qua đời khi còn rất trẻ của bà Nguyễn Thị Băng Tâm. Sự kiện này, từng trở thành “scandale” một thời (chữ của họa sĩ Phạm Tăng), trong giới văn nghệ và báo chí.

Tuy nhiên, ngược lại, vẫn theo danh họa Phạm Tăng thì ngay sau biến cố này, ông lại được quá nhiều những cơ quan ngôn luận lớn, kể cả những tờ báo xuất bản bằng tiếng Pháp, ở Saigon, mời cộng tác. Ông nói, thời gian đó, trung bình mỗi tháng ông được trả tiền nhuận bút không dưới 5,000 Mỹ kim.

Ông kể, mặc dù kiếm được nhiều tiền, nhưng không biết làm gì:

“Cuối tuần, với chiếc áo của nhà tu, tôi thường lái xe xuống núi Châu Thới ở đó qua đêm, hay nguyên một cuối tuần, trước khi trở ngược về Saigon…”

Tôi không biết ám ảnh về cái chết của người bạn đời đầu tiên trong đời mình, có đeo đẳng họ Phạm tới ngày hôm nay hay không? Nhưng hiển nhiên, ám ảnh về cái mà ông nhấn mạnh nhiều lần với chúng tôi là “Mối nhục của một người Việt Nam trước sự cai trị và khinh bỉ của thực dân Pháp!”

Ám ảnh này, như đã trình bày, bắt nguồn sâu xa từ nhiều danh sĩ, tiền bối thuộc dòng họ Phạm của họa sĩ Phạm Tăng đã bị chính quyền Pháp sát hại hoặc bức tử… đã như những chiếc bóng bất hạnh đeo đẳng ông cho đến ngày hôm nay.

Ở lãnh vực văn học nghệ thuật, họ Phạm cũng nhấn mạnh nhiều lần với chúng tôi rằng,

“Người Pháp cũng coi khinh văn hóa của chúng ta! Cụ thể, ở lãnh vực hội họa, họ cũng không muốn mở trường đào tạo họa sĩ cho người Việt Nam. Ðầu thập niên 1900, rõ hơn, năm 1901, họ mới mở trường Bá Nghệ ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ðến năm 1903, họ mở trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở Biên Hòa và, 1913, là trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh – – Năm 1940 đổi tên thành trường Mỹ Nghệ Thực Hành Gia Ðịnh… Nhưng dù trường tên gì chăng nữa thì họ cũng chỉ nhằm mục đích đào tạo những người thợ thủ công, để đáp ứng nhu cầu thủ công nghệ của nước Pháp mà thôi…”

danh hoa PT 2.jpg1
Danh họa Phạm Tăng tại tư gia, tháng1, 2016. (Hình dutule.com)

Khi đề cập tới trường Mỹ Thuật Ðông Dương (École Supérieure des Beaux – Arts de l’Indochine), là trường hội họa mà sau này, họa sĩ Phạm Tăng có thời gian theo học, ông cũng nhấn mạnh:

“Trường Mỹ Thuật Ðông Dương được thành lập từ tháng 10 năm 1924, bởi họa sĩ Vitor Tardieu. Nhưng phải mất nhiều năm vận động mạnh mẽ, miệt mài của ông Tardieu, trường này mới có cơ hội chào đời!” (14)

Cũng vì những ám ảnh hay “mối nhục” của mình mà, người bạn đời chính thức thứ hai của họ Phạm – Một thiếu nữ người Ý, sau khi sinh được cho ông một người con gái, qua đời vì bạo bệnh, khiến ông có một thời gian khá dài, chấm dứt mọi hoạt động nghệ thuật, cũng như mọi giao tiếp xã hội…

Mãi nhiều năm sau, để nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê hương, đồng bào,… đồng thời cũng để chấm dứt nhiều năm sống lạc lõng, lẻ loi ở Ý, họ Phạm đã chọn cho mình người bạn đời thứ ba, một phụ nữ gốc Việt, quốc tịch Pháp, cũng thuộc một gia đình thế giá từ trước tháng 4, 1975, ở Paris… Ông đã rời bỏ nước Ý để tạm cư tại Pháp. Nhưng vì không thể quên mối hận thực dân Pháp, nên tới hôm nay, ông vẫn không chịu nhập tịch Pháp, quốc gia mà ông cho đó là kẻ thù chung của dân tộc Việt. (15)

Ông tâm sự:

“Càng lớn tuổi, sức chịu đựng cô quạnh càng kém đi. Trong khi nhu cầu muốn được sống gần với tập thể của dân tộc mình càng gia tăng, nên tôi buộc lòng phải chọn Paris, cho những năm tháng cuối của đời mình…”

Cảm nghĩ trên của danh họa sĩ Phạm Tăng cho thấy, bất cứ ai, dù với một định mệnh bình thường hay; chói lòa giữa quảng trường hội họa thế giới, như họ Phạm thì, nhu cầu tìm về với đồng hương máu mủ, với ruột thịt nguồn cội, vẫn là một nhu cầu thiêng liêng không thể phủ nhận.

Ðể kết luận bài viết này, chúng tôi xin mượn bốn câu thơ của chính danh họa Phạm Thăng, ghi dưới bức thư gửi cho tạp chí Bách Khoa, Saigon, cách đây hơn 40 năm:

“Múa bút vườn hoang, vẽ láo chơi!
Xôn xao sỏi đá nói nên lời!
Ðỏ, xanh xáo trộn hồn cây cỏ
Nhẹ gót vào tranh, chiếc lá rơi!
(*)
(Phạm Tăng)

Chú thích:

(13) Sòng bài Ðại Thế Giới bị đóng cửa năm 1955, theo lệnh của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. (Nguồn Wikipedia-Mở)

(14) Có thể đọc thêm Wikipedia-Mở.

(15) Nhà văn Vũ Thư Hiên cho biết, họa sĩ Phạm tăng từng có nhà riêng ở quận 13, thành phố Paris – Nơi tập trung nhiều người Việt nhất. Một nguồn tin khác cũng cho hay, sau biến cố tháng 4, 1975, qua một số người thân tại Hoa Kỳ, họa sĩ Phạm Tăng đã đầu tư vào nhiều lãnh vực thương mại ở Mỹ.

(*) “Sỏi đá đây là chất liệu mầu sắc, gạn lọc ở sỏi đá mà ra, ý muốn tạo hồn cho những vật vô tri; chiếc lá thành người vào chơi trong tranh.” (Chú thích của Tòa soạn Tạp chí Bách Khoa, giai phẩm Xuân 1974)

*-NN đặt tưa đề-

…………………………………………………………………………..

 

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics