Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú :1/Thư đi tin lại-Kỳ 20- 2/Lục căn-3/Ngũ Uẩn-

16/11: Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú :1/Thư đi tin lại-Kỳ 20- 2/Lục căn-3/Ngũ Uẩn-
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4559 lần

THƯ ĐI TIN LẠI –Kỳ 20
Montreal 2010

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Ngôi chùa Lưỡng Xuyên-Trà Vinh (NN sưu tầm)

173 – Ba-tư-nặc (skt: Prasenajit) là vua nước Câu-tất-la (Kosala) ở thành Xá-Vệ (Sravasti) sinh ra cùng ngày với Đức Phật Thích-Ca . Nhà vua giao thiệp thân thiện với vua Tịnh Phạn (thân phụ của Phật) và thường ủng hộ, che chở Giáo Hội Tăng Già cũng như cúng dàng đức Phật . Đức Phật khuyên nhà…

… vua nhiều điều để trị dân cho đúng đạo . Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhân buổi cúng dàng trai tăng trong hoàng cung, đức Phật có thuyết kinh ấy cho nhà vua . Sau nhà vua bị con là Lưu-ly chiếm ngôi nên chạy sang lánh ở thành Vương Xá (Rajagriha) của vua A-xà-thế (Ajatasatru) và mất ở đó . Lưu-ly lên ngôi, gây hấn và tàn phá nước của dòng họ Thích, sau chết thiêu trong một cuộc hỏa hoạn .

Ghi chú : Sở dĩ thỉnh thoảng chúng tôi thêm chữ Anh, Pháp, chữ pali hay sanskrit là muốn chuẩn bị cho các bạn trẻ đang theo học các trường ở Âu và Mỹ tiện tra cứu .

174 – Câu “Tất cả các kinh Phật giống như ngón tay chỉ mặt trăng” lấy ở trong kinh Viên Giác . Rất nhiều người nhắc đến câu đó, có người dùng làm tựa đề sách . Ý nghĩa như sau này : Một người hỏi : mặt trăng đâu ? Một người khác dùng ngón tay chỉ lên mặt trăng cho mà thấy . Người ấy nương theo ngón tay thì thấy mặt trăng . Vậy ngón tay chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh, ai chấp ngón tay là mặt trăng thì sai lầm . Cũng vậy, các kinh Phật là ngón tay chỉ về chân lý, ai chấp vào chữ nghĩa của kinh mà không chịu tìm chân lý, không chịu tìm cái chân tâm của mình, không chịu áp dụng để tu tìm đường giác ngộ và giải thoát thì quên mất mục đích của đạo Phật .

175 – Mấy chữ “dấu chân voi” ngắn ngủi ấy không được rõ và tôi chưa nghe nói trong các câu chuyện đạo . Nhân dịp đi Vancouver dự đại hội, tôi gặp một vị sư, đem ra hỏi, thì mới biết rằng đó là hai kinh trong Trung Bộ Kinh, tên là Dấu chân voi, mộtkinh tên là “Tiểu kinh dụ dấu chân voi” và một kinh tên là “Đại kinh dụ về dấu chân voi”. Đại khái trong kinh thứ nhất, một người yết kiến Phật rồi ra về, nói rằng sự chứng đắc của Phật, người phàm không hiểu được, chỉ suy đoán giống như khi thấy dấu chân voi chứ không phải thấy chính con voi . Đức Phật dạy rằng theo dấu chân voi rồi thì hãy gắng tìm đến con voi mà coi tận mắt . Ý ngài nói là muốn hiểu sự chứng đắc thì hãy gắng tu đến lúc chứng đắc . Kinh thứ nhì do ngài Xá-Lỵ-Phất giảng rằng dấu chann voi lớn lắm, không có con thú nào bằng, mọi dấu chân thú đều lọt vào trong dấu chân voi cả, rồi ngài bảo rằng mọi pháp môn đều lọt vào trong Tứ Diệu Đế cả .

Tôi không có Trung Bộ Kinh nên không thể nói rõ hơn cho đạo hữu được .

176 – Khóa hạ tức an cư kết hạ là một thời kỳ tu tập chung của chư tăng (hay chư ni) kể từ 16 tháng tư đến 15 tháng bảy âm lịch . Sau mỗi khóa hạ thì mỗi vị thêm một tuổi đạo, vì thế trong ngày rằm tháng 7, Phật tử mừng tuổi chư tăng ni (người thế tục mừng tuổi nhau ngày mùng một Tết), ngày đó đối với chư tăng ni là hoan hỉ nhật . Trước khi kết thúc khóa hạ thì mỗi vị phải làm lễ tự tứ, tự ý nói ra những những khuyết điểm của mình trước chư tăng(ni) cầu xin được chỉ bảo thêm và sám hối . Kết hạ là một lệ có từ thời đức Phật .

177 – “Được thân người là khó lắm”, ý câu này như sau : chết rồi, phải tái sinh vào một trong sáu nẻo thiên, nhân, a-tu-la, súc sinh, quỷ đói, địa ngục ; nếu được tái sinh làm người thì khó, làm người sung sướng lại càng khó . Trong sách có kể chuyện một con rùa mù sống dười đáy biển, mấy trăm năm mớí thò đầu lên mặt nước một lần . Trên mặt biển có một cái bọng với lỗ hổng ở giữa, trôi dạt theo sóng . Con rùa trỗi đầu lên có thể trúng vào lỗ hổng của bọng không ? Khó lắm lắm . Được tái sinh làm người cũng khó như thế .

Phật học có danh từ “lục nan” (sáu cái khó). Đó là : khó gặp Phật ra đời, khó được nghe chánh pháp, khó sinh lòng lành, khó sinh ra nơi đô hội trung tâm, khó được thân người , khó được các căn trọn vẹn dù làm thân người .

Phật tử chúng ta đi chùa đều đặn, đã thành một thói quen, đó là một thói quen tốt . Tuy nhiên, nếu thói quen ấy không kèm thêm sự suy nghĩ về lời Phật dạy, về sự quay vào bên trong để tự xét mình rồi tu tỉnh sửa mình, chuẩn bị cho kiếp sau thì e rằng không kịp .

178 – Theo chỗ tôi biết thì các tu sĩ Thiên Chúa giáo hàng năm có tham dự “cấm phòng” nghĩa là ở riêng trong phòng một thời gian để tĩnh tâm, suy nghĩ về đạo lý, về tư tưởng và hành vi …của mình . Đối với Phật giáo thì danh từ “cấm phòng” mang ý nghĩa khác . Phật học từ điẻn Đoàn Trung Còn ghi : Hồi xưa, chư tăng phạm giới thì bị Giáo hội phạt ở luôn trong phòng không được bước chân ra, để ăn năn tội của mình ; bị phạt như vậy ít nhất là 6 ngày .

179 – Đạo hữu lầm rồi đó . Năm mới không phải là ngày Phật Đản . Năm mới của chư tăng ni là hoan hỷ nhật nhằm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch . Ngày đó là ngày giải hạ tức là kết thúc khóa hạ, mỗi vị thêm một tuổi đạo . Còn ngày rằm tháng tư âm lịch là ngày Phật đản, theo lối nói bình dân là ngày Bụt sinh Bụt nở, Bụt sinh năm 623 trước Tây lịch, tịch năm 543 trước Tây lịch . Năm 543 ấy được chọn làm năm 1 của Phật lịch .

180 – Đọc hữu đọc chú mà không hiểu thì cũng giống như mọi người . Chú là những câu dài hay ngắn mang tính cách bí mật để giúp người tu học trong nhiều vấn đề như cầu an, đảo bệnh, chống ác thần, cầu vãng sinh, tránh tai ương v.v… Người ta không dịch các câu chú vì nghĩ rằng âm thanh đã chọn sẽ có một tác dụng nào đó, thâu sức anh linh trong vũ trụ ; nếu đổi âm thanh thì sẽ mất linh ứng . Nhờ tụng chú mà thâu đủ giáo pháp của Phật . Nhờ tụng chú mà tâm hết tán loạn . Chú giúp giữ trọn vẹn cái thiện, ngăn cái ác .

Một số câu chú có được dịch nghĩa, thí dụ như chú đại bi “Yết đế,yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha” có nghĩa là “Qua đi, qua đi, tất cả qua đi, qua mau đi, giác ngộ, viên thành” .

Chữ Phạn Dharani phiên âm là đà-la-ni, dịch là chú, thần chú, chân ngôn, tổng trì .
Chữ Phạn Mantra phiên âm là mạn-đà-la, mạn-trà-la, dịch là linh phù tức bùa linh, họa trên giấy hay trên gỗ, có khi vẽ trên hư không . Linh phù thật lớn gọi là đàn hay đạo tràng .
Chữ Phạn Mudra` phiên âm là mẫu-dà-la, dịch là ấn hay pháp ấn . Đó là các dấu hiệu bằng vẻ mặt, tay hay thân để tỏ một ý gì .
Chú, bùa, ấn hay thần chú, linh phù, pháp ấn tức là đà-la-ni, mạn-đà-la, mẫu-đà-la gốc từ Mật giáo > Ba thứ ấy liên kết chặt chẽ với nhau, gọi là tam mật : thần chú là ngữ mật, linh phù là ý mật, ấn là thân mật .
Tiếng Pháp : formulas magiques, dessins,magiques, gestes magiques .

181 – Câu chuyện « mất đầu » là chuyện ở trong kinh Lăng Nghiêm . Có một anh kia, tên là Diễn-nhã-đạt-đa soi gương thấy đầu mình, đến khi úp gương xuống thì không thấy đầu mình đâu cả . Anh ta vừa ôm đầu, vừa chạy vừa la « Tôi mất đầu rôi ! » . Chuyện này cho ta thấy rằng : cái mà anh ta mất chỉ là cái bóng chứ cái đầu thật của anh ta vẫn còn . Người đời hay bấu víu vào những cái bóng, cái dáng mà quên mất rằng mình có một thứ thực, đó là chân tâm của mình .

182 – Tôi xin chép hầu quý đạo hữu một đoạn ngắn mà tôi thấy xúc tích và dễ hiểu, trích từ bài của HT Mahasi :
« Trong mỗi sự thấy đều có ba yếu tố là nhãn căn (mắt), nhãn trần (vật được nhìn thấy), và nhãn thức (sự biết của mắt) . Khi sự biết của mắt phát sinh thì cảm giác yêu ghét phát sinh, tri giác về vật được thấy phát sinh, sự cố ý thấy cùng sự lưu tâm đến đối tượng phát sinh .

Mắt và vật bị thấy là những tập hợp vật chất (sắc uẩn) mà chúng ta chấp lấy và coi là trường cửu, đáng yêu và là sở hữu của ta thực sự . Cái biết của mắt cùng các cảm giác, tri giác (phản ứng của thọ, tưởng, hành, thức), cũng được chúng ta coi như trường cửu, đáng yêu và là sở hữu của ta . Tóm lai, mắt và vật bị thấy là những tập hợp của vật chất (Sắc) và sự biết của tâm (Danh), chỉ có vậy thôi, không có gì khác . Các hiện tượng tâm lý này sẽ phát sinh mỗi khi ta nhìn, và mỗi tác động nhìn thì sinh ra rồi diệt ngay tức khắc . Thế mà chúng ta cất giữ và xem là trường cửu bất biến . Sự chấp giữ và cái nghiệp tạo ra chính là nguyên nhân của tái sinh . Có tái sinh nên có đau khổ,già, chết . Nếu không có luyến ái phát sinh thì nghiệp tạo ra bởi sự chấp thủ, ao ước một kiếp sống mới cũng dừng nghỉ . Kết quả là chấm dứt khổ đau, già , chết ».

(còn tiếp)

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010

==========================

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT- Book 1

Đề tài ôn tập: Bài 25. LỤC CĂN –

Nghe mấy người bạn bàn chuyện, tôi thấy nói: “không diệt sáu căn, vì diệt sáu căn thì lấy gì mà tu. Chỉ cột sáu căn lại không cho chúng vùng vẫy là đủ”. Tôi không hiểu sáu căn là gì, nên đi tìm tài liệu; hôm nay tìm được một ít, viết ra chia sẻ cùng quý đạo hữu.

Chúng ta lấy việc sau này: con mắt ta được đặt trước một cái cây, ta biết đó là cái cây. Con mắt gọi là căn. Cái cây gọi là trần hay cảnh. Sự biết gọi là thức. Mắt người chết đặt trước cái cây mà không thấy, chỉ vì không có thức. Vậy có ba chữ mà ta cần học là căn, trần và thức.

Lúc nhỏ, đi học, thày cô dạy chúng ta rằng con người có năm quan năng là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác.

Các giác quan tương ứng là mắt, tai, mũi, luỡi và da, nói rộng ra là thân; năm thứ này là ngũ căn: nhãn căn, nhĩ căn, tị căn, thiệt căn và thân căn.

Các đối tượng của chúng theo thứ tự là hình dạng, âm thanh, mùi, vị và xúc. Đó là ngũ trần.

Công dụng của năm quan năng là nhìn, nghe, ngửi, nếm và sờ mó. Đến đây không có gì là phiền cả vì chúng ta học lâu rồi.

Nay, một vấn đề được đặt ra: những thứ như ý nghĩ, tưởng tượng, ghi nhớ… thì cái gì lo? Căn nào lo?

Tai tức là nhĩ căn “lo” về âm thanh, mũi tức là tị căn “lo” về mùi … Có một căn vô hình gọi là ý căn, ý căn này “lo” về những cái mới nêu trên đây, nó có đối tượng là các ý tưởng (đối tượng của ý) tức pháp trần, gọi ngắn là pháp: chữ pháp này có nghĩa rất rộng, một trong các nghĩa đó là: Bất cứ việc chi dầu nhỏ dầu lớn, hữu hình hay vô hình, tốt hoặc xấu, hữu vi hay vô vi, chân thật hay hư vọng đều có thể gọi là pháp.

Năm căn nói trên đây, cộng với ý căn, làm thành lục căn. Khi căn tiếp xúc với trần thì phát sinh ra thức; cần phải nói rõ như thế này: căn và trần là những trợ duyên để sinh ra thức, nhà Phật nói rõ thế để bảo rằng thức cũng chỉ là do nhân duyên mà có.

Ý căn tiếp xúc với pháp trần giúp làm nảy ra ý thức.

[Danh từ Duy thức học gọi ý căn là mạt-na hay mạt-na-thức, nó là thức thứ bẩy Còn thức thứ tám nữa là a-lại-da hay a-lại-da-thức].

Căn : Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý (ý căn)

Trần : Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp

Thức : Nhãn thức Nhĩ thức Tị thức Thiệt thức Thân thức Ý thức

Dụng : Nhìn Nghe Ngửi Nếm Sờ Biết

Nay nói theo danh từ khoa học, tiện cho các bạn trẻ: căn thuộc về sinh lý, trần thuộc về vật lý, thức thuộc về tâm lý. [nói pháp trần thuộc vật lý thì hơi cưỡng ép]

6 căn và 6 trần gọi chung là 12 xứ (thập nhị xứ hay thập nhị nhập), thêm 6 thức vào thì gọi chung là 18 giới (thập bát giới).

Trong kinh Lăng-Nghiêm, đức Phật dạy ngài A-Nan rằng: “Khiến cho ông lưu chuyển sinh tử là do sáu căn, làm cho ông an lạc giải thoát cũng từ sáu căn mà được”.

Mắt dính sắc, tai dính thanh, mũi dính mùi, lưỡi dính vị, thân dính xúc, thành ra ham muốn, năm sự ham muốn này là ngũ dục. Thêm ham muốn do ý nữa thì thành ra lục dục.

Không nên lầm lục dục với lục tặc, tức là sáu tên giặc, đó là sáu trần luôn luôn rình rập để nhập vào sáu căn mà phá ta, cướp công đức tu hành của ta. Tượng ngài Di-Lặc có sáu đứa trẻ bám quanh, đó là lục tặc, chúng không làm gì được ngài vì ngài đã tu hạnh xả, không để ý đến sự phá phách của chúng, chỉ cười mà thôi. Nếu thấy năm tên giặc thay vì sáu thì biết rằng người ta cố ý bỏ bớt “ý” vì nó vô hình.

Trong Tăng chi bộ kinh, có bài kinh Sáu Pháp Vô Thượng, đức Phật dạy: “Thày tỳ kheo phải tu sáu pháp vô thượng. Những gì là sáu?

Mắt thấy sắc, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Tai nghe tiếng, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Mũi ngửi mùi, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Lưỡi nếm vị, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Thân chạm xúc, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Ý đối với pháp, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.

Ai được sáu pháp này là bậc vô thượng, là phước điền của chúng sinh, xứng đáng cho trời, người tôn trọng, cung kính, cúng dàng.”

Tóm lại, phải hộ trì các căn, điều khiển chúng, đặc biệt là phải gắng làm chủ được ý thức vì ý thức biết phân biệt hay dở, xấu đẹp, … rồi sinh yêu ghét, khen chê, … từ đó gây nghiệp bằng thân khẩu ý, và bị lôi cuốn vào vòng sinh tử luân hồi.

Không để cho vọng tưởng nổi lên, nếu nó nổi lên thì mình BIẾT có vọng tưởng, đuổi nó đi. Khi nó đi rồi, mình BIẾT nó đã đi. Cái BIẾT ấy mới là cái quý, không phải là cái biết thông thường nhờ các thức. Tại sao quý? Thưa đây: Cái sự BIẾT luôn luôn hiện hữu trong ta, chính là giác tánh, còn có tên là Như lai tánh, Di-Đà tự tánh, Phật tánh. [Ý kiến của HT Thanh Từ] □

======
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Book 1

Đề tài ôn tập: Bài 26. NGŨ UẨN

Tất cả chúng ta đều thuộc làu Bát-nhã tâm kinh, với câu đầu như sau: “Quán tự tại bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Nghĩa là: “Khi ngài Quán tự tại bồ-tát thực hành sâu xa phép bát-nhã ba-la-mật-đa thì ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết mọi khổ ách”.

Vấn đề của chúng ta hôm nay là tìm hiểu danh từ ngũ uẩn.

Ngũ là năm, uẩn là chứa nhóm. Ngũ uẩn còn có tên khác là ngũ ấm, ấm là ngăn che (ngăn che chân lý). Ngũ uẩn gồm có: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

Khi nghe danh từ thân tâm hay danh sắc, ta hiểu đó là nói con người, con người gồm có thân và tâm, hoặc là gồm có danh và sắc; sắc để chỉ cái thân do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, danh để chỉ chung thọ, tưởng, hành, thức (nói là danh vì chỉ có tên mà không có hình tướng).

Chữ sắc ở trong sắc uẩn có nghĩa rộng hơn chữ sắc trên đây. Nó bao gồm những thứ mà ta gọi là vật chất, hình tướng, đất, nước, núi, sông, cây cỏ, đường xá, nhà cửa… và ngũ căn (mắt, mũi, tai, lưỡi, thân) cùng với ngũ trần (màu và hình, thanh tức là tiếng, mùi, vị, xúc do sờ mó…)

Thọ uẩn là cảm xúc gồm có ba loại : vui, buồn, không vui không buồn (tạm gọi là trung hòa).

Tưởng uẩn khó hiểu hơn. Chữ tưởng hàm cái nghĩa tưởng tượng, nhưng chưa đủ. Nó có nghĩa “thu và nhận”, nhận biết chứ không phải là nhận vào : THU những cái mình đã biết do học hành, kinh nghiệm … để khi gặp một cái gì thì NHẬN ra nó là cái gì và xếp nó vào một cái tập hợp nào đó để nó có tên. Trông thấy một con trâu, ta nhớ lại hình đã coi trong sách và xếp nó vào tập hợp trâu, biết nó là con trâu. Nghe thấy tiếng hát thì biết đó là tiếng hát. Tóm lại, đó là biết, đó là tri giác.

Hành uẩn khó hiểu nhất. Hành thoạt tiên nghĩa là hành động cố ý, không vô tình, do thân khẩu ý; hành gây nên nghiệp. Hành có thể thiện, ác hay trung hòa. Hành còn chỉ chung mọi thứ duyên khởi, nói chung là các hợp thể. Hành lại có nghĩa là các thói quen, khuynh hướng, cảm nghĩ sâu đậm tích lũy từ nhiều kiếp (do thân khẩu ý), chúng ảnh hưởng, hướng dẫn và thúc đẩy các hành động. Nói gọn lại, nó là các hoạt động tâm lý. Vậy hành uẩn có hai yếu tố: quá khứ (kinh nghiệm, thói quen) và hiện tại (thúc đẩy thân khẩu ý).

Thức uẩn là gì? Chúng ta mới nói đến “cố ý”, thế là nhắc đến vai trò của thức uẩn. Các uẩn trên đây mang dữ kiện, tài liệu, “hồ sơ” đến cho thức. Thức so đo, cân nhắc, phân biệt (chữ này rất thông dụng trong Phật học). Do phân biệt mà sinh hỉ nộ ai lạc ái ố dục tức là thất tình. Tiếp theo là có quyết định để hành động. Trách nhiệm là ở đây. Kinh Pháp cú nói: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo”.

Xin lấy một thí dụ cho dễ hiểu: lúc này, tôi đang nói chuyện hầu quý vị. Tiếng nói của tôi (thanh trần), chạm vào tai quý vị (nhĩ căn), nhĩ thức của quý vị cho biết là có tiếng nhưng chưa hiểu là tiếng gì và nghĩa ra sao. Tưởng uẩn xếp loại: đây là một bài về Phật học và nhận biết đó là bài về Phật học. Thọ uẩn gợi ra một cảm giác: chán quá, hoặc hay quá … Hành uẩn “xúi” quý vị nhớ lại cái kinh nghiệm, cái thói quen: ngáp, xem đồng hồ, gật gù, vỗ tay … Nhưng có thể quý vị không làm thế vì thức uẩn phân biệt, bảo rằng cứ ngồi nghe bình thản.

Tôi mới đọc cuốn Lược giải những pháp số căn bản do Làng Cây Phong xuất bản 1996. Ngũ uẩn được giảng như sau:

1/ Sắc (sắc uẩn) là tất cả các bộ phận sinh lý, nói chung là cơ thể con người.

2/ Thọ (thọ uẩn) là cảm giác sinh lý sinh ra khi các giác quan của cơ thể tiếp xúc với đối tượng của chúng. Cảm giác có thể là dễ chịu (lạc thọ) khó chịu (khổ thọ), hoặc không dễ chịu cũng không khó chịu (xả thọ).

3/ Tưởng (tưởng uẩn) là tri giác tức là sự nhận biết đối tượng của nhận thức con ngưới. Thí dụ nhìn tượng Phật thì biết là tượng Phật, nghe tiếng chuông thì biết là tiếng chuông, ngửi mùi nhang biết là mùi nhang vv…

4/ Hành (hành uẩn) là chỉ chung cho tất cả mọi hiện tượng, mọi sự vật được hình thành do nhân và duyên, tức là vạn pháp trong vũ trụ (ở cả ba lĩnh vực tâm lý, sinh lý và vật lý). Riêng hành uẩn ở đây chỉ cho tâm hành tức là những hiện tượng tâm lý của con người …

5/ Thức (thức uẩn) là tâm thức, nói tổng quát, đó là căn bản thức (= a-lại-da) và nói chi tiết thì đó là tám thức … (tâm vương), các kinh luận thường gọi một cách tổng quát là tâm, ý hay thức.

Tại sao “ngũ uẩn là không”? Từ những lời dạy trong kinh Ngũ ấm vô thường, chúng ta biết rằng: Sắc uẩn là do duyên hợp mà có, hết duyên thì tan, tự nó không có. Các cảm thọ vui, buồn chỉ nảy ra khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tự chúng không có.Tâm duyên theo cảnh, cảnh qua đi nhưng hình ảnh còn lại, khi tưởng đến thì lại hiện ra, thế thôi. Hành ấm (tạm coi như tâm lý con người cho dễ hiểu) thay đổi rất nhanh, nó vô thường.Thức tùy thuộc các chủng tử và nghiệp mà phân biệt.

Ngũ uẩn là vô thường, là giả có, là tạm bợ, là do duyên sinh, là hợp thể. Chúng không có tự thể riêng biệt, Phật học gọi ngắn là “không”. Biết là không một cách rốt ráo (chứ không phải chỉ nói, chỉ xác nhận xuông) là nhờ tu đến lúc chứng ngộ được trí huệ bát-nhã, hết chấp pháp và chấp ngã, tức là đạt nhị không. Tới mức đó thì hết mọi khổ đau!

Gặp một đề tài khó quá, chúng tôi đánh bạo mà nhận và đã hết sức cố gắng làm xong nhiệm vụ. Chúng tôi mong rằng sau này sẽ còn có dịp trình bày lại nếu được học hỏi thêm, hôm nay chúng tôi nhận có nhiều thiếu sót, xin quý vị thông cảm cho. □

PHỤ LỤC.

The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen:

Skandha: term for the five aggregates which constitutes the entirety of what is generally known as “personality”. They are:

1/ Rùpa, corporeality or form

2/ Vedanà, sensation

3/ Sannà, samjnà, perception

4/ Samskàra, mental formations

5/ Vinnàna, vijnàna, consciousness.

These aggregates are frequently referred to as “aggregates of attachement” since (excluding the case of arhats and buddhas) craving or desire attaches itself to them and attracts them to itself; thus it makes of them objects of attachment and brings about suffering. The characteristics of the skandhas are birth, old age.

W. Rahula, L’enseignement du Bouddha, Ed. du Seuil, Paris. p.83:

Samkhārā dans la liste des Cinq Agrégats signifie “formations mentales” ou “activités mentales” produisant des effets karmiques. Mais ici (dans un extrait du Dhammapada) il signifie toutes les choses conditionnées ou composées incluant également les Cinq Agrégats. Le terme samkhārā a différentes significations dans différents contextes.

Trong Con đường thoát khổ, dịch sách nói trên, ni sư Trí Hải viết:

Samkhārā trong năm uẩn có nghĩa “hành” hay “những hoạt động tâm lý” phát sinh nghiệp quả. Nhưng ở đây (mấy câu trích ở kinh Pháp cú) nó có nghĩa mọi sự vật bị giới hạn hay bị kết hợp, gồm cả năm uẩn. Danh từ samkhārā có ý nghĩa khác nhau tùy trường hợp.[Góp ý: conditionné không dịch như thế được, đó là duyên khởi , duyên hợp hay duyên sinh.] □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú – Montreal 2010

……………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics