11/01: Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú;1/-Thư đi tin lại-Kỳ 22–2/Chữ ‘không’ trong đạo Phật-
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 5690 lần
THƯ ĐI TIN LẠI – Kỳ 22
Hoãng Hữu Nguyễn Văn Phú – Montreal 2010
Chùa Palkhor-Tây Tạng (NN sưu tầm)
202 – “Lần trước tôi đã được trả lời về “Lục sư ngoại đạo rồi, nay tôi lại thắc mắc về chữ Phật pháp ngoại đạo, xin vui lòng giải thích “.
Đó là chữ để chỉ những nười theo bề ngoài thì là Phật tử tại gia hay xuất gia nhưng trong tâm trí thì chấp cả…
… hai thứ pháp và ngã . Nói rõ ra, họ quy y tam bảo rồi (hoặc thật lòng hoặc giả vờ) nhưng không chịu học và hành Phật pháp, họ vẫn cho rằng các pháp là có thật và cái ta là có thật . Phật pháp dạy lý duyên khởi (duyên sinh) nghĩa là vạn pháp do duyên mà sinh ra và do duyên mà diệt mất, cái ngã gồm thân và tâm thì thân do tứ đại giả hợp, tâm do thọ, tưởng, hành, thức kết thành và thay đổi luôn luôn .
203 – Có lẽ đây là lần đầu tôi nhận được câu hỏi liên quan đến thiền sư Việt Nam . Thật ra vua Trần Thái Tông có ý định đi tu nhưng bị chú là Trần Thủ Độ bắt về tiếp tục làm vua . Vậy không thể gọi Ngài là một người xuất gia được, nhưng sự tu tập của Ngài cũng như sách của Ngài viết còn hay gấp nhiều lần sách của các vị xuất gia .
Vua Thái Tông bệnh, con là Thánh Tông tới thăm, nhân đó hỏi : “Chân không và ngoan không khác nhau thế nào ?” (Ghi chú : ngoan không là cái không ngơ ngơ, rỗng tuếch còn chân không là bản thể của các pháp). Vua đáp : “Hư không là một, nhưng do tự tâm mê nên thành có chân và ngoan sai khác . Ví như phòng nhà, mở ra thì sáng, đóng lại thì tối, sáng và tối chẳng đồng nhưng phòng nhà là một “.
Tôi nghĩ rằng câu trả lời là quá rõ rồi .
204 – “Con quỷ vô thường nó đang rình đây kia “, câu này có ý nói có sanh là có tử , mà chẳng biết chết lúc nào, cho nên phải chuẩn bị cho kiếp sau, đặc biệt là chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc quốc .
“Năm sứ giả nhà Trời “, câu này ít nghe nói . Đó là: sinh, lão, bệnh, tử và lao ngục .
205 – 1/ Kinh Vô Lượng Thọ gọi là Đại Bổn hay Đại Bản . Kinh A-Di-Đà gọi là Tiểu Bổn hay Tiểu Bản . Đó là hai trong ba Kinh chính của Tịnh Độ Tông .Kinh thứ ba là Kinh Quán Vô Lượng Thọ .
2/ Khi đắc quả a-la-hán, thế nào cũng có thần thông, thời nay chúng ta nghe thấy lạ, có thể không tin . Thời đức Phật tại thế, nhiều vị đắc đạo và có thần thông, thí du như các ngài Ca-Diếp, Xá-Lỵ-Phất, Muc-Kiều-Liên … Ngài A-Nan, theo chính lời ngài than sau khi bị Ma-Đăng-già bắt,là ngài nghĩ rằng hầu Phật là đủ đắc đạo . Vì thế sau khi Phật bát-niết-bàn (tịch), ngài Ca-Diếp tổ chức hội nghị (kết tập pháp) để điển chế Tam Tạng, ngài A-Nan không dự được vì thiếu thần thông . May mà, do sự giúp đỡ khéo léo của ngài Ca-Diếp,ngài A-Nan hốt nhiên ngộ khi nằm nghiêng, có thần thông nên bay vào động đá dự họp với các vị la-hán . Ngài A-Nan đọc các kinh, bắt đầu bằng : “Chính tôi được nghe …”.
Ngài Xá-Lỵ-Phất thấy một số người ngoại đạo có thần thông bàn nhau xê dịch một quả núi . Ngài cho rằng việc ấy có hai cho dân chúng địa phương nên ngài dùng thần thông bay lên rồi ngồi trên đỉnh núi mà đè xuống . Núi quá nặng, ngoại đạo chuyển núi không nổi, phải chịu thua .
Nên nhớ rằng có thần thông không phải là muốn làm gì thì làm, thí dụ đối với việc trổ quả của nghiệp nhân thì không ngăn cản được, cùng lắm là chỉ làm nhẹ bớt mà thôi, chính đương sự phải lo tu mà chuyển nghiệp của riêng mình .
206 – Nhiều chuyện tôi nhớ, rồi kể lại cho các đạo hữu nghe, lẽ dĩ nhiên không thể nào đúng hết mọi chi tiết được . Nếu bảo tôi đi tìm lại xem ở sách nào thì khó quá, không đủ sức, trí nhớ của người trên 70 thì “mòn” nhiều rồi ! Đại khái chuyện là như thế, kể chung chung thôi, nhưng chắc chắn là tôi không hề đặt ra !
Hai người đứng trên bờ hồ . Một ông nói : Cá lội tung tăng, vui quá nhỉ !. Ông kia bảo : Ông có là cá đâu mà ông biết là nó vui . Trả lời : Ông có là tôi đâu mà ông biết rằng tôi biết hay không biết . [ Nếu tôi không lầm thì đó là chuyện Huệ tử ở bên Tàu ] .
207 – “Một niệm sai lầm”, nói thế ngắn quá, phải nói “vì chót nảy ra một niệm sai lầm nên mới chịu quả tệ hại như vậy”, đó là nói để than cho một sự việc không hay .
Đây là một thí dụ : Chúng ta nhớ rằng ông Uất-Đầu-lam-phất tu tiên đến một bậc rất cao, chính ông đã luyện thiền cho đức Phật khi ngài vừa mới xuất gia và khi thấy ngài tiến nhanh kịp ông thì ông đề nghi ngài ở lại để điều khiển giáo đoàn của ông, nhưng ngài từ chối, bỏ đi tìm đường giải thoát . Một ngày kia, ông dùng thần thông bay đến thăm vua Tần-bà-xa-la, nhà vua đối xử với ông rất cung kính và dặn hoàng hậu rằng nếu ông tới mà nhà vua đi vắng thì hoàng hậu phải thay mặt vua mà tiếp đãi . Một lần kia, ông tới hoàng cung đúng lúc nhà vua đi vắng, hoàng hậu ra tiếp . Thấy hoàng hậu quá đẹp, ông chợt nảy ra một niệm ái dục . Thế là thần thông mất hết, ông đành đi bộ về núi .
208 – Mở đầu kinh A-Di-Đà, chúng ta thấy ngài A-Nan kể tên những vị được nghe Phật thuyết pháp, trong số các đại tỳ-khưu có một vị tên là Vakkula (chữ phạn đó phiên âm thành Bạc-Câu-La, dịch nghĩa thành Thiện Dung tức là nét mặt đoan chánh) . Ngài thích tu nơi vắng vẻ, ít ham muốn, biết đủ (tri túc), đắc quả la-hán . Khi ngài tịch, có tháp . Khi vua A-xà-thế đến viếng tháp, vua có vào cúng dường và phát biểu ý kiến rằng ngài tu trong rừng nên ít làm lợi ích cho chúng sinh . Đồ cúng dường bay từ trong tháp ra rớt xuống chân nhà vua . Các quan hầu sợ quá, nói : Ngài thiểu dục tri túc, nay vẫn giữ nguyên đức hạnh như vậy . [Ghi chú : do nghiệp lành giữ giới không sát sanh nhiều kiếp mà ngài Bạc-câu-la thọ 160 tuổi, được gọi là thọ mạng đệ nhất] .
209 – Vua Trần Thái Tông không xuất gia nhưng tu Phật, soạn sách Phật . Con ngài lên ngôi là vua Trần Thánh Tông ; con Thánh Tông lên ngôi là Trần Nhân Tông . Vua Nhân Tông đi tu, làm sơ tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử . Chúng ta biết nhiều về vua Trần Thái Tông và sơ tổ Trúc Lâm Yên Tử mà ít nghe đến vua Thánh Tông . Dưới triều ngài thì thiên hạ thái bình . Ngài nhường ngôi cho con và cũng tu Phật . Về ngài, Việt sử ghi lại điều sau này rất hay : Thời vua Thái Tông, giặc Nguyên (Mông Cổ) sang đánh nước ta một lần . Thời vua Nhân Tông, giặc Nguyên lại sang, hai lần . Cả ba lần chúng đều bị thảm hại . Lần cuối, khi đuổi hết giặc rồi, triều đình họp, có ngài Thánh Tông dự bàn . Người ta mang ra một thùng sớ của các quan đã xin hàng giặc, có ý để triều đình xét rồi trị tội . Vua Thánh Tông nói : “Thế giặc quá mạnh, nên họ phải xin hàng . Nay giặc tan rồi thì còn hàng với ai nữa . Đốt hết đi !”. Ai ai cũng được an tâm .
210 – Đạo hữu hỏi rằng thái tử Tất-đạt-đa có mấy vợ . Vua chúa nào chẳng có nhiều cung phi, thái tử có thua nhà vua thì cũng chẳng là bao ! Phật học từ điển Đoàn Trung Còn ghi ở mục Cồ-Di (Gopika) như sau : Vua Tịnh Phạn có cưới cho thái Tử ba bà phi, bà chánh là Da-du-đà-la, bà thứ nhì là Cồ-Di, bà thứ ba là Lộc-Dã . Tên Gopika, Tàu dịch là Minh Nữ . Hôm bà mới sinh lúc mặt trời lặn thì hào quang tụ lại chiếu vào nhà bà . Vì có điềm lạ ấy nên đặt tên như vậy .
Theo HT Thiền Tâm, trong cuốn Phật học tinh yếu, quyển 1, trang 114 thì: Công nương
Da-du-đà-la cũng có hiệu là Cù-Di .., cũng có hiệ là Minh-Nữ (hào quang v..v.. như trên). Thái tử có hai bà phi khác là Gia-duy-đàn và Lộc-dã .
211 – Vua A-Dục (hay A-Du-Ca từ chữ Phạn Asoka) là một nhân vật được nói đến nhiều trong lịch sử đạo Phật . Ông trị vì một nước ở Bắc Ấn Độ, giữ ngôi vua từ 272 đến 236 trước Tây lịch và mất vào khoảng năm 231 tr . TL. Ông chinh phục nhiều nước và những cuộc chiến quá đẫm máu làm cho ông khủng hoảng tinh thần , do đó ông quy y Phật (khoảng năm 260 tr.TL) Có sách nói ông đã xuất gia nhưng còn giữ ngôi vua để ủng hộ Phật pháp . Ông đã lập rất nhiều cảnh chùa, cho làm nhiều “cột đá” (ngày nay hãy còn) trên khắc những lời khuyên dân chúng làm điều lành , mở những cuộc chẩn bần , cúng dàng các nhà sư và khuyến cáo không sát sinh …Tên nhà vua gắn liền với cuộc kết tập quy tụ 1000 vị tăng để điển chế Kinh, Luật, Luận nhất là về Luật vì lúc đó việc trì giới có phần lỏng lẻo . The Shambala Dictionary nhắc đến việc loại những kẻ phạm giới ra khỏi Tăng đoàn và ghi lại một sự kiện quan trọng là phái đoàn hoằng pháp Phật giáo sang Tích Lan, phái đoàn do chính thái tử Mahinda dẫn đầu . Từ điển này nói thêm rằng các cột đá cho thấy vua A-Dục không những nâng đỡ Phật giáo mà còn nâng đỡ cả các giáo phái khác nữa, cho nên nội dung các cột đá nặng về luân lý nói chung hơn là nói riêng về Phật pháp .
212 – Vị tăng mà đạo hữu hỏi đó chính là ngài A-Na-Luật (Phan: Anurudha), ngài là một trong mười đại đệ tử của đức Phật, là “thiên nhãn đệ nhất” . Một hôm, nghe Phật giảng, ngài ngủ gục, bị quở, nên ngài nguyện sẽ tinh tấn tu hành, suốt đời không ngủ, vì thế bị mù . Các vị tăng ni đi khất thực về thì sẻ thức ăn cho ngài . Vì quần áo ngài rách quá, ngài A-Nan phải vá hộ . Một lần, ngài nói : Có ai làm phước xâu chỉ (vào kim) dùm tôi . Đức Phật nghe thấy, sang xâu kim và vá áo cho ông . Đệ tử hỏi thì đức Phật nói là ngài làm phước, mọi người thán phục vì đến như đức Phật mà còn chăm làm phước .
Còn nhiều chuyện nhỏ khác, thí dụ như ngài phải ghé quán nghỉ đêm nhân một bữa đi xa . Nửa đêm, một kỹ nữ thấy vẻ trượng phu của ngài (ngài là một ông hoàng xuất gia theo Phật) có ý trêu ghẹo xàm xỡ, ngài dùng thần thông, bay lên cao . Cô ta sợ quá, nhưng khi được ngài giảng dạy, cô ta hối hận và nguyện quy y .
Một lần khác, khi đang đi trên đường từ Xá-Vệ về Tỳ-Xá-Ly, ngài thấy một thiếu phụ xin đi cùng để được an toàn . Không ngờ, người ấy bị chồng đánh đập nên bỏ trốn về nhà cha mẹ . Người chồng đuổi theo, thấy vậy, nghi ngài quyến rũ vợ anh ta . Ngài bình thản ngồ nhập định, anh chồng hiểu ra và xin lỗi ngài . Đó là đức nhẫn nhục .
(Còn tiếp)
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Montreal 2010 .
…………………………………………….
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Quyển 3
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú- Montreal 2010
Đề tài ôn tập : Bài 9. CHỮ “KHÔNG” TRONG ĐẠO PHẬT
1. KHÔNG là một ý niệm rất quan trọng của đạo Phật; mỗi khi muốn tóm tắt đạo Phật thì người ta đưa ra bốn chữ: Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã. Không riêng gì các Phật tử hay dùng chữ Không, mà đến những người không phải Phật tử cũng biết đến chữ Không đó, tuy rằng không hiểu kỹ lắm. Nhà chùa được gọi là “cửa Không”, “cửa Phật”, “cửa Thiền”.
Cuốn Chơi Chữ (Zieleks xb, Houston, 1978) của Lãng Nhân đã ghi chuyện sau đây: “Cuối năm 1946, trên đường tản cư, khi qua làng Vân Tràng tỉnh Nam Định, chúng tôi thấy trên cổng chùa đề bốn chữ: ‘Sắc không không sắc’, lạc khoản đề bốn chữ Tam Nguyên Yên Đổ. Chúng tôi lấy làm lạ, sao ông Tam Nguyên lại cho dân làng bốn chữ thông thường quá như thế; sau có một ông bạn người làng giảng cho mới hiểu, nguyên làng này chuyên về nghề mài dao mài kéo!”(1)
Tại sao tác giả lại dùng chữ thông thường? Bất cứ ai nghe tụng Tâm kinh cũng rất quen với câu “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc thị không, không tức thị sắc”… Quả là thông thường, quen thuộc. Nhưng chưa chắc đã “dễ hiểu”. Thật ra, rất gai góc!
2. Không là một từ ngữ mang một ý nghĩa rất sâu xa của Phật học. Nó trùng với từ ngữ Không của tiếng Việt ta, vì thế gây ra nhiều điều khó khăn.
Chữ “không” trong Việt ngữ dùng để phủ định, để từ chối, nói rõ ra là để chối bỏ cái gì nêu ra sau đó, cái gì này có thể là một sự vật, một hiện tượng, một hoạt động, một trạng thái, một tính cách: không một bóng người, không ai lên tiếng, không lùi bước, không vâng lời, không được khỏe… Chữ “không” trong Việt ngữ còn dùng để hỏi, chờ đợi một câu trả lời rằng có hay là không có, phải hay là không phải: có khỏe không? có đi hay không? Chữ “không” dùng như tĩnh từ hay trạng từ dùng để chỉ sự vắng, sự trống, sự thiếu: thùng không, nhà trống vườn không, ăn cơm không, tay không bắt trộm, nhẹ không, dễ không, sạch không, ăn không nói có, ở không chẳng chịu làm gì…
3. Chữ Không của nhà Phật chẳng phải là chữ không nói trên đây.
Chữ Không của vật lý học (le vide, vacuum) hiểu tàm tạm là không có một chút vật chất nào, kỳ thực vẫn có nhưng rất “loãng”, rất “hiếm”.
Cái khoảng trống bao trùm mọi vật xung quanh con người, chứa đựng mọi vật trong vũ trụ được gọi là khoảng không, không gian, hư không. Trên đầu chúng ta, cái gọi là khoảng không, thực ra cũng có một cái gì, đó là không khí làm thành bầu khí quyển quanh trái đất, đến một độ cao nào đó thì còn rất ít vật chất. Xưa kia, người ta tưởng tượng ra một chất gọi là éther đầy không gian nhưng nay không còn dùng giả thuyết này nữa.
Không gian rộng vô cùng. Một thí dụ nhỏ: ánh sáng có vận tốc là 300.000 km/giây. Để đi từ mặt trời tới mặt đất, ánh sáng mất 8 phút, như vậy mặt trời cách trái đất là 8 x 60 x 300.000 = 144.000.000 km
Thái dương hệ gồm mặt trời với 9 hành tinh xoay quanh (trái đất là 1 trong số 9 hành tinh đó). Thái dương hệ nằm trong một thiên hà tên là Ngân hà. Từ mặt trời đến trung tâm Ngân hà là 27.000 quang niên (mỗi quang niên là 9461 tỷ km). Trong giải Ngân hà có chừng hơn 100 tỷ vì sao như mặt trời …
Cái không gian bao la ấy đã phải là cái không của nhà Phật hay chưa? Chưa!
Thỉnh thoảng đức Phật Thích-Ca có dùng những hình ảnh để mô tả cái vô cùng lớn. Nhưng đó chưa phải là nói đến cái Không.
4. Thế thì trong câu “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”, “Không” nghĩa là gì? Sắc có nghĩa là vật chất, là hình tướng. Sắc do những thứ khác hợp lại mà thành, do nhiều thành phần kết hợp với nhau mà thành. Theo cách nói của nhà Phật, mỗi vật đều do nhiều duyên kết hợp với nhau mà thành, đó gọi là duyên khởi, duyên hợp. Thiếu một trong những cái duyên đó thì cái vật không có nữa. Sự hiện hữu của vật đó, sự có mặt của vật đó trên thế gian này phụ thuộc vào một số duyên nào đó, một số điều kiện nào đó, vật đó không tự mình hiện hữu được. Đẩy cách nói đi xa hơn, ta nói rằng “vật đó không có một thể tính riêng biệt của nó”, “nó không có bản thể”. Cái bàn phải nhờ vào những cái khác mà hiện hữu, nó chẳng có một thể tính riêng biệt. Thay vì nói “thể tính hay bản thể của nó không có”, nhà Phật nói “thể tính của nó là không”, và nói ngắn hơn nữa, “nó là không”.
Ta hãy nhìn lại cái bàn. Đem luật vô thường ra mà áp dụng, ta biết rằng sau một thời gian nào đó cái bàn sẽ không có nữa, nó không còn hiện hữu nữa. “Tính không” này dựa vào thời gian. Nhưng ngay bây giờ đây, dù cái bàn sờ sờ trước mắt, chúng ta vẫn nói ngay: “thể tính nó là không”, “nó là không”; rõ ràng nó chiếm một khoảng không gian với chiều dài, rộng, cao, ấy thế mà nó là “không” rồi. Cái “không” này khác với cái “không” nói trên liên hệ đến vô thường. Cái Không này là “không có thể tính riêng biệt”; cái Không kia là “tan biến rồi, hủy mất rồi”, trong bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, không, thì cái bàn đã đến giai đoạn cuối rồi, diệt rồi; năm giác quan của ta không nhận ra cái bàn nữa. Cái Không này dễ hiểu hơn, dễ nắm bắt hơn, nhưng thấp. Cái Không kia cao hơn bởi vì “ngay khi cái bàn có ở đó đối với các giác quan của ta” mà ta biết nó là “không”, nghĩa là “ nó do cái khác hợp lại, tự nó không thể hiện hữu được”.
Vì lý do đó nên ta nói thêm “cái bàn có đó, nhưng mà là giả có, không phải là thật có đâu”.
Nhưng chữ “Không” của nhà Phật không phải chỉ có thế. Nếu chỉ có thế thì không có gì “ghê gớm” lắm, chẳng qua là đổi cách nói, hay đặt ra một cách nói gọn ghẽ. Thật thế, thay vì nói “không có thể tính riêng biệt”, “do duyên hợp” thì nói “thể tính là không”.
Chẳng lẽ Phật học rút lại là vấn đề dùng chữ, chơi chữ! Không phải vậy.
5. Trong tất cả các kinh Đại thừa, căn bản nhất là bộ Bát -nhã. Số lượng bộ kinh này tuy gồm 600 quyển nhưng chủ yếu không ngoài giải thích một chữ “không”, “không không”, “đại không”, rốt ráo là “không”. (Kimura Taiken, Đại thừa tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch).
Chữ Phạn sūnya được dịch là empty, open, devoid, nothing, inexistent và sūnyatā được dịch là emptiness, openess, nothingness, void, nonsubstantiality, relativity, the inexhaustible. Chữ Hán viết là , phiên âm là Kong, người Nhật đọc là Ku, người Việt chúng ta đọc là Không, trùng với chữ Không (trái với Có). Không này dùng để biểu thị một ý kiến triết học, để làm một đề tài tham cứu (công án thiền), để bộc lộ một thái độ tôn giáo và một cách thực hiện đạo lý trong đời sống, hoạt động. Đặc biệt nhất là chữ Không cố gắng làm cho con người nhận được điều này: “sự vật thật là như thế” (the way things really are – Yathabhutam).
Đi vào Phật giáo Đại thừa, ta tìm thấy hai nguyên lý căn bản: a/ Hết thảy hiện tượng đều chuyển biến vô thường, b/ Bản thể bất sinh bất diệt. (theo HT Thích Mật Thể)
Nói chung, triết học đề cập đến hai điều: hiện hữu và bản thể (hay hiện tượng và bản thể). Existence và essence là hai ý niệm coi như tương phản nhau. Existence (hiện hữu) do giác quan chúng ta nhận ra. Essence (bản thể) thì không sờ mó, trông thấy được. Có trường phái cho rằng existence quan trọng hơn essence (Existentialisme); có trường phái cho rằng essence quan trọng hơn existence (Essentialisme). Phật giáo Đại thừa quan niệm thế nào? Cái nào quan trọng hơn? Để khỏi sốt ruột, chúng ta nói ngay rằng Phật giáo Đại thừa gọi cái bản thể chung cho muôn vật là Không hay Chân Không, cái Chân Không ấy là bản thể sinh ra vạn vật nên gọi là diệu hữu. “Chân không, diệu hữu” đi liền nhau, không tách rời ra được; sóng dụ cho diệu hữu, nước dụ cho chân không; không thể tách ra được, nước là sóng, sóng là nước.
Đến chỗ này chúng ta đã vượt qua giai đoạn “không” nghĩa là “không có thể tính căn bản”, hay “không có bản thể riêng cho mình”, “không thể tự hiện hữu được”, “không” nghĩa là “không thật” mà chỉ là “giả có”.
Bây giờ, đối với chúng ta, Không là bản thể của vạn pháp.
6. Điều này hết sức quan trọng về phương diện triết học và tôn giáo. Các tôn giáo nói chung đều công nhận rằng có một đấng tối cao tạo ra và quản trị, thưởng phạt mọi sự mọi vật trên thế gian. Phật giáo chủ trương vạn hữu vũ trụ do nhân duyên mà có, các hiện tượng liên hệ chằng chịt với nhau (trùng trùng duyên khởi). Hiện tượng giống như muôn ngàn làn sóng trùng điệp trên mặt biển cả, sai biệt nhau nhưng cùng bản thể là nước. Cái bản thể ấy được gọi là Không hay Chân Không.
Câu hỏi đầu tiên được nêu ra là: cái Không ấy từ đâu mà ra? Chẳng từ đâu mà sinh ra cả! Nó là một thứ tuyệt đối, không dùng lời mà diễn tả ra được, vượt ra ngoài tri giác của con người, chỉ có thể dùng trực giác để thể nghiệm mà thôi.
Bát-nhã tâm kinh nói: “tướng Không của các pháp thì bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”.
Luận Đại thừa Khởi tín của Long Thọ ghi: “Từ xưa tới nay, nó xa lìa mọi ngôn ngữ, văn tự và tâm duyên … duy chỉ dùng trực quan mà thể nghiệm”.
Phật giáo – đặc biệt là kinh Bát-nhã – gọi Chân tướng của vạn hữu là Không tính và dùng nhiều danh từ khác như là: pháp giới, chân tính, pháp bất biến tính, thực tế, tự tính. Đặc biệt một danh từ được dùng luôn là Chân như. (Kimura Taiken, sách đã dẫn, trang 217)
Luận Khởi tín gọi chân như là Tâm chân như, tuyệt đối tâm. Chân như của Bát-nhã chủ yếu là tâm chân như. (Chú ý: tâm chân như khác hẳn tâm hiện tượng hay tâm chúng sinh, tức là là cái tâm hàng ngày của chúng ta, cái tâm được ví như là vượn chuyền cành. Tuy nhiên, đó là hai mặt của một đồng xu).
Sách dẫn trên, trang 219 và 222, có trích ra một đoạn trong Thắng Thiên Vương Bát-nhã và tiểu phẩm Bát-nhã để xem Phật giải thích thế nào là Pháp giới, và trả lời câu hỏi “chân như là một hay nhiều?” (tức là chân như chung cho vạn hữu hay mỗi pháp có một chân như riêng?).
– Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là pháp giới?
– Này Tối Thắng Thiên Vương, Pháp giới là tính không hư vọng.
– Bạch Thế Tôn, thế nào là tính không hư vọng?
– Là tính không biến dịch.
– Thế nào là tính không biến dịch?
– Tức là chân như của vạn pháp.
– Chân như của vạn pháp là gì?
– Ông nên biết chân như rất thâm diệu, chỉ có thể dùng Trí mà trực nhận chứ không phải dùng lời nói mà diễn tả được. Tại sao vậy? Vì chân như của vạn pháp vượt ra ngoài văn tự, xa lìa vòng ngôn ngữ, tất cả mọi lời nói không thể nào miêu tả được; ngoài cả mọi sự hí luận, tuyệt hết mọi sự phân biệt, không có bỉ, không có thử; xa lìa mọi hình tướng, tìm xét cũng không được, không còn trong vòng ngu phu, vượt ra ngoài mọi ma sự, xa lìa các chướng hoặc, không thể dùng thức mà biết được; nó trụ ở chỗ vô sở trụ, vắng lặng, trong sáng; không có ngã, tìm không thể được; không lấy không bỏ, không nhiễm không trước, trong sạch không bợn, tối thắng đệ nhất, tính thường bất biến; dù có Phật ra đời hay không, cái tính đó vẫn thế. Này, ông Thiên vương, đó là Pháp giới vậy.
– Bạch Thế Tôn, làm thế nào chứng được pháp giới đó?
– Chỉ khi nào được cái trí Bát-nhã xuất thế và cái trí không còn phân biệt mới có thể chứng được cái pháp giới đó…”
“Chân như của Như Lai và chân như của Tu-Bồ-Đề là một. Chân như của Như Lai và chân như của hết thảy các pháp đều như nhau, không sai khác… Chân như của Như Lai tức là chân như của hết thảy các pháp; chân như đó là duy nhất, không có một chân như thứ hai”.
Một thắc mắc nẩy ra: Không là Chân Như, là Chân Tâm, nhưng liệu nó có phải là Phật tánh không? Chân = chân thật, như = như thường, không biển đổi, không sai chạy. Phật học từ điển (Đoàn Trung Còn) cho biết: “Chân như tức là Phật tánh, đầy đủ nơi Phật, vẫn có nơi chúng sinh”. Đồng nghĩa, đồng thể: tự tánh thanh tịnh, Phật tánh, Pháp thân, Như Lai tạng, Thật tướng, Pháp giới, Pháp tánh, Viên thành thật tánh, Pháp vị … Pháp Bảo Đàn Kinh: cái Tánh người ta vốn trong sạch, chỉ bởi sự nghĩ quấy (vọng niệm) nó che lấp cái chân như, không tưởng quấy thì cái tánh tự nhiên trở nên trong sạch” (làm thế nào để khỏi tưởng quấy là một vấn đề khác, thuộc về tu hành).
Ngay cạnh đó, tự điển ấy ghi: “Chơn như bổn tánh là cái bổn tánh chơn thật như thường … trống không mà linh thiêng, vắng lặng mà mầu nhiệm… Cũng kêu là bổn lai diện mục, chánh pháp nhãn tạng (Thiền tông), Di-Đà bổn tánh (Tịnh độ tông), thiên lý (Khổng tử), cốc thần (Lão tử).”
Một câu hỏi được nêu lên: Chân như (bản thể) có sẵn trong ta, vô minh làm nó bị che lấp, khi nào hết vô minh, nó hiện ra. Nó ở đấy, nó hiện hữu cùng với thân ta hay là nó “sinh” ra ta? Kinh Đại Bát-nhã đã có câu trả lời: chân như tuy sinh ra các pháp nhưng chân như không sinh, đó gọi là Pháp thân.
Vậy chân như tuy bất biến nhưng lại có thể sinh khởi ra các pháp, thế gian này đã xuất phát từ chân như! “Mặc dầu chân như của kinh Bát-nhã chủ yếu đứng về phương diện bất biến, song nó vẫn có xu hướng về mặt duyên khởi”.
Để hiểu rõ hơn thế nào chân như duyên khởi (lập trường ngài Long Thọ), chúng ta hãy nghe đạo hữu Phước Quế trình bày trong tập san Pháp Âm số 20: “Đã biết rằng pháp giới là Chân Không, Diệu Hữu, bây giờ chúng ta tự hỏi cái gì đã làm cho Chân Không biến thành Diệu Hữu? Câu hỏi này được trả lời bằng lý Duy Tâm Sở Hiện, có thể thâu gồm trong mấy chữ: Chân tâm, Vô minh, Bất giác, Động niệm, Quang minh, Biến hiện, Tương ứng.
Do sự suy động của những ngọn gió Vô Minh Bất Giác, thì biển Tâm động niệm, vọng động và nổi sóng, biến thành muôn vàn những đợt sóng nhấp nhô, chập chùng, mỗi đợt tự lìa mình ra khỏi biển cả Chân Như. Động niệm ấy chúng làm phát xuất vô lượng quang minh và quang minh quyến thuộc, những quang minh này kết tập lại, biến thành những thân căn và khí-thế-giới, vì thân căn và khí-thế-giới bao giờ cũng tương ứng với nghiệp lực của sự khởi niệm. Do đó, căn và cảnh không thể lìa nhau được, vì đều là sự biến hiện của cái Diệu Tâm nhiệm mầu mà thôi.
Vậy pháp giới chỉ là do tự tâm biến hiện, chỉ là một trường biến hiện liên miên bất tuyệt tương-tợ-tương-tục của Tâm chuyển thành Thức. Rồi trong cái màn ảo ảnh liên miên và bao la đó, vọng thức của con người cắt xén lấy một số ảnh tượng có vẻ tương-tợ-tương-tục. Vì chúng biến hiện tương-tợ-tương-tục, nên chúng hình như có khoác một hình tượng. Vọng thức con người liền chộp lấy hình tượng đó, tạo thành một ý niệm rồi khoác cho nó một tên gọi (danh tướng), ôm khư khư lấy nó, nhất định gọi nó là có, cho nó là Vật tồn tại độc lập và riêng biệt với mình, trong khi thực sự nó chỉ là những ảnh-tượng-biến-hiện do những chủng tử nghiệp lực của chính tâm thức mình mà thôi.
Để cho dễ hiểu hơn, có thể ví những tướng trong pháp giới như những hình ảnh ta thấy trên màn bạc. Ta có cảm tưởng rằng có nhân vật, có núi sông cây cỏ xuất hiện, nhưng thật ra chỉ là những hình ảnh do máy caméra chiếu ra. Cũng vậy, những nhân vật, núi sông, cây cỏ mà chúng ta tưởng là có thật chỉ là những hình ảnh do Tâm thức chiếu ra mà thôi. Và sở dĩ tôi và các đạo hữu đều thấy người là người, cây là cây, chỉ vì chúng ta có cộng nghiệp giống nhau. Nhưng một con chó, một vị bồ-tát sẽ thấy khác, con chó không thấy quyển sách là quyển sách, và vị bồ-tát thấy được núi Tu-Di mà chúng ta không thấy. Vì tâm tư con chó là một máy caméra khác, và tâm tư một vị bồ-tát cũng lại là một máy caméra khác.
Do đó, xét đến cùng, thì mọi vật đều là những ý niệm, những ngôn từ, danh tướng của vọng thức chúng sanh. Vi trần chẳng phải là vi trần, chỉ là một ý niệm về vi trần nên tạm gọi là vi trần mà thôi. Thế giới chẳng phải là thế giới, chỉ là ý niệm về thế giới, nên tạm gọi là thế giới. Sanh ra cũng chỉ là một ý niệm vọng tưởng, vì thực ra chẳng có cái gì sanh ra cái gì cả. Vì chỉ là nhân duyên biến hiện. Và ý niệm hay ngôn từ đều là rỗng tuếch, vì chỉ gợi lên đôi chút hình tướng, bóng dáng, mà không sao khế hợp nổi với cái Giác-thể cuối cùng. Cần phải lìa bỏ mọi ý niệm mới thầm khế hợp được. Cần phải luôn luôn niệm cái Vô niệm. Nghĩa là phải luôn luôn tư duy quán tưởng rằng mọi vật là do sự biến hiện của Tự tâm.”
Một thắc mắc khác: cái Không của nhà Phật có khác Hư Vô chăng? Có phải là Ngoan Không chăng?
Tuy cái Không đó không thể nào dùng ngôn ngữ văn tự mà diễn tả được nhưng không phải là nó không có, giác quan của con người không thấy, nghe, sờ… được nhưng nó có tính hoạt động tích cực, nó thấm nhuần vạn pháp, là gốc của sự vật, nó là bản thể của vạn hữu. Nó chẳng phải là cái Không ngơ ngơ (ngoan không) ì ra đó, chính nó là cái “sống” của chúng sinh, là cái “sống” của muôn loài. Có nơi đề nghị dịch chữ Sūnya là Bình đẳng, tại sao vậy? Bởi vì tất cả vạn pháp đều có “cái tính đó” như nhau. Có tác giả đi xa hơn, đem danh từ của khoa học vào để tìm hiểu chữ “Không”. Khi chia chẻ vật chất đến cùng cực, đến phân tử, đến nguyên tử, âm điện tử, trung hòa tử, quark… người ta đi đến năng lượng (énergie, energy). Vô hình tướng, giác quan không cảm được, nhưng nó lại “bơm sinh khí” vào vạn pháp. Sūnya là sức sống!
Quan niệm “chân không” không đứng một mình, chân không là bản thể của mọi hiện tượng, hai thứ ấy – bản thể và hiện tượng – đi liền với nhau như hai mặt của một đồng tiền, có cái nọ phải có cái kia và ngược lại, đứng riêng thì vô nghĩa. Tóm lại Phật giáo nhận rằng existence đi cùng với essence, phénomène đi với noumène, esprit đi với matière.
Để tóm tắt, xin chép ra đây mấy đoạn trang 184, 188 của cuốn Đại thừa tư tưởng luận: “Thế giới quan của triết học Đại thừa như thế nào? Nói một cách đại khái thì tất cả đều qui nạp về bốn chữ Chân Không Diệu Hữu. Chân không nghĩa là hết thảy hiện tượng đều không có tự tính, còn diệu hữu là chỉ sự tồn tại của vạn pháp mặc dầu vạn pháp đó không có tự tính. Hai quan niệm này không bao giờ xa lìa nhau, đó là đặc sắc của triết học Đại thừa…
Chân Không chẳng ngoài Diệu Hữu và ngược lại; nghĩa là khi đã đạt đến Tuyệt Đối thì chân không là diệu hữu, diệu hữu là chân không…
Nhưng lấy chủ ý của Bát-nhã mà giải thích là chủ nghĩa hư vô thì đó là một điều hết sức sai lầm. Cứ theo kinh Bát-nhã thì cái sức phủ định không không ấy lại biểu hiện thành cái sức khẳng định tối đại tự do. Do cái sức đó mà trong một ngọn cỏ có thể bao gồm trăm nghìn ngọn núi Tu -Di, và trong một giọt nước có thể chứa tất cả nước của bốn đại dương. Đứng về phương diện tâm lý mà nhận xét thì “không” của Bát nhã là cái năng-động-thái thuần túy, có thể nói nó là đương thể của ý chí hay ý chí thuần túy được thực hiện. Bởi vậy Bát-nhã cho rằng hết thảy mọi hiện tượng đều do cái sức “không” đó hiển hiện; thế giới là “không”, đồng thời “không” là thế giới. Theo ý nghĩa đó thì cái không của Bát-nhã không phải là cái không trống rỗng, cái “ngoan không”, mà là cái “chân không diệu hữu”. Cái không ấy không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả được, chỉ khi nào thể nghiệm nó bằng trực quan (intuition) ta mới có thể hiểu được một cách hoàn toàn. Nhưng điểm khế cơ của cái không đó là ở chỗ nhân cách hoạt động, đặc biệt lấy việc từ thiện (bố thí), đức hạnh (trì giới), nhẫn nại, nỗ lực (tinh tấn), tĩnh quán (thiền định), nghĩa là lấy lục ba-la-mật để thể hiện. Như vậy có thể bảo đó là chủ nghĩa tiêu cực hư vô không?
Tư tưởng “Không” của Bát-nhã là tư tưởng căn bản của Phật giáo Đại thừa. Sau cái chân không phủ định đó vẫn có cái nhân cách khẳng định diệu hữu. Nếu ta bỏ qua điểm này thì sẽ không thể hiểu được nghĩa căn bản của Đại thừa. Đó là điều ta nên chú ý trước hết. Ta có thể nói hầu hết các kinh đại thừa đều xuất phát từ tư tưởng “Không” của Bát-nhã … Trong mỗi bộ, nếu ta không nhận thấy ý nghĩa “Không” thì cũng nhận thấy diệu hữu.
Tóm lại, nếu nhận xét về phương diện khái niệm thì chân không tựa hồ như trống không, nhưng về phương diện thể hiện thì lại rất cụ thể, rất hiện thực.”
7. Áp dụng chữ Không như thế nào?
Trong Đại thừa, có hai lẽ Không, ấy là Ngã Không và Pháp Không. Ngã Không là không có mình, không có bản ngã, cái ta chỉ là do ngũ uẩn tạm hợp mà thôi. Pháp Không là không có sự vật, không có pháp nào là thật, tất cả đều do nhân duyên hòa hợp mà thôi. Có tên gọi “nhị Không” trên đây là Sanh Không-Pháp Không hoặc là Nội Không-Ngoại Không.
Đạo Phật dạy về Không nhưng lại sợ Phật tử chấp Không, nên phải dạy Trung Đạo. Khi dạy về lẽ có thì gọi là Hữu giáo (thời kỳ đầu, khoa giáo tiểu thừa). Sau thuyết về Không giáo như các bộ kinh thuộc hệ Bát-nhã. Cuối cùng là thuyết Trung Đạo trong các kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa. [Thắc mắc: đức Phật Thích-Ca không thuyết các kinh Bát-nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa …]
Người ta hay nhắc đến “Tứ Cú phân biệt” (bốn câu phân biệt), đó là:
Hữu nhi bất không (có mà chẳng không): Hữu môn,
Không nhi bất hữu (không mà chẳng có): Không môn,
Diệc hữu diệc không (cũng có cũng không): Diệc hữu diệc không môn,
Bất hữu bất không (chẳng có chẳng không): Phi hữu phi không môn.
Đó cũng gọi là Long Thọ Tứ Giáo (ngài Long Thọ – tác giả Trung Đạo luận và Thập Nhị môn luận – được gọi là Thích-Ca chẳng có 32 tướng).
Người tu Phật không sa đà vào những sự chơi chữ có có không không. Sống giữa những pháp mà mình tưởng là thật, mình chạy theo nên mình khổ. Học Phật để biết đó chỉ là giả có chứ không thật có, thế thì mình phải đi tìm cái tướng thật sự của vạn pháp. Đức Phật dạy cho biết thực tướng đó là Không, phải dùng trí bát-nhã mới chứng ngộ được.
Hiểu được cái Không đó thì biết Chân Không đó dính liền với Diệu Hữu. Do đó tu lục độ ba-la-mật để đạt Chân Không, nhưng không dừng ở đó mà phải thực hiện nguyện lớn là “trên cầu đạo bồ-đề, dưới cứu độ chúng sinh”. Vì thế Đại thừa không xa lìa thế gian pháp, “mọi pháp đều là Phật pháp”. Đại thừa “sắn tay áo đi vào chợ”. Chưa tu, đi chợ. Tu rồi, thành rồi, không trụ ở Niết-bàn, mà vẫn lại đi chợ, nhưng cái “đi chợ” này khác với cái “đi chợ” nói trên kia. Trên kia, nói cái ta đi chợ, bây giờ nói cái “vô ngã” đi chợ. Trên kia, đi chợ mà gây nghiệp; bây giờ đi chợ mà vô vi, có làm mà chẳng gây nghiệp, vì có gây nhân đâu mà hái quả!
Tác giả Đại thừa Tư tưởng luận nhận xét rằng “cho đến nay tinh thần trung thực của Đại thừa vẫn chưa được thể hiện trọn vẹn trong xã hội”. Và ông viết tiếp: “người ta muốn đem lý tưởng Tịnh độ thể hiện ngay trong thế gian này để tạo một nền nhân gian Phật giáo, ở chỗ đưa lý chân không diệu hữu mà thực tế hóa và sinh hoạt hóa. Nghĩa là do chân không mà đả phá hiện trạng, đồng thời từ diệu hữu tiến đến một qui tắc sinh hoạt cao cả, rồi lại từ chân không đưa qui tắc sinh hoạt đó đến chỗ giải thoát. Lại tiến thêm một từng nữa, từ diệu hữu tạo thêm một qui phạm sinh hoạt trong thực tế mà vẫn được giải thoát không chấp trước…”
8. Giải thoát là thế nào? Giải thoát, đối với người theo đạo Phật, là ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, đạt đến Niết-bàn. Niết-bàn không phải là một nơi chốn, một cõi, một miền, nó chỉ là một tình trạng của tâm; tình trạng đó xảy ra khi có đủ ba điều sau đây:
– Không còn tham, sân, si (tam độc), đó là phương diện luân lý;
– Hết cái tự ngã (ngã không), đó là phương diện tâm lý;
– Ra khỏi vòng luân hồi, đó là phương diện siêu hình.
(Niết = ra khỏi, Bàn = rừng. Ra khỏi rừng u tối phiền não. Còn có nhiều tên: diệt, diệt độ, tịch diệt, bất sanh, vô vi, an lạc, giải thoát…)
Đối với Tiểu thừa, Phật dạy diệt phiền não, đắc quả La-hán, đắc Niết-bàn tại thế (hữu dư Niết-bàn). Khi tịch thì nhập Niết bàn trọn vẹn (vô dư Niết-bàn). Đối với Đại thừa, Ngài nói Niết-bàn trên đây chỉ là tạm, phải đạt tới Đại Niết-bàn. “…Nói nhập Niết-bàn là còn là lầm. Nói nhập Niết-bàn là không còn cũng là lầm. Cảnh cực kỳ sung sướng vẫn ở ngoài vòng sự sống và thời gian”.
Niết-bàn của bậc bồ-tát là Niết-bàn vô trụ, không trụ ở đó mà hưởng vui, mà quay lại thế gian để cứu độ chúng sinh theo đúng lời nguyện.
Niết-bàn có bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh và tám pháp vị: thường trụ, tịch diệt, bất lão, bất tử, thanh tịnh, hư thông, bất động, an lạc.
Nói đơn giản, chứng Niết-bàn là trở về nhập vào bản thể, tức là hòa vào pháp thân vậy.
Thuyết Tam thân của Đại thừa nói về Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân.
– Pháp thân là bản thể rộng lớn vô biên của vũ trụ, là căn nguyên sinh ra các pháp (tức là vạn hữu, vạn vật).
– Báo thân là cái thân kết quả của các nhân duyên. Các đức Phật trước cũng là chúng sinh, tu tập vô số kiếp, tiêu sạch mê vọng, ám chướng, phúc tuệ đầy đủ, chứng được bản thể chân như, cảm được báo thân tốt đẹp trang nghiêm.
– Hóa thân là những thân mà Phật hiện ra để thuyết pháp hóa độ chúng sinh.
Phàm phu chúng ta có pháp thân và báo thân, các vị bồ-tát có ba thân nhưng chưa được viên mãn, chỉ có Phật mới có đủ ba thân (nhưng thực ra ba thân vốn cùng một thể, đều là diệu dụng của Chân như). Phật giáo nguyên thủy không nhận thuyết tam thân.
9. Tóm tắt lại, ta nói như sau:
– Vạn pháp lưu chuyển nhưng trong cái lưu chuyển vẫn có một cái thường hằng.
– Hiện tượng thì vô thường, muôn hình vạn trạng, nhưng bản thể là một. Bản thể này xa lìa ngôn ngữ, văn tự.
– Cái bản thể ấy, cái tướng thực ấy của vạn pháp tạm gọi là Không cho tiện, không thể chỉ rõ ra được, chỉ có thể chứng đắc khi đạt được trí tuệ Bát- nhã.
– Chân Không luôn luôn phải đi đôi với Diệu Hữu.
– Đạo Bồ-tát là con đường tu của Đại thừa, xuất thế gian mà bất ly thế gian. Hiểu Không rồi thì phải hành Từ Bi mới đúng tinh thần Phật giáo.
– Niết-bàn rốt ráo cũng chỉ là cái tâm mà thôi. □
……………………………………………..