Kinh tế, một trong bốn cột trụ an ninh quốc gia của Mỹ(RFI)2. VNTB- Vụ Vũ ‘Nhôm’ có trở thành ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’?-3.Lãnh đạo Westminster lên tiếng vụ bị ‘tố cáo tham nhũng’(NV)

Kinh tế, một trong bốn cột trụ an ninh quốc gia của Mỹ

Thanh Hà

19-12-2017 16:34


Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về “Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, ngày 18/12/2017.
REUTERS/Carlos Barria

“Chinh phục hòa bình bằng sức mạnh”, mà “vũ khí lợi hại nhất của Mỹ là sức mạnh kinh tế”. Trong bài diễn văn đầu tiên về “Chiến Lược An Ninh Quốc Gia” đọc ngày 18/12/2017, tổng thống Trump gắn liền vế “kinh tế với an ninh”, nhắc nhở công luận rằng trước khi bước vào Nhà Trắng, ông đã từng là một doanh nhân.

Nếu như các đời tổng thống trước xem sức mạnh quân sự và ngoại giao là những lá chủ bài để Hoa Kỳ tỏa sáng trên sân khấu quốc tế, thì nay, Donald Trump đặt sức mạnh kinh tế lên ngang hàng với tiềm năng quân sự vô song của Mỹ.

Trình bày về “Chiến Lược An Ninh Quốc Gia”, tổng thống Mỹ thứ 45 chủ trương “khả năng cạnh tranh về kinh tế của Hoa Kỳ” là một vế trong “chiến lược an ninh quốc gia”. Mục tiêu đầu tiên tổng thống Trump nhắm tới là Trung Quốc khi ông khẳng định rằng, mọi trao đổi mậu dịch giữa Mỹ với các đối tác thương mại phải được “bình đẳng, công bằng và dựa trên nguyên tắc có qua có lại”.

Trung Quốc trong mắt ông Trump là một “đối thủ chiến lược” của Hoa Kỳ và Washington báo trước sẽ siết lại chính sách mậu dịch song phương, “chặt chẽ hơn” trong các dự án chuyển giao công nghệ với ông khổng lồ châu Á này. Thực ra theo các nhà phân tích, lập luận này không có gì mới mẻ, khi biết rằng trong suốt thời gian vận động tranh cử, ứng viên Donald Trump từng tố cáo Trung Quốc “cướp công ăn việc làm” của người lao động Mỹ. Có điều, Washington đang trong thế của người làm xiếc đi dây, bởi vì Hoa Kỳ cần Trung Quốc để giải quyết hồ sơ hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.

Với Nga, tổng thống Trump không khoan nhượng hơn khi ông tuyên bố “Trung Quốc và Nga thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và quyền lợi của Hoa Kỳ, muốn làm tổn hại đến an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ”. Nhà Trắng lên án cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh “nhất quyết” để cho các nền kinh tế Nga và Trung Quốc “ít tự do, ít công bằng”. Nước Mỹ, do vậy theo quan điểm của Donald Trump đang bước vào “kỷ nguyên cạnh tranh mới” mà ở đó, Hoa Kỳ lao vào cuộc để “giành trở lại phần thắng trong tay”. Để có được thắng lợi đó thì “nước Mỹ cần phải thức tỉnh”.
ADVERTISING
inRead invented by Teads

Một cách tổng quát hơn “Chiến Lược An Ninh Quốc Gia” theo nhãn quan của Donald Trump dựa trên 4 cột trụ : bảo vệ lãnh thổ quốc gia, thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ, hòa bình và tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Trên thực tế, phát biểu đầu tiên về “Chiến Lược An Ninh Quốc Gia” của Donald Trump chỉ nhằm hâm nóng lại khẩu hiệu “America First”.

Tổng thống Trump giải thích khi tuyên thệ, ông từng đưa ra một nguyên tắc đơn giản : “nhiệm vụ trên hết của chính quyền là phục các công dân Mỹ, nhất cử nhất động của chính quyền đều được cân nhắc và đặt quyền lợi của Hoa Kỳ lên đầu”. Nguyên tắc đó là kim chỉ nam cho mỗi quyết định của chính quyền Trump, từ biện pháp giới hạn người nhập cư đến tăng cường an ninh biên phòng, hay kể cả việc rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris.

2017 là năm nước Mỹ phải hứng chịu nhiều thiên tai : các trận bão Harvey và Irma rồi tới trận cháy rừng bất thường xảy ra vào mùa đông … nhưng với tổng thống Trump, thỏa thuận quốc tế chống biến đổi khí hậu được ký kết tại Paris, nỗ lực giảm nhiên liệu hóa thạch chỉ là những đòn nhằm gây thiệt hại cho “kinh tế và ngành năng lượng của Hoa Kỳ”.

Sau cùng, trình bày “Chiến Lược An Ninh Quốc Gia” đúng vào lúc một tai nạn tàu hỏa vừa xảy ra tại thành phố Seattle- miền tây bắc Hoa Kỳ, tổng thống Trump cho rằng : thay vì tài trợ đến 7 tỷ đô la hàng năm cho Trung Đông, Mỹ nên dùng số tiền đó để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Tóm lại, tổng thống Trump đang thực hiện đúng những gì ông đã cam kết : chú trọng đến người Mỹ, đến quyền lợi của dân Mỹ. Dù muốn hay không, ngôn ngữ của Donald Trump là ngôn ngữ của một doanh nhân và ông áp dụng cùng nguyên tắc khi điều hành một đất nước cũng như khi lãnh đạo một doanh nghiệp. Nguyên tắc đó là “sức mạnh của đồng tiền”.

…………………………………………………………………………………………..

VNTB- Vụ Vũ ‘Nhôm’ có trở thành ‘Trịnh Xuân Thanh thứ hai’?

Nguồn:`Viet. Nam Thoì Baáo –28.12.17

Phạm Chí Dũng

Trịnh Xuân Thanh trên truyền thông Đức.
Chỉ ít ngày sau khi thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ – trùm bất động sản Vũ “Nhôm” – biến mất ngay trước mũi các tuyến trinh sát của Công an Đà Nẵng, Bộ Công an, vụ Vũ “Nhôm” đang có những dấu hiệu trở thành một vụ “Trịnh Xuân Thanh thứ hai”.
Những tương đồng Vũ “Nhôm” – Trịnh Xuân Thanh 
Một vài trang báo điện tử ngoài nước và một số trang facebook ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài bắt đầu đưa tin về vụ Vũ “Nhôm” đã tẩu thoát trót lọt, đã có thể ung dung ở một chân trời nào đó ngoài biên giới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Không chỉ có thế, là một tình báo viên công an, Vũ “Nhôm” đang nắm trong tay một bản danh sách mạng lưới tình báo viên của công an Việt Nam ở nước ngoài và nhiều công ty “bình phong” của ngành công an. Nếu danh sách gián điệp này và các công ty “bình phong” bị Vũ “Nhôm” tiết lộ, sẽ xảy đến vô khối chao đảo trong nội bộ ngành công an…
Bầu không khí mô tả trên về “lợi thế so sánh” của Vũ “Nhôm” là tương đồng, hoặc chính xác hơn là rất tương đồng, với cách thức “dàn trận” của nhóm truyền thông lợi ích chỉ ít ngày sau Trịnh Xuân Thanh biến khỏi Việt Nam vào nửa cuối năm 2016, cũng là khoảng thời gian mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể đã hoảng hốt trước vụ Trịnh Xuân Thanh và cả tổng biên tập báo Petrotimes – đại tá an ninh Nguyễn Như Phong “phản thùng”, phải mở cả một hội nghị trung ương 4 để răn đe về hành vi “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Ai và thế lực nào đã báo tin và giúp cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn?
Đó vẫn là nỗi đau không thể nói thành lời của Tổng bí thư Trọng.
Một điểm tương đồng, không biết chỉ là ngẫu nhiên hay mang tính chủ ý, giữa câu chuyện “ra đi tìm đường cứu nước” của Vũ “Nhôm” và Trịnh Xuân Thanh là cả hai nhân vật này dường như chỉ thoát khỏi vòng vây theo dõi vào khoảng thời gian ngắn ngủi cuối cùng.
Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, vào khoảng quý 3 năm 2016, Bộ Công an sùng sục khám xét nhà Trịnh Xuân Thanh, báo chí nhà nước chạy theo tường thuật sôi động, nhưng đột nhiên tất cả đều im bặt. Trịnh Xuân Thanh đã biến mất không một dấu vết.
Hơn một năm sau, đoạn phim trên được công chiếu lại. Vào buổi tối 21/12/2017, khi nhiều tờ báo nhà nước sôi nổi và ồn ào đưa tin “Bộ công an khám nhà Vũ “Nhôm””, thì lại không có tin tức hay hình ảnh nào về việc đại gia Phan Văn Anh Vũ này đã chính thức bị khởi tố bắt giam. Toàn bộ hình ảnh “khám nhà” mà báo chí nhà nước đăng tải chỉ là bề mặt ngôi nhà của Vũ “Nhôm” mà không hề thấy cảnh đại gia này bị công an áp sát hay tra tay vào còng ở trong nhà.
Nếu Vũ “Nhôm” trở thành “Trịnh Xuân Thanh thứ hai”?
Sau khi Vũ “Nhôm” biến mất, các cơ quan công an đã tìm cách đổ trách nhiệm cho nhau. Trước câu hỏi của báo chí về trách nhiệm quản lý của Công an TP.Đà Nẵng và “việc điều tra Vũ ‘nhôm’ tiến hành đã lâu, sao vẫn để ông Vũ biến mất?”, Phó giám đốc Công an TP. Đà Nẵng Trần Đình Liên giải thích chủ trì vụ án này là Bộ Công an, Công an Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp.
Dấu hỏi bật ra là cơ quan công an đã quan liêu đến mức không biết Vũ “Nhôm” đã xa chạy cao bay mà vẫn “khám nhà” như một thói quen, hay đã biết trước đó và đã phát sinh một cơn hoảng loạn trước đó trong nội bộ công an từ cấp thành phố Đà Nẵng đến Bộ Công an, để sau đó đành làm động tác khám nhà Vũ “Nhôm” như một thủ tục “cho có”?
Cần nhắc lại, cho đến tận bây giờ, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có bất cứ tin tức nào được công bố về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư. Hậu quả của vụ việc mà ai cũng hiểu là có xuất xứ từ “xung đột nội bộ” này là vụ “tàng hình” ấy chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ “biện pháp nghiệp vụ”, và thế lực giấu mặt này không chỉ mang ý nghĩa nhỏ bé như một hành động chọc tức và khiêu khích đối với Tổng Trọng, mà lớn lao hơn thế nhiều, có thể trở thành một loại đối trọng chính trị theo đúng nghĩa đen của từ điển chính trị học, trở thành tương lai ám ảnh đối với tương lai chính trị có thể còn kéo dài đến ít ra cuối đại hội 12 của tổng bí thư hiện tại.
Chưa bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng cùng nhóm quyền lực khuynh đảo trong đảng cầm quyền lại bị vỗ mặt bởi những thách thức vừa khiêu khích vừa sẵn sàng ra đòn hạ độc như hiện thời. Vụ Trịnh Xuân Thanh chắc chắn đã khiến ông Trọng khó ăn khó ngủ, còn nếu Vũ “Nhôm” trở thành “Trịnh Xuân Thanh thứ hai” thì tình thế sẽ “biến” đến thế nào?
Sau khi Trịnh Xuân Thanh đào tẩu thành công vào năm 2016, những trang mạng thuộc phe Thanh hoặc ủng hộ nhân vật này đã đưa tin về việc Trịnh Xuân Thanh nắm trong tay nhiều tài liệu “chết người” – những tài liệu mà nếu bị bắt thì Thanh có thể “làm sụp đổ cả một vương triều”. Tuy thực tế sau đó cho thấy Trịnh Xuân Thanh đã không công bố được tài liệu nào đủ mô tả chiều sâu về những bê bối cung đình của giới quan chức, cũng không có tài liệu nào vẽ ra bức tranh tài sản của giới quan chức như trang Chân Dung Quyền Lực đã tung ra như một cơn địa chấn vào cuối năm 2014 – đầu 2015, nhưng rõ ràng Trịnh Xuân Thanh vẫn là một hồ sơ sống rất có giá trị đối chứng, ít nhất trong vụ cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố và tống giam vào tháng 12/2017.
Còn giờ đây, tuy chỉ được đánh giá là một con chốt trên bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam, nhưng Vũ “Nhôm” lại rất có thể đóng vai trò đột phá khẩu cho bất kỳ phe phái nào biết lợi dụng nhân vật mà bị một số dư luận xem là “tình báo hai mang” này.
Điều 263: cơ hội cư trú chính trị của Vũ “Nhôm” sẽ rộng mở? 
Có một chi tiết “lạ” ứng với trường hợp Thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ: trong khi báo chí nhà nước ồn ào đưa tin về rất nhiều dự án đất đai và nhà công sản mà Phan Văn Anh Vũ đã trục lợi chính sách để có được và làm giàu bất chính, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an lại tung ra lệnh truy nã của đối với Phan Văn Anh Vũ và khởi tố Vũ do có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”.
Ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng (Ảnh chụp từ VTV)
Một luồng dư luận từ chính dư luận viên của đảng nhận định rằng khi lệnh truy nã Phan Văn Anh Vũ thể hiện tội danh “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” theo điều 263 Bộ luật Hình sự, cơ hội cư trú chính trị của Vũ “Nhôm” sẽ rộng mở và như vậy việc bắt, di lý Vũ “Nhôm” sẽ khó khăn hơn. Và trong thực tế, cơ quan an ninh điều tra sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn nếu Vũ “Nhôm” đã xuất ngoại.
Một luồng dư luận khác ở hải ngoại lại cụ thể hóa luồng dư luận trên: do Vũ có trong tay danh sách màng lưới tình báo viên cùng danh sách các công ty bình phong và công ty sân sau của ngành công an đang hoạt động ở trong và ngoài nước, điều mà rất nhiều quốc gia sẽ chấp nhận cho Vũ được hưởng quy chế tị nạn chính trị nhằm khai thác lợi thế này.
Thực tế có thể hình dung ngay là trong tay Vũ “Nhôm” rất có thể đã nắm được những tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ “xămxônai” (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức “lại quả” cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường…
Nhưng thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ còn có thể sở hữu nhiều tài liệu nội bộ thuộc độ “Mật”, thậm chí “Tuyệt Mật” về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an.
Và của cả những ngành khác…
Một chi tiết bên lề nhưng không thể bỏ qua là “không hiểu sao” chỉ ít ngày sau khi Vũ “Nhôm” bị đặt vào lệnh truy nã, trên mạng xã hội bất thần hiện ra một tài liệu mang tên “Báo cáo tin tình báo”, trong đó đặc biệt đề cập về Vũ “Nhôm” và “phe cánh chính trị” không chỉ ở Đà Nẵng mà còn lên đến “trung ương”. Không biết tài liệu này có tính xác cứ nào, nhưng địa chỉ phát hành nó là Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) – Bộ Quốc phòng.
Khác nhiều với phong cách “nhanh chóng đập tan các luận điệu xuyên tạc và thù địch” mà hệ thống tuyên giáo của đảng cầm quyền thường tiến hành trong thời gian gần đây đối với một số thông tin trên mạng xã hội, cho tới nay người ta vẫn chưa thấy Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo hay có công bố nào để phản bác “Báo cáo tin tình báo” trên.
………………………………………………

Lãnh đạo Westminster lên tiếng vụ bị ‘tố cáo tham nhũng’

Nguồn:nguoiviet.com –

Đỗ Dzũng/Người Việt – 

Thị Trưởng Trí Tạ (trái) và Phó Thị Trưởng Tyler Diệp (giữa) trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Sau khi nhật báo Người Việt đăng bài viết “Cựu cảnh sát trưởng Westminster tố cáo ‘tham nhũng tràn lan thành phố,’” trong số báo ra ngày Chủ Nhật, 24 Tháng Mười Hai, hai ngày sau, Thứ Ba, 26 Tháng Mười Hai, Thị Trưởng Trí Tạ và Phó Thị Trưởng Tyler Diệp có ghé qua tòa soạn, yêu cầu được lên tiếng thêm.

Bài báo nêu trên dựa theo bài báo của báo mạng Voice of OC, theo nội dung bản khiếu nại dài 14 trang của ông Kevin Baker, cựu cảnh sát trưởng, tố cáo một số dân cử trong thành phố có một số hành động mà ông gọi là “tham nhũng lan tràn thành phố, dân cử hành động giống như ‘băng đảng,’ tìm cách dùng cảnh sát để gây sức ép với doanh nghiệp địa phương và trừng phạt đối thủ chính trị.”

Ban đầu, thành phố không chịu cung cấp bản khiếu nại này, cho rằng đây là vấn đề riêng tư của một số cá nhân.

Thế là Voice of OC đâm đơn kiện, và tòa án ra phán quyết là thành phố phải công khai tài liệu này.

Trong bài viết nêu trên, nhật báo Người Việt cũng có phỏng vấn hai vị thị trưởng và phó thị trưởng, và cả hai đã lên tiếng nói.

“Chúng tôi muốn giải thích và làm sáng tỏ một số vấn đề bài báo nêu ra, có liên quan đến chúng tôi và một số nghị viên,” ông Trí nói với nhật báo Người Việt hôm Thứ Ba.

“Chuyện giữa bà Rice và ông Baker”

“Những gì ông Baker tố cáo là hoàn toàn mâu thuẫn giữa Nghị Viên Margie Rice với ông và nhân viên thành phố. Ví dụ, hồi năm 2015, bà Robin Roberts, thư ký thành phố, có nộp đơn kiện bà Rice, cho rằng bà Rice tìm cách trù dập bà đến nỗi bà phải nghỉ việc. Lúc đó, thành phố cũng phải dàn xếp với bà Roberts để bà khỏi kiện,” ông Trí kể.

Ông nói thêm: “Ban đầu, ông Baker khiếu nại chủ yếu là nhắm vào bà Rice. Sau đó, luật sư của ông Baker đổi chiến thuật, nhắm vào nhiều người khác, làm cho sự việc lớn thêm, để thành phố tốn thêm tiền.”

Ông Trí cho rằng, khi có thêm tên các nghị viên khác vào, mà nếu thành phố tiếp tục ra tòa để tranh tụng, sẽ tốn nhiều tiền của dân.

“Cuối cùng, luật sư đại diện ông Baker chọn dàn xếp với chi phí như bên ông đòi hỏi,” ông Trí nói. “Cá nhân tôi và các nghị viên khác là nạn nhân trong vụ này, vì chính bà Rice là người gây mâu thuẫn với nhân viên nhiều nhất và từ trước tới nay.”

Nhật báo Người Việt có gọi điện thoại cho bà Margie Rice, để lại lời nhắn, nhưng chưa thấy bà trả lời.

Về phần mình, ông Tyler cho biết có hai đơn khiếu nại, “đơn lúc đầu khác với đơn lúc sau này, và có sự khác biệt lớn.”

“Về mặt pháp lý, chúng tôi bị giới hạn, không thể nói chi tiết tất cả. Nếu bên luật sư của ông Baker đồng ý cho công khai mọi thứ, chúng ta sẽ thấy một sự khác biệt,” vị phó thị trưởng nói. “Tôi chỉ có thể nói là đơn lúc đầu không có cáo buộc gì đối với tôi, Thị Trưởng Trí Tạ, và Nghị Viên Sergio Contreras. Nói cách khác, đơn sau này, tức là 14 trang mà Voice of OC có được, đã được điều chỉnh.”

Nhật báo Người Việt có gọi điện thoại và nói chuyện với ông Kevin Baker, được ông cho biết như sau: “Tôi rất muốn nói cho quý báo biết nhiều điều, nhưng không thể được vì như vậy sẽ vi phạm thỏa thuận. Tốt nhất là quý báo nên liên lạc với luật sư của tôi.”

Nhật báo Người Việt sau đó có gọi điện thoại đến Văn Phòng Luật Sư Dennis Wagner, đại diện cho ông Baker, nói chuyện với thư ký, nhờ nhắn lại, nhưng khi bài báo lên khuôn, không nhận được hồi âm.

Theo lời khuyên của luật sư

Khi được hỏi chuyện hai đơn khiếu nại khác nhau, cả hai vị thị trưởng và phó thị trưởng đều nói họ không biết, “cho tới khi Voice of OC công bố.”

Thị Trưởng Trí Tạ nói: “Khi bỏ phiếu quyết định dàn xếp vụ này, chúng tôi, Hội Đồng Thành Phố, làm theo lời khuyên của ông Dick Jones, luật sư thành phố. Chúng tôi được xem bản khiếu nại ban đầu, ông Baker khiếu nại ba người, bà Rice, ông Jones, và ông Frank Cobo, một nhân viên của thành phố, không hề có tên tôi, Phó Thị Trưởng Tyler Diệp, Nghị Viên Sergio Contreras, và Nghị Viên Diana Carey.”

“Chúng tôi không hề được xem bản thứ nhì, do luật sư đại diện ông Baker điều chỉnh, và ông Jones chỉ giải thích cho chúng tôi, và khuyên chúng tôi nên giải quyết để tránh tốn kém cho cư dân,” ông Tyler Diệp nói thêm.

Một cuộc họp Hội Đồng Thành Phố Westminster. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Không có lửa làm sao có khói?”

Sau khi sự việc được công bố trên truyền thông, nhiều cư dân Westminster thắc mắc “không có lửa làm sao có khói?,” nhất là của một vị cảnh sát trưởng, mặc dù đây chỉ là những tố cáo, mà theo Luật Sư Dick Jones nói với nhật báo Người Việt, không có bằng chứng cụ thể.

Thị Trưởng Trí Tạ giải thích: “Thực ra, cũng có khi chúng tôi nghe người này nói, người kia nói, chuyện này chuyện kia, tuy nhiên, chưa bao giờ có ai chính thức phàn nàn bất cứ điều gì, thành ra, chúng tôi không thể làm gì được. Hơn nữa, trong Hội Đồng Thành Phố, tất cả chúng tôi mỗi người cũng chỉ có một lá phiếu. Chỉ khi nào có chuyện gì hiển nhiên, có chứng cứ, chắc chắn Hội Đồng Thành Phố sẽ bỏ phiếu để khiển trách, hoặc đưa ra bất cứ hành động nào, theo luật định.”

Phó Thị Trưởng Tyler Diệp nói: “Trước khi ông Baker làm cảnh sát trưởng, ông đã làm ở thành phố hơn 20 năm, nếu thấy bà Rice có sai trái, sao ông không nói, mà đợi tới lúc sắp nghỉ hưu mới khiếu nại.”

“Tôi có nghe ông phàn nàn là bà Rice tạo áp lực cho ông, làm sức khỏe ông giảm sút, nhưng là một nghị viên, tôi không có thẩm quyền xử một đồng viện. Nếu ông Baker phàn nàn chính thức thì mới có thể giải quyết được,” ông Tyler nói thêm.

Ông Trí cũng nói có nghe ông Baker nói với người này người kia về chuyện bà Rice, nhưng đây là lần đầu tiên ông chính thức khiếu nại.

Ông Tyler nói thêm: “Trong đơn khiếu nại, ông Baker nêu ra nhiều điều về bà Rice, biết bà làm sai, nhưng ông vẫn làm lơ. Ví dụ, nhân viên IT được yêu cầu đến sửa máy điện toán cá nhân của bà, ông biết là sai, nhưng vẫn để cho làm. Nên nhớ, IT trực thuộc thẩm quyền của sở cảnh sát. Một ví dụ khác, ông nói bà yêu cầu lấy xe cảnh sát chở đi công việc riêng, sai trái quá hiển nhiên, nhưng ông vẫn để xảy ra.”

Ông Trí nói thêm: “Những chuyện này chúng tôi không bao giờ biết, cho tới khi đọc đơn khiếu nại.”

Ai cũng “sợ” bà Rice

Trong đơn khiếu nại, ông Baker viết rằng: “Gần như mọi tổng quản trị làm việc với bà Rice đều coi bà là nguyên nhân chính gây khó khăn cho thành phố, chỉ vì những vấn đề cá nhân. Trong 14 năm, thành phố có tới 10 tổng quản trị. Tất cả họ biết bà là nhân vật quyết định, nên phải làm cho bà vui. Khi bà nổi giận, mọi người đều né và không ai dám nhìn bà.”

Về chuyện này, ông Trí nhận xét: “Cá tính của bà Rice là không nghe lời chia sẻ của người khác, và luôn nói rằng cảnh sát trưởng nói không đúng về bà.”

Ông Trí cũng cho rằng, không phải bà Rice muốn gì cũng được, và dẫn chứng, có một lần, hồi năm 2012, một phải đoàn Phật Tử xin tuần hành trên đường Bolsa, bà Rice, lúc đó là thị trưởng, bỏ phiếu chống, nhưng cả ba nghị viên gốc Việt bỏ phiếu thuận.

Sau khi làm thị trưởng một thời gian, bà Rice tuyên bố nghỉ hưu, ủng hộ ông Trí làm thị trưởng. Sau khi ông thắng cử, ông lại đề cử bà làm nghị viên, và được Hội Đồng Thành Phố đồng ý.

“Có phải vì vậy mà người ta nói ông không dám ‘đụng’ bà Rice?” nhật báo Người Việt đặt câu hỏi.

Ông Trí trả lời: “Tại buổi họp hôm đó, khi tìm người thay thế tôi để hoàn tất hai năm còn lại, tôi có nói, tôi muốn làm việc với một người có kinh nghiệm, thế là tôi đề cử bà. Chỉ vậy thôi.”

Giải pháp tương lai

Để ngăn chặn tình trạng như vừa xảy ra, ông Trí đề nghị: “Cư dân thành phố nên thường xuyên tham gia các buổi họp Hội Đồng Thành Phố nhiều hơn, để biết dân cử của mình làm gì, để có thể lên tiếng kịp thời, tránh trường hợp kiện cáo.”

“Nếu có ai chính thức khiếu nại cá nhân nào, Hội Đồng Thành Phố mới có biện pháp. Cá nhân tôi xin hứa sẽ không để chuyện này xảy ra nữa, và sẽ có hành động trong khuôn khổ luật pháp. Ngoài ra, trong tương lai, nếu thành phố có chuyện gì, tôi sẽ thông báo qua truyền thông,” vị thị trưởng Westminster đưa ra lời hứa.

Phó Thị Trưởng Tyler Diệp cho rằng: “Bà con mình nên bình tâm, khi có chuyện gì xảy ra, có pháp luật giải quyết. Nếu nghe khiếu nại, phàn nàn, nên nhớ, đó mới chỉ là lời tố cáo, và khi ra tòa, ai có tội, pháp luật sẽ trừng phạt.”

Câu hỏi của nhật báo Người Việt đối với hai vị dân cử cao cấp nhất Westminster là: “Trong khi các thành phố xung quanh Little Saigon, cùng với tiểu bang và quận hạt, đều có giới hạn nhiệm kỳ, mà theo các nhà nghiên cứu, là để ngăn chặn dân cử ‘mọc rễ’ dễ dàng dẫn đến tham nhũng và những tệ nạn khác, Westminster lại không có. Hai vị nghĩ sao? Dân cử Westminster có nên bị giới hạn nhiệm kỳ không?”

Ông Trí nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ giải pháp này.”

“Tôi không có ý kiến,” ông Tyler nói. (Đỗ Dzũng)


Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics