Mạt-Chược và Gia-Đình (Nhã Nhạc)

Mạt- chược và Gia- đình
             Để nhớ chị và các cháu .
Nhã Nhạc

Tết đến là một dịp để chơi  “cờ bạc”  trong nhiều gia đình và giữa  bè bạn .
Trong đời tôi, cho tới giờ này, tôi chỉ biết chơi hai thứ bài : bài tam cúc khi còn nhỏ – bây giờ tôi không nhớ chơi như thế nào – và bài mạt – chược sau khi vào đại học . Như thế đã được mấy chục năm, kể từ ngày anh chị Q. tôi truyền dạy cách chơi mạt-chược  cho các em và các con của anh chị . Nhưng cho dù mấy chục năm đã trôi qua, tôi vẫn chỉ là người “biết chơi” ; có nghĩa là, bất cứ lúc nào, ngồi vào bàn mạt-chược, tôi cũng là người “giam tiền” nhiều nhất , vì cái tội lơ ngơ, ngớ ngẩn …Cũng có lúc tôi được “ù”, ù to nữa, nhưng rất hiếm hoi, và là do “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ” mà thôi ! (Hình trên:H.AnhBTK Trâm+con gái đầu lòng của K.Trâm ; Hình dưới:Chị Q. và cháu ngoại của chị)

                      

Tết Tân Mão vừa qua (1), tại nhà cháu Hoàng Yến, con gái áp út của anh chị tôi, trên San Francisco, khi “đủ chân”, tức là có bốn người, cháu H.Yến liền bày ra một bàn mạt-chược . Thật ra, chúng tôi có “sáu chân” – hai người ngồi ngoài – lúc nào ai cần nghỉ mới vào thay thế . Luật được đặt ra là 25 cents cho một phán . Thí dụ : ai ù được bốn phán thì được ba nhà kia giam, mỗi người : 0.25 x 4 x3 = $3 ; nếu người đó “ù mủn”, nghĩa là ù với sáu phán thì “làng” phải  giam tiền nhiều hơn  ..v..v..  Về “chơi tiền” thì không đáng kể vì 25 cents là đơn vị nhỏ nhất, nhưng nó cũng đủ gây nên một không khí náo nhiệt  trong cuộc chơi .
Trong số người chơi mạt-chược hôm đó, Luân vẫn là người, với óc phiêu lưu, thích xếp đặt bài , tiếng chuyên môn gọi là “gò bài, nặn bài”,  cốt làm sao khi Luân ù, phải là “ù mủn” , hay”đúp  mủn” (2x ù mủn ), hay “trip mủn” (3x ù mủn) . Cách gò bài của Luân làm mọi người hồi hộp, nhất  là  khi Luân “đánh hoa” ra ngoài, chỉ cần đánh đủ ba cái hoa  ra ngoài , không ai ù, Luân sẽ ù  ; nhưng nếu ai ù  với 1 trong 3 hoa đó, Luân phải giam đền cho hai nhà kia nữa . Ngoài ra, Luân cũng thích “đánh khung”, làm mọi người run sợ …Mỗi khi Luân sắp sửa ù  “đúp mủn”  hay  “trip mủn”,  “luật gia đình” lại được viện dẫn: : – “Không có đúp mủn, luât gia đình chỉ  cho ù một mủn thôi . Luân muốn ù bao nhiêu mủn cũng được, nhưng “làng”chỉ” giam cho Luân tối đa 1 mủn (6 phán) …Yến nói . Luân trả lời : -“ Như vậy là không khuyến khích óc sáng tạo gì hết hay sao ?
– Ừa, nhưng trong gia đình không cần óc sáng tạo !
Tôi nói vậy khiến cả nhà cười ầm lên . Trâm –con gái lớn của  anh chị tôi – cũng rất đồng ý với tôi, vì, nếu tôi là người chơi dở nhất thì, Trâm là người chơi dở thứ hai . Tôi có cái tội là cứ lơ ngơ, ngớ ngẩn : tôi không nhớ rõ tên cây bài – nhầm đại hoa với hoa chẳng hạn – , không nhớ cách xếp bài cho ổn định, nhất là khi có được những khung lớn, dùng để thay thế cây bài mình đang thiếu . Do vậy, tôi thường đánh ra những cây bài tốt cho người khác ù, hoặc tôi xếp một cây không phải hoa  ra ngoài để lấy một cây khác, hoặc tôi để nguyên một cây hoa trên bài mà luật không cho phép . Vì vậy, có lúc tôi nghe một cháu nói :- Ủa, sao bài cô T. ngắn vậy ? (nghĩa là tôi thiếu một cây  bài)  ; có lúc lại nghe : -Sao bài cô T. dài thế ? (nghĩa là dư bài !) Nhờ “luật gia đình”, tôi được tha thứ, không bị “xỉu”  – (xỉu có nghĩa là không được đánh cho bài ù mà chỉ đánh ra cho tới lúc có người ù thì giam tiền !) . Dăm ba lần khác, khi ai đó đã ù, mọi người ngả bài ra, lại có cháu nhìn thấy : – Ủa, cô T., bài cô ù từ lúc nãy, lúc anh Luân đánh cây bát vạn , sao cô không ù ? – Một cháu khác nói : – Cô T. chơi bài ngầu thật !
Những tiếng “ủa” và nhiều lần “giam tiền” …khiến tôi chóng mặt, phải xin ra ngoài nghỉ ngơi, một cháu khác vào thay thế .  Thật ra, tôi càng ngồi  lâu hơn, “làng” phải giam nhiều ván oan uổng vì tôi đánh sai nhầm nhiều quá ! Trâm cũng như tôi, thường phải có người thay thế ! Được một điều là , sau khi giam tiền xong, trong lúc xoa bài để bày bài mới, “thế trận” mới, các cháu vừa xoa bài, vừa nhìn tôi, cười tủm-tỉm : “ Cô T. này …!”
Không biết đã bao nhiêu lần, tôi được nghe những câu nói như thế, những câu nói khiến tôi cảm thấy hình như tôi vẫn còn trẻ và các cháu còn nhỏ lắm như những Tết năm xưa ở quê nhà !
Cháu H. Anh và H. Yến chơi giỏi hơn nhiều, nhưng không có óc phiêu lưu như Luân ; nếu có hoa hay khung lớn thì dựng ra để lấy phán, hay giữ khung lớn trên bài để dễ ù hơn . Chị Q. tôi chơi rất giỏi – chỉ kém anh Q. Nhưng chị  cũng không phiêu lưu như Luân .Chị ù những ván rất lớn : ù mủn sáu phán hay năm phán là rất thường . Nay vì lớn tuổi, chị thỉnh thoảng quên nhớ và, chị nhìn những cây bài không rõ .Một lần, chị quên không lấy bài vào sau khi đã dựng hoa, rồi ngay sau đó, không hiểu sao, chị lại thừa bài, phải vứt ra một cây ! Cũng như tôi, chị được “luật gia đình” tha thứ, chị được quyền tiếp tục đánh sao cho  ù được . Đúng lúc, khi bàn tay của chị tôi đưa qua đưa lại trên bàn mạt-chược để điều chỉnh bài liên tiếp như thế,  ai đó bỗng nói : – “ Mẹ đang múa quạt !!”
Những chuỗi cười ngất ngư đến đau bụng lại vang lên, ầm nhà .(Hình dưới:H.Yên-BT và hai cháu nhỏ)

m

Giờ khắc chơi bài mạt-chược với gia đình là thời khắc được gần gũi nhau, được trở lại “những ngày xưa thân ái” và, để thắt chặt hơn tình máu mủ, ruột thịt . ..
Nhưng ai cũng phải tuân theo “luật thời gian” . Ngày vui qua mau . Những ngày vui xuân
như càng  ngắn lại sau những trận cười ‘liên tu bất tận” như thế .

Khi đã trở về nhà, tôi vẫn nghe trong đầu, tiếng cười, tiếng nói của chị và các cháu …Tôi
hiểu được một điều : Đời sống vẫn đẹp lắm, nếu chúng ta biết gìn giữ hay, nắm bắt đúng lúc những cơ hội của cuộc đời !

Nhã Nhạc
Quận Cam, Mồng 6 Tết Tân Mão 2011

Giờ

                 LK.Luân&Trâm Karen)

1-Chú thích: những “nhân vật” chơi bài đều được highlight mầu vàng !

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics