Nguồn: Trang web Tammy 09 – Đăng lại ngày 28-4-2017 đánh dấu 42 năm xa Quê Hương- NN
07/04/2010: Thương Tiếc
Category: Tùy Bút / Hồi ký
Posted by: Tbl Đọc: 5525 lần
Thương Tiếc
Nhã Nhạc
“Thương tiếc” là tên một bức tượng dựng tại Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa từ trước năm 1975 . Biến cố 30-4-1975 đã khiến tất cả người dân miền Nam, ở trong nước cũng như hải ngoại, đi từ đau đớn, bàng hoàng lúc ban đầu đến thương tiếc, ngậm ngùi trong suốt 35 năm qua . Ai trong chúng ta, không nhiều thì ít, đều đã kinh qua nỗi…
… đau đớn , thương tiếc này. Ngày 30-4-1975 là ngày Miền Nam Cộng Hòa của chúng ta chính thức mất vào tay Cộng sản miền Bắc, nhưng trước đó, ít nhất và rõ nhất là từ khoảng giữa tháng 3-1975, nhiều thành phố của miền Nam chúng ta đã lần lượt rơi vào sự tấn công ào ạt của họ : Huế, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Cam Ranh, Pleiku … (Hình dưới1 và 2 :Di tản từ Huế vào Đà Nẵng ngày 24 và 26-3-75)
Một người không hiểu gì nhiều về quân sự, chính trị, như chúng tôi , cũng thấy rõ ràng nguyên nhân tại sao chúng ta thua : CS Bắc Việt tiếp tục nhận được cấp viện rất dồi dào của Cộng Sản Quốc Tế ; Miền Nam VN Cộng Hòa bị trói tay vì cạn kiệt viện trợ -chính yếu từ chính phủ Mỹ –
Những sự kiện lớn trong tháng 4-1975 được ghi lại như sau :
-Ngày 27-4-1975, Việt Cộng pháo kích dữ dội vào căn cứ Không quân Biên Hòa .Khi Cộng quân tiến đánh Sài Gòn, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn khởi sự cuộc di tản nhân viên Mỹ cùng nhân viên Việt của họ .
-Ngày 28-4-1975, khoảng 6 giờ chiều, tân “Tổng thống” Dương Văn Minh tuyên thệ nhận chức, ngay sau buổi lễ, 3 phi cơ Cộng Sản (CS) tấn công bất ngờ phi trường Tân Sơn Nhất ; chiến xa trọng pháo mở đường vào Sài Gòn .
-Ngày 29-4-1975, Cộng quân bắn rốc-kết vào phi trường Tân Sơn Nhất : 2 binh sĩ Mỹ cuối cùng thiệt mạng trong trận tấn công này .
-Ngày 30-4-1975, * sáng sớm, Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin là 1 trong số những người Mỹ cuối cùng được không vận ra khỏi Sài Gòn về phía hạm đội 7 đậu ngoài khơi VN .
(Cảnh di tản)
* Khoảng gần 10 giờ sáng, chiến xa CS tông đổ cánh cổng trước Dinh Độc Lập .
* Khoảng 10 giờ 30 sáng, “Tổng thống” Dương Văn Minh, thay mặt VNCH, đầu hàng không điều kiện … chấm dứt cuộc chiến 30 năm tại VN .
Trong bài “Nhớ Thăng Long Thành”, chúng tôi đã nhắc đến những chiến sĩ VNCH, từ cấp Binh Nhì tới cấp Tướng, đã tự sát trong ngày 30-4-1975 . Nay tài liệu cho biết thêm : cũng trong ngày 30-4-1975, tại Trường Thiếu Sinh Quân, Vũng Tàu, cách Sài Gòn 120 cây số về hướng Đông Nam, các Thiếu Sinh Quân tại đây đã chống lại lệnh đầu hàng quân CS mà tiếp tục chiến đấu cho tới khi trường của họ bị Cộng quân tràn ngập .
Sau 30-4-1975, xuất hiện câu nói : “Cái cột đèn, nếu biết đi, nó cũng đi” , người Miền Nam VN, đã liều hy sinh đến cả tính mạng, tìm mọi cách để đến được bến bờ Tự Do . Nhưng, còn người nằm dưới mộ sâu thì sao ? Đó lại là một vấn đề làm nhức nhối hầu hết người dân miền Nam trước đây . Họ không có thân nhân nằm lại tại các Nghĩa trang dân sự thì cũng ở trong Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa (NTQĐBH). Trong bài viết “Cái bia”, tác giả (tg) Hoằng Hữu NVP cũng nhắc đến những ngôi mộ,có chủ hay vô chủ tại miền Nam, đang bị CS đòi lại đất ! Ai trong chúng ta cũng đều được dạy rằng “Nghĩa tử là nghĩa tận” (đối với bạn cũng như đối với kẻ thù) nhưng người CS không được dạy như thế . Và tất cả chúng ta càng lo hơn cho những ngôi mộ của các Chiến sĩ VNCH đã “Vị Quốc vong thân”, nằm lại trong Nghĩa Trang QĐ Biên Hòa .
Trong bài thơ “Đêm, nhớ trăng Sài Gòn”, (!978), của tg Du Tử Lê, khi nhớ tới những đồng đội của mình còn nằm lại tại đây, tg đã gọi nơi này bằng 1 tiếng rất thân thiết qua 2 câu thơ sau đây :
” nhớ nghĩa trang : quê hương bạn bè
nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường”
Theo nhật báo Viễn Đông, phát hành ngày 12-1-2007, nhà báo Vi Túy, một trong số những nhà báo Úc gốc Việt đã về VN, tới thăm Nghĩa trang QĐ Biên Hòa , nhà báo Vi Túy đọc thấy 2 câu thơ, không biết của ai, ghi trên một ngôi mộ chiến sĩ vô danh :
” Tôi về giữa chốn hoang sơ,
thầm hôn trên những nấm mồ vô danh
Thật là buồn ! Thật là đầy Thương Tiếc !
Và, có bao nhiêu nỗi buồn , bao nhiêu nỗi thương tiếc, đang trở lại với chúng ta trong những ngày này ?!
Nhã Nhạc
4/2010
(Hình1 “Pho tượng lính”
Hình cuối cùng: Nấm mồ chiến sĩ trong “chốn hoang sơ”)